;
Thế nhưng cái hố sâu chia cách Bắc – Nam ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đã trở thành một vấn đề nan giải cho nhân loại và là một vết thương cho lương tâm con người. Ngoại trừ một vài quốc gia thuộc Bắc Phi, hầu hết các nước khác trên phần còn lại của lục địa này gần như lúc nào cũng lâm vào các cuộc xung đột vũ trang vì các nguyên nhân chủng tộc và cả tôn giáo; trong lúc tài nguyên thiên nhiên bị khai thác triệt để và môi trường bị tàn phá trầm trọng…
Trong bối cảnh đó, Phật giáo chỉ mới chập chững đặt chân lên mảnh đất này như một tín ngưỡng “sinh sau đẻ muộn”, dù rằng Phật giáo vẫn là một trong các tôn giáo lớn và lâu đời nhất của nhân loại. Hy vọng rằng với lòng từ bi, tính khoan dung, và bằng những bước chân thật nhẹ nhàng, Phật giáo cũng có thể mang lại một chút an vui nào đó cho các xứ sở đầy thống khổ trên vùng đất vẫn bị mệnh danh một cách bất công là Lục địa Đen.
Dựa trên tài liệu tổng kết về sự hiện diện của Phật giáo tại Phi châu được đăng tải trênLá thư hàng tháng của Viện Đại học Phật giáo Âu Châu (tháng 4/2012), chúng tôi xin mạn phép giới thiệu với quý độc giả trong nước những thành tựu trong việc hoằng truyền Phật pháp tại châu lục này.
Khi nói đến việc hoằng truyền Phật pháp trên thế giới, hiếm khi người ta nghĩ đến Phi châu… Thế nhưng, trên thực tế thì từ vài năm nay Phật giáo cũng đã du nhập vào phần lục địa này, và nhiều dấu hiệu cho thấy là sự hiện diện đó mang tính cách lâu dài. Tại nhiều quốc gia thuộc miền Tây cũng như miền Đông Phi châu – chẳng hạn như Kenya, Cameroun, Mali, Congo… – con số Phật tử đã lên đến hàng trăm hay hàng ngàn người cho mỗi quốc gia.
Thật cũng không phải là một chuyện đáng ngạc nhiên khi nhận thấy quốc gia được “tây phương hóa” đậm nét nhất tại lục địa này là Nam Phi đã bước theo cùng một con đường Phật giáo giống như ở châu Âu và Bắc Mỹ. Riêng tại quốc gia này, đã có tới 32 trung tâm Phật giáo được thiết lập trong tổng số 54 trung tâm được liệt kê cho toàn thể lục địa Phi Châu… Các trung tâm Phật giáo tại Nam Phi thật đa dạng và gồm hầu hết các học phái có mặt tại Âu châu, và trong số này có thể kể ra 9 trung tâm Phật giáo Tây Tạng (trong đó có 3 trung tâm là thuộc New Kadampa, một chi phái thường gây ra nhiều tranh luận), 6 trung tâm thiền (thuộc một học phái “tân tiến” của Hàn Quốc là Kwan-Um), 6 trung tâm Phật giáo Nguyên thủy Theravada (được đưa vào từ Miến Điện, các trung tâm này hoặc giữ nguyên theo truyền thống tu tập của Phật giáo Theravada, hoặc chịu ảnh hưởng của các nhà sư thuộc dòng truyền thừa do vị đại sư Goenka thành lập), một trung tâm thuộc dòng Tiếp- Hiện của một vị thầy người Việt Nam là Thích Nhất Hạnh, 2 trung tâm thuộc “Tôn giáo mới Nhật Bản” là Soka-Gakai và 1 trung tâm của hội “Thân hữu Phật giáo Tây phương” (Friends of the Western Buddhist Order) của Anh quốc… Đặc biệt nhất là trong số này có một chi phái ít nghe nói đến và hầu như chưa hề có mặt tại Âu châu nhưng đã gặt hái được nhiều thành quả vượt bực, đó là chi phái Phật Quang Sơn (Fo Guan Shan), một chi phái mới của Phật giáo Trung Quốc và trụ sở “trung ương” thì được đặt tại Đài Loan. Chi phái này được thành lập vào thập niên 1930 cùng lúc với cao trào các “Tôn Giáo Mới Nhật Bản”. Chi phái này tự nhận mình thuộc vào thiền phái Lâm Tế thế nhưng chủ đích thì lại nhằm vào việc xây dựng một cõi “Tịnh độ” trong thế gian này.
Một sự kiện khá lạ lùng khác là cũng tương tự như tại Bắc bán cầu, các hình thức Phật giáo được đưa vào Phi châu đều mang tính cách “tân tiến” và tự nguyện… Ngoài chi phái Soka Gakai (gần với Tịnh độ) – phát triển ở Ghana, Mali và Côte d’Ivoire – người ta còn nhận thấy một chi phái khác thuộc các “Tôn giáo mới Nhật Bản” cũng vừa mới đặt chân đến Kenya. Ngày 4 tháng Ba vừa qua, con gái của vị sáng lập ra chi phái Shinnyo-En (gần với Chân Ngôn tông) đã đứng ra chủ trì một buổi lễ theo đúng nghi thức tan-tra Nhật Bản gọi là nghi lễ “nước và lửa”, mà trong truyền thống của Chân Ngôn tông thì tượng trưng cho sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Buổi lễ được tổ chức dành cho một số bộ tộc trong vùng. Chủ đích của buổi lễ “cầu an” này là để hàn gắn và xóa bỏ hận thù giữa các sắc tộc trong vùng, sau nhiều cuộc xung đột chủng tộc đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Hội đoàn Phật giáo Quốc tế Linh Sơn của Việt Nam mang nhiều nét truyền thống hơn cũng đã đặt chân vào Zaïre, Congo và Côte d’Ivoire. Một sự kiện bất ngờ khác là Hội Thiền học Quốc tế (Association Zen Internationale) do một vị thầy người Nhật là Deshimaru thành lập tại Pháp cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia nói tiếng Pháp như: Maroc, Cameroun, Côte d’Ivoire và Burkina-Faso, và kể cả một quốc gia nói tiếng Anh là Kenya…
Thế nhưng đáng ngạc nhiên hơn hết là Phật giáo Nguyên thủy Theravada đã thiết lập được tất cả 12 trung tâm tại Phi châu và là học phái đoạt giải quán quân trên toàn lục địa này! Thật thế các “phái bộ” Theravada của Tích Lan và Miến Điện rất tích cực và đã từng gặt hái được nhiều thành quả tại những nơi như Ấn Độ, Népal và Indonesia… Riêng tại Phi châu thì ngoài 6 trung tâm đã được thành lập ở Nam Phi, Phật giáo Theravada còn có mặt tại Botswana, Ghana, Tanzanie, Ouganda, Kenya, và riêng tại Kenya thì có đến 2 trung tâm. •