nguoiphattu.com Hòa trong niềm hân hoan kính mừng lễ khánh đản Đức Từ phụ A Di Đà Phật, ngày 17 tháng 11 năm Bính Thân, cũng là ngày tu an lạc hàng tháng, đại chúng nhất tâm huân tu niệm Phật để cầu sinh Tịnh Độ. Dẫu cái rét đã trở về, song hơn 700 Phật tử vẫn tinh tấn trở về chùa Bằng để tham dự.
Sau khi lĩnh thọ giới Pháp Bát Quan Trai từ Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm, đại chúng nhất tâm cung thỉnh Hòa thượng trụ trì thuyết giảng với đề tài “sám hối phát nguyện cầu sinh Tịnh Độ”.
Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự niêm hương bạch Phật yết Tổ
Trong bài giảng, Hòa thượng đã giới thiệu tới đại chúng về bài phát nguyện cầu sinh Tịnh Độ của Tổ Vân Thê – pháp danh Châu Hoằng – hiệu Liên Trì (1532 – 1612). Ngài Vân Thê vốn là một Thiền sư nhưng chủ trương tư tưởng của Ngài là Thiền tịnh song tu. Cả cuộc đời Ngài dành trọn để hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ song song với việc hoằng trì giới luật cũng như tu tập Thiền định với khẩu hiệu “Sinh thời hoằng truyền Tỳ Ni, một hậu hồi quy an dưỡng”. Do đó Ngài đã để lại rất nhiều tác phẩm cho Phật giáo Đại Thừa.
Chư Tổ Việt Nam đã soạn bài văn phát nguyện Tây Phương của Ngài Vân Thê vào trong thời khóa tụng buổi tối ngày đêm sáu thời tụng niệm. Buổi sáng tụng các thần chú, buổi trưa tụng 48 nguyện, buổi tối tụng kinh A Di Đà sám hối huân tu và cuối thời khóa tối là bài văn phát nguyện về cõi Tây Phương Cực Lạc. Bài văn này hàm ý dạy tất cả mọi người vừa sám hối vừa phát nguyện. Sám hối những tội lỗi trong đời hiện tại và các kiếp quá khứ xa xưa, để thân tâm trong sạch, từ đó nhẹ nghiệp chuyển hóa được chính niệm vãng sinh Tây Phương.
Qua đó, Hòa thượng đã trích giảng bài văn phát nguyện của Tổ Vân Thê nhằm mục đích giúp “đại chúng nương vào đó mà hiểu được Sự và Lý của việc tu tập về Tây Phương Tịnh Độ mà Tổ Vân Thê đã soạn ra lời phát nguyện, cũng như để tất cả đại chúng từ trước tới nay nương vào đó để tu tập”.
Hòa thượng nhấn mạnh “Chư Phật mười phương ba đời cũng như các bậc Bồ Tát khi còn tu nhân hạnh đều thành đạt do có lời phát nguyện. Đức A Di Đà Đạo Sư khi còn tu nhân hạnh Thanh Văn với hình tướng Pháp Tạng Tỳ Kheo cũng phát ra 48 lời nguyện để từ đó mà thành được Bậc Đại Đạo Sư A Di Đà Phật độ chúng sinh. Đức Phật Dược Sư khi còn tu nhân hạnh Bồ Tát cũng phát ra 12 lời nguyện, Đức Thế Tôn trước khi thành Đạo dưới cội Bồ Đề cũng phát lời nguyện với nắm cỏ cát tường trong tay, để 49 ngày sau thành đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Như vậy, chúng ta phải biết tu tập phải có phát nguyện để nương vào nguyện đó, chú tâm vào nguyện đó hay nói cách khác, phát nguyện như là một định hướng để viên thành đại giác. Người tu Tịnh Độ phải phát nguyện trong pháp tu Tịnh Độ 3 điều căn bản lớn nhất đó là Tín – Nguyện - Hành”.
Tín tức là tin, tin về tự lực bản thân mình có thể tu tập chuyển hóa được vãng sinh, phải tin thật sâu, thật chân chính để niềm tin đó không thể lay chuyển.
Nguyện là phải phát nguyện, thân tâm thanh tịnh, 6 căn thanh tịnh để đem công đức đó hồi hướng phát nguyện trang nghiêm về Tây Phương Tịnh Độ. Nguyện phải nguyện thật chắc, để từ nguyện đó mà thực hành “Tâm tâm Tịnh Độ tưởng liền – Dốc lòng cứ niệm thường xuyên Di Đà”.
Hành là phải thực hành cho chuyên nhất “nhất nghệ tinh – nhất thân vinh”. Nếu đã chọn pháp môn tu Tịnh Độ thì nên lấy Tịnh Độ niệm Phật làm căn bản nhất lúc nào, ở đâu, dù thức hay ngủ cũng đều chính niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Đó là nguyện đã sâu, tin đã chắc thì thực hành phải thật chuyên.
Hơn nữa, Hòa thượng cũng chỉ dạy địa chúng “phương pháp giãi bày, chia sẻ với Đức Phật những điều tội lỗi, sám hối để biết nhận ra giá trị cuộc đời, biết hối hận với những việc sai lầm đã phạm , phải ăn năn chí thiết chí thành sám hối”.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyên đại chúng hãy nhất tâm tu tập, nương vào giáo lý Phật Đà, dốc lòng niệm Phật tụng kinh để chuyển hóa thân tâm cho thanh tịnh, “đừng đợi đến lúc già mới niệm Phật mà hãy niệm ngay từ lúc trẻ “Mạc đãi lão nhân phương niệm Phật – Cô phần tận thị thiếu niên nhân”.
Nghi thức Cúng Quá Đường
Sau đó, đại chúng cùng trì tụng Kinh A Di Đà và chí thành chí kính niệm danh hiệu Ngài. Mỗi người mỗi niệm nhưng đều chung chí nguyện cầu sinh Tịnh Độ nên âm ba danh hiệu Phật vang vọng. Cái lạnh của mùa đông cũng không chi phối được nguồn an lạc từ ước nguyện niệm Phật. Do đó, trong không gian chùa Bằng âm vang mãi câu niệm Phật trầm hùng.
Buổi tối cùng ngày, nhân ngày khánh đản Đức Phật A Di Đà, hơn 500 thiện nam tín nữ đã phát tâm quy y Tam Bảo, Đại đức Thích Thanh Tâm – Giáo thọ sư CLB Thanh Thiếu niên Phật tử chùa Bằng đã thân lâm thuyết giảng cho Đại chúng về ý nghĩa quy y Tam bảo và thọ trì năm cấm giới.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho các Phật tử. Lễ truyền thụ quy y lần này bao gồm thành phần đa dạng, từ những em nhỏ, các bạn thanh thiếu niên, các cô chú trung niên cho đến các bác lớn tuổi. Hơn 500 người có mặt tại giảng đường đều thành kính lắng nghe lời giảng của Hòa thượng trụ trì, nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.