;
Thương bệnh nhân tâm thần nghèo
Bệnh viện Tâm thần Thái Bình hiện đang điều trị nội trú cho gần 300 bệnh nhân, trong đó có hơn một nửa là bệnh nhân tâm thần nặng, phải quản lý, chăm sóc đặc biệt và điều trị thời gian dài. Do đặc thù chung của căn bệnh tâm thần, người bệnh thường không làm chủ được bản thân, hay lên cơn đập phá, bỏ đi lang thang hoặc gây tổn thương những người xung quanh kể cả người chăm sóc, bố mẹ, anh em ruột, vì vậy gia đình bệnh nhân thường không yên ổn làm ăn dẫn đến kinh tế hầu hết đều khó khăn.
Điều dưỡng Trương Thanh Tùng, Khoa Chăm sóc toàn diện cho biết: Khoa hiện đang chăm sóc, điều trị cho 85 bệnh nhân, đa số đều là bệnh nhân nặng và là đối tượng người nghèo, hoàn cảnh neo đơn. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân mãn tính, thời gian điều trị kéo dài nên gia đình đã chán nản phó mặc, sự quan tâm phối hợp với bệnh viện trong chăm sóc người bệnh hạn chế, nhiều bệnh nhân gia đình đã gửi bệnh viện chăm sóc toàn diện, thường xuyên ở viện từ 1 - 3 năm. Thương tâm hơn, có cha mẹ thỉnh thoảng lên thăm con nhưng nhìn thấy con là sợ, không dám lại gần bởi trước đây bị con lên cơn đánh nhiều lần. Chính vì vậy, có những bệnh nhân được Bệnh viện điều trị ổn định cho xuất viện, song liên hệ với gia đình, vì nhiều lý do gia đình không muốn đón về...
Ngoài những khó khăn trên, nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì trần khám chữa bệnh còn thấp, ngày điều trị lại kéo dài; người không có bảo hiểm y tế càng khó khăn hơn do phải chi trả cao theo giá viện phí mới. Vì vậy, việc lo kinh phí chữa bệnh, đóng tiền ăn hay gửi chăm sóc toàn diện với mức 20.000 đồng/ngày còn là khó khăn với nhiều gia đình. Các điều kiện khác như bồi dưỡng ăn uống để tăng thể lực cho người bệnh hay mua sắm đồ dùng, quần áo ấm càng không được quan tâm. Cuộc sống của người bệnh tâm thần nghèo nhìn chung rất khó khăn, thiếu thốn, đáng thương.
Chung tay chăm lo cho người bệnh
Nhiều lần đến nhà ăn bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ, điều dưỡng và thành viên thiện nguyện mang tận tay những suất cơm, cháo thơm ngon, đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, thậm chí kiên trì bón cho bệnh nhân, chúng tôi vừa mừng cho bệnh nhân vừa nể phục tấm lòng thiện nguyện và y đức hết lòng vì bệnh nhân của cán bộ y tế.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Đã là người bệnh cần được quan tâm chăm sóc cả về tinh thần và vật chất, giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật. Với người bệnh tâm thần càng cần nhiều hơn sự yêu thương, cảm thông. Song nhìn nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện vừa suy nhược cơ thể vừa mắc các bệnh ngoài da, bác sĩ, điều dưỡng ai cũng xót thương. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình người bệnh hầu hết đều khó khăn, để sẻ chia, đồng thời giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh, Ban Giám đốc Bệnh viện nhiều lần vận động cán bộ nhân viên quyên góp đồ dùng và kinh phí bù phụ cho bệnh nhân; không quản phiền hà tranh thủ mọi mối quan hệ để kêu gọi, xin giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội cho người bệnh. Các bác sĩ, điều dưỡng trong quá trình khám chữa bệnh cũng tích cực chia sẻ thông tin đến người nhà bệnh nhân, những nhà hảo tâm, mong sự chung tay cùng bệnh viện chăm lo, cải thiện đời sống cho người bệnh nghèo.
Do tích cực làm công tác xã hội hóa, hai năm gần đây, số người thấu hiểu, cảm thông đến với người bệnh ngày càng nhiều. Hiện tại, Bệnh viện đã kêu gọi được 10 tổ chức, cá nhân hỗ trợ bệnh nhân định kỳ suất ăn sáng, ăn trưa, điển hình như Công ty TNHH Phiệt Học, chùa Từ Xuyên, Quỹ tâm thiện nguyện, Công ty Cấp nước Hoàng Diệu...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Bệnh viện rất biết ơn các nhà từ thiện, bởi những tấm áo, những bữa cơm thiện nguyện có ý nghĩa rất lớn, không chỉ cùng Bệnh viện nâng cao thể lực, tinh thần cho người bệnh mà còn động viên, đồng hành với cán bộ y tế làm tốt hơn công tác xã hội, nâng cao hơn chất lượng điều trị. Rất vui mừng phấn khởi bởi gần đây, số bệnh nhân nhập viện chỉ một thời gian đã có tiến triển tốt cả về thể chất và tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Vân, thành viên câu lạc bộ trái tim nhân ái Lào Cai, đơn vị tài trợ 150 suất cơm trưa thứ ba hàng tuần và chị Vũ Thị Thủy, Trung tâm Cấp cứu 808.115 tài trợ 1 tạ gạo mỗi tháng cũng chia sẻ: Mỗi khi đến Bệnh viện, chứng kiến bệnh nhân vì bệnh tật nên ý thức không bình thường, song thấy dường như họ đều vui mừng cảm nhận được những tình cảm nồng ấm, sẻ chia, càng thôi thúc các chị làm nhiều việc thiện.
Ông N.V.T - người nhà bệnh nhân phấn khởi: Gửi con nhờ Bệnh viện chăm sóc toàn diện với mức đóng góp rẻ hơn chi phí thực tế ở nhà chúng tôi đã mừng lắm. Gần đây được hỗ trợ từ thiện, chúng tôi được giảm đóng góp đáng kể tiền ăn, đã vơi đỡ gánh nặng, giúp gia đình vơi bớt khó khăn. Thấy con ở viện được chăm sóc tốt hơn ở nhà, tôi yên tâm và biết ơn các bác sĩ, các nhà hảo tâm nhiều lắm.