;
Đức Phật từng dạy rằng: "Ta là chủ nhân của nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của nghiệp". Điều đó có nghĩa là mỗi một chúng ta đều tự quyết định cho chính bản thân mình. Dĩ nhiên, người nào tạo quá nhiều ác nghiệp thì hiển nhiên phải chịu quả báo khổ đau, người nào tạo được nhiều thiện nghiệp thì nhất định sẽ được quả báo an vui, hạnh phúc.
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy: "Muốn biết nguyên nhân ngày trước thì hãy xem kết quả hiện tại, muốn biết kết quả tương lai, hãy nhìn hành vi hiện tại". Vì thế, chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống hiện tại của mình. Những ai có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, gia đình hưng thịnh, công việc thuận buồm xuôi gió thì biết rằng kiếp trước người đó có tu nhân tích đức, hành thiện, bố thí...vì thế mà kiếp này được cái thiện báo của những việc làm đời trước. Nhưng mà nếu kiếp hiện tiền không tiếp tục tu tập, làm thiện, bố thí, cúng dường...thì khi phước báo đời trước hết sẽ phải chịu cảnh sống khổ đau, thiếu thốn, đói nghèo.
Còn những ai trong kiếp hiện tại gặp nhiều gian nan trắc trở, khổ đau, đói khát, thiếu thốn mọi bề thì biết rằng kiếp trước người đó không biết tu tập, không hành thiện, bố thí lại còn buôn gian bán lận, sống trên sự khổ đau của người khác.
Nhưng nếu trong thời hiện tại họ ý thức được nghiệp tiền kiếp mình đã gây ra, họ hoan hỷ thọ nhận quả báo, rồi họ cố gắng tu tập, hành thiện, bố thí, cúng dường dù chỉ là mảy may tiền tài, vật chất, mảy may công sức nhưng bằng tâm chân thành.
Thế thì, chắc chắn khi báo thân hiện kiếp này hết kiếp sau họ lại được phước báo sung túc, đầy đủ, tự thân và gia đình chẳng hề thiếu thốn vật chất, tinh thần sảng khoái, an lạc, khỏe mạnh... Cái quy luật nhân quả chẳng khác nào một định luật bảo toàn năng lượng.
Thế mà trong thời đại ngày nay, nhiều người không ý thức được quy luật đó, cho đến không tin nhân quả, không tin Chánh pháp, họ phó thác đời mình cho sự mê tín, tin lầm thầy tà, theo chân bạn ác, tìm cầu những vị thầy bói toán để bói cho cuộc đời mình. Kết quả, hại mình hại người, gây bao oan nghiệt cho gia đình và xã hội. Ca dao Việt Nam có câu
"Tử vi xem số cho người
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu"
Câu nói này thật sâu sắc, vì nếu có thần thông quảng đại thì những ông thầy bói, bà thầy bói đã không phải hành cái nghề thật giả bất phân như vậy. Hiện nay, một số vị thầy cúng, thầy pháp còn có chiêu bài "di cung hoán số" nữa. Giá cả của một vụ "di cung hoán số" này cũng khá cao.
Đây chẳng phải là hý ngôn, và vọng luận đó sao? Nếu có thể di cung hoán số thì những vị thầy Pháp đó đã di cung hoán số của họ đến vị trí Thủ tướng, Chủ tịch nước... rồi, đâu phải tư duy nát óc để mở cái phủ kiếm tiền, nhọc lòng với bùa chú như vậy! Thật đáng thương cho những ai đã rơi vào vòng lao lý của việc di cung hoán số. Di mãi, di mãi cuối cùng số con ngan lại thành ra con vịt.
Trở lại chuyện bói toán, tôi không nói chuyện đúng sai của việc bói toán mà chỉ khẳng định rằng nó không lợi lộc gì cả. Khi nghiệp báo chín muồi thì chúng sinh nghiễm nhiên mà thụ nhận, chẳng tránh đi đâu được.
Bởi thế mà trong kinh Pháp cú thí dụ có nói "Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy biển, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này chẳng có nơi nào thoát được ác nghiệp đã gây!".
Nói như vậy thì căn bản vẫn là do sự tác tác của nghiệp chứ nhờ thầy bói báo trước hay không báo trước có tác dụng gì! Mặt khác, nếu ông thầy phán đúng còn chấp nhận, chứ phán sai thì gây ra bao nhiêu oan trái ai chịu trách nhiệm? Mà có phải thầy nào cũng phán đúng đâu! Vậy, tốt nhất là chẳng cần nghe phán làm gì.
Chuyện tốt của việc bói toán thì chưa từng thấy nhưng mặt trái của nó thì hiện nay đang là vấn đề nóng của xã hội. Dưới đây là một số bằng chứng cụ thể nói lên tác hại của việc bói toán. (Kích vào link để đọc)
Trên đây là những minh chứng cụ thể nói lên tác hại của việc bói toán. Trong cuộc sống đương nhiên có những thành phần xã hội khác nhau. Những người đi xem bói thường là người nhẹ dạ, cả tin, không có chính kiến, hoặc cuộc sống không có lối thoát cho riêng mình, vì thế họ lao vào những chuyện mơ hồ để cố bám víu cái gì đó mà nương tựa.
Nhưng thật đáng thương nếu phải đem đời mình ra "bói toán", "đánh cược". Hậu quả khổ đau chất chồng, lại mất đi giá trị nhân bản quý báu của bản thân. Đến đây, tôi chợt nhớ một câu trong kinh Phật dạy: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ dạy con đường giác ngộ, giác ngộ cho mình chứ không giác ngộ cho ai cả. Sự trói buộc của Ma vương sẽ tùy theo sức tu tập của các ngươi mà được cởi mở".
Chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi các bạn nhé! Hãy làm chủ vận mệnh của mình, hãy giải thoát cho chính mình trên tinh thần nhân quả, nghiệp báo. Hãy chiến thắng bản thân, đừng để rơi vào tà kiến, mê tín, sai lầm. "Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất". (Kinh Pháp Cú thí dụ).
Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật!
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
ĐĐThích Quang Huệ - Chùa Hiếu Quang