nguoiphattu.com Chiều ngày 02 tháng 03 năm 2019, nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, nhận lời thỉnh mời của Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Thuần, chư tôn đức lãnh đạo Ban hoằng pháp TW khu vực phía Nam đã quang lâm về thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc – quận Long Biên – HN và chia sẻ Phật pháp cho đông đảo Phật tử trong ngày khai pháp đầu năm Kỷ Hợi.
Sau nghi thức tác bạch cầu pháp của thượng tọa trụ trì Thích Tâm Thuần - Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm - Ủy viên thường trực HĐCM GHPGVN đã ban đạo từ sách tấnchư tôn đức Tăng Ni trong thiền viện và hơn 2000 Phật tử hiện diện tại giảng đường thiền viện về ý nghĩa của 12 con giáp và những cách nhìn sai lệch hiện nay của người dân với việc cúng bái tại chùa.
Theo hòa thượng, từ xưa tới nay, mỗi khi người dân bất an bệnh tật thì thường tới chùa để cầu an, còn gia đình nào có người mất cũng về chùa để nhờ quý thầy làm lễ cầu siêu giúp vong hồn được siêu thoát. Nhưng nghi thức cầu an hay cầu siêu cũng chỉ là một phương tiện để hướng dẫn Phật tử có niềm tin với ngôi Tam Bảo. Đạo Phật đề cao luật nhân quả, gieo nhân gì sẽ hưởng quả đó.
Với người đệ tử Phật, nhất là người xuất gia không lấy việc cúng bái cầu cạnh là chính, mà chỉ chuyên tâm tạo phúc duyên tu tâm tích thiện. Tất cả những pháp môn của Đức Phật mà chư Tổ kế thừa đều để hướng dẫn Phật tử tu tập, nhiếp phục 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý, diệt trừ tham – sân – si. Nếu làm được ta sẽ tích lũy được chính niệm ở bản thân mình. Sức mạnh của chính niệm sẽ hàng phục được chúng ma, thiệu long Tam Bảo.
Việc cúng bái cầu khẩn không phải việc chính, việc tu hành trong khuôn khổ giới luật từ người xuất gia hay tại gia đều phải cố gắng thực hành cho đúng. Cuối cùng, Hòa thượng nhấn mạnh “Chúng ta là người Phật tử, người tại gia ngoài các giới cấm của Phật tử còn có trách nhiệm bổn phận công dân của đất nước, tất cả quý Phật tử phải tuân thủ theo luật pháp, không thể vượt qua luật pháp để sống được. Đối với người tu sĩ Phật giáo chúng tôi phải có giới luật làm khuôn khổ.
Người xuất gia là trưởng tử của Như Lai, là phúc điền của chúng sinh, là bậc chúng trung tôn cho nên với trách nhiệm đó phải lấy giới luật làm đầu. Trong 12 con giáp không có con nào trị con nào hết. Chúng ta là người tu, luôn phải biết sửa đổi, thấy cái lỗi của mình, thấy cái hay của người, từ đó sửa cái dở của mình thành cái hay thì mình sẽ có cuộc sống an lạc, hạnh phúc”.
Đại diện Phật tử đạo tràng Trúc Lâm Sùng Phúc dâng phẩm vật cúng dàng chư tôn đức chứng minh
Sau đó, đại chúng đã lắng lòng thanh tịnh đón nhận thời pháp thoại vô cùng ý nghĩa của Hòa thượng Thích Minh Thiện - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Ban hoằng pháp TW.
Trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã cùng đại chúng ôn lại về thời kỳ từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho tới nay đã hơn hai nghìn năm lịch sử và luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi thăng trầm. Hòa thượng giảng dạy “Trong các thời đại, đặc biệt là thời Lý, khi ngài Lý Công Uẩn lên ngôi rời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, có một sự cố vấn quan trọng của ngài Vạn Hạnh Thiền Sư. Chính ngài Lý Công Uẩn cũng được nuôi lớn từ dưới mái chùa, ươm mầm để trở thành một vị minh quân sau này chăm dân trị nước. Trải qua hơn 200 năm như vậy, thời Lý đã xây dựng được rất nhiều ngôi chùa.
Sau này khi có tầm nhìn rộng hơn, mọi người đều có thể nhìn nhận thấy hơn 1000 ngôi chùa thời Lý được dựng lên là hơn 1000 trường học để đào tạo nhân tài chăm dân trị nước, là hơn 1000 bệnh xá để chăm sóc sức khỏe cho người dân, đấy là những yếu tố quan trọng để có thể làm nên trang sử vàng son, hùng mạnh, toàn diện của thời Lý. Và tới đỉnh cao của thời Trần, các vị vua thời Trần tiếp nối điều đó và xuất hiện Đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông”.
Theo Hòa thượng, một trong những yếu tố làm nên trang sử vàng son của đất nước thời Lý – Trần đó là việc các vua quan và dân chúng thời bấy giờ biết đem tinh thần từ bi và trí tuệ của Đạo Phật để cùng sống chung, cùng giúp nhau tìm được sự an vui, hạnh phúc và thịnh vượng cho dân tộc.
Thời nào mà từ vua quan cho tới thứ dân đều tin tưởng Phật giáo, áp dụng tinh thần của Phật giáo vào trong cuộc sống đời thường thì chắc chắn đó sẽ là thời kỳ thành công. Chính vì vậy nên Hòa thượng Thích Thanh Từ - tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để suốt cuộc đời của mình tu tập và kết tập lại những nét vàng son và những phương cách tu tập của Tổ sư để truyền thừa cho tới ngày hôm nay.
Từ đó, Hòa thượng nhắn nhủ đại chúng “hãy tự hào vì mình là một dân tộc có nền tảng Phật giáo từ lâu đời, một dân tộc có một thiền phái đặc trưng của Việt Nam, thể hiện đúng bản sắc văn hóa của dân tộc. Phật giáo đi đến đâu đều thổi hồn từ bi trí tuệ vào tất cả những phong tục tập quán địa phương, để làm thăng hoa tinh thần tập tục mong xây dựng con người tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn đạo tràng Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc hãy biết trân trọng những gì mình đang có, đó là được học chính pháp, được tu trong môi trường tốt, phải biết tin Phật – Pháp – Tăng và tin Tịnh giới, đừng để tham sân si mạn nghi chi phối, phải tinh tiến tu tập hơn nữa, hiểu rằng mọi chuyện trên đời đều là vô thường, “hãy phản quang tự kỷ, quán chiếu tự thân, và làm thế nào để mỗi người đều hiểu được Phật pháp, nhà nhà đều tu tập theo chính tín của Phật pháp, thì lúc đó chúng ta mới đền ơn được Tổ tiên của chúng ta. Hãy mang tinh thần của Đạo Phật để khuyến hóa mọi người tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành để cuộc sống được bình an”.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Tấn Đạt - Ủy viên thư ký HĐTS, Phó trưởng ban thường trực Ban hoằng pháp TW cũng đã chia sẻ với đại chúng về những vấn đề liên quan tới sự tu tập, hành xử và sự tự hào của người Phật tử trong thời đại ngày nay. Hơn một tiếng đồng hồ, bằng những ví dụ điển hình trong thực tế, Hòa thượng đã truyền tải cho đại chúng hiểu về ý nghĩa của các hoạt động từ thiện xã hội mà những năm qua Phật giáo đang tích cực triển khai tới cộng đồng, cũng như thông điệp về niềm tin bất diệt nơi giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Chúng ta tin Phật, thực hành theo những điều Ngài dạy, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, tinh tiến dũng mãnh tu tập, không ngừng quán chiếu tự thân và sửa đổi lỗi của bản thân, giúp người xung quanh học hiểu và tin theo giáo lý Phật đà thì cuộc sống sẽ ngày càng an lạc hơn. Tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật là tinh thần tốt đẹp mà mỗi người Phật tử phải có và lan tỏa tới những người xung quanh, mình vì mọi người – mọi người vì mình.
Hơn nữa, trong cuộc sống hiện nay, ngoài từ bi thì mỗi người Phật tử còn phải có trí tuệ, phải có sự sáng suốt và có kiến thức để biết đâu là con đường đúng đắn, đâu là chính đạo để đi theo, để học và dẫn dắt cộng đồng.
Những lời chia sẻ đầy quý báu của Hòa thượng đã khép lại ngày khai giảng giáo lý đầu năm của đạo tràng Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc thành tựu viên mãn và tràn đầy hỷ lạc.