;
Theo lịch sử chùa Long Thạnh, chùa lúc bấy giờ với tên gọi Thiên Đức do cố Hòa thượng Thiệt Địa Từ Lâm Tế chánh Tông Tam thập Ngũ Thế khai sơn vào năm Canh Dần 1770 - PL. 2314 thuộc xóm Ổi, xã Hoài Nhân, tổng Hà Ngoại, phủ Vạn Ninh.
Buổi sơ khai, chùa là ngôi thảo am lợp tranh, vách lá với chiều dài 10m, chiều rộng 6m, kiểu chùa ba gian, cửa xây mặt về hướng Nam (Hòn Hèo).
Lúc bấy giờ, khu vực Hòn Khói chỉ có một ngôi chùa Thiên Đức duy nhất. Với sự mộ đạo của dân chúng, ngày càng có nhiều Phật tử về chùa bái sám.
Năm 1795, Tổ đã trùng tu lại ngôi chùa tường xây đá vôi, mái lợp ngói âm dương và diện tích chùa được mở rộng thêm với chiều dài 16m, chiều rộng 21m.
Chánh điện chùa Long Thạnh.
Lúc này, có một người ở Đàng Ngoài di cư vào Nam, ông mang họ Trần rất giỏi chữ Hán Nôm đến xóm Ổi xin Hòa thượng ở lại chùa làm công quả. Các cháu chắt của ông là các cụ Trần Ất, Trần Minh Hồ hiện đang ở tổ dân phố Thạnh Danh.
Năm 1810, Hòa thượng do tuổi cao sức yếu nên về chùa Bửu Phong (thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) chuyên tu Tịnh độ. Sau khi viên tịch Tổ đã để lại xá lợi là một ngón tay, một dùi mõ, một mũ hòa thượng và một y áo cũ.
Từ đó vị họ Trần thay vị trụ trì hướng dẫn bà con tu tập, mở trường dạy chữ Nho cho các vị trong xóm Ổi. Trong số đó có vị thầy tại gia họ Nguyễn (thường gọi là thầy Bảy) được vị họ Trần giao quản lý chùa trong suốt 33 năm.
Năm1940 khi làng Ổi được đổi tên là thôn Thạnh Danh, xã Ninh Diêm, phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; các vị hào lão tiếp tục truyền thừa gìn giữ ngôi chùa cho đến năm 1989.
Ngày 16-3-1999, sư cô Thích nữ Chơn Ân được thỉnh về trụ trì. Ngôi chùa lúc này đã xuống cấp trầm trọng. Được sự đồng thuận của bà con Phật tử gần xa, các công trình được trùng tu và xây dựng như sau:
_ Năm 2001: Chánh điện, cổng Tam Quan, nhà trù.
_Năm 2006: Nhà Vãng sanh
_Năm 2013: Giảng đường
Hôm chúng tôi đến thăm, công trình khu giảng đường đang tiếp tục thi công. Bác Lương Ngọc Hoàng, trưởng Ban Hộ tự hoan hỷ chia sẻ: “Với tâm huyết của sư cô Chơn Ân đảm nhiệm trụ trì từ năm 1999 đến nay, sư cô đã lái con thuyền Bát Nhã đi đúng hướng và đạt mục đích là tấm gương sáng cho Phật tử chúng tôi. Riêng tôi làm trong Ban Hộ tự đã 26 năm, tuổi cao sức yếu, nhưng vì Tam bảo, vì hạnh nguyện của sư cô, tôi sẽ còn đóng góp công sức mình để hồi hướng lên Tam bảo Long Thạnh ngày càng vững mạnh và trường tồn mãi mãi”.
Nhà vãng sanh.
Hiện chùa còn lưu giữ hai pho thượng Hộ Pháp có từ thời chùa mới khai sơn, một Đại hồng chung đã chôn dấu năm 1963 - thời kỳ pháp nạn - đến năm 1975 mới đào lên.
Chia tay ngôi chùa cổ gần 250 tuổi, lòng chúng tôi ngập tràn niềm hỷ lạc. Dưới sự hướng dẫn của vị sư trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dấng thân vì đạo Pháp, chúng tôi hy vọng rằng Phật tử chùa Long Thạnh có đầy đủ chánh kiến để nhận diện cuộc sống, chuyển hóa tâm thức và trị liệu những nỗi khổ niềm đau, sống an vui hạnh phúc, góp phần làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.