;
Tiêm vaccine Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: HCDC)
Số điện thoại tổ phản ứng nhanh Quận/Huyện tại Thành phố HCM
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tính từ 18h ngày 16/8 đến 19h ngày 17/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.595 ca ghi nhận trong nước tại 40 tỉnh, thành, trong đó có 4.465 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 951 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 218 ca, Bình Dương tăng 810 ca, Long An giảm 18 ca, Tiền Giang tăng 259 ca, Đồng Nai giảm 290 ca.
Tình hình điều trị:
- 4.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 111.308 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
- Ngày 17/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 331 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (285), Bình Dương (12), Long An (9), Tiền Giang (7), Đồng Nai (6), Cần Thơ (4), Đồng Tháp (3), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1), Vĩnh Long (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Trong ngày 16/8 có 592.104 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.
F0 cộng đồng tăng đột biến ở 11 quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh
Theo cổng thông tin Covid-19 TP. Hồ Chí Minh, ngày 17/8, quận Bình Thạnh ghi nhận 345 ca nhiễm, nhiều nhất trong các quận huyện, trong đó 310 ca phát hiện qua cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện,
Quận Tân Bình xếp thứ hai với 332 ca, trong đó 259 ca cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện.
Quận 3 ghi nhận 269 ca dương tính, trong đó 220 ca phát hiện ở cộng đồng. Hóc Môn 197 ca, trong đó số ca được phát hiện ở cộng đồng và qua sàng lọc ở bệnh viện lên đến 194.
Quận Bình Tân và Gò Vấp ngày 17/8 ghi nhận lần lượt 174 và 165 ca cộng đồng. Hôm qua, hai quận này dẫn đầu về số ca mắc cộng đồng.
Trong ngày 16/8, Bình Tân đứng đầu với 308 ca nhiễm mới, trong đó đến 210 được phát hiện trong cộng đồng và qua sàng lọc ở bệnh viện; Gò Vấp ghi nhận 179 ca, đến 169 ca trong cộng đồng và qua sàng lọc ở bệnh viện.
Các quận 4, quận 12, quận 8, quận 10 ngày 17/8 đều ghi nhận số ca trong cộng đồng rất lớn.
Tại khu vực trung tâm, quận 1 hôm 16/8 ghi nhận 154 ca nhiễm mới, trong đó 133 ca được phát hiện trong cộng đồng và qua khám sàng lọc bệnh viện. Quận này cũng vừa ghi nhận ổ dịch trên đường Yesin, khu vực Chợ Gà Chợ Gạo.
Tại cuộc họp triển khai Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 86 ngày 6/8 của Chính phủ chiều 16/8, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết trước đây số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày chủ yếu trong khu phong tỏa, nhưng những ngày gần đây, số lượng F0 mới trong cộng đồng có xu hướng tăng lên.
Ngày 16/8, thành phố ghi nhận 3.341 ca nhiễm mới thì số ca ngoài cộng đồng chiếm 53%, cao hơn cả trong khu phong tỏa. Đến ngày 17/8, thành phố ghi nhận 3.540 ca nhiễm mới, trong đó số ca cộng đồng là 2.568, chiếm 72,5%.
Để kiểm soát dịch bệnh, từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ "vùng xanh", phát triển "vùng xanh".
PGS.TS Trần Đắc Phu. (Nguồn: Dân Trí)
Hà Nội cần làm gì để tránh bùng dịch nếu "mở cửa" trở lại?
Từ đợt bùng phát dịch mới, Hà Nội đã ghi nhận 2.306 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 1.232 ca phát hiện tại cộng đồng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội không để dịch bùng lên đã là thành công và thể hiện sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị đến nhân dân.
Chuyên gia này cũng đánh giá chiến lược lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định của Hà Nội là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với kiểm soát chặt chẽ người ra đường tại chốt kiểm dịch trên các tuyến đường, phố, Hà Nội cũng đã và đang triển khai hiệu quả các "Vùng xanh", trong đó phát huy được vai trò của tự quản, giám sát ngay được người ra vào từng ngõ, ngách.
Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, một kênh thông tin rất hiệu quả để phát hiện ca bệnh là việc khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử.
Thực tế trong thời gian qua, từ tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông hằng ngày, các trường hợp khai báo ho, sốt đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện nhiều ca F0.
Do đó, người dân hãy tích cực khai báo y tế, đặc biệt là khi có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, sàng lọc kịp thời.
PGS Phu lưu ý rằng, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao, qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.
Bên cạnh đó, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như: ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để lây lan từ đây.
Ngoài ra, theo bà Lã Thị Lan, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực,…
Để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, PGS Phu cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục triển khai việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ.
Nhưng cần xác định rằng, xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch. Vì vậy, thành phố cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng kết hợp với đẩy mạnh tiêm vắc xin và nên tiêm cả đối tượng người già, người có bệnh nền.
Toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà có gì?
Tối 17/8, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" phiên bản 1.3, đáng chú ý trong phần đính kèm văn bản, Sở Y tế đã cung cấp hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Toa thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cung cấp.
Theo đó, các trường hợp F0 hội đủ các điều kiện bao gồm: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%; nhịp thở ≤ 20 lần/ phút), dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì.
Đồng thời người F0 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như các đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được cung cấp, Sở Y tế TP.HCM chia sẻ các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nang cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số trường hợp nhất định.
(tổng hợp)
https://baomoi.com/covid-19-o-viet-nam-sang-18-8-620-ca-nang-va-nguy-kich-f0-cong-dong-tang-dot-bien-o-tp-ho-chi-minh-thong-tin-toa-thuoc-dieu-tri-f0-tai-nha/c/39909978.epi