;
Cửa Phật là cửa từ bi, cửa Phật cho dù là Giáo hội cấp nào đi nữa cũng không nên biến thành Cửa Quyền lực chỉ có giáng tội mà không có phân định công tội rạch ròi. Có như vậy mới có thể thực hiện lời Chư Phật dạy: Tứ chúng đồng tu.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2017, trên hệ thống thông tin cả nước ghi nhận hai thông tin thời sự xảy ra gần như cùng thời điểm, thu hút sự quan tâm và chia sẻ của đông đảo dư luận. Một việc xảy ra ngoài thế tục và một việc xảy ra trong sinh hoạt Giáo hội.
Đây là thông tin số 1: Ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng về việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại cuộc tọa đàm về Sơn Trà ngày 30/5 vừa rồi.
Công văn nêu rõ: “Ngày 30/5, tại tọa đàm Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Mặc dù đã được chủ trì toạ đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại toạ đàm những nội dung thiếu chính xác".
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề và đã ra văn bản đề nghị Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng xem xét sự việc trên, đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nhưng ngay khi vừa phát hành văn bản này với những nội dung, từ ngữ, tạo ra cách hiểu khác nhau, đã gây bức xúc trong dư luận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi điện góp ý với người ký văn bản: “Văn bản Bộ ra rất không chuẩn ở chỗ đòi ông Vinh giải trình. Anh em tham mưu quen kiểu hành chính, cứ nghĩ như cán bộ của mình. Nên thu hồi văn bản đó ngay”. Một ngày sau đó, Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát thông cáo báo chí chỉ đạo thu hồi văn bản gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu “xử lý” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vì phát ngôn liên quan đến quy hoạch Sơn Trà.
Bộ này cũng thừa nhận văn bản trên “có một số nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm” và nhận trách nhiệm về “những sơ xuất tại nội dung văn bản", đồng thời chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu, ban hành văn bản và báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 5/6/2017.
Thông tin thứ 2: Hội đồng Trị sự (HĐTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ban hành công văn 286 ngày 25/5/2017 do HT. Thích Thiện Pháp ký. Nội dung công văn yêu cầu Thu hồi Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời buộc Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và Đại đức Thích Thiện Thuận làm kiểm điểm trước Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN vì đã có bài phát biểu tham luận Tâm và tầm, tiêu chuẩn người cán bộ Giáo hội đã “vượt ngoài khuôn khổ cho phép của một bài tham luận ở Đại hội Phật giáo cấp tỉnh”.
Cũng như trường hợp thông tin thứ nhất, công văn 286 với những nội dung, từ ngữ tạo ra cách hiểu khác nhau, cũng đã gây bức xúc trong dư luận với nhiều ý kiến bênh vực cho tác giả bài tham luận bị cho là có vấn đề, dẫn đến yêu cầu thu hồi toàn bộ Kỷ yếu Đại hội Phật giáo tỉnh BR-VT. Từ 2 vụ việc na ná giống nhau, một cuộc Hội thảo và một cuộc Đại hội yêu cầu Đại biểu tham dự có ý kiến phát biểu, nhưng cuối cùng người được mời phát biểu lại trở thành một “tội phạm” cần xử lý và một người phải làm kiểm điểm.
Là một Phật tử được tham dự Đại hội Phật giáo của tỉnh BR-VT, xem công văn 286 và đọc thông tin vụ việc ở Đà Nẵng, tôi xin mạo muội có vài ý kiến để rộng đường dư luận và đề đạt lên chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo HĐTS GHPGVN một vài ý kiến.
Trước hết, là người chứng kiến, tôi cho rằng một bản tham luận được phát biểu ở Đại hội Đại biểu Phật giáo Tỉnh BR-VT của một đại biểu tu sĩ trú xứ ở BR-VT là đúng nơi, đúng chỗ. Nhưng, bằng một văn bản của cấp hành chánh Phật giáo Trung ương đã “nâng tầm” một bản tham luận nói về những vấn đề của nội bộ Giáo hội tỉnh chưa được đánh giá đúng sai, chỉ có giá trị tham khảo và phản biện thành một ý kiến phản bác, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công khai khơi gợi, thu hút sự quan tâm tìm đọc, tạo thành dư luận quần chúng không thể kiểm soát.
Điều này lại diễn ra ngay trước sự kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc sắp diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào thượng tuần tháng 11 này; rõ ràng, đây chính là một việc làm thiếu cân nhắc, tạo cơ hội cho người vạch lỗi mà chỉ trích Giáo hội.
Nếu xem xét chu toàn hơn, bản tham luận của Đại đức Thích Thiện Thuận cũng chỉ là một ý kiến tham khảo được phát biểu trong một Đại hội cấp cơ sở đang cần lấy ý kiến tập thể. Đại đức có quyền phát biểu với tư cách đại biểu chính thức và không ai có thể áp đặt cá nhân người phát biểu nên nói gì và phải nói gì trong một Đại hội. Vì như thế là vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ mà chính Giáo hội cấp trên vẫn kêu gọi nhằm tạo sự cởi mở, đồng thuận cao.
Việc gấp gáp ban hành công văn 286 cũng cho thấy sự thiếu tinh tế của người tham mưu soạn văn bản, khi Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự vừa mới ngay trong Đại hội ban đạo từ hết lời khen ngợi và chúc mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo Bà Rịa-Vũng Tàu thành công tốt đẹp, làm công tác từ thiện-xã hội hơn 302 tỷ đồng là tỉnh đứng đầu trong các tỉnh, thành đã Đại hội thời gian qua.
Tân Ban Trị sự đang làm công việc đi cám ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ công tác tổ chức Đại hội thì đã có một công văn của Giáo hội cấp trên giáng xuống, phủ nhận tất cả các thành quả của Đại hội với việc buộc thu hồi Kỷ yếu, buộc Hòa thượng Tân Trưởng ban Trị sự và Đại đức Thích Thiện Thuận vừa được Đại hội tín nhiệm suy cử chức vụ Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp phải có bản kiểm điểm trước Ban Thường trực HĐTS (!?).
Như vậy thì công luận có thể đặt ngược lại một câu hỏi với người chịu trách nhiệm tham mưu soạn văn bản: phải chăng, với công văn 286 ban hành 4 ngày sau Đại hội là hành động “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ” phủ quyết thành công của Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh BR-VT, phản bác lại đánh giá phấn khởi của chính Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đã được Ngài trịnh trọng tuyên bố trong Đại hội? Và cũng phản bác lại tiếng vỗ tay nhiệt thành tán dương thành công Đại hội của chính HT. Thích Thiện Pháp - người chấp bút ký công văn 286?
Là người được có mặt trong đoàn Phật tử tham gia Đại hội, bản thân tôi cũng không hiểu vì sao HT. Thích Thiện Pháp ngồi trên bàn Chứng minh trong Đại hội Trù bị, khi phát biểu chỉ đạo đã không có ý kiến phản bác, góp ý thẳng thắn với bản tham luận của Đại đức Thích Thiện Thuận khi được đọc, để người viết rút kinh nghiệm, để Đại hội được liễu tri thế nào là giới hạn của một bài tham luận cấp tỉnh, và cũng sẽ kịp thời ngăn lại việc phát hành Kỷ yếu trong Đại hội chính thức.
Như vậy sẽ có tình, có lý với nhau, hơn là sau một chuyện đã rồi, lại ký văn bản buộc Giáo hội cấp dưới phải thu hồi lại toàn bộ quà tặng. Một việc hoàn toàn bất khả thi.
Trong 6 pháp hòa kính, Đức Phật có dạy: Kiến hoà đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu), cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người. Tham gia làm cán bộ Giáo hội, các vị tu sĩ đã phải thu xếp thời gian tu tập bó hẹp của mình để đảm đương thêm phần trách nhiệm vì lợi ích nhân sinh, vì trường tồn Phật giáo.
Trong quá trình công tác đa đoan, đầy dẫy não phiền giữa đời và đạo, người cán bộ là tu sĩ khi hiểu biết được điều gì tốt đẹp, thấy điều gì chưa hay, đều có nhu cầu phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi. Chúng tôi tin Đại đức đã viết tham luận với suy nghĩ tốt đẹp đó.
Trong trường hợp nếu như chư Tôn đức Giáo hội cấp trên thấy bài tham luận của Đại đức Thích Thiện Thuận vượt ngoài khuôn khổ Đại hội cấp tỉnh thì cũng nên gọi lên chỉ dạy để Đại đức rút kinh nghiệm quý báu trên con đường thực thi nhiệm vụ vẫn còn dài ở phía trước, thay vì phải ban hành một văn bản có tính chất quy án thành tội vì cái lỗi chưa hiểu biết thấu đáo các quy định giới hạn văn bản nào đó của Trung ương Giáo hội.
Việc này có thể sẽ làm chùn chân những tu sĩ đã và đang là cán bộ Giáo hội đầy nhiệt huyết.
Kinh Pháp Cú có viết:
“Vui thay hòa hợp tăng già,
Lành thay bốn chúng vui mà đồng tu’’.
Trên tinh thần hòa hợp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, Phật tử chúng tôi rất mong Giáo hội Trung ương sẽ nêu cao tinh thần Lục hòa, giúp cho mọi sinh hoạt tập thể được phát triển theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thông cảm và biết chia sẻ cho nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần, để xem xét lại một cách thấu đáo hơn mà sớm có động thái ban hành văn bản thu hồi lại công văn 286.
Chúng tôi tha thiết kính mong chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội sớm xem xét việc thu hồi một văn bản không được sự đồng thuận cao trong giới Tăng Ni, Phật tử tại Việt Nam và hải ngoại. Việc làm này sẽ cho mọi người thấy, Giáo hội Trung ương luôn ứng dụng và nêu cao tinh thần từ bi - trí tuệ - hỷ xả - như pháp trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của nội bộ Phật giáo.
Đồng thời, có tác động khuyến tấn các Tăng sĩ trẻ tiếp tục phát huy tinh thần mạnh dạn cống hiến cho đại cuộc và cũng mạnh dạn sửa chữa những điểm bản thân còn non yếu trong công tác Giáo hội.
Cửa Phật là cửa từ bi, cửa Phật cho dù là Giáo hội cấp nào đi nữa cũng không nên biến thành Cửa Quyền lực chỉ có giáng tội mà không có phân định công tội rạch ròi. Có như vậy mới có thể thực hiện lời Chư Phật dạy: Tứ chúng đồng tu.
Việc Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát thông cáo báo chí chỉ đạo thu hồi văn bản gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu “xử lý” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vì phát ngôn liên quan đến quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng) và nhận trách nhiệm về việc ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp và gây hiểu lầm, chúng tôi cho rằng, đây chính là sự ứng phó mạnh dạn, thông minh, và cần thiết để chấn chỉnh dư luận, tạo niềm tin vào lời kêu gọi xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thế tục đầy quyền lực, cạnh tranh mà họ còn mạnh dạn sửa cái chưa đúng, Giáo hội chúng ta với tinh thần từ bi - trí tuệ chắc chắn sẽ có cách giải quyết sáng suốt và đem lại hoan hỷ trong tinh thần phụng sự đạo pháp. Chúng tôi tin chắc như thế.
Phật tử Đức Hương (Quận 10)
Nguồn: Phattuvietnam.net
박지선
Cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc rất bức xúc với công văn thiếu tình người, thiếu từ bi này. Nếu Giáo hội Trung ương cố chấp, không thu hồi công văn này thì chẳng ai tin vào Giáo hội nữa, vì đã quá vô tâm với ý kiến chân tình của cộng đồng Tăng Ni và Phật tử trong nước và hải ngoại.
Calvin Ly
Tôi và bạn bè đang sống tại Mỹ phần đông đều rất quý kính đạo hạnh, kiến thức của thầy Thích Thiện Thuận, dù chưa được gặp mặt. Vì thầy thể hiện cách sống, nói năng chân tình, thẳng thắn và trách nhiệm. Giáo hội dùng quyền lực để bức ép thầy Thích Thiện Thuận vì tỵ hiềm, tư thù nhưng không thể thay đổi được tình cảm và tấm lòng mọi người trên khắp thế giới dành cho thầy Thiện Thuận. Để thuận lòng người, tôi tin là Giáo Hội sẽ biết mình cần làm gì đúng vai trò lãnh đạo và điều hành tổ chức của Đạo Từ Bi.
Thích 11 Trả lời 6/26/2017 6:43:58 AM