;
>Hội thảo Khoa học “Phật giáo Nguyên thủy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”
BÁO CÁO TỔNG KẾT HỘI THẢO KHOA HỌC
PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ TRONG KỶ NGUYÊN TOÀN CẦU HOÁ
(Ngày 18/01/2014 tại trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM)
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo,
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM.
Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo,
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Kính thưa chư Tôn đức GHPGVN,
Kính thưa Quý vị đại biểu và các nhà khoa học.
Đây là lần thứ hai Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM cùng với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học.
Kính thưa Quý vị,
Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, tính từ ngày Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức phiên họp đầu tiên thông qua Đề án Hội thảo khoa học Phật giáo Nguyên thuỷ trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, đến nay Ban tổ chức đã nhận được gần 90 tham luận của các tác giả từ mọi miền của đất nước gởi về, mà nhiều nhất là ở TP. HCM, và lần này chư vị tăng ni bên Giáo hội PGVN tham gia viết bài nhiều hơn. Trong Đề án HTKH và trong Thư mời viết bài, Ban tổ chức HTKH có nêu lên 4 nội dung (cũng là 4 chủ đề) chính trong Hội thảo là: 1. Phật giáo Nguyên thuỷ từ truyền thống đến hiện đại; 2. Phật giáo Nguyên thuỷ với quá trình hội nhập và phát triển; 3. Phật giáo Nguyên thuỷ với vấn đề xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện v.v..; 4. Phật giáo Nguyên thuỷ trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Cuối cùng, trên cơ sở nội dung thực tế các bài tham luận gởi về, Ban tổ chức đã quyết định gom lại thành 3 chủ đề chính: 1. Phật giáo Nguyên thuỷ: những vấn đề triết học và Phật học; 2. Phật giáo Nguyên thuỷ: hội nhập và phát triển; 3. Phật giáo Nguyên thuỷ ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trong gần 90 tham luận vừa nêu, Ban Tổ chức đã chọn 80 bài để biên tập và in trong công trình Phật giáo Nguyên thuỷ từ thống đến hiện đại, trong đó chọn 36 bài để báo cáo tại Phiên toàn thể và tại hai phiên họp ở 3 Tiểu ban theo 3 chủ đề vừa nêu trên.
Chủ đề 1: Phật giáo Nguyên thuỷ: những vấn đề triết học và Phật học có 39 bài; Chủ đề 2: Phật giáo Nguyên thuỷ: hội nhập và phát triển có 16 bài; Chủ đề 3: Phật giáo Nguyên thuỷ ở Việt Nam và Đông Nam Á có 25 bài. Nội dung chính trong các tham luận ở ba chủ đề, sáng nay, trong Báo cáo đề dẫn TT.TS. Thích Nhật Từ có điểm qua, nên trong báo cáo tổng kết này, để khỏi trùng lặp, tôi không nêu lại nữa, mà chỉ tập trung lược thuật lại những ý kiến của Quý vị đại biểu đã thảo luận tại 2 phiên họp của 3 tiểu ban.
Qua các phiên thảo luận sáng và chiểu ở tại 3 tiểu ban, tôi nhận thấy các đại biểu trao đổi thẳng thắn, hoặc góp thêm ý kiến, hoặc nêu những vấn nạn để các diễn giả trả lời. Có tiểu ban có sự tranh luận giữa cử toạ với diễn giả hay giữa diễn giả này với diễn giả khác trong cùng một phiên họp. Việc tranh luận trong học thuật là chuyện bình thường. Có trao đổi mới có thể nhận thức rõ vấn đề và mới tiếp cận được chân lý khoa học. Chẳng hạn, người xuất gia, các tự viện có được được phép làm kinh tế không; Vấn đề phạm hạnh trong kinh doanh, đạo đức kinh doanh ở Phật giáo như thế nào; Tư tưởng nhà Phật là dân chủ, bình đẳng, nhưng trong giới luật lại có vấn đề “bát kỉnh pháp” mà Ni giới phải tuân thủ đối với Tăng giới, như vậy là có bình đẳng giới không hay là còn phân biệt?; Vấn đề vận dụng phương pháp hành trì Thiền quán trong cuộc sống hiện tại, nhất là Thiền quán cho người già hưu qua những buổi thực hành Thiền ở những đạo tràng; Vận dụng minh triết “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống hiện tại với mục đích an lạc, thanh thản hay thực hành Thiền quán để duy trì cuộc sống bình an; Phương pháp hành Thiền Nguyên thuỷ có giống hay khác với Thiền Đại thừa Trung Quốc? Hướng dẫn thực hành Thiền quán sổ tức tại chỗ trong 5 phút (như ở tiểu ban 2, buổi sáng); Vấn đề ăn chay hay ăn mặn trong Tăng đoàn Phật giáo; Mối quan hệ cùng những điểm giống và khác nhau giữa Phật giáo Nam tông Khmer với Nam tông Kinh, cũng như giữa Phật giáo Nam tông Việt Nam với Phật giáo Nam tông ở các nước Đông Nam Á, v.v..
Giáo pháp nhà Phật là Khế lý, Khế cơ, Khế thời, Khế xứ và Tuỳ duyên. Tất cả mọi người cần vận dụng tư tưởng giáo pháp này vào cuộc sống của chính bản thân mình, thì hy vọng sẽ đạt thành tựu và an lạc. Truyền thống nhà Phật có chủ trương không phân biệt, nên dù danh xưng là Phật giáo Nam truyền/ Nam tông hay Phật giáo Bắc truyền/ Bắc tông, Phật giáo Nguyên thuỷ hay Phật giáo Đại thừa thì cuối cùng vẫn ở trong một ngôi nhà chung: Phật giáo, mà cứu cánh của nhà Phật là đem lại an lạc tự tại, niết-bàn cho tất cả mọi người ngay bây giờ và lúc này (đang là) trong cuộc sống hiện tại.
Nhìn chung, các ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề tư tưởng triết học trong kinh văn nguyên thuỷ; Về vấn đề hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hoá với những giải pháp kiến nghị có thể nói là khả thi; Những mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Kinh và Nam tông Khmer ở Nam bộ, cũng nhưng những nét tương đồng và dị biệt giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước Đông Nam Á theo truyền thống Nam truyền, để từ đó khẳng định Phật giáo Nguyên thuỷ Việt Nam vẫn giữ đúng giới quy của truyền thống Phật giáo Nam truyền lại vừa mang bản sắc Việt Nam rõ nét.
Hội thảo khoa học của chúng ta hôm nay đã diễn ra trong tinh thần khoa học, hiểu biết, thân thiện giữa các nhà khoa học xã hội nhân văn với các nhà Phật học, trong bối cảnh đất nước ta đang cần sức mạnh đoàn kết và đồng thuận hợp tác thân thiện của tất cả mọi thành phần trong cộng đồng nhằm đưa đất nước phát triển bền vững theo hướng hiện đại, hội nhập mà vẫn phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Muốn vậy, thiết tưởng cần ứng dụng hướng nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, nhất là ứng dụng tư tưởng từ bi, vô ngã vị tha, lợi lạc quần sinh - một tư tưởng triết học mang đậm tính nhân văn của nhà Phật và phương pháp hành trì Thiền định vào cuộc sống hiện đại, để hướng con người sống một cuộc sống an lạc, tự tại, hạnh phúc ngay trong cuộc đời thực tại này như chính Đức Phật Thích Ca hơn vài ngàn năm trước đây đã khẳng định trong giáo pháp của Ngài.
Kính thưa Quý vị,
Mục đích của Hội thảo khoa học hôm nay là tìm lại những nét tinh hoa nhất, tinh tuý nhất của giá trị tư tưởng triết học Phật giáo Nguyên thuỷ mà những giá trị này có ghi lại trong bộ kinh Nykaya hay A-hàm là những kinh văn xưa nhất hiện còn. Nói chung là các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn cần tiếp tục đi sâu để làm rõ hơn nữa, nhằm vận dụng những giá trị tư tưởng trên vào cuộc sống hiện tại.
Hội thảo khoa học lần này đã đặt ra cho các học giả và các nhà nghiên cứu tiếp tục suy nghĩ 5 vấn đề như sau:
- Một là, thuật ngữ ‘Phật giáo Theravada’ hay ‘Phật giáo Nam truyền’, ‘Phật giáo Nam tông’ đã phản ánh và chính xác nguồn gốc lịch sử và bản chất của Phật giáo Nguyên thuỷ. Vấn đề này Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Tích Lan vào năm 1951 cũng đã khuyến cáo các nhà Phật học, các nhà nghiên cứu nên sử dụng thống nhất thuật ngữ “Phật giáo Theravada” trong mối quan hệ với các hệ phái, tông phái Phật giáo Đại thừa (Mahayana). Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn sử dụng thuật ngữ ‘Phật giáo Tiểu thừa’ (Hymayana) một số văn bản tài liệu, mà việc dùng thuạt ngữ này là thiếu căn cứ khoa học, còn phân biệt đối đãi, dễ gây ngộ nhận. Tại Hội thảo khoa học lần này, các học giả, các nhà nghiên cứu mong muốn sử dụng thuật ngữ “Phật giáo Theravada” hay “Phật giáo Nguyên thuỷ” không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà còn sử dụng phổ biến thuật ngữ này trong đời sống tôn giáo nói chung.
- Hai là, Tam tạng kinh điển Pali, gồm có Luật tạng, Kinh tạng và Luật tạng đã được Chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam phiên dịch sang Việt ngữ là nguồn tài liệu kinh điển Nguyên thủy quý giá, đáng để nghiên cứu và khai khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm tô điểm cho văn hóa, đạo đức Việt Nam them phong phú, đa dạng.
- Ba là, Thiền Tứ niệm xứ hay còn gọi là Thiền quán có giá trị văn hoá tâm linh rất cao, có khả năng có khả năng thư giản, thông cảm, hỷ xả cao. Chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá đúng vai trò và khả năng ứng dụng Thiền quán trong đời sống nhằm phát huy trí tuệ, sức khoẻ trong thời đại hiện nay.
- Bốn là, hầu hết dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á lục địa là những dân tộc theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Nam truyền. Đây là những nét văn hoá tương đồng, là cơ sở văn hoá tinh thần của khối Asian. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, so sánh sâu hơn Phật giáo Nguyên thuỷ Nam truyền ở những quốc gia này, nhằm góp phần kết nối hội nhập sâu hơn trong khối Asian.
- Năm là, các nhà Phật học và các nhà nghiên cứu cần quan tâm tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp hoằng dương, truyền bá Phật giáo Nguyên thuỷ Nam truyền của HT. Hộ Tông, người đã đem Phật giáo Nguyên thuỷ Nam truyền vào Việt Nam năm 1938 và thành lập hệ phái này trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp hằng dương Phật pháp của HT. Bửu Chơn với vai trò và tư cách Trưởng đoàn truyền giáo Việt Nam sang Campuchia trong sự nghiệp phục hưng Phật giáo Nguyên thuỷ Nam truyền ở đất nước này sau nạn diệt chủng năm 1979. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên tán dương công đức của hai vị Cố Hoà thượng này để Phật giáo đồ hôm nay và mai sau noi gương.
Kính thưa Quý vị,
Qua một ngày làm việc tập trung, khoa học và thảo luận sôi nổi tại 3 Tiểu ban, đến đây có thể khẳng định Hội thảo khoa học Phật giáo Nguyên thuỷ trong kỷ nguyên toàn cầu hoá đã thành công viên mãn và để lại một ấn tượng cùng dư âm đẹp cho tất cả mọi người tham dự.
Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Hội thảo xin chân thành cám ơn Quý vị đại biểu, cám ơn các nhà khoa học, cám ơn Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đặc biệt là nhiều lần cám ơn lãnh đạo và tăng ni hệ phái Phật giáo Nguyên thuỷ, nhất là Quý vị Tăng Ni, Phật tử ở Tổ đình Bửu Quang và Thiền viện Phước Sơn cùng chùa Giác Ngộ đã nhiệt tình tài trợ kinh phí tổ chức hoạt động và in ấn Kỷ yếu hội thảo kịp thời để hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Cám ơn các hoạ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm tranh với chủ đề Phật giáo với đất nước và con người Việt Nam, góp phần làm cho Hội thảo khoa học thêm phong phú và long trọng. Xin cám ơn Chi hội Lịch sử Trịnh Hoài Đức đã thông qua các nhà tài trợ đã tặng 300 bộ sách với 900 cuốn viết về Phật giáo Nguyên thuỷ (mỗi bộ 3 cuốn) đến các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học này. Xin cám ơn các phòng viên các đài truyền hình và báo, tạp chí, trang web đã đưa tin về Hội thảo kịp thời.
Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ sắp đến, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Hội thảo xin kính chúc tất cả Quý vị thường lạc, vạn sự kiết tường và ‘mã đáo thành công’.
Mong rằng hai cơ quan: Trường ĐHKHXH &NV - ĐHQG TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phát huy thành quả khoa học đã đạt được, tiếp tục hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.
Xin trân trọng kính chào và cám ơn tất cả Quý vị!
TM. Ban tổ chức HTKH
PGS.TS. Nguyễn Công Lý