Gần 30 năm chăm chồng mù lòa và nuôi lớn các con
Lớn lên trên mảnh đất miền trung khắc nghiệt, bà Phạm Thị Hoa (SN 1968, trú tại thôn Minh Châu, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có tuổi thơ khó khăn do nhà nghèo, phải bỏ học từ sớm để lao động giúp gia đình.
"Từ khi lên 8 tuổi, tôi đã thường ngày theo bố lên ngôi đền Đá Đen để phụ giúp công việc trong đền, cũng như trông coi và hướng dẫn cách làm lễ cho người dân đến đây. Sau khi ở ngôi đền này hơn 10 năm thì tôi thấy một người đàn ông mù lòa cả hai mắt luôn được bố dẫn lên đền thắp hương. Sau đó tôi mới biết đó là ông Tuận, người chồng bây giờ của tôi", bà Hoa kể lại.
Hồi bé trong một lần đi chăn trâu, ông Phạm Văn Tuận đã dẫm phải bom bi nên bị mù cả hai mắt và cụt mất một cánh tay. Cho rằng số phận của ông Tuận không được may mắn nên gia đình đã "gửi" ông Tuận ở ngôi đền Đá Đen (xã Lâm Hợp).
Chuyện tình của hai người bắt đầu từ đây. Cô gái trẻ xinh đẹp và thanh niên tàn tật thường xuyên gặp gỡ chuyện trò. Cảm phục nghị lực và ý chí kiên cường vượt lên số phận của anh, cô đã mang lòng thầm yêu trộm nhớ người thanh niên có số phận kém may mắn.
Chuyện tình cảm của hai người bị bố mẹ và người thân bà Hoa đã kịch liệt phản đối, nhưng mọi thứ đều không ngăn cản được hai người đến với nhau. Vượt qua mọi kì thị cũng như sự xa lánh mỉa mai của người đời, năm 1992, hai người đã tự tổ chức lễ kết hôn vắng vẻ do không có sự tham dự của người thân, bạn bè.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng vào núi sống để tránh xa những lời bàn tán của mọi người và cùng nhau xây dựng mái ấm riêng cho mình. Hằng ngày, bà Hoa vẫn đi làm ở đền, còn ông Tuận, dù mù lòa và thiếu một tay, vẫn ở nhà phụ giúp vợ công việc gia đình.
Hai ông bà sinh được 3 người con (1 gái, 2 trai). Các con của ông bà đều ngoan ngoãn, biết thương và giúp bố mẹ nhiều việc. Hai người con đầu của họ đã lập gia đình, còn con út hiện sống cùng vợ chồng bà.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình dù khó khăn nhưng mọi người trong nhà đều thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh. Trong tổ ấm nhỏ của gia đình bà Hoa, ông Tuận không bao giờ ngớt tiếng cười. Bao năm chăm chồng mù, nuôi con khôn lớn, bà Hoa chưa bao giờ than vãn hay kêu ca một lời.
Gần 30 năm qua, bà Hoa trở thành trụ cột gia đình, một điểm tựa vững chắc cho chồng con. Tuổi đã cao, sức khỏe sa sút lại còn phải chăm người chồng hay ốm đau những lúc trái gió trở trời nhưng bà không quản ngại bất cứ công việc gì, hễ ở đâu có ai thuê gì bà đều xin làm.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ai thuê gì, bà Hoa cũng làm. Ảnh: Gia đình & Xã hội.
Ông Phan Thái Hoa - Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp cho biết: "Hoàn cảnh gia đình bà Hoa đặc biệt khó khăn vì cuộc sống gia đình chỉ trông vào một mình bà. Chính quyền cùng với người dân địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện chung tay giúp đỡ cho gia đình bà vươn lên trong cuộc sống".
10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân
Trước đó, dư luận cũng từng chia sẻ trường hợp về chị Nguyễn Thị Thu Trang (38 tuổi) đã chăm sóc chồng là anh Nguyễn Đăng Trung (38 tuổi) bị liệt toàn thân suốt gần 10 năm.
Chị Trang kể lại biến cố cuộc đời mình từ sau khi chồng bị tai nạn. Ảnh: Saostar
Được biết, hai chị lấy nhau năm 2009 và chỉ 3 tháng sau khi cưới, anh Trung bị tai nạn gây chấn thương sọ não, liệt toàn thân và không thể nói chuyện. Ấy thế nhưng suốt bao năm qua chị vẫn luôn ở bên cạnh anh, luôn quan tâm chăm sóc cho anh từng li từng tí.
Để chăm lo cho chồng, chị Trang đã phải nghỉ việc, từ Việt Trì mang anh về Hà Nội chạy chữa. Tuy được người gây tai nạn hỗ trợ mọi chi phí điều trị nhưng cuộc hôn nhân hạnh phúc ngắn ngủi của anh chị coi như đã chấm dứt.
Do nằm quá lâu chân tay anh Trung co quắp, người thẳng như khúc tre, đầu bị lõm sâu nhưng may mắn vẫn nhận thức được mọi thứ. 10 năm nằm một chỗ khiến tính tình của anh trở nên cáu bẳn, khó chiều. Mỗi khi muốn cắt tóc, gội đầu, cạo râu hay thậm chí là cho ăn uống, chị Trang phải dùng hết “mỹ từ” và những lời ngon ngọt để nịnh chồng.
10 năm qua, chị đã hết lòng chăm sóc cho người chồng bị tê liệt, không thể tự mình sinh hoạt. Ảnh: Saostar
Chị làm đủ nghề từ bán nước đến bán ngô, cố gắng kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật. Sau đó, có người biết hoàn cảnh của chị nên đã nhận chị làm nửa ca từ 13h30 đến 17h hàng ngày ở một công ty bao bì cách chỗ ở khoảng 6 km với mức lương 90.000 đồng/nửa ca.
Anh chị còn gặp được người thương, cho về ở cùng và chỉ lấy tiền phòng 500.000 đồng mỗi tháng.
Mỗi sáng, người đàn bà nhỏ bé chỉ hơn 30kg đều thức dậy từ rất sớm gọi chồng dậy xoa bóp chân tay cho anh. Sau đó chị xốc nách anh kéo lê tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Tiếp theo, chị mua đồ ăn sáng bón cho chồng ăn rồi vội vàng đi làm. Đúng 12h trưa tan ca, chị về nhà vội lao vào nấu cơm cho anh xong xuôi rồi mới lo cho bản thân mình và tức tốc đi làm ca chiều. Những lúc chị đi làm, anh ở nhà một mình, mấy người hàng xóm bên cạnh thay nhau qua hỏi thăm, chăm sóc và cho anh uống nước.
Thỉnh thoảng chị lại lấy ảnh cưới của hai vợ chồng ra để cùng anh ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc. Ảnh: Saostar
Chăm chồng vất vả là vậy nhưng bao năm qua chị Trang chưa bao giờ than phiền hay cảm thấy hối hận vì điều gì. Chị bảo chỉ mong trời cho sức khoẻ để có thể lo cho chồng. “Tôi chỉ sợ lúc ốm đau phải thuốc thang, đi viện thôi. Còn ông trời thương để vợ chồng tôi khỏe thì tôi tự lo được cuộc sống cho hai vợ chồng”, chị Trang nói.
Với chị Trang, có lẽ cuộc sống đã an bài với chị như vậy. Chị tự nguyện chăm lo, yêu thương anh vô điều kiện. Chị vẫn mong một ngày nào đó chồng có thể hồi phục lại – chuyện có lẽ là rất khó nhưng chị vẫn mong một phép màu đến với anh.
Minh Khôi (T/h) - Đời Sống Pháp Luật