;
Đại hội Phật giáo toàn quốc: Ngỡ ngàng chờ đợi 5 năm sau
Tháng 11, Hà Nội nghiêng mình đón chào hàng ngàn tăng ni, Phật tử về dự Đại hội Phật giáo lần thứ VII. Ai đó cho rằng: Hà Nội hiện tiền như một cô gái nhà quê lên tỉnh. Vâng! có thể là vậy, nhưng tránh sao khỏi sự chuyển giao đột biến này khi mà người sinh thành chưa đủ sức, đủ tâm và tầm nhìn để dạy bảo, định hướng cho đứa con bước ra khỏi lũy tre làng. Lỗi nội tại ở chính bản thân mỗi chúng ta không riêng gì của thời đại. Đại hội Phật giáo qua đi như một cơn lốc quét sạch mọi uẩn ức và những cài nhìn không mấy thiện cảm của tín đồ Phật tử đối với một số tăng ni không vẹn toàn phẩm hạnh. Tôi không nói, không lạm bàn nhiều đến những chuyện lình xình xoay quanh vấn đề nhân sự của đại hội vì ai cũng đã biết, đã thấu và đã hiểu.
Tôi mạn phép vén bức màn tranh tối tranh sáng để nhìn thẳng vào đạo hạnh của một số bậc tu hành trong những ngày diễn ra đại hội khi mà khách sạn Kim Liên đã phải oằn mình trước sự đổi thay, xê dịch nơi nghỉ cho đại biểu từ phía Ban tổ chức của Giáo hội. Vẫn là sự ấn định cho giới ni, bao đại hội rồi đến nay vẫn thế, vẫn là dãy nhà leo cầu thang bộ cũ kỹ. Những ni sư sức còn dài thì sự im hơi lặng tiếng là chuyện không đáng nói, nhưng có ni trưởng tuổi đã chạm tới thất thập rồi nhưng vì đạo pháp vẫn không quản đường xa, vượt qua bệnh tật để đến với đại hội. Song, họ được ban tổ chức ưu ái, sắp xếp ở dãy nhà cũ kĩ đi cầu thang bộ của khách sạn Kim Liên. Thật trớ trêu, một sư ông hùng hổ, với thái độ thiếu khiếm nhã, ngắn cả về tuổi đời và tuổi đạo đã tự tung tự tác quát nạt sư ni khi họ có lòng hiếu kính thầy của mình. Thật hổ thẹn khi nhớ đến những lời ông từng giảng đạo cho các Phật tử về lòng hiếu kính, về tấm lòng từ bi của Đức bổn sư. Phiền lòng cho cách ứng xử không đúng đời hợp đạo đó của ông, chỉ một chút sân si đã tự làm hoen ố tấm áo cà sa của mình trước tín đồ, Phật tử và đồng tu. Đạo Phật là nơi linh thiêng và thanh tịnh, là điểm tựa tinh thần của người đời sau những bôn ba, bon chen, ghanh đua và chật vật với cuộc sống, họ muốn quay về với tiếng chuông chùa điểm nấc thời gian để được sám hối và gột rửa lương tri vốn nhuốm nặng bụi trần. Thế nhưng, thật đáng buồn khi phẩm hạnh của những của người hành đạo đã xuống cấp một cách trầm trọng, đã đồng hành với căn bệnh trầm kha của thời đại. Phật tử, tín đồ biết nhìn vào ai soi sáng, niềm tin với Phật Pháp liệu có còn khi trong hàng ngũ tăng ni ngày càng xa sút về đức hạnh.
Xem lại những trang sử vừa qua của đại hội VII, càng lật trang càng đậm nét buồn, nhiều dư luận trái chiều nhau xoay quanh việc “chạy” nhân sự từ ban trị sự các tỉnh thành và rồi cả việc khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc nhân dịp này cũng là vấn đề cần phải đưa lên bàn để giải phẫu. Hẳn những ai chứng kiến buổi tôn vinh chức sắc tôn giáo đón nhận huân chương hôm đó không khỏi ngậm ngùi cho “bóng sấu già dưới rừng ni” của tỉnh Đồng Nai, bà là Thích nữ Huệ Hương - Ni trưởng đặc trách ni giới, trụ trì chùa Bửu Phong. Đạo hạnh của bà là tấm gương sáng ngời cho người hành đạo, vì say đắm với tăng đoàn nên đã từ giã gia đình, chồng, con, quyết thoát vòng tục lụy gắn đời vào phụng sự đạo pháp. Bà chuyên tâm cho việc tu tập nên không phát triển được tỳ ni nào ở bên. Bà rất trăn trở với vấn đề nhân đạo, từ thiện cứu trợ cho dân nghèo ở các đường biên hẻo lánh đến vùng hải đảo xa xôi. Song, những chuyến đi, những cuộc vận động đó, không ai hiểu rõ về bà ngoài giới ni của Đồng Nai. Thành tích của bà để có được tấm Huân chương cao quý đó được đếm trên 5 đầu ngón tay. Phải chăng bà là người nói được, viết được, chạy được vì thế mà từ cấp cơ sở Mặt trận tổ quốc Đồng Nai, Ban dân vận, Ban thi đua khen thưởng đã đồng tâm, hợp lực đề nghị cấp trên tôn vinh một ni sư đức dài không quá gang tay, công trạng phân non nửa. Bà hãnh diện và tự hào khi tham dự đại hội nghiễm nhiên dành một thị giả mặc dù sức còn dư, trí còn mẫn và đồng hành cùng 2 người con vào dự hội nghị. Thật không gì quý bằng trong thời đại ngày nay, với công cuộc làm ăn hối hả nhưng đám con bà vẫn dành thời gian phụng sự đạo. Qủa là hãnh diện vì có rất nhiều tín đồ, Phật tử, chư ni muốn vào hội nghị tham dự nhưng đâu có được tấm thẻ đó mà vào. Nghe phong phanh là phải biết đi cửa sau. Thật xót xa, một đại hội mang nhiều ý nghĩa nhân văn mà sao lại nhen nhóm đặc mùi thị trường chợ đen đến thế. Tiếp nữa, bà và thị giả đi theo được vinh hạnh nghỉ bên nhà khách Công Đoàn, bỏ mặc những ni trưởng, ni sư ở một nơi khác. Sau buổi bế mạc, 3 giờ sáng, các tăng, ni của Đồng Nai đông đủ lục tục kéo nhau ra sân bay Nội Bài để trở về nơi tu tập. Song, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng bà.
Mọi sự đã kết thúc, nhưng cái dấu hỏi luôn treo lơ lửng trên đầu các tầng lớp tăng ni của Đồng Nai nói riêng và miền nam nói chung. Thật sự Ni sư Thích nữ Huệ Hương đã là tấm gương sáng ngời về đạo hạnh hay chưa? ngoài bà ra Đồng Nai còn cây cao bóng cả nào khác? Câu hỏi này nếu được trả lời sẽ là sự phẫn nộ, một điều tất yếu sẽ xảy ra nếu Ban trị sự không có một cái nhìn thấu đáo biết ai là người làm được việc, ai là người hữu danh vô thực. Khen thưởng phải minh bạch, công tâm, phải suy xét một cách toàn diện từ trên xuống dưới. Không nên vì sự can thiệp bởi một thế lực nào đó chi phối bằng tiền và quyền để bất chấp dư luận. Những điều này sẽ rúng động lan chuyền gây nên hiệu ứng mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, phá hỏng sự ổn định, bền vững của Giáo hội tại cơ sở. Niềm tin của Tăng Ni, Phật tử rồi cũng sẽ mai một và mất dần. Thiết nghĩ, Ban trị sự phật giáo Đồng Nai đã đến lúc cần rung hồi chuông cảnh tỉnh, nghiêm túc nhìn nhận vào từng việc làm cụ thể của mỗi cá nhân là phụng sự đạo pháp chứ không phải dựa vào đó để hành nghề Phật pháp tư lợi cá nhân, đặc biệt là không để cơ chế thị trường luồn lách, len lỏi vào đạo pháp. Hy vọng, Ban trị sự sớm tiếp thu và vững tay chèo lái con tàu Giáo hội của mình chuyển bánh không chệch đường ray./.
Lan Hoàng