;
Trung tuần tháng 9 này anh em chúng tôi gồm nhạc sĩ Đặng Công Ninh, nhạc sĩ Thanh Hiệp, nhà thư pháp Thụy Quang, nhà giáo Kim Thanh và ca sĩ Hồng Hoa có dịp trở lại chùa Linh Ẩn giữa tiết trời thu dịu mát. Như thường khi, chúng tôi đều nghe theo lời Thượng tọa Trụ trì Thích Tâm Vị rằng nên ra Linh Phước hay Linh Ẩn đừng chọn đi những ngày lễ, vì như thế thầy trò ít có dịp trò chuyện, hàn huyên lâu dài. Tất nhiên dù Thầy vắng chùa hay có mặt cũng đều sắp xếp chu đáo cho anh em chúng tôi nơi ăn chốn ở tươm tất với những người Phật tử hết sức nhiệt thành, vui vẻ, khiến anh em chúng tôi quên hằn sức mệt đường xa nắng gió.
Khi đến chùa Linh Ẩn – nơi được mệnh danh là một Trúc lâm Đà Lạt thứ hai, ở thị trấn Nam Bang, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nơi mà sắp tới đây là lễ khánh thành pho tượng kim thân Bồ Tát Quán Thế Âm cao 71 mét đứng sừng sững một góc trời Nam Ban, bên dòng thác Voi ầm ào thác đổ.
Tác giả trước tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm với chiều cao 71m.
Chùa Linh Ẩn được Thượng tọa Thích Tâm Vị khai sơn vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, cách thành phố Đà Lạt 27 km (đi theo hướng Thác Cam Ly, đường Hoàng Văn Thụ, sang đèo Tà Nung –nơi ngụ cư của đồng bào người Nùng - đến thị trấn Nam Ban. Ban đầu chỉ là mái am tranh nhỏ bên dòng Thác Voi hùng vĩ, sau vì nhu cầu tu học của bà con vùng kinh tế mới Lâm Hà mà đa số là đồng bào người Hà Nội vào lập nghiệp, trong đó có nhiều thành phần từng khuấy trời đục nước, nên rất cần nơi an dựa tinh thần. Từng đến đây nhiều lần, ăn ngủ chung với quý thầy hay anh em Phật tử nơi đây, khi họ đã biết tiến tu, nghe lời chư tăng thì trông rất dễ mến và gần gũi. Và thế là chùa Linh Ẩn được phát triển và hình thành như hiện nay, trong đó có công sức và tấm lòng của họ rất lớn. Đây có thể nói T.T Thích Tâm Vị và nhất là đại đức Thích Hạnh Bảo đã làm được điều mà ít nơi khó có được, đó là thu phục và nhiếp hóa quần chúng rất thành công.
Ảnh PTVN
Trong quần thể chùa Linh Ẩn, có rất nhiều công trình lớn khác nằm chung quanh khuôn viên của chùa như tượng Di Lặc, tượng Phật Bổn Sư và hàng trăm mẫu tượng Quan Thế Âm ngự đều khắp nơi. Như đã nói, chùa linh Ẩn từ nay sẽ còn được nhiều người biết đến với pho tượng Quán Thế Âm cao lớn nhất chưa từng thấy và sẽ là một kỷ lục mới nữa của riêng chùa và Phật giáo tình nhà nói chung. Pho tượng được khởi công xây dựng từ hơn hai năm nay , bằng chất liệu ciment cốt thép, dưới sự điều hành và quán xuyến của đại đức Thích Hạnh Bảo, trưởng tử của T.T Thích Tâm Vị, và là người thay mặt thầy mình chăm lo chùa Linh Ẩn và chùa Linh Bửu, cả hai đều nằm trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Trong lo toan bộn bề cho kịp ngày lễ khánh thành sắp tới, nhưng thầy Thích Hạnh Bảo vẫn ân cần đón tiếp anh em chúng tôi rất chu đáo và vui vẻ. Nhờ đó mới biết thêm nhiều khó khăn lo âu lẫn lạc quan trong quá trình xây dựng tôn tuợng Quán Thế Âm to lớn này.
Về lại Sài gòn, mấy ngày nay mưa dầm liên tục, lòng lại luôn nhớ về vùng đất Nam Ban, có vị tăng trẻ hiền hòa mà bản lĩnh, nhớ từng gương mặt anh em Phật tử chơn chất, đon đả đi hái từng trái bơ, đóng gói từng bịch trà để mang đến làm quà Nam Ban cho anh em chúng tôi bất luận giữa trời khuya giá lạnh.
Xin hướng về hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm, chia sẻ niềm hân hoan ngày lễ khánh thành kim thân tượng ngài sắp đến. Nguyện cho chí tu học vững bền, lòng từ mẫn kim cương bất hoại, để rồi mai đây gặp lại nhau, đó là những quyến thuộc Bồ Đề từ bao nhiêu kiếp lại được duyên lành hội tụ dưới chân ngài.