;
Miếu Bà chúa xứ thuộc phía Đông núi Sam, về hướng Tây 2 km, du khách bắt gặp bảng đề “Phước Điền Tự” là đã đến cổng dẫn lên chùa Hang khoảng 300m. Bước lên từng bậc thang, mệt mỏi xua tan khi trước mắt là gian chánh điện uy nghi, phía bên phải chánh điện hướng nhìn vào là gian thờ các vị sư tổ của nhà chùa. Chùa Hang có một kiến trúc đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang một nét trang nghiêm cổ kính với một dáng vấp huyền thoại bởi phong cách riêng của kiến trúc chùa. Từ chân Núi sam nhìn lên, chùa nằm cheo leo giữa lưng chừng núi.
Từng chùm phượng chen chút như cứ bám vào từng mái ngói, màu hồng của phượng, sắc nâu đỏ của ngói lâu rồi đã trở thành một hình ảnh đẹp, vậy mà người bản địa lại sợ ngôi chùa này bị lãng quên bởi chùa nằm khuất sau dãy nhà cặp Quốc lộ 91. Có đoàn du khách dừng lại ngắm thật lâu mới chợt nhớ Châu Đốc còn có một ngôi chùa tồn tại từ thế kỉ 18 giờ bỗng sắt son diễm lệ lạ thường.
Ở một vị trí khiêm nhường như thế, chùa Hang vẫn thu hút các tín đồ phật tử và khách thập phương vào những ngày Vu Lan, giỗ tổ sư bà Thích Nữ Diệu Thiện, ngày Phật Đản sinh và cùng với sự kiện lễ hội cấp quốc gia vía Bà chúa xứ Núi Sam thì nơi đây là nơi hành hương lý tưởng dành cho du khách.
Di tích lịch sử chùa Hang được xây dựng ở hai khu vực: phía trên cùng là công trình chính với hang đá thiên nhiên và chánh điện thờ Phật; phần dưới thấp là ngôi hậu tổ, nhà khói và các tháp. Thiên các là nơi giảng kinh được ngự giữa một hồ sen nhỏ. Chánh điện, hậu tổ và nhà khói là do bà Thợ dựng lên đầu tiên (vào khoảng 1840 – 1845) bằng tre lá đơn sơ. Năm 1885, ông Phán Thông người Châu Đốc cùng nhân dân nơi đây xây lại kết cấu nền gạch, cột gỗ căm xe, ngói mác, kèo rui gỗ thao lao… nên chùa Hang bắt đầu nổi tiếng. Tuy nhiên, đến năm 1946, ngôi chùa mới thực sự hấp dẫn khách tham quan du lịch.
Cũng năm đó, hòa thượng Nguyễn Văn Luận – trụ trì chùa đã chủ ý sửa chữa làm nên diện mạo ngôi chùa không chỉ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương vốn đã gắn bó với ngôi chùa nay còn được nhiều người biết đến. Có thể tự hào rằng, Phước Điền Tự đẹp nhất từ sau năm 1991 đến ngày nay. Nếu như được phép của nhà chùa, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được lần theo vách đá đặt chân lên sân thượng bề thế có bóng cổ thụ xòe ô trên đầu để ngắm toàn cảnh đồng bằng ruộng lúa bạt ngàn và sông rạch chằng chịt chạy miết tận chân trời.
Từ tháng ba cho đến đầu tháng sáu âm lịch, người đi trẩy hội về núi Sam đông nhất. Chùa Hang tách biệt hẳn những ồn ào náo nhiệt. Ngày hè, nắng soi thật trong xuống đỉnh núi. Phượng tỏa quanh núi Sam một mùi hương nồng nàn. Đêm, núi Sam như một hình chóp đều, có người lại ví ngọn núi như một chiếc bát úp khoe những hoa văn không cầu kì nhưng diễm ảo lung linh nhờ những ánh đèn, có cả thứ ánh sáng mong manh từ những chiếc đèn lồng được thắp quanh chùa điểm xuyết bao điều ước an lành. Và chờ con nước về từ phía những cánh đồng, núi Sam sẽ đỏm dáng làm nên một biểu tượng vùng đất An Giang trù phú.
Dựa trên phần chánh điện và hang thanh xà bạch xà phía sau chánh điện, chùa Hang từ thuở ban sơ đến nay đã phát triển và khẳng định được mình. Hiện chùa Hang có hơn 20 thầy và 8 ni sư, trong đó có 5 vị đã và đang theo học tại Học viện Phật học. Thượng tọa Thích Thiện Tài – trụ trì chùa nhận định, thời điểm nhập thất (thiền thất) mồng 8 đến 14 âm lịch, gian nhà khách của chùa ấm cúng hơn.
Quãng đi từ gian chánh điện sang ngã rẽ, lối trái sang nhà khách và lối phải vào hang đá là dãy tre ngà mọc xen vách đá, góp phần chắn cho nước nhẹ dòng. Đâu đó, thỉnh thoảng nghe được tiếng hót của một loài chim lạ. Chùa là chốn thờ Phật thiêng liêng nhất, nhưng không phải nơi duy nhất để tu. Đã bốn năm rời quê hương Phú Thọ xa xôi, sư thầy Thích Nguyên Tịnh bộc bạch bằng một ánh mắt đăm chiêu chứa đựng một nỗi niềm tưởng chừng như rất nhẹ nhưng “tu là tìm lại bản lai, nghĩa là tìm lại cái tâm của chính mình, đích cuối cùng của đường tu là sự an lành”.
Cuộc sống quần quật đã khiến người ta lắm lúc quên cả mình đang đứng ở đâu trong thế giới này. Có người dẫu biết rất rõ mình đang làm gì và sẽ ra sao nhưng vẫn cứ đi. Rồi khi dưới chân mình là đất, đấy cũng là quê hương. Hãy dành một ít thì giờ dù là hiếm hoi nhất trong quỹ đời của bạn, để kịp tịnh hòa giữa thế giới không có sự tranh đua, hồ hởi… Chùa Hang nơi bạn đứng, nhìn xa xa là hoàng hôn níu tận chân trời bên kia biên giới.
Núi Sam mùa hoa phượng dìu dịu mỗi nẻo đường. Phượng réo rắt mùa bằng những cơn mưa rào rất vội. Chiều réo rắt ngày bằng một tiếng chuông chùa miên man, thanh vọng vào vách núi, vang dần…