nguoiphattu.com Ngày 25 tháng 06 năm 2016, nhằm ngày 21 tháng 05 năm Bính Thân, khóa tu lần thứ VI với chủ đề “Phật luôn trong con” tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã bước sang ngày tu học cuối cùng – cũng là ngày bế mạc khóa tu. Trong ngày hôm nay, 520 khóa sinh đã thấy trân trọng hơn và luyến lưu từng phút giây được ở bên quý Thầy, bên bạn đồng tu trong ngôi già lam thanh tịnh.
Ngay từ 5h sáng, chẳng cần tiếng chuông báo thức, các khóa sinh đều nhanh chóng thức dậy, để đón chào một ngày mới cuối cùng trong chùa, được tập thể dục buổi sáng cùng chúng bạn và tụng thời kinh cuối cùng với quý Thầy.
Trong buổi sáng này, các bạn đã được lắng nghe thời pháp thoại vô cùng ý nghĩa của Đại đức Thích Tâm Hòa – Trụ trì chùa Hòa Phúc với chủ đề “Nuôi dưỡng sự sống”.
Trước khi bắt đầu bài giảng, Đại đức chia sẻ “Ngày hôm nay được gọi là ngày kết khóa, nhưng không có nghĩa là chấm hết. Mà kết thúc khóa tu ngày hôm nay để mở ra cho chúng ta một chân trời mới, mà nơi đó chúng ta có thể ứng dụng được những gì chúng ta học trong những ngày qua. Sáu ngày qua, các bạn đã ở trong một môi trường mà chúng tôi xem đó là nơi chứa đựng rất nhiều châu báu quý giá. Nếu các bạn đi đến đây, vào trong kho tàng châu báu quý giá mấy ngày qua mà chúng ta không nhặt được những cái quý giá đó, ngược lại chúng ta chỉ nhặt được những mảnh rác, những vỏ chai, những mảnh thủy tinh để đem về nhà thì rất uổng phí công cha, áo mẹ, cơm thầy và lãng phí thời gian của chúng ta. Do đó chúng ta phải xác định lập trường của mình khi đến đây. Đây là môi trường rèn luyện chứ không phải để vui đùa, và nếu vui đùa cũng phải có giới hạn chứ không phải để vượt qua giới hạn… Trong số những khóa tu hàng trăm hàng nghìn người về đây, cũng đã có những người thành tựu sự nghiệp, cũng đã có những người đứng lên trên những khó khăn, mặc cảm, bất hạnh của mình để hoàn thiện bản thân và có một cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, tất cả những yếu tố mà chư Tăng, Phật tử cũng như bố mẹ các bạn đã tạo điều kiện cho các bạn về đây, gieo cho chúng ta những hạt giống,ươm cho chúng ta những mầm xanh, với hi vọng những hạt giống đó, mầm xanh đó tương lai sẽ đơm hoa kết trái. Trong thời gian ngắn ngủi có mấy ngày thôi, nhưng chúng tôi hi vọng các bạn khóa sinh của chúng ta sẽ ít nhiều gặt hái được những thành quả mà tùy theo trình độ, nhận thức của mỗi người để chúng ta ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày của mình, sống làm sao cho xứng đáng, sống làm sao có ý nghĩa, sống làm sao để có ích cho mọi người”.
Sau đó, Đại đức đã hướng cho các khóa sinh cách để trân quý và nuôi dưỡng sự sống trong mình trong từng phút giây, đừng để bản thân chết mòn vì sự buông thả của bản thân. Một cái cây muốn cho ra hoa ra quả, đem đến vị ngọt cho đời thì phải có được hạt giống tốt. Hạt giống phải được gieo trong mảnh đất tốt, được tưới tẩm chăm sóc bảo vệ, nâng niu, uốn nắn. Chúng ta cũng như một hạt giống vậy. Nếu như hạt giống của chúng ta ngày hôm nay gieo vào những môi trường xấu, đầy rẫy những cám dỗ, hay gieo vào những môi trường đua đòi ham chơi, lười biếng, trụy lạc, tha hóa, chạy theo vật chất danh vọng thì hạt giống của chúng ta sẽ là hạt giống thối, hạt giống chết, hạt giống không bao giờ có ích cho đời. Do vậy, nuôi dưỡng sự sống, là chúng ta phải biết trân quý thời gian chúng ta đang có, sinh mạng chúng ta đang có, và sống thế nào để có ích cho mọi người. Ở trường học, chúng ta được thầy cô dạy về kiến thức chứ không dạy về kĩ năng sống. Do đó, khi chúng ta ra đời, chúng ta bị hụt hẫng bởi vì những gì chúng ta được học trong nhà trường không thể áp dụng được vào trong đời sống của mình. Môi trường học đường ở xã hội dạy chúng ta cách kiếm tiền nhưng không dạy chúng ta cách sử dụng đồng tiền. Do đó, khi chúng ta cầm được một số tiền, chúng ta lại hoang phí và làm cho nó trở thành một công cụ dẫn dắt chúng ta sa vào hố sâu của tội lỗi. Xuất phát điểm của chúng ta nếu không tốt, thì sự sống của chúng ta chỉ là chuỗi ngày của những đau khổ, bất hạnh và tù tội, của sự trụy lạc và tha hóa.
Sống mà vô dụng sống làm chi
Sống chẳng lương tâm sống ích gì
Lương tâm ở đây là biết nghĩ đến người khác, biết đồng cảm và chia sẻ với người khác. Muốn như vậy, chúng ta phải học hạnh lắng nghe. Năng lượng của sự lắng nghe sẽ tạo ra cho chúng ta một khoảng cách mà nơi đó, chúng ta và người nói đều gặp nhau ở một điểm chung. Người biết lắng nghe sẽ có chiều sâu tư duy để phát khởi lên năng lượng cảm thông, năng lượng biết chia sẻ và biết thương yêu. Đó chính là lương tâm của chúng ta. Chúng ta hãy biết lắng nghe sự khó khăn của mẹ, nỗi nhọc nhằn của cha, những ngày trăn trở lo lắng của quý Thầy trong Ban tổ chức khóa tu, hay những giọt mồ hôi nước mắt của các bà các bác công quả nấu cơm hàng ngày, đừng để bản thân vô cảm và đánh mất đi lương tâm của mình.
Đại đức nhấn mạnh các điều kiện để nuôi dưỡng sự sống, đó chính là phải biết cách lắng nghe, nghe không thành kiến, nghe một cách chân thành, nghe để thấu hiểu. Nghe tạo ra hiểu, hiểu tạo ra thương. Đừng để những mật ngọt hoang đường làm đánh mất đi sự sống trong mình. Điều thứ hai để nuôi dưỡng sự sống đấy chính là chúng ta phải biết nói lời xin lỗi và cảm ơn. Nói lời xin lỗi là để chúng ta chịu trách nhiệm với những gì mình làm, nói lời cảm ơn để mình tri ân đối với những gì mình được thụ hưởng. Chúng ta nợ cha mẹ và người thân của mình những lời xin lỗi và cảm ơn. Thứ ba phải biết trân trọng những gì mình đang có. Nội dung bài giảng là sự thức tỉnh lớn, giúp các bạn trẻ xóa tan đi những suy nghĩ, tư tưởng lầm lạc để trở về với chính mình, sống với chân tâm Phật tính, sống chậm lại, sống với tinh thần biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Có như thế mới thật sự là một con người tốt.
Buổi trưa, các bạn đã xếp hàng ngay ngắn, xuống Trai đường dùng cơm trưa. Đây là bữa trưa cuối cùng các em còn được quây quần bên nhau, cùng quý Thầy thực hiện cúng Quá Đường trước khi ăn. Rồi ngày mai đây, sẽ không còn những bữa trưa 520 khóa sinh quây quần bên nhau nữa, không còn những tiếng quý Thầy nhắc nhở xếp hàng, hướng dẫn thực hiện nghi thức cúng Ngọ...Ngày mai các em sẽ trở về với cuộc sống thường nhật, với những bữa cơm gia đình ấm áp bên gia đình, với những bữa ăn vội cho kịp giờ học chiều...Nhưng chắc chắn một điều, tất cả chúng ta sẽ đều không thể nào quên những ngày bên nhau đầy tình yêu thương trong khóa tu này.
Đúng 14h00, ba hồi chuông trống bát nhã trầm hùng vang lên, 520 khóa sinh đồng khởi thân chắp tay búp sen trang nghiêm, niệm Phật cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài để bắt đầu buổi lễ bế mạc khóa tu mùa hè dành cho tuổi trẻ lần thứ VI với chủ đề "Phật luôn trong con".
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên thường trực HĐTS kiêm Phó Thường trực Ban Văn Hóa TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Bà Trần Thị Hoài Thu – Giám đốc trung tâm sự kiện giải trí đài truyền hình kỹ thuật số VTC; Ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A; Võ sư Trần Nam Chung - chủ nhiệm võ đường Nam Thiên Phật Môn Quyền cùng quý vị đại diện cho các cơ quan ban ngành sở tại và sự hiện diện của Đạo tràng Pháp Hoa và 520 bạn khóa sinh, thanh thiếu niên từ 13 đến 25 tuổi đã tham dự khóa tu mùa hè lần này.
Sau nghi thức niêm hương bạch Phật, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu về tham dự, Đại Đức Thích Thanh Hải đã lên báo cáo tổng kết khóa tu mùa hè của các em khóa sinh trong suốt 6 ngày vừa qua. Thắm thoát, 5 ngày tu học cũng sắp đi qua. Sau 5 ngày sinh hoạt vui chơi, thực tập chính niệm nơi đây, các bạn trẻ đã có sự chuyển hóa thân tâm khá rõ rệt.
Với mục đích giúp các em củng cố lại nhân cách đạo đức làm người, thấy được Phật tính luôn tồn tại trong chính bản thân của mỗi người, nên trong ngày thứ 2 Hòa Thượng trưởng BTC thượng Bảo hạ Nghiêm đã chia sẻ đến các bạn qua một đề tài cũng chính là chủ đề của khóa tu “Phật Luôn Trong Con”. Với bài giảng đầu tiên của chương trình tu học trong khóa tu, Hòa thượng đã giới thiệu vài nét về Đức Phật – một con người thực, là một hoàng tử rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để lên đường tìm cầu chân lý giải thoát. Với tuổi trẻ, Ngài đã thành tựu đạo quả giải thoát. Với sức trẻ, Ngài đã dấn thân trên con đường hoằng hóa. Hơn ai cả, Ngài biết sử dụng tuổi trẻ một cách ý nghĩa nhất. Hơn ai cả, Ngài khuyến khích mọi người đừng lãng phí tuổi trẻ của mình. Hòa thượng khẳng định “tuổi trẻ không chờ đợi ai, khi đã qua đi thì lực bất tòng tâm”. Cuộc sống vốn có giới hạn. Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta nên sử dụng tuổi trẻ mình có để hiện thực hóa những định hướng cuộc đời, vì dòng sống luôn vận hành, đừng để thời gian và tuổi trẻ cứ trôi đi mãi. Hòa thượng mong rằng, các khóa sinh hãy sử dụng tuổi trẻ để tu tập giới – định – tuệ. Hãy biết nuôi dưỡng Phật tính thiện lành trong tận sâu con tim mình, để những điều tốt đẹp sẽ đơm hoa kết trái, giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp. Nhớ nghĩ đến Phật, nghe theo Phật, vận dụng đúng những phương pháp Đức Phật dạy, nghĩa là chúng ta đang nuôi dưỡng Đức Phật trong ta, và đó cũng chính là ý nghĩa của “Phật luôn trong con”.
Ngày thứ 3 Đại đức Thích Thiện Xuân, đã gửi đến các bạn trẻ những câu chuyện xoay quanh nội dung “Tài Sản”. Tài sản quý giá nhất của mỗi chúng ta chính là do mỗi chúng ta tự tạo ra, từ chính nhân quả và phúc báu của chính chúng ta. Và khi chúng ta có một tài sản, chúng ta xuất hiện ở đâu thì ở đó như viên ngọc sáng chói. Đại đức nhấn mạnh: “Như vậy, các con sinh ra cũng chính là tài sản của cha mẹ các con. Còn Phật cho ta cái gì? Phật cho ta tài sản của Phật”. Vì vậy, Đại đức đã giúp các bạn tìm hiểu được tài sản Đức Phật ban tặng cho mỗi người là điều gì, qua những câu chuyện cổ Phật giáo và những ví dụ thực tiễn trong đời sống hàng ngày.
Ngày thứ 4 các bạn tiếp tục được lắng nghe thời pháp thoại ý nghĩa của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Viên Trí với chủ đề “Tôi là ai”. Thượng tọa chia sẻ: “Sống trong đời, tất cả chúng ta ai cũng muốn mọi người biết những đặc thù của mình, ai cũng muốn mọi người nhận ra khi mình xuất hiện, ai cũng muốn thể hiện bản sắc riêng của mình, và đây là điều không chỉ các bạn mà cả chúng tôi, tâm lý chung để thể hiện cái tôi đó là chúng ta thể hiện những đặc thù riêng của mình, những gì mình có khác với người khác, dễ phân biệt với người khác. Điều đó quan trọng vô cùng, điều đó làm mình tồn tại có ý nghĩa, làm mình nổi bật giữa mọi người. Có nhiều cách để người ta thể hiện cái tôi đó. Nếu tự hào về mình bằng những phẩm chất mình vốn có thì điều đó rất tốt. Nhưng nếu tự hào về mình bằng những thứ mình không có mà phải đi vay mượn từ người khác thì điều đó đáng phải suy nghĩ”.
Từ đó, Thượng tọa đã nêu lên những ví dụ vô cùng thực tế về việc thể hiện cái tôi thật sự của mình, cũng như thế nào là một cái tôi không lẫn với ai không lẫn với bất kì người nào. Để đi đâu, làm gì, người ta cũng tôn trọng cũng kính phục mình vì những điều đặc biệt không trộn lẫn đó.
Ngày thứ 5 các bạn được Đại đức Thích Thanh Tâm chia sẻ về các vấn đề thuộc giới thứ tư “Không Nói Dối”, cùng với đó là những vấn đề xung quanh giới thứ tư với các bạn trẻ trong thời đại ngày nay.
Ngày cuối cùng các bạn trẻ được Đại đức Thích Tâm Hòa chia sẻ những phương pháp để giúp các bạn trẻ sớm trưởng thành. Thứ nhất phải biết lắng nghe. Thứ hai, cần biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Thứ ba phải biết trân trọng những gì mình đang có. Nội dung bài giảng là sự thức tỉnh lớn, giúp các bạn trẻ xóa tan đi những suy nghĩ, tư tưởng lầm lạc để trở về với chính mình, sống với chân tâm Phật tính, sống chậm lại, sống với tinh thần biết ơn, nhớ ơn và đền ơn. Có như thế mới thật sự là một con người tốt.
Đặc biệt, năm nay, với số lượng 520 khóa sinh, nhiều hơn số lượng của năm ngoái, bằng nhiệt tâm nhiệt tình, BTC đã sắp xếp, ổn định chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em. Bên cạnh đó bộ phận nhà bếp cũng đã tận tình phục vụ cơm nước đầy đủ và luôn thay đổi khẩu phần ăn để các em luôn có những bữa ăn ngon miệng và no đầy. Mặc khác, để đảm bảo an ninh và sự thanh tịnh trong suốt 5 ngày tu, BTC đã quyết định đóng cửa chùa, thu giữ điện thoại di động, máy MP3, MP4 ….Tuy thời tiết quá nắng nóng nhưng bằng tín tâm và lòng kiên trì tu học các em đã nỗ lực thực tập tụng kịnh, hành thiền trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, tạo một hiệu ứng tâm linh rất lớn. Các em đã vượt qua những khó khăn để hôm nay thành tựu viên mãn khóa tu trong niềm vui vô lượng vô biên.
Bản báo cáo của Đại đức Thích Thanh Hải cũng nêu lên những ưu điểm và khuyết điểm của khóa tu năm nay, để rút kinh nghiệm cho khóa tu năm sau được thành tựu viên mãn hơn.
Sau đó, đại diện 520 bạn khóa sinh đã dâng lời cảm tưởng sau 6 ngày tu học. Các bạn không khỏi xúc động trước sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của quý thầy trong Ban tổ chức đặc biệt là Hòa thượng trụ trì mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Thầy vẫn luôn bên cạnh các khóa sinh, theo dõi từng bước trưởng thành của các bạn trong suốt 6 ngày tu tập. Các bạn cũng tự hứa với lòng mình sẽ áp dụng những gì đã được học từ khóa tu vào cuộc sống để xứng đáng với công lao mà các thầy đã chỉ dạy , cố gằng trở thành những người công dân tốt, sống có ích, luôn nghe lời ông bà cha mẹ và thầy cô.
Nhân dịp này, các bạn khóa sinh cũng đã dâng lên Hòa thượng trụ trì và quý Thầy cô trong Ban tổ chức những bó hoa hoa tri ân bằng cả tấm lòng thành kính nhất. Những bông hoa tươi thắm thay cho muôn ngàn lời biết ơn sâu sắc nhất, không có quý Thầy tổ chức ra khóa tu thì chúng con vẫn đang ở ngoài kia với biết bao nhiêu cám dỗ sa đọa, không có đôi tay quý Thầy dìu dắt thì chúng con vẫn còn đang đi trên những con đường lệch hướng, không có giọng nói quý Thầy ân cần chỉ dạy thì chúng con vẫn còn đang bước trên bến mê lạc lối không biết đúng sai.
Trong buổi lễ bế mạc này, với tư cách là Trưởng Ban tổ chức khóa tu, Hòa thượng cũng đã có những phần quà – tuy giá trị nhỏ nhoi nhưng là cả sự tri ân chân thành tới những người đã làm nên sự thành công của khóa tu. Đó là quý Thầy trong Ban giáo thọ, là quý vị Đảng bộ chính quyền địa phương, công an khu vực, là đội an ninh, đội hậu cần, ban công quả, ban truyền thông, ban y tế, ban phục vụ. Lời tri ân của Hòa thượng gửi tới từ quý Thầy cho tới các bạn võ sinh, sinh viên, Phật tử Đạo tràng, Phật tử bản tự cho tới cả những ca sĩ đã đóng góp những tiết mục văn nghệ trong khóa tu lần này. Bởi một khóa tu thành công, không phải chỉ là nỗ lực từ một người hay một phía, mà đó là từ chính tất cả mọi người, từ Ban tổ chức tới cả những em khóa sinh. Sáu ngày tu của các khóa sinh là sáu ngày Ban tổ chức ai nấy đều vất vả, những giọt mồ hôi rơi ướt đẫm nhưng gương mặt của tất cả đều ánh lên niềm vui, cùng nhau cố gắng để các khóa sinh có một khóa tu trọn vẹn, đủ đầy và an lạc.