;
Cơm ăn không có, ăn Tết sao?
Cư xá Hưng Lợi 2 (tỉnh Bình Dương) có hàng ngàn công nhân, lao động nghèo còn bám trụ lại các căn trọ lụp xụp những ngày sát Tết. Khác với năm trước, hình ảnh kẻ vác người khiêng, lỉnh kỉnh hành lý về quê, khu trọ giờ cảnh đìu hiu, cư dân bám trụ lại với tâm lý sắp ăn cái Tết "không bánh chưng". Khu trọ trước có tới 5.000 người ở, giờ chỉ còn khoảng 1.300 người, đa phần là lao động nghèo, thời vụ hoặc công nhân mất việc, giảm lương.
Trong căn trọ chỉ vẻn vẹn 13m2, anh Hồ Vũ Phương (37 tuổi) và chị Huỳnh Thị Hồng Nhiên (38 tuổi) tranh thủ ăn trưa trước khi bắt đầu công việc buổi chiều.
Được mạnh thường quân cho 5kg gạo, vợ chồng anh ăn tiết kiệm hết mức. Chị Nhiên đong nửa lon gạo đầy, xới mỗi người một chén rồi đem cất nồi cơm, chiều ăn tiếp. Thức ăn mặn cũng đạm bạc với một con khô, chan nước mắm. Anh Phương nói, bữa cơm hôm nay ngon hơn thường ngày, vì không phải bới thùng rác kiếm thức ăn nữa.
Nhân ngày 23 tháng Chạp, vợ chồng anh cũng tranh thủ cúng đưa Ông Táo về trời. Không có tiền, anh Phương mua một ít thèo lèo, mứt chuột bày lên bàn thờ, vội vã đốt nén nhang.
Chưa kịp nằm nghỉ, vợ chồng anh lại tiếp tục thay quần áo, đi kiếm tiền.
"Hôm nay chủ trọ thuê đi sơn nhà, được vài chục nghìn. Mai chắc có thịt ăn. Gần Tết, tôi phải tranh thủ kiếm thêm đồng nào hay đồng đó, gửi về cho con dưới quê nữa", anh Phương mừng rỡ.
Anh Phương và chị Nhiên từng là công nhân tại công ty sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh. Hai năm nay, vợ chồng anh thất nghiệp, phải đi làm thời vụ. Hễ ai thuê gì làm nấy, anh chị có khi phải đi móc cống, nhặt ve chai,... kiếm vài chục nghìn. Mỗi tháng, hai vợ chồng cố lắm mới có được 5 triệu đồng.
Số tiền này khiến gia đình anh phải sống kiểu "ăn trước trả sau". Tiền anh nợ tiệm tạp hóa ngang nhà, nay không còn nhớ đã lên đến bao nhiêu.
Riêng tiền trọ đã hơn 2 triệu đồng, vợ chồng anh còn phải trích 1,5 triệu đồng gửi về quê cho bà nội chăm cháu. Thức ăn là do người ở trọ xung quanh thương tình chia sẻ. Có nhiều lúc, anh Phương phải lén bới thùng rác tìm thức ăn, nhưng vẫn bị hàng xóm nhìn thấy, can ngăn.
"Trọ có khu chợ kế bên, họ thường bỏ rau, thịt cá không còn bán được vào thùng rác tập thể, tôi mới nhặt vào ăn. Người ta thấy vậy khuyên tôi không nên, vì toàn đồ hết hạn sử dụng. Nhưng đói quá, biết làm sao", anh Phương ứa nước mắt.
10 năm trước, thời còn ở An Giang, vợ chồng anh cũng quanh quẩn bằng nghề cắt cỏ, phụ hồ, bốc vác. Cuộc sống thiếu thốn nhưng vẫn còn ra đồng bắt cua, bắt cá bổ sung cho bữa cơm, nếu ngày nào làm ít tiền.
Đến khi sinh con đầu lòng, cả hai đành tha hương, đến Bình Dương làm công nhân. Đứa con thơ chỉ mới bập bẹ tiếng mẹ ba, phải gửi lại cho ông bà nội chăm giúp.
Ngày đó, chàng trai 26 tuổi mang ước mơ đổi đời, để vợ con sống một cuộc sống đủ đầy.
Nhưng nào ngờ, công việc ở nhà máy như vắt kiệt sức anh chị. Anh Phương kể, ngày trước làm công nhân với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng, nếu tăng ca sẽ được lên 7 triệu đồng. Nhưng áp lực, khối lượng công việc quá lớn, lại hay bị trừ lương nên vợ chồng anh quyết định nghỉ việc.
Không lâu sau, dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh phải đi hỏi han khắp nơi, tìm người thuê công việc chân tay để phụ, kiếm thêm tiền sinh sống qua ngày.
Người hàng xóm kể rằng, có khi thấy anh Phương đi vác bao ve chai lên xe ba gác cho người ta. Mỗi lần vác, anh hì hục khiêng mấy bao tải nặng vài chục ký, mất cả buổi sáng, nhưng chỉ được trả 50 nghìn đồng. Thấy thương, hàng xóm nài nỉ lắm, người ta mới tăng cho anh lên… 60 nghìn đồng. Những ngày mưa còn thảm hơn, bởi không ai thuê, vợ chồng anh nằm trong nhà với cái bụng đói.
Nói đến đây, anh Phương thấy nghẹn ở cổ, khóe mắt cay xè. Ngày đó rời quê, vợ chồng anh mơ ước được đổi đời, để xây lại ngôi nhà vốn đã cũ nát cho ông bà nội, rồi rước con lên ở cùng, cho đi học đến nơi đến chốn. Nào ngờ, kế hoạch dự tính trong đầu đã tan thành mây khói.
"Đổi đời giờ thành tàn đời rồi. Tôi chưa từng thấy cảnh khổ thế này. Tưởng lên đây thoát cảnh nghèo, nào ngờ còn nghèo hơn lúc ở dưới quê", anh Phương cười gượng, nói.
Nhiều lần nhận cuộc gọi hỏi "khi nào về" của mẹ, anh chỉ vội lảng sang chuyện khác rồi nhanh chóng cúp máy. Tiến không được, lùi không xong. Anh Phương nói nếu quay về nhà, chẳng khác nào để người khác dày vò.
"Lúc nào về hàng xóm cũng kêu "dân Bình Dương về kìa, dân Bình Dương đi làm về nhiều tiền lắm". Thử hỏi giờ đi làm ăn xa về, trong túi không có một đồng, người ta coi mình ra gì. Đâu ai biết mình trên này khổ, giờ chỉ mong được về quê thôi, chứ tiền bạc chắc không có rồi", anh Phương bộc bạch.
Nói xong, anh Phương thay lại chiếc áo sờn cũ, lấm lem vết sơn rồi đi làm công việc chỉ được trả vài chục nghìn.
Cách vài bước chân là đến căn trọ của gia đình chị Neàng Khunh Na Ry (39 tuổi). Vài tháng trước, chị bị cho thôi việc tại công ty sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh. Từ ngày nghỉ, chị được nhận tháng lương cuối, cộng thêm thưởng Tết là 7 triệu đồng. Hiện tại thu nhập chính của cả gia đình tùy thuộc vào người chồng, với mức lương 5 triệu đồng.
Trong căn phòng tối om, chị Na Ry ôm đứa con trai nằm ngủ, mồ hôi nhễ nhại vì nóng. Thấy có người đến, chị bật dậy, đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ bởi nhiều đêm trằn trọc.
Là người dân tộc Khmer, tiếng Việt đối với chị Na Ry còn là điều thử thách. Con chị đến nay đã 5 tuổi, nhưng vẫn chưa được đến trường. Vợ chồng chị dự định năm sau cho con đi học, để còn biết nói tiếng Việt. Nhưng kế hoạch đó bỗng chưng hửng, vì hết tiền.
Với số tiền ít ỏi hiện tại, chị còn phải lo cho ba mẹ già đang bệnh nặng ở quê. Đây là năm đầu tiên chị Na Ry đón Tết xa nhà. Giống anh Phương, chị Na Ry vẫn cố gượng cười, ráng cho qua cái Tết để tìm việc mới.
Lá rách đùm lá… "tả tơi"
Giữa tiết trời nóng bức, bà Lý Thị Hương (quê An Giang) trở về sau khi vừa lội đồng kiếm lục bình nấu canh, mò ve chai đem bán. Ghé ngang khu vực để rác tập thể, bà Hương không ngại lôi chiếc thùng rác màu đỏ, tìm quần áo. Ngó thấy chiếc cặp đựng đầy dây thun cột tóc, bà Hương mừng rỡ như tìm được vật quý. Tiếp đó, bà ướm thử chiếc áo, đôi dép đã cũ, rồi lựa được vài món ưng ý, định bụng để dành mặc Tết.
"Đồ này người ta bỏ, tôi lấy về mặc. Thấy vậy chứ còn dùng được, bỏ uổng lắm", bà Hương tươi tắn.
Mấy chú cún con trong xóm trọ ríu rít, chạy về phía bà Hương. Với tay bế một con lên, bà Hương vuốt ve, rồi kể chuyện đời mình. Bà Hương từ quê lên Bình Dương để chăm cháu cho con gái và con rể đi làm. Nhưng từ tháng 12, hai con bị cho thôi việc, rồi trở về quê. Chồng bà bị bệnh, cũng đã rời Bình Dương, để lại bà và cháu ngoại trong căn trọ ọp ẹp.
Hàng ngày, bà đi nhặt ve chai kiếm tiền. Bà Hương cũng mót lục bình ngoài ao, làm rau luộc hoặc xào với mỡ heo để ăn. Nhặt được quần áo đẹp hay rau tươi xanh, bà đem chia cho mấy hộ gần đó.
Chạng vạng, một số công nhân được về sớm vì nhà máy giảm đơn hàng. Mấy đứa trẻ con háo hức chạy ra mừng, vài nhóm trẻ bày trò chơi đá bóng, ném cầu. Chị Bạch Thị Huyền (32 tuổi) nhích từng bước chân, đuổi theo con trai vừa đùa giỡn nên vấp ngã. Chị Huyền bị tật một bên chân, nên di chuyển khá khó khăn.
Anh Trần Văn Lượm (39 tuổi, chồng chị) vừa bị cho thôi việc 4 tháng trước. Mỗi buổi chiều, anh Lượm lấy xe chạy quanh cư xá, xem có ai về quê để hỏi xin giữ phòng trọ cho họ, kiếm vài đồng.
Tết này, chị Huyền định về quê làm căn cước công dân cho mẹ, nhưng định bụng không có tiền. Đã 4 năm xa quê, chị Huyền nhớ nhà lắm. Trong căn trọ nhỏ, chị sống với chồng, con trai và người mẹ ruột. Chị có một đứa con gửi ở quê cho ông bà nội chăm. Biết năm nay khó khăn, ông bà nội cũng tự bươn chải nuôi cháu. Giờ đây, 5 miệng ăn phụ thuộc vào số tiền lương hơn 7 triệu đồng của chị Huyền.
"Tết năm nay nhà tôi ăn cơm với cá rơm, vừa được người ta cho. Tôi cũng ráng mà sao thấy không nổi", chị Huyền nức nở.
Ngó quanh căn phòng, tủ quần áo, giường ngủ, thức ăn,… toàn là đồ được cho. Những vật dụng thiết yếu thường ngày, là do mua thiếu từ cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thu (39 tuổi).
Chị Thu cũng không khấm khá gì, nhưng được xem là ân nhân của hơn 50 hộ gia đình tại đây. Chồng chị Thu là công nhân may, vừa bị cho nghỉ việc 2 tháng trước. Con chị nay đã 17 tuổi, thất nghiệp, ở nhà phụ mẹ.
Chị Thu là một trong những người đầu tiên vào ở, từ khi cư xá Hưng Lợi 2 được xây dựng. Vì thế, hoàn cảnh của mỗi hộ dân thế nào, chị đều hiểu rõ. Đợt dịch Covid-19 bùng phát, chị là người đem gạo trong nhà, phát cho các phòng trọ.
Sau giãn cách, ai cũng khó khăn, chị Thu cũng bán hàng ghi sổ cho hơn 50 hộ dân, số tiền lên đến gần 90 triệu đồng. Hụt vốn, chị đánh liều vay tín dụng đen để duy trì cửa hàng. Nào ngờ, công nhân thất nghiệp, rời cư xá, không ai mua hàng và cũng chẳng có ai trả tiền cho chị. Mấy ngày qua, vợ chồng chị rầu rĩ vì tín dụng đen gọi điện đe dọa. Chị Thu động viên chồng, dù bản thân đang suy sụp.
"Sống ở đây lâu, ai cũng tha hương đi làm ăn hết. Từ những người không máu mủ, chúng tôi xem nhau như gia đình. Coi như "lá rách đùm lá tả tơi" vậy thôi", chị Thu tâm sự.
Trời sập tối, ngó thấy nhang tàn, anh Phước đem chân nhang ra đốt để hoàn thành nghi thức đưa ông Táo về trời. Chị Thu thấy vậy, nhờ anh đốt hộ vài tờ vàng mã. Ánh lửa lóe trong màu xám xịt của bầu trời. Vài hộ dân xung quanh chạy ra xem, đứng tụ lại trước cửa tiệm tạp hóa của chị Thu.
"Thôi năm nay ráng nghe! Qua năm sau mình làm lại. Tính nuôi con vịt để dành giao thừa đãi cả xóm ăn, mà bị quản lý la, bắt dẹp rồi. Thôi giao thừa năm nay có gì ăn nấy, miễn là mình có nhau" - sau câu nói của chị Thu, anh Phước, chị Nhiên, cô Hương, chị Na Ry và anh Lượm bật cười.
Có lẽ, họ khổ quen rồi, khổ nữa âu cũng là thử thách. Hoặc có thể họ thiếu tiền, nhưng đầy niềm tin, nghị lực. Bước sang năm mới, người ở xóm trọ chưa biết cuộc sống sẽ ra sao, nhưng ai cũng hứa. Họ hứa rằng, năm sau, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Nguyễn Vy - 20/01/2023
Theo: https://dantri.com.vn/an-sinh/can-tien-lai-mat-viec-lao-dong-ngheo-boi-rac-kiem-thuc-an-quan-ao-tet-20230116065823878.htm