;
Xây nhà ở bao vây chùa cổ
Theo ghi nhận của PV, chùa Bửu Phong nằm trên đỉnh núi Bình Điện, khu vực xung quanh chân núi đã bị người dân lấn chiếm ở bao kín và làm tường rào kiên cố. Nhiều khu vực bao thuộc di tích núi Bình Điện đang trở thành nơi hàng quán bán nước trông rất nhếch nhác.
Một đại diện chùa Bửu Phong cho rằng, trước đây, diện tích nhà chùa cùng cảnh quan thiên nhiên rộng khoảng 60 ha, nhưng hiện tại bị xâm lấn chỉ còn gần 9 ha. Khoảng 2-3 năm gần đây, nhiều hộ dân lấn tới sát những tảng đá lớn bao quanh chùa xây cất nhà cửa kiên cố. Thậm chí, có cả đại gia trồng mai cảnh cũng về lấn đất nhà chùa. Nhiều người dân đã có ý kiến tới cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Sở VHTTDL tỉnh, căn cứ hồ sơ xếp hạng, khu di tích danh lam thắng cảnh Bửu Long và chùa Bửu Phong có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ khu 1 – bất khả xâm phạm - và khu 2 – điều chỉnh xây dựng là 84ha. Trong đó khu vực 1 – bất khả xâm phạm gồm 3 cụm di tích: Núi Bình Điện (Chùa Bửu Phong) có diện tích 8,7ha; Núi Long Ẩn và Hồ Long Ẩn. Tuy nhiên, vừa qua tại cụm di tích chùa Bửu Phong xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng nhà trái phép, lấy đi nhiều tảng đá lớn trong khu vực 2. BQL Di tích danh thắng tỉnh và UBND phường Bửu Long đã nhiều lần phối hợp kiểm tra lập biên bản đình chỉ thi công.
Đùn đẩy trách nhiệm
Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Thị Thu Tâm – Chủ tịch UBND phường Bửu Long - cho biết: "Việc này PV nên qua Sở VHTTDL để hỏi, chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh mới có thể trả lời".
Trong khi, đại diện Sở VHTTDL thì cho rằng: Từ khi quản lý di tích đã hiện hữu các hộ dân lấn chiếm, chứ không phải khi xếp hạng mới bị xâm lấn. Nhiều năm nay, năm nào cũng có tình trạng người dân sang nhượng, lấn chiếm di tích và năm nào cũng có văn bản xử lý, can thiệp. Những hộ dân này còn dùng cách lấy tôn rào chắn bao lại và xây dựng bên trong. Sau đó, sang bán lại cho rất nhiều người nên hiện tại UBND phường Bửu Long cũng không nắm được sự việc. Tuy nhiên, vấn đề này còn thuộc thẩm quyền thuộc Sở TNMT xử lý – vị đại diện này cho biết.
Tỉnh Đồng Nai đã có đề án phân cấp quản lý di tích danh thắng, theo đó giao cho một doanh nghiệp quản lý danh thắng Bửu Long, giao BQL Di tích và danh thắng là quản lý về mặt Nhà nước, doanh nghiệp đang lập các đồ án quy hoạch tổng thể, 1.200, 1.500. Trong đó, có quy hoạch bảo tồn di tích và chùa Bửu Phong, nhưng vướng đất các hộ dân.
Ông Lê Trí Dũng – GĐ BQL Di tích danh thắng Đồng Nai - cho biết: Lâu nay chùa Bửu Phong có diện tích mấy chục hécta. Nhiều lần Sở VHTTDL làm việc với nhà chùa để chứng minh, nhưng hồ sơ hầu hết là photocopy, chưa thấy hồ sơ nào có sổ đỏ, dấu mộc của Nhà nước nên rất khó chứng minh.
Đình chùa Nam Bộ là đình mở, chùa mở, không xây hàng rào, trong khi đất mênh mông nên không ít người ở rồi khai làm sổ đỏ lúc nào không hay. Sau quá trình sang nhượng không quản lý được, mặc dù tỉnh Đồng Nai cũng chưa có chủ trương cấp đất cho các hộ dân này do nằm trong khu vực 2. Giải pháp lớn khảo sát đánh giá thực trạng sử dụng đất cụm Bình Điện để nhà nước sử dụng thu hồi, đền bù giải tỏa để quản lý trọn vẹn đất đó và cắm mốc – ông Dũng cho biết thêm.
Sở VHTTDL kiến nghị Sở TNMT khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn sự xâm hại chiếm dụng, khai thác đất đai trái quy định tại khu di tích danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong.
Nguồn: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ngoi-chua-400-nam-tuoi-co-nhat-dong-nai-keu-cuu-358998.bld