;
Bà con nông dân và lãnh đạo chính quyền địa phương rất thích nghe nói chuyện, nhất là về tiến bộ khoa học, về những tấm gương thành đạt nhờ sách và tri thức, về những cách ứng dụng rất đơn giản từ sách vào cuộc sống. Những ví dụ rất đơn giản mà tôi hay mang ra để nói ở đây là câu chuyện về củ gừng, củ tỏi, về lá chè xanh, về củ nghệ, cây đinh lăng, cây sen, và các loại rau thơm. Các Phật tử giật mình bởi bà con đang sống trên kho báu, sống cùng kho thuốc quý, sống với những đặc sản vô giá mà không biết. Họ cũng ngộ ra rằng cần đọc sách. Nhất định sẽ đọc sách và khuyến khích con cháu cùng đọc.
Biết tôi là doanh nhân phật tử, bà con tranh thủ hỏi một số câu hỏi xung quanh vấn đạo Phật. Thôi thì, biết đến đâu nói đến đó.
Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe các thắc mắc của các Phật tử nơi các vùng quê. Xin kể ra đây và tôi tin rằng quý vị nghĩ rằng tôi kể chuyện tiếu lâm.
Bà con thắc mắc rằng tại sao lại mặc áo lam. Ở vùng quê này có nguồn tin rằng mặc áo lam là mặc áo của 1 đạo khác chứ không phải của đạo Phật. Bà con hiểu rằng đạo Phật thì phải mặc áo nâu, kể cả nhà sư lẫn các Phật tử! Lại nữa, có vị lãnh đạo 1 xã khi nghe tin trong chùa lập ra 1 đạo tràng liền ra lệnh cấm, bởi ông ta nhất quyết cho rằng đạo tràng là 1 đạo khác, 1 tà đạo. Bởi ông chỉ mới nghe đến đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Khổng, đạo Lão chứ đạo tràng thì chưa nghe đến bao giờ! Họ không hề biết là các đao tràng là do chính các cư sĩ hay nói cách khác là Phật tử lập ra để khuyến khích và bảo ban lẫn nhau cùng tu tập, rằng đơn giản đạo tràng là tập hợp của các Phật tử cùng tu tập với nhau và dĩ nhiên là của đạo Phật.
Biết tình hình như vậy nên tôi hỏi các Phật tử nông thôn những câu hỏi khác rất đơn giản như, đức Phật là ai, đề nghị kể rất ngắn gọn của đức Phật. Rồi A Di Đà nghĩa là gì và tại sao nên niệm hồng danh của đức Phật. Hay là: Nam mô là gì, rồi: Quy y là gì, 5 giới là những giới nào. Hầu hết bà con không biết. Vậy là tôi may mắn có cơ hội chia sẻ những điều cơ bản nhất này. Nếu có thời gian thì nói tóm tắt cho bà con nghĩa của 3 chữ kỳ diệu “tứ diệu đế”. Bà con rất hoan hỷ lắng nghe và thích thú.
Lại có chuyện một ông nọ lên ủy bạn nhân dân xã kiện vì nhà chùa cho tụng bài kinh dài quá. Trời đất! Thường ở quê thì chỉ tụng kinh A Di Đà hay phẩm Phổ môn vậy mà họ đã kêu mất thời gian. Vậy thì làm sao mà tụng đươc những bộ lớn! Tôi chợt nghĩ trong đâu: Đang hát 1 bài sao có thể dừng giữa chừng được cơ chứ.
Ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn chúng ta thường đọc những bộ kinh lớn hay những cuốn sách dày và quý cả mấy trăm trang như “Chết an bình tái sinh hỷ lạc”, “Vô ngã vô ưu”, “Ốc đảo tự thân”, “Đức Đạt lai lạt ma tại Harvard”, “Thiền và não bộ”,… Tuy nhiên ở các vùng nông thôn, những hiểu biết cơ bản về đạo Phật lại chưa có. Quả thật suốt những ngày qua, tôi trăn trở lắm. Tôi chỉ mong có chút thời gian để ngồi biên soạn lại, ngồi viết ra cuốn sách mỏng, rất đơn giản để trả lời những thắc mắc tối thiểu của các Phật tử nông thôn rồi in ấn tống về phát cho bà con. Những hiểu biết cơ bản quan trọng lắm, các Phật tử ơi!
Có về các vùng nông thôn mới thấy thương bà con. Chúng ta còn đang mải phân tích pháp môn này, cách tu kia, thầy này nổi tiếng, thầy kia tu đắc. Chúng ta đang bàn về những chuyến đi về đất Phật Ấn Độ, Nepal, Butan, Myanma,… hay tham dự các khóa tu Phật thất 7 ngày, khóa thiền Vipassana 10 ngày,… thì bà con các vùng quê còn thiếu, thậm chí quá thiếu những hiểu biết ban đầu về Phật, Pháp, Tăng (Tôi nghĩ nếu hỏi 3 từ này, có thể bà con cũng không biết!)
Trong các chương trình nói chuyện tôi hay cùng bà con niệm Phật. Chúng tôi cùng nhau thành tâm niệm danh hiệu các vị Phật và Bồ tát cơ bản là Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà và Quán Thế Âm. Bà con niệm rất hay, rất đều, rất có tâm. Tôi thấy vui lắm. Vui bởi gieo được vào tâm các Phật tử nông thôn 1 chữ Phật, giúp bà con hiểu những cái cơ bản nhất.
Đạo Phật cao sâu và màu nhiệm. Có tu mới thấy tuyệt vời. Càng tu càng thấy hay và nếu hiểu đúng, chúng ta như đang bước những bước rất chắc chắn trên con đường giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên Việt Nam chúng ta có hơn 70% dân số là nông dân. Vậy, chúng ta nên làm gì để giúp số đông dân Việt Nam ta. Chỉ có về quê tôi mới hiểu rằng số lượng Phật tử thực sự của nước ta chưa nhiều, bởi nhiều người nhận mình là con Phật nhưng chưa quy y, không giữ giới và chưa có những hiểu biết cơ bản.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến chương trình Đạo phật và doanh nhân được tổ chức tại Sóc Sơn mấy năm trước. Đến đó nhiều doanh nhân mới biết rằng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thuộc kinh bát nhã và rất hay tụng. Tôi cũng biết nhiều lãnh đạo cao cấp rất hay đi chùa, lễ Phật tụng kinh, niệm Phật. Tôi nhớ lại điều này bởi 1 anh Phật tử ở vùng quê lúa Thái Bình cứ bắt tôi trả lời câu hỏi “Theo TS, ở tỉnh thôi, có bao nhiêu phần trăm lãnh đạo hiểu đúng đạo Phật”. Tôi đoán là 50%. Dĩ nhiên là đoán mò. Nhưng qnah ta quả quyết là chỉ 5%. Bởi anh bảo, với những ai anh tiếp xúc ở trong xã anh đều không hiểu đúng về đạo Phật, đạo truyền thống và chính thức của nước ta. Tôi cười và nghĩ: anh này bi quan quá!
Tôi trăn trở với việc phát triển đạo Phật ở các vùng quê phía bắc của đất nước. Tôi thấy rõ sự khó khăn của các nhà sư đang hết mình hoằng pháp ở những nơi này. Thật khó khăn. Nhưng phước đức lớn vô cùng. Đêm qua tôi trằn trọc: Chúng ta có thể làm gì để giúp bà con. Bởi nếu biết đến đạo phật, bà con sẽ sống tốt, sống vui, sống tốt hơn nữa. Và khi đó chúng ta có 1 xã hội tuyệt vời. Nguyện mong cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là ban Hoằng pháp và ban Truyển thông có thể làm được nhiều hơn.
Xin cùng nhau gieo 1 chữ duyên cho bà con các vùng quê, bạn nhé. Việt Nam là đất nước của đạo Phật mà.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà