;
Xá Lợi Đức Phật được tôn trí tại chùa Quán Sứ - Hà Nội
Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 là Lễ đặc biệt trọng đại đối với Quý Phật tử Việt Nam nói riêng và Phật tử Thế giới nói chung, không những vì được tổ chức tại Việt Nam với hàng ngàn bài tham luận, hàng ngàn đại biểu, chư tăng ni, phật tử và giới trí thức của 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng đến tham dự, mà còn vì quý Phật tử và người dân Việt Nam, thật có duyên lành hiếm hoi và quý báu vô cùng, được chiêm bái xá lợi Phật và trái tim xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức, được cung thỉnh từ Ấn Độ và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM trong không khí trang nghiêm, thành kính và hân hoan của chư tôn đức tăng ni giáo phẩm, các nhà lãnh đạo cùng với sự dõi theo trong niềm hỷ lạc của đông đảo bốn chúng đệ tử, và người dân Việt Nam.
Khó thay, Phật ra đời (Pháp cú 182). Phật ra đời là khó, và để lại xá lợi sau hơn 2569 năm cũng là khó, và có được cơ hội chiêm bái xá lợi Phật lại càng khó hơn vì không được bao nhiêu người trong hàng trăm triệu Phật tử trên thế giới (506.990.000 Nguồn: Pew-2020) nhờ hội đủ duyên lành, mới có phước lành, thành kính chiêm bái xá lợi Phật.
Đức Phật từ bi lân mẫn chúng sanh, thị hiện đản sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, giáo hóa vô số người hữu duyên, không những để lại cho đời 84.000 Pháp môn giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, đoạn ác tu thiện, lìa khổ được vui; mà còn lưu lại xá lợi vì lợi ích, hạnh phúc lâu dài cho số đông, cho những ai hân hoan chiêm bái, kính lễ xá lợi ngài, như đảnh lễ chính Đức Phật, và nhờ vậy được lợi ích và hạnh phúc lâu dài, như lời dạy của Ngài cho Ngài Ananda, cho bốn chúng đệ tử, cho chư thiên và loài người trước khi nhập vô dư niết bạn, như đã được ghi lại trong Thánh Điển Pali và trong Trường A-hàm như sau:
Này Ananda, pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào, pháp táng thân Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp, hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp), thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài. (Trường Bộ Kinh Digha Nikàya. 16 Đại Bát Niết Bàn Kinh. Tụng Phẩm V. Đoạn 11.)
Đức Phật dạy A Nan rằng: “Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên” (Kinh Du hành, Trường A-hàm).
Bài viết kính lễ xá lợi Phật này, không vì được phúc lợi lâu dài trong đời sống hiện tại, và chết thì sanh thiên nhờ vào lòng thành kính chiêm bái xá lợi Phật trong niềm hân hoan hỷ lạc, mà là vì để thành kính tri ân ÂN ĐỨC PHẬT VÔ BIÊN (Cảnh giới, công đức, trí tuê Như Lai không thể nghĩ bàn) qua đại hạnh của Ngài, trải qua vô lượng kiếp tu hành: lấy khổ làm vui, lấy giới làm thầy để tích tập thập hạnh ba-la-mật tròn đầy, và nhờ đó trở thành một vị Phật toàn giác, bậc toàn thiện, bậc tuệ tri mọi pháp, bậc ứng cúng, thầy của trời người…
Nay con thành kính đảnh lễ xá lợi Phật là vì vô số đức hạnh, công đức, trí tuệ bất khả thuyết, bất khả luận, bất khả lượng của ngài, và ít nhất 10 công hạnh chân thật bao la như hư không của Ngài, như đã được ghi lại trong Thánh Điển Pali, thứ tự được trình bày như sau:
Thứ nhất: Con kính cẩn đảnh lễ xá lợi Phật trong niềm hân hoan hỷ lạc với tấm gương hiếu hạnh sáng ngời của ngài, một người con đại hiếu, khi thuyền của ngài bị đắm giữa bể khơi mà ngài vẫn rán sức cõng mẹ trên lưng lội dưới bể trong 7 ngày, mặc dầu mệt nhọc vô cùng, vẫn can đảm hy sinh vì mẹ, làm cảm động một vị Đại phạm thiên. Vị Đại Phạm Thiên này bèn xuôi khiến cho người con đại hiếu này phát nguyện thành môt vị Phật để độ chúng sanh thoát khỏi khổ ải. Từ đó, ngài trở thành một vị Bồ-tát, như đã được ghi lại trong Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya, Chánh Giác Tông Buddhavamsa, phần 2 như sau:
Đức Phật giảng rằng: Nầy Xá Lợi Phất! Trong một thời gian quá khứ, trải qua một A-tăng-kỳ kiếp không có Đức Phật nào ra đời tế độ sanh linh, môt hôm có một ngưới lái thuyền tên MÀTUDÀRA MÀNAVA bị thuyền đắm giũa bể khơi, y rán sức cõng mẹ trên lưng lội dưới bể trong 7 ngày, mặc dầu mệt nhọc vô cùng, vẫn can đảm hy sinh vì mẹ, làm cảm động một vị Đại phạm thiên. Ngài bèn xuôi khiến cho người lái thuyền phát tâm trong sạch nguyện thành môt bực Chánh Giác để độ chúng sanh thoát khỏi sông mê bể khổ.
Từ đó người lái thuyền trở thành một vị Bồ-tát, để tập sự nguyện trong tâm trọn 7 A-tăng-kỳ rồi phát nguyện bằng lời nói, tu tập thêm 9 A-tăng-kỳ cho tới khi gặp Đức Phật Nhiên Đăng (DIPANKÀRA) thọ ký và tiên tri cho biết rằng còn 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu nữa sẽ thành một vị Chánh Đảng Chánh Giác tên GOTAMA. Đức Bồ-tát trên đây là tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng ta đang học và hành theo giáo lý của ngài vậy.
Thứ hai: với năm vóc sát đất, con xin thành kính đảng lễ xá lợi Phật với tâm trí hân hoan ghi nhớ ân đức như biển cả bao la của Thế Tôn, khi ngài là một đạo sỹ Sumedha (đã chứng 8 thiền và 5 thắng trí (ngũ thông), có khả năng chứng đạo A La Hán, nhưng không vì an vui cho bản thân trong cảnh giới niết bàn, không còn buộc ràng, phiền não khổ đau, mà thay vào đó, ngài vẫn kiên tâm với Đại Nguyện Thuở xưa (đã được thực hành hơn 16 A tăng kỳ kiếp), trở thành một vị Bồ Tát, lần đầu tiên được Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara) thọ ký, sẽ trở thành một vị Phật toàn giác Gotama (Thích Ca Mâu Ni Phật) sau 4 A tăng kỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp. Thay vì tịch lặng an vui trong cảnh giới niết bàn thanh văn, Ngài hoan hỷ chấp nhận trải vô lượng kiếp tái sinh luân hồi nữa để tu bồ tát hạnh, tích tập thập ba-la-mật tròn đầy, từ bi và trí tuê viễn mãn vì lợi ích và hạnh phúc cho chúng lục đạo hữu tình trong tam giới. (Điển tích này ghi lại trong Thánh Điển Pali, Chánh Giác Tông Buddhavamsa, Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Phần 2. 28 vị Phật quá khứ).
Hàng triệu người về chùa Quán Sứ chiêm bá đảnh lễ Xá Lợi Đức Phật -
Ảnh Diệu Tường
Thứ ba: Thật hân hoan theo dòng người trong không khí trang nghiêm xúc động, con hội đủ duyên lành, chiêm bái xá lợi Phật trong niềm vui hỷ lạc của thân tâm, và nay nhớ lại tấm lòng từ bi hóa giải hận thù, biến xấu thành tốt của Ngài, khi bồ tát là một vị vua hiền từ anh minh với tấm lòng từ bi ‘vô chướng ngại’, đã hóa giải hận thù của vua cướp nước, cứu hai quốc gia thoát cảnh chiến tranh, giết chóc, tàn sát lẫn nhau trong đau thương và nước mắt; và mang lại hạnh phúc, bình an đến muôn dân của hai quốc gia. Công hạnh này của Ngài đã được ghi lại trong Thánh Điển Pali, Chuyện Tiền Thân 282, Tiểu Bộ Kinh - Khuddaka Nikàya như đoạn trích dưới đây:
Ông vua kia đã đến đây, phá hoại xứ sở để mong chiếm lấy Ba-na-lại. Xin cho chúng thần đi bắt ông ta!
- Ta không muốn giữ vương quốc bằng cách giết hại - vua bảo - Ðừng làm gì cả.
Ông vua cướp nước kia bao vây thành phố. Các đại thần lại đến gần vua và nói:
- Tâu Ðại vương, xin hãy lưu tâm. Hãy cho phép chúng thần bắt ông ta!
- Không được làm gì cả - vua phán - Hãy mở các cổng thành.
Rồi vua đoan nghiêm ngồi trên bệ, giữa các đại thần của triều đình.
Vua cướp nước vào thành, hạ các người giữ cổng rồi vào cung điện. Nơi đây, ông bắt giữ vua và các triều thần, trói xích lại rồi tống tất cả vào ngục. Vua ngồi trong ngục thương xót kẻ cướp nước kia, nỗi xót xa cùng cực trào dâng trong ngài. Do lòng thương xót kia mà ông vua nọ bỗng cảm thấy giày vò bứt rứt trong thân, cả người như bị thiêu đốt gấp hai lần lửa bỏng. Bị ray rứt xốn xang vì trọng tội, ông ta hỏi các cận thần vì sao như vậy.
Họ trả lời:
- Ngài đã bắt giam một vị vua công chính, do thế mà ngài bị như thế kia.
Ông ta liền đến xin Bồ-tát thứ lỗi, giao trả lại vương quốc. (Hết trích)
Đức hạnh này của Ngài quả thật là một bài học quý báu vượt thời gian về lòng từ bi hóa giải hận thù, một lời dạy thiết thực trong thế giới nhiều tà ác, hận thù, tranh đấu, chiến tranh như ngày nay, trong đó lòng từ bi cần phải được biểu hiện để mọi người trên quả địa cầu này cùng chung sống hòa hảo, nhu thuận trong an yên và hạnh phục lâu dài.
Hận thù không thể diệt hận thù
Đời nay không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu
(Pháp cú số 5)
Thứ tư: Chiêm bái xá lợi Phật là duyên lành gợi nhớ lại xá lợi thượng thủ của Đại Hầu Vương, xá lợi tiền thân của Ngài khi làm vua khỉ, hy sinh tấm thân của mình, làm nhịp cầu cho cả đàn khỉ (80.000 con) dẫm đạp lên thân ngài tìm đường sống, thoát cảnh bị quân lính nhà vua tàn sát.
Vua quan cùng binh lính chứng kiến cảnh tượng bi trí dũng này của hầu vương vô cùng thán phục, liền bỏ trượng bỏ kiếm, không giết một con khỉ nào cho đến muôn loài chúng sanh, mang lại bình an lâu dài cho toàn bộ chúng hữu tình trong quốc độ của vua.
Không những vậy, vua còn long trọng làm lễ tang cho hầu vương ngang hàng với quốc vương, và xây tháp thờ xá lợi thượng thủ (sọ) của ngài, như đã được ghi lại trong Thánh Điển Pali, Tiền Thân số 407, Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya như đoạn trích sau:
Quân lính theo lệnh vua bao vây và chuẩn bị cung tên để giết cả đàn khỉ (tám mươi ngàn con). Bồ Tát là khỉ chúa vì lòng từ bi, đã hy sinh thân mình để cứu cả đàn như nội dung chính được trích dẫn dưới đây…
…Vua ngâm vần kệ đầu:
1. Chính thân ngài đã bắt ngang cầu khỉ
Cho cả đàn trốn thoát được bình an,
Này khỉ kia, ngài với chúng họ hàng,
Hay bọn chúng là gì ngài đó vậy?
Nghe lời này, Bồ-tát ngâm các vần kệ khuyến giáo vua:
2. Tâu Ðại vương, tôi trông nom bọn ấy,
Là Hầu vương, tôi làm chủ cả đàn,
Khi bọn kia đầy rẫy nỗi kinh hoàng
Vì các vị, lòng lo buồn đau đớn
…..
6. Tôi không sợ nỗi đau vì thiệt mạng,
Dẫu giam cầm tôi cũng chẳng đau buồn.
Khi bình an hạnh phúc với cả đàn,
Xưa bọn chúng, tôi đã từng cai trị.
7. Một ví dụ dành cho ngài, Ðại đế,
Nếu ngài mong học Ðạo lý Chánh chân:
Niềm an vui hạnh phúc của toàn dân,
Cùng quân đội, và kinh thành, chiến mã,
Ðối với ngài đều thiết thân tất cả,
Nếu ngài mong trị nước thật an bình.
Bồ-tát giáo huấn vua như thế xong liền từ trần. Vua gọi các đại thần đến truyền lệnh cho Hầu vương được thọ hưởng tang lễ như một quốc vương.
Sau khi đã chuẩn bị tang lễ của Bồ-tát theo nghi thức vua chúa, họ đem xương sọ của ngài đến trình vua. Vua truyền xây một đền thờ ở tại địa điểm hỏa táng Bồ-tát, làm lễ đốt đuốc và dâng hương hoa cúng dường. Vua lại truyền khảm vàng vào xương sọ, nâng nó lên cao trên đầu ngọn giáo và đặt tại cổng thành rồi cúng dường hương hoa khi vua đến Ba-la-nại. Sau đó truyền lệnh cho cả kinh thành trang hoàng thật trang nghiêm, nhà vua làm lễ suy tôn-xá lợi suốt bảy ngày. (Hết trích)
Thứ năm: Con thành tâm đảnh lễ xá lợi Phật trong niềm kính ngưỡng và tri ân tấm lòng từ bi lân mẫn chúng sanh không từ gian khổ vì hạnh phúc cho vô số chúng hữu tình, chư thọ thần, chư Càn-thát-bà, chư dạ xoa, nhân và phi nhân vv trong một khu rừng thường xuyên xảy ra hỏa hoạn, Ngài tái sinh làm con chim cun cút con (có đầy đủ thiện pháp tánh trong thân), thực hạnh lời nguyện cầu chân lý dựa vào công đức chân thật bất khả tư nghì của chư Phật quá khứ, dập tắt nạn cháy rừng, mang lại bình yên lâu dài cho muôn loài hữu tình chúng sanh.
Sự thật câu chuyện như vầy: Khi Bồ tát từ trong trứng nở ra một chim cun cút cho đến khi ngài có cánh (chưa bay được), có chân (chưa đi được), cùng lúc ấy nạn cháy rừng xảy ra tại khu rừng ấy. Tất cả loài hữu tình đều cố gắng tìm cơ hội thoát thân trong đó cha mẹ của bồ tát cũng sợ quá bay trốn, bỏ lại bồ tát, con chim cun cút con một mình bơ vơ, không nơi nương tựa.
Nhờ vào công đức thiện pháp tánh trong thân mà trí ngài biết rõ, và nương nhờ vào công đức chơn thật của chư Phật, con chim cun cút thực hiện nguyện cầu chân lý để dập tắt đám cháy, và thần thông này tồn tại trong một kiếp quả đất, không còn bị cháy nữa, mang lại hạnh phúc và bình an thật lâu dài cho chúng hữu tình chúng sanh các loại. Công hạnh này được ghi lại trong Thánh Điển Pali, Chuyện Tiền Thân số 35, và nội dung chính được trích dẫn như dưới đây:
Có những công đức Pháp mà chư Phật quá khứ đã chứng đắc. Và ta có được một sự thật: Một tự tánh pháp hiện hữu. Do vậy, ta cần phải niệm các công đức đã được các đức Phật quá khứ chứng đắc, nắm giữ tự tánh pháp về sự thật hiện có nơi ta, làm một hạnh chân đẩy lui ngọn lửa, đem lại an toàn cho ta và cho các con chim còn lại". Do vậy, bài kệ này được nói lên:
Ở đời có giới đức,
Chân thật, tịnh, từ bi,
Chính với chân thật ấy
Ta sẽ làm một hạnh,
Hạnh chân thật vô thượng.
Hay hướng niệm Pháp lực,
Niệm chư Phật quá khứ,
Dựa sức mạnh chân thật,
Ta làm hạnh chân thật.
Rồi Bồ-tát niệm công đức chư Phật đã nhập Niết-bàn trong quá khứ, nhân danh tánh chân thật hiện có trên tự thân, làm một hạnh chân thật, và đọc bài kệ:
Có cánh không bay được,
Có chân không thể đi,
Cha mẹ đã bỏ ta,
Hỡi lửa, hãy đi lui!
Khi Bồ-tát nói sự thật ấy, ngọn lửa đi trở lui khoảng mười sáu tầm (1 tầm = 1,8 m). Khi trở lui như vậy, lửa không đốt cháy khu rừng nó đi ngang qua và được dập tắt tại chỗ ấy, như bó đuốc nhúng vào nước. Do vậy, bài kệ được nói như sau:
Ta làm hạnh chân thật,
Màn lửa lớn lửa ngọn.
Ði lui mười sáu tầm
Như ngọn đuốc gặp nước.
Trong suốt kiếp này, chỗ ấy không bị lửa đốt cháy, được gọi là thần thông tại trong một kiếp. Như vậy, Bồ-tát đã làm hạnh chân thật, và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình. (Hết trích)
Thứ sáu: Theo dòng người và/hoặc theo dõi dòng người thành kính chiêm bái xá lợi Phật mới cảm nhận được sự hân hoan và hỷ lạc của bà con, hơn thế nữa cảm nhận được phần nào sự tinh tấn, quyết tâm không ngại đường sá xa xôi, thời gian và kể cả bệnh tật của một số bà con, vẫn đến chiêm bái xá lợi Phật.
Điều này nhắc nhớ lại công hạnh Tinh tấn, dũng mãnh, không từ bỏ thiện pháp của Đức Phật khi còn làm bồ tát, mặc dầu thân ngài (con ngựa thuần chuẩn Sindl) bị cảm thọ bất lạc kịch liệt do bị thương, vẫn kiên định hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp hy sinh tính mạng, không những cứu 8 quốc gia thoát cảnh chiến tranh tương tàn mà còn hóa giải hận thù giữa các cừu vương; và hơn thế nữa, trước khi chết, bồ tát còn khuyên quý vua trị quốc bình thiên hạ bằng thập vương pháp, mang lại hạnh phúc an lạc cho nhân dân của 8 quốc độ, và bình an khắp muôn loài…
Điều này đã được ghi lại trong Chuyện Tiền Thân số 23, Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya, như đã được cô đọng bằng bài kệ cảm tác sau:
Vương Mã Sin-dh Từ Bi -Trí Dũng
Tiền Thân có kể chuyện rằng
Ba La Nại Quốc phú cường dân đông
Nhưng rồi Trú Xứ bị vây
Bởi vua bảy nước tiến quân chiếm thành
Vua kia phái một kỵ thần
Xông vào trận tuyến cùng Ngựa Sin-dh
Vương Ngựa thuần chủng giống rồng
Phi nhanh nướt đại xé tan quân thù
Bắt ngay năm vị vua đầu
Đến vua thứ sáu bị gươm đâm người
Máu ra đau đớn khôn cùng
Ngựa không chịu nghỉ dưỡng thương đầu hàng
Khuyên người Kỵ sĩ bó băng
Lao ngay vào chốn ba quân không người
Bắt ngay hoàng đế cuối cùng
Mang về ra mắt Vua thành Bratta
Lại khuyên Vua thả cừu quân
Sống nhu hòa thuận an yên nhân quần
Khuyến Vua thưởng phạt công minh
Theo thập vương pháp toàn dân chan hòa
Ngay khi vừa dứt Lời Vàng
Sin-dh nhắm mắt ra đi an lành!
Thật hân hoan với lòng đầy tri ân quý chư tăng ni, quý Phật tử tình nguyện không quản nhọc nhằn, khó khăn, thời gian, thời tiết nắng nóng, tổ chức những sự kiện hy hữu bậc nhất - Trang Nghiêm Nơi Thờ Xá Lợi Phật để hàng vạn người (trong đó, có những cụ già lưng khòm chân đi không vững, anh trung niên bị thương phải đi nạng vv), vẫn hoan hỷ từ nhiều tỉnh thành, xóm phố, đổ về chốn thiền môn (Chùa Thanh Tâm TPHCM, Chùa Núi Bà Đen Tây Ninh, Chùa Quán Sứ Hà Nội, Chùa Tam Chúc Hà Nam) chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ liền trong những ngày qua để được chiêm bái xá lợi Phật, dù chỉ một lần trong một phút với lòng đầy hỷ lạc và hạnh phúc của người con Phật.
Thứ bảy: Con thành kính chiêm bái xá lợi Phật như một lời nhắc nhở học tập hạnh đại từ đại bi của Ngài, bình đẳng với tất cả chúng sanh. Không những hy sinh thân mình để cứu người, mà còn sẵn sàng xả thân cứu hổ đói, khi ngài là vị đạo sỹ, như đã ghi lại trong Thánh Điển Pali, Tiểu Bộ Kinh-Khuddaka Nikàya. Chánh Giác Tông – Buddhavamsa phần 2 như đoạn trích sau:
Có một kiếp Bồ-tát tu làm đạo sĩ, cùng 500 học trò ẩn tu nơi rừng núi.
Một hôm ngài ra mé núi thấy dưới hố sâu có con cọp mẹ gầy ốm, đương dợm ăn cho con đỏ đói. Vị đạo sĩ thấy vậy động lòng thương xót, liền kiếm cớ biểu học trò về, rồi ngài gieo mình xuống hố, thí thân cho cọp mẹ ăn. Khi người học trò lớn trở lại kiếm, biết thầy mình đã bố thí thân mạng cho cọp ăn, cũng nhảy theo xuống hố làm mồi cho cọp. Người học trò ấy tức là Đức Phật Di Lặc trong ngày vị lai.
Thứ tám: Con thành kính chiêm bái xá lợi Phật với niềm hân hoan vì tin biết công đức bất khả tư nghì của Như Lai khi Ngài trải qua vô lượng kiếp tu bồ tát đạo, trong đó kinh văn kể rằng: tiền thân của ngài là một vị phú gia sở hữu tài sản 80 triệu đồng đã phóng khoáng xây dựng sáu bố thí đường, và mỗi ngày, ngài cùng hiền thê bố thí cho sáu trăm ngàn người đến xin ăn, khi không còn vật gì, ngài cùng hiền thê đi làm cỏ cả ngày, thu hoạch hai bó cỏ. Cả hai đều nhịn đói bố thí cả hai bó cỏ, vừa làm lụng cả ngày vừa nhịn đói bố thí như thế suốt bảy ngày liên tục mà tâm đầy hỷ lạc.
Nội dung chính của việc tinh tấn bố thí của 2 vợ chồng ngài được tóm tắt như đoạn văn dưới đây từ Chuyện Tiền Thân số 340, Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya:
Tiền thân số 340 nhịn đói bảy ngày để bố thí của một đại phú gia (tiền thân của Đức Phật Thích Ca), là một minh chứng điển hình nữa về sự quên mình vì lợi lạc cho tha nhân và cầu Vô Thượng Bồ Đề mà bố thí. Đại ý chuyện kể rằng vợ chồng đại phú thích bố thí, cho xây sáu bố thí đường và hàng ngày bố thí sáu trăm ngàn người đến xin, làm rúng động nhân dân khắp nước Ấn Độ, khiến cho ghế ngồi của Thiên Đế Thích nóng lên vì kết quả phi thường do lòng bác ái của Ngài.
Thiên Đế Thích thử lòng Ngài, dùng thần thông làm cho tất cả kho báu, sáu bố thí đường cùng gia nô của Ngài biến mất, không còn một vật chi. Ngài không từ bỏ việc bố thí. Ngài và hiền thê đi cắt cỏ và làm thành hai bó cỏ: một bó để bố thí và một bó để bán lấy tiền mua lương thực nuôi thân, nhưng trên đường đi, nhiều người xin, nên Ngài và hiền thê nhịn đói bố thí luôn bó cỏ thứ hai, liên tục cho đến ngày thứ bảy, sức lực cạn kiệt, [nhưng hỷ lạc do sức kiên định trong việc bố thì vì lợi lạc cho tha nhân và vì cầu Vô Thượng Bồ Đề [Pháp hỷ lạc do nhịn đói để bố thí vì hai ý nghiệp chân khiết này (lợi lạc cho tha nhân và cầu Vô Thượng Bồ Đề) được hiển bày trong chuyện tiền thân số 480-Chuyện Hiền Giả Akitta, khi Ngài là một vị tu khổ hạnh nhịn đói ba bữa ăn đơn sơ: gạo, lá rừng ngay trước ngọ cho một vị Bà-la-môn nghèo đói do Thiên Đế Thích giả dạng thử ngài]
Thứ chín: Con trực tiếp chiêm bái bằng cả tâm kính cẩn xá lợi Phật với lòng đầy khâm phục và không một ngôn từ nào có thể tán dương đức kham nhẫn của ngài (nhẫn nhục ba-la-mật), khi ngài là một đạo sỹ bị vua kasi trị vì ở Ba-la-nại với tánh hung bạo vì ghen tuông mà hành hạ ngài một cách dã man: ngài bị hành hạ bằng roi gai đến nỗi Da trong, da ngoài của Bồ-tát bị xé rách tới thịt, máu tuôn xối xả mà vẫn kham nhẫn không giận; bị chặt đứt 2 bàn tay và 2 bàn chân vẫn kham nhẫn, không giận; bị xẻo mũi cắt tai mà vẫn kham nhẫn, không giận; bị vua dẫm đạp lên ngực, chỗ trái tim của bồ tát mà ngài vẫn kham nhẫn không giận. Toàn thân của bồ tát bị nát tả tơi, máu chảy ra khắp cơ thể mà vẫn kham nhẫn, không giận.
Lẽ ra khi hữu duyên diện kiến Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara), Đạo sỹ Sumedha (chứng 8 thiền,với 5 thắng trí bay qua không gian) có thể nghe chơn chánh pháp vi diệu và chứng đạo A La Hán, thoát mọi khổ đau, nhập niết bàn an vui tịch lặng. Thay vào đó, ngài vẫn kiên tâm với đại nguyện thành Phật của ngài. Ngài phải trải qua vô lượng kiếp thực hành thập ba-la-mật trong đó có nhẫn nhục (kham nhẫn) ba-la-mật cần phải được thực hành và thành tựu viên mãn.
Qua sự thực hành viên mãn những ba-la-mật như thế cho thấy công đức của chư Phật là bất khả thuyết, bất khả luận, bất khả lượng. Vì thế, việc chiêm bái, đảnh lễ xá lợi Phật trong niềm hân hoan sẽ phát sinh lợi lạc, hạnh phúc lâu dài, và khi chết được sinh thiên, là một kết quả tương ưng như lời Phật dạy trong Đại Bát Niết Bàn Kinh, Trường Bộ Kinh, Du Hành Kinh, Trường A-hàm. Đức kham nhẫn của Bồ Tát như thế này được ghi lại trong Thánh Điển Pali, Tiểu Bộ Kinh _ Khuddaka Nikàya, Tiền Thân số 313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn.
Thứ mười: Hòa chung vào không khí hân hoan của hàng vạn Phật tử và không khí trang nghiêm tại nơi tôn thờ xá lợi Phật, con thành kính chiêm bái xá lợi ngài trong niềm tri ân sâu sắc ân đức Phật qua sự dũng mãnh của ngài khi từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tu khổ hạnh và cho đến khi chứng đạt đạo quả vô thượng bồ đề bằng con đường trung đạo, chuyển bánh xe pháp luân ở Vườn Nai, thuyết pháp hóa độ vô số chúng sanh, hình thành ngôi Tam Bảo ở thế gian, để lại cho đời chơn chánh pháp vi diệu: Tứ Diệu Đế, 37 bảy phẩm trợ đạo, định lý duyên khởi, Tánh Không, Bồ Đề Tâm, đạo lý nhân quả, Niệm Phật, Niệm ân đức Tam Bảo vv nói chung cả thảy 84.000 pháp môn qua đó giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, đoạn ác tu thiện, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, giải thoát niết bàn, thoát mọi khổ đau... Ngoài ra, Đức Phật sau khi nhập diệt để lại 84000 xá lợi cho bốn chúng đệ tứ theo dòng thời gian có duyên lành đích thân chiêm bái để được lợi ích và hạnh phúc lâu dài…
Con, Tâm Tịnh thành kính cúng dường bài tri ân ân đức Phật nhân kỷ niệm ngày Phật Đản Sanh, và Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Với công đức chơn thật này, con thành tâm xin nguyện cầu cho tất cả mọi người sống trên Cõi Địa Cầu sẽ thoát khỏi thời kỳ tà ác, chiến tranh, và thoát khỏi mọi sự bất an, não nhiệt, sợ hãi, căng thẳng, hận thù, oán ghét; và đồng thời nguyện cầu mọi khổ đau, cái chết phi thời của mọi người đều được hoàn toàn tịnh hóa.
Vói tình yêu thương chân thật này, đặc biệt, với lòng đầy biết ơn từ trong tận sâu thẳm tâm hồn, con xin hân hoan nương nhờ vào lòng tư bi vô biên, vô chướng ngại của chư Phật, chư Bồ Tát, thành tâm nguyện cầu an lành và hạnh phúc cho Cha Mẹ, người thân và hết thảy muôn loài chúng sanh trong mọi thế giới và cùng khắp hư không vũ trụ bao la này.
Nương nhờ vào công đức chơn thật hơn cả biển cả bao la, bất khả tư nghì của chư Phật, chư Bồ Tát, con xin thành tâm ngưỡng nguyện mọi chúng sanh sớm giác ngộ và chứng đạt Vô Thượng Bồ Đề, Chánh Trí Giải Thoát, thoát mọi ràng buộc, khổ đau.
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới.
Đồng sanh cõi Cực Lạc.
Tâm Tịnh (Toowoomba Queensland, Australia 24 giờ 16/05/2025)