Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn sắt son gắn bó, phát triển hài hòa cùng chung với sức sống và vận mệnh của dân tộc, nhất là qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam, nhiều chư tôn đức Tăng, đã tạm xa cách thiền môn, tham gia kháng chiến, cứu quốc, tuyệt đại đa số Tăng, Ni Phật tử việt Nam đều có lòng yêu nước nồng nàn. Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh phụng sự đạo pháp và phục vụ dân tộc trong sự nghiệp chung của đất nước.
Đất nước được giải phóng vào năm 1975, mở ra một trang sử mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử này, một cuộc vận động được phát khởi nhằm thống nhất các tổ chức và các hệ phái Phật giáo ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, một Đại hội được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 165 đại biểu, soạn thảo một bản Hiến chương, theo đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho toàn thể Tăng Ni và Phật tử tại Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho toàn thể Tăng Ni và Phật tử tại Việt Nam.
Đây là một đặc trưng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu hiện của sự thống nhất cao và triệt để. Trải qua bao gian lao đất nước mới được độc lập thống nhất, khó khăn lắm Phật giáo Việt Nam mới thống nhất thành một. Đất nước đã thống nhất về một mối, Phật giáo Việt Nam cũng thống nhất về một mối. Điều mà Tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt Nam mong muốn từ lâu, cũng là điều Phật giáo nhiều nước trên thế giới cũng mong muốn được như thế mà chưa được, do đó Tăng Ni, Phật tử Việt Nam phải luôn trân trọng và giữ gìn. Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sinh hoạt theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đang sống hòa hợp trong ngôi nhà chung “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Chúng ta sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của một Giáo hội duy nhất, đó là chúng ta sống đúng theo lời Phật dạy, đúng theo ý nghĩa Tăng già. Cho nên dù có luận điệu chia rẽ nào, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam vẫn kiên định rằng, đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một, không thể tách rời.
Một nét đặc trưng riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là một Giáo hội hòa hợp của nhiều hệ phái. Ngày thành lập, Giáo hội có 9 hệ phái. Nhưng đến nay nổi bật có ba hệ phái chính là: Hệ phái Bắc tông, hệ phái Nam tông và hệ Phái khất sĩ. Thật đẹp và dễ thương khi các hệ phái có truyền thống tu tập khác nhau, nhưng ngồi chung nhau, cùng một ý chí chung sức xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam trở thành trở thực thể vững mạnh, tồn tại hòa điệu nhịp nhàng trong mạch sống dân tộc. Ranh giới khác biệt giữa các hệ phái trong ngôi nhà chung dường như không còn. Mối quan hệ giữa chư Tăng, Cư sĩ của các hệ phái thể hiện tinh thần hòa đồng một cách nhuần nhuyễn. Các hệ phái luôn có sự nhất trí và dễ dàng hưởng ứng tiếng nói chung của Giáo hội. Đây là một trong những điểm đặc thù của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng là một điểm mạnh mà các Tăng Ni, Phật tử cần phải phát huy.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam mang những đặc trưng riêng mà các Giáo hội Phật giáo ở các nước khác không có. Mặc dù cũng có một số khó khăn và bất đồng nhưng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã khéo léo và vững vàng lèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn bình yên giữa môi trường vốn đầy dẫy bội số. Chưa ở đâu như ở Việt Nam, các hệ phái Phật giáo khác nhau chung sống trong ngôi nhà Giáo hội. Giữa các hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không xảy ra sự xung đột tranh chấp, mặc dầu giữa các hệ phái này có sự phân biệt khác nhau trong sinh hoạt, cách tu hành.
Một nét đặc trưng nữa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là vai trò của tôn đức Ni được chú trọng và phát huy. Hiện nay, Phật giáo trên thế giới không ở đâu mà Ni giới được chú trọng và phát triển như ở Việt Nam. Chư tôn đức Ni cũng được đề cử đảm nhiệm vị trí công việc trong Giáo hội từ trung ương đến Ban Trị sự và Ban đại diện. Chư tôn đức Ni đã tích cực tham gia công việc của Giáo hội và làm tốt trách nhiệm của mình. Học viện Phật giáo việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh là nơi điển hình chư tôn đức Ni cũng được mời giảng dạy cho Tăng sinh. Điều mà trước đây và Giáo hội Phật giáo các nước chưa có. Đây là nét đặc trưng riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện tinh thần bình đẳng trong Giáo hội cũng là tinh thần bình đẳng của Phật giáo. Điều mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt đến chỗ tiến bộ của thời đại. Đây cũng là điều mà các Giáo hội Phật giáo các nước khác chưa được chú trọng và phát huy.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, đó là truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Hoạt động với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp tục đóng góp nhiều thành quả lớn lao trong sự nghiệp đại đoàn kết chung của MTTQVN, một tổ chức chính trị xã hội có mục tiêu đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam, bao gồm tập thể và cá nhân thuộc tất cả các giai cấp, tầng lớp dân tộc, tôn giáo, người trong nước, người ở nước ngoài, không phân biệt quá khứ cùng nhau giữ vững độc lập thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu thoát nghèo nàn lạc hậu, biến nguyện vọng lâu đời của nhân dân Việt Nam thành hiện thực “Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Cho nên điểm đặc trưng nữa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là liên hệ, gắn bó với nhân dân Việt Nam và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với mục tiêu đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thiết lập những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các công việc phát triển kinh tế - xã hội, đất nước, đồng thời phát huy tác dụng tích cực của tinh thần Phật giáo trong công việc từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt, giáo dục tín đồ Phật tử sống có văn hóa, an lạc, lành mạnh, đẩy lùi và chống các tệ nạn xã hội. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, đồng thời làm tăng trưởng đạo tâm - “trang nghiêm Giáo hội”. Con số hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng vẫn không bằng con số ẩn chìm trong tư tưởng của đồng bào Phật tử biết tu và hướng thiện, đoàn kết và yêu thương để góp phần cho xã hội, an lạc, hạnh phúc thịnh vượng. Đó là thành quả, là tính ưu việt của sự thống nhất Phật giáo Việt Nam. Một dân tộc đã độc lập thống nhất thì lẽ nào Phật giáo Việt Nam lại tách rời, chia rẽ, không chấp nhận lịch sử là điều không tưởng. Chính vì thế mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được Đảng, nhà nước tin tưởng ủng hộ gắn bó và tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt của Giáo hội.
Thật khó có thể miêu tả hết những thành tựu nhiều mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt 30 năm qua kể từ ngày Giáo hội được thành lập. Tuy còn một số mặt hạn chế nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang từng bước phát triển, ngày càng có nhiều uy tín trong lòng đất nước cũng như trên quan hệ quốc tế. Trong mối quan hệ với Phật giáo các nước, khi giao lưu tiếp xúc tìm hiểu về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, họ vô cùng ngưỡng mộ những nét đặc thù của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi họ rất muốn nhưng chưa có được.
Do vậy, những đặc trưng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chính là những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là trái ngọt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam. Chính những nét đặc trưng này là điểm mạnh và thuận lợi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh đi lên. Chúng ta nên trân trọng những gì chúng ta có. Tăng Ni Phật tử Việt Nam cần đoàn kết hòa hợp hơn nữa, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Giáo hội. Chúng ta hãy cảnh giác và kiên định trước luận điệu xuyên tạc, muốn chia rẽ sự đoàn kết của Giáo hội. Giữ vững lập trường hòa hợp với Giáo hội, tinh thần hợp tác, đoàn kết dân tộc.Như thế là chúng ta đã làm công việc Hộ quốc an dân, ổn định xã hội và phát triển đất nước, đây là biểu hiện của yêu nước thương nòi, là báo đền ơn Phật.
Đại đức Thích Nguyên Minh
Trưởng ban Hoằng pháp THPG Phú Yên
Nguồn GHPGVN