;
Chúng ta đang hân hoan chào mừng sự kiện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đã bước vào tuổi ba mươi. Đó là một khoảng thời gian chưa thể là dài lắm, nhưng với ý nghĩa lịch sử, chừng ấy là một chuỗi nổ lực đáng kể chứng minh cho những thành tựu nhất định của mình trong dòng lịch sử dân tộc cũng như với chính giá trị hai ngàn năm tồn tại trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu này.
Ba mươi năm, độ tuổi chín muồi của một chàng thanh niên chững chạc, chuẩn bị bước vào những giai đoạn mới với nhiều vấn đề còn tồn đọng và những vấn đề lớn khác mang tính thách thức.
Bằng khả năng và nội lực sung mãn của mình, hy vọng GHPGVN sẽ tiếp tục sứ mạng nối truyền lịch sử vẻ vang của chư lịch đại tổ sư, chư vị tiền bối hữu công, đã giữ vững ngọn cờ Phật giáo luôn tung bay tự tại trên đất nước này.
Để làm được những việc đó, trước tiên GHPGVN phải chuẩn bị cho mình tư thế của lịch sử. Từ đó nhìn lại sau lưng, bằng trách nhiệm của mình, nên nghiêm túc nhìn nhận những sai sử, những vấp ngã, ngay cả trong ý nghĩa của khái niệm ý thức hệ. Bởi vì sao? Chỉ bởi vì GHPGVN là một tổ chức kế thừa lịch sử Phật giáo hai ngàn năm. Đơn giản chỉ là vậy, nhưng nhiệm vụ thì hoàn toàn không giản đơn chút nào.
Chúng ta hãy bình tâm, thử nhìn lại những thành tựu và những khiếm khuyết trên mặt bằng trách nhiệm; những việc thành tựu và khiếm khuyết này không nằm trên mặt giấy trắng trong những bài diễn văn, những bản báo cáo; vì thế hiện vẫn còn tồn tại, chưa có hướng khơi thông, cũng có thể nói là lâm vào thế bế tắc.
Chúng ta có thể gọi đây là những vấn đề chìm. Ngay như trên những vấn đề nổi cũng vậy, có rất nhiều điều còn dang dở.
Trong quá trình làm việc, trao đổi cũng như làm một vài “Test” thăm dò bỏ túi, người viết đã có một vài nhận định; và đây cũng là những đề xuất góp ý, như sau:
- Hàng lãnh đạo Trung Ương GHPGVN chưa đồng nhất lời hứa “trẻ hóa cơ cấu", mạnh dạn sử dụng Tăng tài và nhân tài do mình đào luyện nên trong suốt ba mươi năm nay. Đây là hệ quả tất yếu dẫn đến sự kiêm nhiệm quá nhiều chức danh, đồng thời cũng là mồi lửa dẫn đến những trạng thái tiêu cực, thiên kiến, phe nhóm trong nội bộ.
- Kể từ sau khi Đạo Hữu Võ Đình Cường tạ thế, dường như GHPGVN không tin tưởng lắm nhiệt tâm đóng góp của giới Cư Sĩ Phật tử trong cơ cấu lãnh đạo từ trung ương đến địa phương? Nếu có thì chỉ là những trường hợp cá biệt , nhỏ lẻ và phần lớn chỉ xảy ra ở địa phương.
Nếu trước và trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, chư tôn đức lãnh đạo không có cái nhìn xa rộng thì công đức các vị Lê Đình Thám, Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Giáp, và các nhân sĩ trí thức Phật giáo khác như Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Oánh, Văn Quang Thùy, Bùi Thiện Cơ, Lê Dự, Lê Toại, Nguyễn Cam Mọng, Dương Bá Trạc v.v... chưa thể bừng sáng trên bầu trời lịch sử Phật Giáo VN chúng ta. Đó là chưa nói đến các vị trong tổ chức Gia Đình Phật Tử VN.
Điều đó đủ nói lên ý nghĩa tu học và hóa đạo với đủ đầy các hàng Tứ Chúng trong các giai đoạn lịch sử.
Ngày nay, ý nghĩa đó tưởng cần phải nhân rộng mới xứng đáng tầm vóc một tổ chức Giáo Hội của cả nước trong thời đại tiến tiến, thanh bình và hanh thông mới phải. Với ý kiến cho rằng người cư sĩ có thể đóng góp cho GHPGVN bằng nhiều cách khác nhau như giáo dục gia đình, khuyên nhủ con cái quy y theo Phật, giúp đồng bào nghèo vùng xa… thì đó là nhiệm vụ một cư sĩ trong xã hội hoặc của các tổ chức từ thiện, chớ nên nhầm lẫn.
Ở đây người viết đang nói đến vai trò người cư sĩ Phật tử trong GHPGVN. Xin lưu ý thêm là vấn đề này vẫn có ghi trong Hiến Chương GHPGVN ở Điều 7 – Chương II - Mục Đích Thành Phần.
- Có những điều bất cập mà GHPGVN chúng ta chưa làm sáng tỏ để bảo vệ Tăng - Ni cũng như cơ sở tôn giáo của mình. Nhất là ở thôn quê các tỉnh phía Bắc, Phật giáo những nơi này chưa đủ sức mạnh để thuyết phục thôn làng trong chuyện Ban Hộ Tự do chính thôn làng tự lập ra theo truyền thống, dẫn đến nhiều vụ va chạm không đáng có.
Vấn đề này, có lẽ người viết xin trích nguyên văn ý kiến của độc giả Nguyễn Công Hùng trên mạng phattuvietnam.net như sau: "Khoản 3 Điều 4 Chương I của Pháp lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo số 21/2004/PL-UBTVQH ngày 18/6/2004 của Ủy ban thường Vụ Quốc Hội quy định: "Tổ chức tôn giáo cơ sở là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm Ban Hộ Tự hoặc Ban Quản trị Chùa của Đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của Cao Đài, ban trị sự Xã ,phường của Phật giáo Hòa Hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác”.
Theo điều 28 Chương VI của Hiến Chưiơng GHPGVN quy định: “Đơn vị cơ sở của GHPGVN là các Tư, Viện,Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường”.
Như vậy khái niệm tổ chức tôn giáo quy định của đạo Phật do Pháp Lệnh Tôn Giáo quy định có điểm khác so với Hiến Chương GHPGVN, điều này sẽ có những phức tạp phát sinh vì gần như các làng xã của VN đều có các chùa và Ban Hộ Tự chùa. Ban Hộ Tự các chùa này có thuộc tổ chức tôn giáo cơ sở của đạo Phật hay không , hay chỉ xét các chùa là Ban Hộ Tự chùa của làng là thói quen sinh hoạt văn hóa của nhân dân; nếu thuộc tổ chức tôn giáo cơ sở của đạo Phật thì Ban Hộ Tự chùa do tín đồ và chịu sự giám sát, chỉ đạo của tổ chức tôn giáo cấp huyện, tỉnh,TW, nếu không thuộc tổ chức tôn giáo cơ sở của đạo Phật thì chùa và Ban Hộ Tự các chùa của thôn, làng do sở VHTT&DL quản lý? Trên là những thắc mắc của tôi, rất mong được giải đáp.”
- GHPGVN chưa thể hiện hết chức năng và giá trị lịch sử của mình trên ngưỡng cửa nhìn ra thế giới. Bỏ ngỏ nhiều khoảng trống nhạy cảm, rất dễ bị các thế lực xấu chen vào chiếm chỗ. Với Phật giáo năm châu bốn biển, PGVN không phải là một nước có một tôn giáo nhỏ bé, có mặt và tồn tại suốt hai ngàn năm lịch sử không phải bằng vũ lực, bằng sự chiếm đóng, mà là bằng chính giá trị sức mạnh nội tại của mình, un đúc nên tinh thần, văn hóa con người Việt nam.
Tuy mang danh là một tổ chức tôn giáo nhưng Phật giáo thế giới nói chung và PGVN nói riêng, vẫn sống trong ý niệm tiến bộ xã hội, chưa bao giờ, nơi đâu PG đưa đẩy xã hội xuống chìu sâu hố thẳm.
Vì thế, ngoại giao không chỉ là thăm viếng, giao lưu mang tính chất nghi lễ xã giao , mà phải là ngọn cờ tiên phong đưa cái giá trị văn hóa và đóng góp bình ổn nhân tâm nơi trú xứ của mình đến với mọi nơi.
- Về lĩnh vực văn hóa Phật giáo, đây là khâu yếu kém nhất trong nhiều nhiệm kỳ qua của GHPGVN chúng ta. Văn hóa ở đây không chỉ đơn thuần là in ấn, triển lãm mà còn nhiều mặt khác nữa. Thí dụ như biểu diễn nghệ thuật, sáng tác và thực hiện những công trình nghệ thuật xứng tầm và đúng nghĩa của Phật giáo.
Chúng ta đã buông bỏ khá lâu lãnh vực này để nó tự phát, dựa vào nhãn mác “phát tâm cúng dường” qua mặt được những vị lãnh đạo dễ dãi.
Kết quả công chúng phải đón nhận những thành quả văn hóa nửa vời mang danh Phật giáo. Đây là một điều sỉ nhục đối với những tư tưởng tiến bộ, luôn canh cánh bên lòng những thôi thúc, làm sao cho văn hóa Phật giáo được phát triển và đi đúng hướng của nó.
Lẽ ra lĩnh vực này phải tiên phong học cung cách văn hóa từ chức trước khi tự nhận mình là một cán bộ văn hóa Phật giáo. Sự trì trệ trong tư duy dẫn đến sự ì ạch, bế tắc trong các chiến lược phát triển văn hóa Phật giáo.
Tưởng cũng không còn cần thiết phải che dấu khi thưc tế đã xảy ra sự đối kháng, tuy chưa thể gọi là nghiêm trọng nhưng cũng đủ nói lên cách thực hiện chiến lược văn hóa văn nghệ Phật giáo thiếu tính sáng tạo, nghèo nàn trong nhận thức trách nhiệm, thiếu tính thuyết phục, đã vô tình đẩy những nhân tố tích cực trong lĩnh vực này sang bên lề, vô hình chung khơi mầm cho sự cô lập không đáng có. Và sự thật đó đã và đang tồn tại âm ỉ, rất ngột ngạt.
Có lẽ phần lỗi trước tiên do ở sự chọn lựa nhân sự không phù hợp với khả năng thực tiễn. Mặt bằng của sự thật này cũng là câu trả lời xác đáng nhất, cho tới thời điểm này.
Đã có rất nhiều ý kiến nhận định rằng, lĩnh vực Văn hóa - Văn Nghệ Phật giáo nên mạnh dạng giao phó trọng trách cho giới cư sĩ Phật tử đảm nhận. Qua họ, những gút mắc lẫn va chạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ sẽ thuận lợi, thuyết phục hơn, dễ dàng hơn là một hình bóng tăng sĩ phải đương đầu một cách miễn cưỡng (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
- Với bề dày lịch sử của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GDPT), GHPGVN tuy vẫn từng bước hoàn thiện sự công nhận nhưng dường như thực tại cho thấy đó chỉ là sự công nhận trong mặc định, chưa mạnh dạnh giao phó trách nhiệm cho đội ngũ Huynh Trưởng có tâm huyết, trước khi đòi hỏi tổ chức này nên cải tổ hoặc bổ sung cho phù hợp thời thế mới ở một vài điểm nào đó.
Nhìn vào diễn trình tồn tại và cống hiến của tổ chức này, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhiều ý kiến gần đây trong việc nâng cao vai trò người Cư Sĩ Phật Tử trong các hoạt động GHPVN có phần bộc lộ sự khuất lấp.
Tại sao lại muốn có người cư sĩ tài năng và đạo đức tốt trước hết phải ra sức đào ĐÀO LUYỆN và KIẾN LẬP - XÂY DỰNG thành một đội ngũ vững mạnh? Trước hết chúng ta lấy đâu ra con người, mà lại là con người có đấy đù Tài Năng và Đạo Đức và rồi ai sẽ là người đứng ra làm công việc xác định đó, để mà kiến lập - xây dựng thành đội ngũ vững mạnh ???
Người cư sĩ Phật tử có được, dù xuất thân từ thành phần nào, trước tiên họ đã là một …Phật Tử! Bằng khả năng chuyên môn cộng với tấm lòng thiết tha với đạo pháp, họ đến với Giáo Hội bằng tư thái cống hiến vô vị lợi, và Giáo Hội tùy duyên, dựa vào khả năng ấy chấp nhận sự cống hiến. Cho nên nếu nói kiến lập - đào luyện – xây dựng thành đội ngũ vững mạnh còn có ý nghĩa khác nào như một cuộc thi tuyển công chức đấy thôi.
Vậy nên, GĐPTVN là cơ sở, hay ít ra là bài học về sự đào luyện – kiến lập - xây dựng đội ngữ vững mạnh để chúng ta nhìn thấy giá trị thực tiễn của một đội ngũ kế thừa xuất sắc (cư sĩ Phật tử), hỗ trợ công cuộc hoằng hóa của GHPGVN ý nghĩa và quan trọng dường nào.
Thời gian gần đây, bên cạnh tổ chức GDPT chúng ta còn cố gắng thành lập thêm nhiều câu lạc bộ thanh niên phật tử với ý nguyện đáp ứng thêm một phần lựa chọn hình thái tu học của giới trẻ. Đó là một lối mở hợp lý nhưng rõ ràng cũng cho chúng ta thấy ra được sự lúng một thời trong cách nhìn. Đây cũng là bài học của Tổng Vụ Thanh Niên ngày trước đã sớm nhận ra điều đó, với sáu Vụ (Thanh Niên – Sinh Viên – Học Sinh – Hướng Đạo Phật Giáo – Thanh Niên Phật Tử Thiện Chí - Gia Đình Phật Tử) mà dường như vẫn chưa thể gọi là đáp ứng được nhu cầu tu học của thanh niên.
Đó là chưa nói đến một không gian rộng hơn là cư sĩ Phật tử với sự có mặt của Tổng Vụ Cư Sĩ ôm trong lòng nhiều tổ chức, ngành nghề, kể cả tiểu thương cũng có (thú vị nhất có lẽ là các nghiệp đoàn Phật tử như: Taxi, Xích lô..).
Thế nên nhu cầu tu học của cư sĩ Phật tử rất thiên hình vạn trạng , nói đáp ứng được nhu cầu ấy thì có tự tin quá đáng chăng? Vì vậy một sự hiện hữu của GDPT chưa phải là duy nhất và cũng chưa phải là giải pháp số một , nhưng với sự bền vững của ngôi nhà Phật pháp và của chính tổ chức này, đi tìm xây dựng đội ngũ Phật tử vững mạnh thì trước mắt chỉ có tổ chức này là cơ sở đáng tin cậy để GHPGVN chúng ta suy nghiệm.
Ba mươi năm , tuổi đời con người đã bước vào thời kỳ trung niên chính chắn. Sự nghiệp và cuộc sống bắt đầu từ đây. Người trung niên bây giờ biết rũ bỏ những cái vấp ngã mà thửa còn thanh niên vốn tính khí bồng bột, sôi nổi vấp phải.
Cho nên với ý nghĩa đó ba mươi năm của GHPGVN chưa thể là dài nhưng cũng là cơ sở, điểm tựa để chúng ta nhìn lại những sai sót, những thành tựu đạt được để có bước tiến tiếp theo trong cuộc hành trình đồng hành cùng dân tộc một cách hoàn hảo hơn, như lời cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ trong diễn văn khai mạc Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất PGVN “Ngày nay, đất nước đã độc lập thống nhất thật sự, với sự khuyến khích, giúp đỡ của chính phủ và Mặt Trận TQVN, với kinh nghiệm đã qua và sự quyết tâm của toàn thể tăng ni, Phật tử cả nước, chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thực sự, đúng với danh nghĩa của nó”.
Ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam