;
Tam quan chùa Linh Bửu |
Những đứa trẻ con chơi đùa cười khanh khách dưới tán cây trứng cá, nhìn khách du lịch bằng đôi mắt tò mò. Hai bên đường, những vườn điều, vườn bạch đàn và những bãi đất trống mọc đầy cỏ dại chạy dài đến chân núi phía xa. Điều đáng ngạc nhiên là trên con đường chỉ dài khoảng 3,5km đó - đường Vạn Hạnh - (chạy dài từ thị trấn Phú Mỹ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới núi Thị Vải), có hơn 200 ngôi chùa, thiền viện và tịnh xá nằm trong những khuôn viên rộng thênh thang.
Thăm một ngôi chùa nhỏ trên núi, tôi đã được sư trụ trì thết đãi trái cây trồng ở vườn chùa và kể cho nghe câu chuyện về tên núi Thị Vải. Trong những ngày lưu lạc, vua Gia Long đã được một bà vãi ở vùng này giúp đỡ. Bà đem cơm gạo nuôi vua và tuỳ tùng. Sau này, khi lên ngôi, vua Gia Long cho tìm lại bà vãi để trả ơn, nhưng bà đã mất. Vua Gia Long đặt tên cho dãy núi có ngôi chùa nhỏ của bà là núi Thị Vãi, lâu dần đổi thành núi Thị Vải. Mộ phần của bà hiện tại vẫn còn, nằm cạnh những bậc thang đá đầy lá rụng dẫn lên chùa.
Theo các nhà sư trụ trì, hầu hết các ngôi chùa đều dựng sau năm 1975. Một số ngôi chùa dời từ Đà Lạt về. Lúc đó, thôn Vạn Hạnh còn là một vùng hoang vắng, hầu như không có người ở. Có lẽ vì vậy mà chùa ở đây có diện tích rất rộng, có những ngôi chùa nằm trên hẳn một phần quả đồi, có vườn rau, vườn trái cây rộng mênh mông.
Tháp chuông chùa Linh Bửu |
Khác với những ngôi chùa Bắc cổ kính, nghiêm trang, những ngôi chùa và thiền viện ở thôn Vạn Hạnh tiêu biểu cho chùa Nam, thoáng đãng, rộng rãi, hiện đại và tiện nghi. Điện thờ chính thường được dựng cao, rộng, lát gạch hoa, mở nhiều cửa sổ đón gió và ánh sáng. Nhiều chùa có phòng ăn lớn và thoáng mát, để đãi cơm chay cho khách vãn chùa vào ngày rằm, mồng một.
Những phù điêu trang trí không có nét trầm tư như chùa Bắc, mà phóng khoáng rực rỡ. Có thể thấy nét ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông trong kiến trúc và trang trí. Một đại diện tiêu biểu là chùa Bát Nhã. Tháp chuông và chính điện đều trang trí rực rỡ, lợp ngói ống màu vàng.
Nhờ có diện tích rộng, những ngôi chùa ở đường Vạn Hạnh thường có sân vườn rộng rãi, vườn rau, vườn hoa, vườn cây ăn trái. Chùa Linh Bửu có vườn hoa rộng, hàng rào cũng trĩu nặng những dây hoa leo vàng rực. Chùa Phổ Thiền có vườn rau xanh tốt, giàn dưa leo, hoa cát đằng. Chùa trên núi có hồ sen, thanh long, na, mít, nhãn, chuối trồng trên vườn đồi.
Tôi đặc biệt yêu thích đoạn cuối của đường Vạn Hạnh. Con đường men theo núi và những bãi cỏ lớn, buổi chiều vô số chim bay về. Một con chim bay ngang, cái đuôi dài với một vệt trắng. Đó hẳn là con chim chìa vôi: “Con chìa vôi vừa hót vừa bay”. Trên dây điện đậu cơ man là chim sẻ và cả những con chim sâu bé xíu màu xanh biếc. Cuối đường có một ngôi nhà nhỏ, khi lên thăm chùa trên núi bạn có thể gửi xe ở đây.
Thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm dọc theo đường quốc lộ 51, vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt so với những thị trấn, thị tứ khác của miền Đông Nam bộ với những ngôi nhà cũ mới lẫn lộn bên nhau và những quầy hàng bụi bặm, buồn tẻ. Đường Vạn Hạnh chạy dài từ thị trấn Phú Mỹ tới núi Thị Vải. Từ Vũng Tàu, đi theo quốc lộ 51 khoảng trên 40km, sẽ thấy con đường nằm bên tay phải đối diện với đài tưởng niệm liệt sĩ huyện Tân Thành. Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi khoảng 65km theo quốc lộ 51 về phía Vũng Tàu, qua khu công nghiệp Phú Mỹ chừng 200m, rẽ trái là tới đường Vạn Hạnh.
Theo : sgtt