;
Phật tử tham dự khóa tu Bát Quan Trai giới tại chùa Bằng năm 2015 (Hình minh họa).
Phật giáo ra đời đã trên 2.500 năm, và mở rộng phát triển ngày càng lớn mạnh, thường người ta dễ cho rằng đó là thành quả của hàng giáo phẩm và đông đảo các tu sĩ xuất gia tu tập tại các thiền viện, học viện, chùa chiền, tịnh xá…
Nhưng quan trọng hơn và mạnh mẽ hơn là cộng đồng nhân dân đông đảo theo đạo Phật tức là lực lượng Phật tử sống theo lời dạy của các Tổ, các Thầy, với mục tiêu tốt đời đẹp Đạo, và chính Phật tử là lực lượng đông đảo hơn cả, đã dần dần hình thành các giá trị tinh thần và vật chất của đạo Phật, tức là văn hóa Phật giáo..
Phật tử là đông đảo nhân dân theo đạo Phật, tuy không xuất gia đi tu, mà chỉ thọ trì 5 giới cấm được chư Tăng khuyến khích thực hiện, người Phật tử thực hành các hành vi căn bản nói chung là tu học, tụng niệm, làm việc thiện và tham gia các Phật sự.
Phần lớn các quốc gia Đông Á và Nam Á, lực lượng Phật tử chiếm đa số trong dân cư là những người tự nguyện quy y Tam bảo ví như rừng cây nơi thâm sơn, như nước trong biển lớn vừa là đối tượng lợi tha chủ yếu của sống Đạo vừa là môi trường sống các tu sĩ xuất gia tu Phật.
o0o
Một số người trong lực lượng Phật tử đông đảo được tôn trọng đặc biệt, đó là các vị cư sĩ. Cư sĩ là “cư gia chi sĩ”, là những người thông thạo học thuật Phật học nhưng còn nợ đời, nên họ chưa thể xuất gia đi tu làm tu sĩ Phật giáo.
Cư sĩ là những Phật tử có đủ giới đức của các vị tu sĩ Phật giáo, là những người trọn vẹn thập thiện và họ có thể đăng đàn giảng kinh thuyết pháp, có thể lý luận với tất cả các hàng Phật tử. Gần đây, nước ta xuất hiện các vị cư sĩ Phật giáo nổi trội đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp chấn hưng và hộ pháp như cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền… Họ dịch Kinh Phật, họ không chỉ giảng dạy cho hàng hàng Phật tử mà còn giảng dạy cho cả giới tu sĩ.
Cư sĩ là những người có địa vị trong xã hội, có uy quyền và có khả năng huy động tiền của, nhân lực, do đó họ có thể góp quan trọng làm nên các Phật sự lợi ích chúng sinh. Cư sĩ thường đóng vai trò then chốt trong các tiến trình hoạt động các Phật sự thường là những vị lãnh đạo trong cộng đồng Phật tử.
Ngày xưa, Duy Ma Cật (Vimalakirti), một thương gia giàu có ở thành Tỳ Xá Ly, giỏi tranh luận và có trí nhớ phi thường. Ông là một người đầy quyến rũ và bí ẩn. Không giống như những người hầu như tách rời hẳn với đời sống thế tục như các đại đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni, Duy Ma Cật sống đời sống của một Phật tử. Đời sống đó là mang tinh thần Đại thừa, không chịu bó mình nơi tu tập biệt lập với thế tục mà họ cho là bị hạn hẹp tinh thần và họ dấn thân vào xã hội thực tế.
Cư sĩ là người có tri thức Phật học, nhưng họ tu tại gia chứ không phải chỉ là những người chỉ nghiên cứu Phật thuyết. Giới đức và sự tu tập của họ không kém gì các tu sĩ xuất gia, tâm của cư sĩ là tâm xuất gia. Dưới bóng của ba ngôi Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng - người Cư sĩ Phật giáo là chiếc cầu tượng trưng và tiêu biểu giữa Tam Bảo và cuộc đời thường; là hình ảnh nối kết giữa hàng xuất gia với quần chúng như câu ca dao:
Khó nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa.
Tu tại gia thường được coi là khó nhất vì cùng lúc, người cư sĩ Phật giáo phải đóng trọn hai vai trò: Vai trò đối với Đời và vai trò đối với Đạo.
Vai trò đối với đời: Bao gồm những bổn phận và trách nhiệm đối với tự thân, đối với gia đình quyến thuộc, đối với mọi người, đối với quốc gia và xã hội. Vai trò đối với đời là một sự thử thách thường xuyên, có tác động trực tiếp và mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi hay trở lực cho vai trò đối với Đạo.
Trong giới hạn nhất định của cuộc đời thường thì mọi người đều chỉ có mỗi ngày 24 giờ để sống. Giữa hai hạng người cực đoan - Hoặc không có gì để làm; hoặc làm tới khi chết rồi mà vẫn chưa hết công việc - là những người điều khiển được con ngựa thời gian bất kham.
Thực tế đã chứng minh rằng, giữa dòng cuộc sống tất bật và trôi chảy không ngừng, nếu biết sắp đặt sẽ không có sự mâu thuẫn hay xung đột nào giữa việc Đời và việc Đạo như những kẻ sĩ xưa thường nói:
“Hành tàng bất nhị kỳ quan”
(Gánh vác việc đời hay rút lui ẩn dật không phải là hai trạng thái tách rời nhau).
Trong tinh thần đó, người cư sĩ luôn luôn có khả năng tạo được thế quân bình giữa hai vai trò đối với đời và Đạo.
Cư sĩ Phật giáo còn là chiếc cầu tượng trưng và tiêu biểu giữa Tam Bảo với đời thường; giữa hàng xuất gia và quần chúng. Nhưng thế nào là chân dung của một người Cư sĩ Phật giáo điển hình và tiêu chí nào để thành người Cư sĩ? Đâu là sự khác biệt giữa một người Cư sĩ Phật giáo và một Phật tử “bình thường”?
Cư sĩ là từ Hán Việt, dịch từ tiếng Phạn Kulapati, Kulapati phiên âm là Ca-la-việt, Già-la-việt, có nghĩa là Trưởng-giả, Gia chủ, Gia-trưởng. Tiếng Phạn Kalapati vốn có hai nghĩa:
- Người thuộc dòng họ giàu sang;
- Người tại gia mộ đạo (Phật).
Phật giáo Nguyên thủy xem cư sĩ là người phụng sự đạo pháp bằng cách cúng dường thực phẩm, quần áo, góp công của tu bổ xây dựng chùa chiền, là người lo lắng cho đời sống của tăng, ni. Phật giáo Đại thừa xem cư sĩ có vai trò quan trọng hơn, cho rằng cư sĩ cũng có khả năng thành Phật như tất cả những tu sĩ xuất gia.
Nhiều Bồ Tát trong Đại thừa ẩn dưới đời sống của một cư sĩ tại gia thông thường. Theo Phật giáo Nguyên thủy thì cư sĩ đạo Phật chưa từ bỏ dục lạc thế gian. Tuy nhiên, nếu họ giữ hạnh bố thí thì phúc đức ấy có thể giúp họ tái sinh làm tăng sĩ và nhờ đó tu học đến cấp bậc A-la-hán và đạt Niết-bàn.
Tại Trung Quốc có giáo hội của cư sĩ và thường thường, các vị này lấy việc giữ 5 giới làm nền tảng chung.
o0o
Thông thường, người Phật tử sau khi quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới cấm được chư Tăng khuyến khích tu học, tụng niệm, làm việc thiện và tham gia các Phật sự nói chung. Những pháp tu ấy được xem như phận sự căn bản của người Phật tử. Đức Thế Tôn đã khái quát phận sự của người cư sĩ, thành bốn pháp tu: 1-Quy y Tam bảo, 2-Thọ trì năm giới, 3-Tự lợi, 4-Lợi tha.
Người cư sĩ phát tâm tu tập bằng cách giữ giới, bố thí, nghe pháp, thọ trì chư pháp, và quan trọng nhất là thực hành chư pháp trong đời sống hàng ngày. Đây gọi là tự lợi, nhưng để tiến xa hơn, phải song hành tự lợi và lợi tha mới viên mãn hạnh nguyện của người cư sĩ. Vừa tu tập vừa khích lệ những người khác tu tập như mình là pháp tu quan trọng mà hàng cư sĩ luôn phấn đấu để thành tựu.
Thật ra, tu Phật không nhất định là phải đi vào trong núi sâu rừng già, cũng không nhất định phải ngày ngày trì chú niệm kinh. Xét đến cùng thì chỉ có một trạng thái “thanh tịnh”, mang theo chánh tri kiến trong từng lời nói và hành động thì mới là tu Phật thật sự.
Những lúc đối diện với các tình huống ngoại cảnh khác nhau, nếu có thể bảo trì được trạng thái hòa ái từ bi, giữ vững sự thanh tịnh trong tâm, không bị hoàn cảnh bên ngoài tác động, thì đó chính là tu hành.
“Mục đích cuối cùng của việc tu đó là để khi sống ta được an lạc, khi chết được giải thoát. Hãy xem những việc mình làm từ khi sinh ra đến nay sát hại bao sinh linh, xem việc tu của ta là bao so với sự tạo ra nghiệp của ta để khi lâm chung ta sẽ được giải thoát”. Chính là: Vui vẻ với nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới, đây là điều chúng ta cần làm. Đồng thời, “Trường kỳ huân tu, nhất môn thâm nhập”.
Thông thường, người Phật tử sau khi quy y Tam bảo, thọ trì năm giới cấm được chư Tăng khuyến khích tu học, tụng niệm, làm việc thiện và tham gia các Phật sự nói chung. Những pháp tu ấy được xem như phận sự căn bản của người Phật tử.
Điều cần lưu ý ở đây là tự mình phát nguyện quy y trực tiếp với Tam bảo (không vắng mặt), không bị ai ép buộc, phải đủ nhận thức để tự giác phát nguyện (không quá nhỏ dại) thì pháp quy y mới thành tựu.
Sau khi quy y, dù không bắt buộc thọ hết cùng lúc cả năm giới cấm, nhưng Thế Tôn luôn khuyến khích các cư sĩ phát tâm thọ trì đầy đủ. Bởi năm giới là chuẩn mực đạo đức căn bản mà người cư sĩ phải thành tựu, trước để xây dựng hạnh phúc và an lạc trong đời sống thế tục hiện tại, sau làm nền tảng để thăng hoa tâm linh và thành tựu các quả vị.
Để tiến xa hơn, người cư sĩ phát tâm tu tập về lòng tin, giữ giới, bố thí, yết kiến các Tỷ-kheo, nghe pháp, thọ trì những pháp đã nghe, suy nghĩ đến nghĩa lý các pháp đã thọ trì, và quan trọng nhất là thực hành các pháp ấy trong đời sống hàng ngày. Đây gọi là tự lợi.
Tuy vậy, tự lợi và lợi tha phải song hành mới viên mãn hạnh nguyện của người cư sĩ. Do đó, vừa tu tập vừa khích lệ những người khác tu tập như mình.
Đi đầu trong số đó, bên cạnh các vị tu sĩ khả kính, ở Nam Bộ có các vị cư sĩ như commis Trần Nguyên Chấn làm ở sở Đốc lý Nam Bộ, Đốc phủ sứ Ngô Văn Chương, Chánh Trí Mai Thọ Truyền… Ở Trung Bộ có nhà văn Phan Khôi, Nữ sử Đạm Phương, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám..., ở Bắc Bộ có cư sĩ Thiều Chửu, nhà sử học Trần Trọng Kim, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, nhà báo Sở Cuồng Lê Dư…
Nhiều vị cư sĩ đức trọng tài cao có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Những cư sĩ ấy được trực tiếp hay gián tiếp trưởng thành từ phong trào Chấn hưng Phật giáo trước năm 1945 đã đóng góp vào lịch sử Phật giáo Việt Nam nửa sau thế kỷ XX mà đặc biệt nổi bật là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong nhiều lĩnh vực. Những thành tựu nổi bật mà bất cứ Phật tử nào cũng thấy được là:
- Về văn hóa văn nghệ: Nhà văn Võ Đình Cường với Tiểu thuyết “Ánh đạo vàng”, nhạc sĩ Lê Cao Phan với nhạc phẩm “Phật Giáo Việt Nam”, nhạc sĩ Văn Giảng với nhạc phẩm “Từ Đàm quê hương tôi”;
- Về giáo dục: Tổ chức hệ thống trường học từ mẫu giáo đến đại học, đặc biệt là hệ thống trường Bồ Đề trên khắp các tỉnh thành miền Nam Việt Nam, những cư sĩ tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục là các ông Lê Mộng Tùng, Lê Mộng Đào...
- Về các cuộc vận động yêu nước: Lớp cư sĩ này và các lớp cư sĩ đàn em, học trò của họ đã góp phần đáng kể trong việc hộ trì Giáo hội tăng già tổ chức và lãnh đạo cuộc vận động chống chế độ độc tài, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, cuộc vận động cho hòa bình Việt Nam từ năm 1964 cho đến năm 1975. Những cư sĩ tiêu biểu trong các cuộc vận động này được lịch sử quan tâm là bác sĩ Lê Khắc Quyến, Mai Thọ Truyền, GS Vũ Văn Mẫu.
TS. Lê Sơn Phương Ngọc - TVHS
*Tựa đề do Người Phật tử đặt lại