;
Phía Đông chùa cách trụ sở Công An tỉnh Đồng Nai (Ty Cảnh sát Biên Hòa cũ) 100 mét; phía Tây giáp Coop Mart Biên Hòa, siêu thị sầm uất nhất Biên Hòa hiện nay; phía Nam giáp khu dân cư phường Thống Nhất; phía Bắc giáp khu dân cư phường Tân Tiến.
Trụ trì hiện nay: Đại đức Thích Minh Trí.
Điện thoại: 0613. 818.902
Đại đức Thích Minh Trí viếng thủ đô Washington, Hoa Kỳ mùa Xuân năm 2007
Viếng Chuông Giải phóng (The Liberty Bell),
một biểu tượng rất có ý nghĩa cho một thế giới dân chủ hoàn toàn, ở tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Thời kỳ thành lập
Chùa Phúc Lâm do cố Hòa thượng Thích Phúc Thành sáng lập.
Cố Hòa thượng Thích Phúc Thành, thế danh Nguyễn Văn Ẩm, sinh năm Canh Thân (1920) tại thôn Quần Phương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam, (đồng hương với hai cố Hòa thượng: Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm và Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, đương kim Trưởng Hệ phái PG Vĩnh Nghiêm).
Thân phụ ngài là Nguyễn Văn Hội và thân mẫu là Lê Thị Dậu.
Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với bản sư thế độ là cố Hòa thượng Thích Trung Quán, trụ trì chùa Phúc Lâm, - dân gian thường gọi là chùa Lương, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, - tọa lạc tại thôn Quần Phương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Năm 16 tuổi, ngài được bản sư cho thọ giới Sa-di. Năm 20 tuổi, ngài thụ giới Tỳ-kheo tại chốn tổ Đồng Đắc, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1954, ngài du hóa miền Nam xiển dương truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc Việt.
Năm 1956, theo sự thỉnh cầu của các phật tử miền Bắc định cư ở Biên Hòa, ngài thành lập một ngôi chùa với danh xưng Phúc Lâm, là tên ngôi chùa ngài xuất gia, để tưởng nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ.
Khi mới thành lập, chùa Phúc Lâm chỉ là ngôi chùa tranh vách nứa, tọa lạc trên một ao rau muống thấp trũng với diện tích hơn 1500 mét vuông thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa.
Sau khi thành lập, dưới sự quản lý và điều hành cùng với uy đức của cố Hòa thượng Thích Phúc Thành, chùa Phúc Lâm trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của hầu hết phật tử miền Bắc định cư ở khắp Biên Hòa.
Năm 1964, nhận thấy cơ duyên kiến tạo chùa đã đến, cố Hòa thượng Thích Phúc Thành cùng với Ban hộ tự xúc tiến xây dựng chính điện mới gồm một tầng lửng và một tầng trệt bằng vật liệu bê tông cốt thép, mái lợp ngói với diện tích 18m x 12m.
Đến năm 1966, chính điện chùa Phúc Lâm được xây dựng thành tựu viên mãn, trở thành ngôi chính điện lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, mang phong cách kiến trúc Phật giáo miền Bắc đầu tiên tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tháng 9-1966, cố Hòa thượng vận động phật tử cung tiến tịnh tài mua một sở ruộng diện tích 24 ngàn mét vuông, tọa lạc tại xã Tam Hiệp (sau thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, nay thuộc khu phố II, phường Tân Tiến) của Ban hộ hương chùa Long Quang (chùa làng xã Tam Hiệp cũ) để thành lập An Dưỡng Địa (nghĩa trang) của chùa Phúc Lâm.
Ngày 20 tháng 5 năm 1967, Trung tá Trần Văn Hai, Tỉnh trưởng Biên Hòa ký quyết định số: 185/BH/KT/XH/QĐ cho phép Đại đức Thích Phúc Thành thành lập nghĩa trang chùa Phúc Lâm trên diện tích sở ruộng đã mua của Ban hộ hương chùa Long Quang.
Nghĩa trang này, cách chùa Phúc Lâm 500 mét về hướng Đông, vẫn còn hoạt động hợp pháp từ đó cho đến ngày nay và hiện có trên 1000 phật tử của chùa an táng tại đây.
Những năm sau đó, cố Hòa thượng tiếp tục xây dựng hai dãy Đông đường và Tây đường trong khuôn viên chùa Phúc Lâm để làm nhà Tổ, nhà Tăng, nhà thờ linh, nhà quàn, nhà trù, nhà ăn, và làm Trường Tư thục Tiểu học Phúc Lâm, và mua thêm một thửa đất mặt tiền đường Quốc lộ 15 (nay là Phạm Văn Thuận), diện tích: ngang 60 mét, sâu 200 mét nối liền với nghĩa trang chùa Phúc Lâm với ý nguyện xây dựng chùa An Dưỡng.
Tuy nhiên, vì cuộc đời vô thường, ý nguyện tốt đẹp này của cố Hòa thượng đã không thành hiện thực. Thửa đất ấy ngày nay đã trở thành khu dân cư tự cải tạo với những căn nhà xây dựng kiên cố hai hoặc ba tầng lầu nằm dọc hai bên đường vào nghĩa trang chùa Phúc Lâm.
Thời kỳ suy thoái
Năm 1980, cố Hòa thượng Thích Phúc Thành bị đưa đi học tập cải tạo tại B5 Biên Hòa.
Cũng trong năm này, chùa Phúc Lâm bị trưng dụng làm nơi bồi dưỡng chính trị cho các cán bộ của thành phố Biên Hòa.
Sau đó, chùa được giao lại cho Công ty xuất nhập khẩu Biên Hòa (BIHIMEX) quản lý để làm nhà kho của công ty cho đến năm 1990.
Gần giữa năm 1983, cố Hòa thượng Thích Phúc Thành được cho về.
Đến ngày 23 tháng 8 năm Quý Hợi (1983), ngài viên tịch tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh trong khi chùa đang bị trưng dụng, trụ thế 64 năm.
Nhục thân ngài được chư tôn đức giáo phẩm trong Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm hỏa táng, sau đó xá lợi ngài an vị tại Bảo tháp Xá Lợi Cộng Đồng của chùa Vĩnh Nghiêm suốt 15 năm.
Đây là thời kỳ mà cho dù người có tinh thần lạc quan đến mấy cũng không dám nghĩ rằng chùa Phúc Lâm có thể còn hiện hữu cho đến ngày nay.
Thời kỳ phục hưng
Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 69, quy định về các hoạt động tôn giáo.
Ngay sau khi Nghị định 69 có hiệu lực, Đại đức Thích Phước Tú (nay là Thượng tọa), trụ trì chùa Từ Tôn, phường Tam Hiệp, hướng dẫn một số phật tử hữu công của chùa Phúc Lâm đệ đơn xin chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai được quản lý chùa Phúc Lâm như hiện trạng lúc bấy giờ.
Xét nhu cầu chính đáng của phật tử chùa Phúc Lâm, ngày 24 tháng 5 năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số: 762/QĐ/UBT giao lại ngôi chùa Phúc Lâm cho Ban đại diện phật tử ở phường Tân Tiến quản lý, sử dụng vào mục đích tôn giáo thuần túy.
Năm 1991, thường trực Ban trị sư Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai bổ nhiệm Đại đức Thích Phước Tú kiêm nhiệm đệ nhị trụ trì chùa Phúc Lâm.
Năm 1994, Đại đức Thích Phước Tú đề nghị cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Trưởng Hệ phái Phật giáo Tổ đình Vĩnh Nghiêm, cử chư tăng của hệ phái về quản lý điều hành chùa Phúc Lâm.
Mùa Vu Lan năm Bính Tý (1996), chiếu theo đơn xin thỉnh sư của Ban hộ tự chùa Phúc Lâm, cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã cử Đại đức Thích Minh Trí (thế danh: Nguyễn Minh Tân), sinh năm 1970 tại thành phố Đà Nẵng, nguyên quán Hải Phòng, về chùa Phúc Lâm hướng dẫn phật tử tu học.
Sau hơn một thập niên gián đoạn, cảnh chùa Phúc Lâm vào thời điểm ấy đã trở nên điêu tàn, phật sự trì trệ, nhân tâm ly tán, sáng chiều không một bóng người lui tới, các ngày bái sám 30, mùng một và 14, hôm rằm chỉ có vài phật tử tham dự, ngân quỹ chùa bị thâm thủng nặng nề.
Ba tháng sau khi về chùa Phúc Lâm hướng dẫn phật tử, Đại đức Thích Minh Trí đã tiến hành vận động phật tử tiến cúng tịnh tài để đúc đại hồng chung.
Mùng 8 tháng 2 năm Đinh Sửu (1997), đại hồng chung chùa Phúc Lâm, trọng lượng 400 kg đồng đã được đúc thành công viên mãn. Đây là phật sự quan trọng đầu tiên trong cuộc đời hành đạo của Đại đức Thích Minh Trí tại chùa Phúc Lâm kể từ khi thế phát xuất gia tháng giêng năm 1990.
Nhận thấy Đại đức Thích Minh Trí có thể gánh vác phật sự của chùa Phúc Lâm, ngày 31 tháng 12 năm 1997, thường trực Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai ban hành quyết định số: 90/QĐ/BTS, chính thức bổ nhiệm Đại đức làm trụ trì.
Mặc dù có quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Phúc Lâm của Ban trị sự tỉnh hội, nhưng lễ bổ nhiệm mang tính lễ nghi đã không được tổ chức bởi vì Đại đức Thích Minh Trí muốn dành kinh phí tổ chức ấy vào việc xây dựng tháp Quần Phương, nơi an vị xá lợi cố Hòa thượng Thích Phúc Thành.
Tháng giêng năm Mậu Dần (1998), Đại đức Thích Minh Trí khởi công tân tạo tháp Quần Phương trong khuôn viên chùa Phúc Lâm.
Ngày 13 tháng 5 cùng năm, lễ cung tống xá lợi cố Hòa thượng Thích Phúc Thành từ chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh về chùa Phúc Lâm nhập tháp Quần Phương được tổ chức trang trọng.
Năm Kỷ Mão (1999), sửa chữa dãy Tây đường thành Linh cốt đường, Ký linh đường để thờ cúng chân linh các phật tử hữu công của chùa và thành các phòng tăng để chư tăng có nơi nghỉ ngơi tu học.
Năm Quý Mùi (2003), khởi công điêu khắc 13 tôn tượng gồm: 3 tôn tượng Phật Tam Thế ( quá khứ, hiện tại, tương lai ), Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật Thích-ca đản sinh (tòa cửu long), Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Quán Am, Bồ-tát Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, đức Chúa Ông (Trưởng giả Cấp Cô Độc), đức Thánh Hiền (đức A Nan) và chạm trổ hoành phi đại tự, câu đối, cửa võng, cuốn thư, bàn hương án, giá gác đại hồng chung, giá trống, khám thờ, bệ thờ, bệ tượng, viên dung, pa-nô cửa, vòm cửa cuốn v.v.
Năm Giáp Thân (2004), hưng công trùng tu Đại Hùng Điện và sao tạc nguyên mẫu 08 tượng Bát Đại Kim Cương của chùa Tây Phương.
Năm Ất Dậu (2005), điêu khắc 05 tôn tượng: Hộ Pháp, Hộ Pháp Vi Đà, Bồ tát Quán Thế Âm thập nhất diện tam thập lục thủ, đức Quốc Tổ Hùng Vương, đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Đầu năm Bính Tuất (2006), khởi công tân tạo tam quan, Quán âm các, chung lâu, cổ lâu, tường hoa, sân gạch.
Ngày 25 tháng 7 nhuận năm Bính Tuất (2006), lễ lạc thành Đại Hùng Điện và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập chùa Phúc Lâm (1956 – 2006) diễn ra trang nghiêm trọng thể, đánh dấu bước chuyển mình vượt bực trong thời kỳ phục hưng chùa Phúc Lâm sau 10 năm Đại đức Thích Minh Trí đảm nhiệm trách vụ trụ trì, phù hợp với tâm nguyện của cố Hòa thượng Thích Phúc Thành thể hiện trên câu đối trong nội điện:
“Vì Đạo Pháp huyền thâm, Bắc phái biến nền đất thành toà đài vàng, chúng sinh nương nhờ cửa Phật, tâm quy hướng Phật yên vui mãn nguyện.
Cõi trời Nam thắng cảnh Phúc Lâm rừng phúc đức uy thần hiển hiện, Phật giáo đồ tín ngưỡng pháp môn cùng ca hát vui mừng tụ hội.”
Năm 2008, để kỷ niệm Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, khởi công tân tạo Đại Bi Đài và đúc tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, trọng lượng 1200 kg đồng, tọa lạc trước Đại Hùng Điện.
Ngày nay, chùa Phúc Lâm đã trở thành một trong những ngôi chùa tiêu biểu nhất của thành phố Biên Hòa, in đậm dấu ấn bản sắc văn hóa và kiến trúc truyền thống Phật giáo Bắc Việt.
Mỗi dịp lễ tết, hàng ngàn phật tử, nhất là phật tử người Bắc, từ khắp thành phố Biên Hòa đã hội tụ về chùa Phúc Lâm dâng hương lễ Phật, sống trong cảm giác như đang trở về miền Bắc, - quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, chiếc nôi Phật giáo Việt Nam.
Trong vài năm tới, Đại đức Thích Minh Trí dự kiến sẽ xây dựng lại hai dãy Đông đường và Tây đường với kinh phí