;
Đối với ngư dân mưu sinh nghề đi biển, thì cá heo là vị thần tối cao mà họ tôn thờ. Nhiều ngư dân quan niệm, ra khơi gặp cá heo là một điều vô cùng may mắn. Và mỗi chuyến ra khơi như vậy không chỉ gặp an toàn trước bão tố mà còn thuyền về cá đầy ắp. Lần này, ngư dân ở cửa biển Thái Thụy, Thái Bình đã xuất hiện chuyện lạ kỳ đầy huyền bí, cá heo về chầu ngày hội rồi lụy tại cửa biển nơi ngư dân thường ra khơi. Lạ thay, trên mình cá heo, khi đưa về người dân đã phát hiện những dòng chữ lạ trên mình cá…
Ông Giang Văn Thuyên, Trưởng Ban quản lý di tích Miếu Đỏ, xã Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: “Một sự kiện chưa từng có ở xã này, nói đúng hơn là ven biển vùng này chưa bao giờ xuất hiện, mà đây là lần đầu tiên lạ như vậy. Cá heo chầu về cửa biển thì năm nào cũng có, nhưng đợt rồi, đúng vào ngày hội làng, cá chầu về rồi lụy luôn không về khơi nữa.
Khi đưa “ngài” về đến đền Miếu Đỏ ở thôn Sơn Thọ, tắm rửa cho “ngài” xong thì những người cao niên trong trong làng làm lễ tế trời đất để xin được lưu “ngài” tại triền đê Miếu Đỏ này. Đặc biệt, khi đưa “ngài” từ cống 5 cửa về mắt đã nhắm, nhưng sau lễ tế ở sân Miếu Đỏ, mắt đột nhiên mở to như vẫn đang còn sống và sau đó nước mắt tuôn trào nhỏ từng giọt xuống nền đá miếu thờ. Nhìn trên lưng, hàng trăm người đã lấy làm kỳ diệu bởi 3 ký tự lạ xuất hiện mầu hồng rõ dần trên mình cá”.
Lúc này, đám đông vây kín triền đê. Người chưa được tận mắt chứng kiến thì cố nhao vào để mục sở thị thần ngư. Người bên trong đám đông thì nhao ra vì sợ ánh mắt của “ngài” cứ nhìn chằm chằm vào người quanh nó. Trời đang nắng, triền đê nổi mây vần vũ khiến người dân càng hoảng sợ. Ông Thuyên- trưởng Ban quản lý di tích xã Thái Thượng đưa cho chúng tôi chiếc đĩa VCD, rồi nói: “Đây anh mở ra xem, cái này thực tế nhất. Rất may hôm đó vào ngày hội nên một số ngư dân đã mang theo máy quay du lịch. Họ ghi lại rất kỹ hình ảnh lạ kỳ chưa từng có trên thần ngư này”.
Chuyện xảy ra đúng vào ngày hội diễn ra tại Miếu Đỏ xã Thái Thượng. Nên càng làm câu chuyện lạ lan rộng nhanh chóng ra dọc ven biển Nam Định, Ninh Bình. Người dân xã Thái Thượng chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển. Vì thế, những ngôi đền ven biển luôn là nơi mà họ hướng về cuội nguồn để cảm tạ trời đất sau những mùa ra khơi đầy tôm cá. Và ngày hội cũng diễn ra đúng vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, cùng với ngày Quốc tổ Hùng Vương trên mảnh đất trung du Phú Thọ. Song, đối với miền biển này, thì đây có lẽ là niềm vui lớn đối với người đi biển ở Thái Bình, bởi theo quan niệm của họ thần ngư chầu hội hay lụy ở nơi nào thì đó là vùng biển thiêng.
Hợp 3 họ lớn mới rước được cá heo 150 kg về sân Miếu Đỏ.
“Chẳng hiểu trời xui đất khiến ra làm sao mà hôm ấy lại có mấy người ra cửa biển chứ không thì không biết “ngài” lụy ở đó. Mọi năm, khi ngày hội Miếu Đỏ thì ngư dân trong vùng kéo về vui hội chứ không có ai đi biển cả.”- Ông Phạm Văn Ngư ở thôn Sơn Thọ, xã Thái Thượng phấn khởi và cho đây là sự việc may mắn. Người dân cho là may mắn cũng bởi đối với ngư dân, nếu thần ngư lụy nơi biển khơi bao la nào đó thì sẽ không bao giờ được hồi sinh sang kiếp khác của thiên nhiên được nữa.
Lạ thay, đã gặp “ngài” rồi nhưng khi đưa về thì không làm sao đưa được. Anh Giang Văn Đương hô người về làng gọi thanh niên khỏe mạnh ra rước “ngài” nhưng cả đám đông ra vùng vẫy mãi cũng không đưa lên khỏi được cống 5 cửa. Nhìn kỹ trên thân, có 3 ký tự lạ mầu hồng hiện rõ dần. Ngẫm một lúc, anh Đương chột dạ. Linh tính có điều không ổn bởi những ngày ra khơi anh luôn gặp cá heo bơi theo, và khi ấy anh luôn lẩm nhẩm, cầu mong “ngài cho con một chuyến ra khơi an toàn đầy tôm cá”.
Lần nào như vậy, anh Đương cũng trở về nặng thuyền và an toàn cập bến. Nhưng, lần gặp này thì khác hoàn toàn, “ngài” đã lụy, đầu hướng chầu về nơi đang diễn ra hội. Định bụng một lát, anh Đương liền gọi cho ông Thuyên, bảo: “Ông ơi, ngài không muốn về thì phải. Mấy anh em ra công sức mà không đưa lên thuyền được”. Thấy vậy, ông Thuyên vào ngự cung Miếu Đỏ, làm lễ tế trời đất rồi xin đài. Mấy lần khấn xin đài ông Thuyên đều bị “cười”. Ồng Thuyên hỏi các cụ bô lão, ở xã mình họ nào lớn các cụ nhỉ? “Họ Phạm, họ Trần, họ Giang”- cụ Phạm Văn Ngự, người thôn Sơn Thọ, thong thả nói…
Ông Thuyên đi gọi mãi khắp làng gọi những người thuộc họ này thì ai cũng mệt nhừ vì vui ngày hội “chén chú chén anh” nên ai cũng sợ xuống nước không may bị cảm. Cuối cùng, cụ chủ nhang phải đứng ra, nói vào loa: “Đây là việc hệ trong của ngư dân. Ai là người trong 3 dòng họ này thì ra cống 5 cửa rước thần ngư về chầu”. Ông Thuyên thấy anh Phạm Hữu Thản, Trần Văn Toản cùng anh Giang Văn Đương đều là người dân trong xã Thái Thượng, lại hiền lành và hay gặp thần ngư mỗi khi ra khơi nên ông cử ngay 3 vị này.
Lúc đó, đã là hơn 3 giờ chiều khi đưa “ngài” về đến sân Miếu Đỏ thì xảy ra một chuyện lạ kỳ khiến người dân xã Thái Thượng vừa mừng vừa sợ.
Còn nữa..
Nguyễn Đức Tuấn
Theo: ANTĐ