;
Toàn cảnh buổi lễ
Tiểu sử về cố Thượng tọa Thích Thông Tịnh
Cố thượng tọa Thích Thông Tịnh thế danh là: Nguyễn Châu, sinh năm Quý Hợi (1923); tại thôn Phương Lưu, xã Xuân Thọ, TT. Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ ông Nguyên Văn Thường – Mẫu thân là cụ bà Phạm Thị Lộc gia đình gồm có 10 anh chị em ( 7 trai 3 gái); Ngài là người con thứ 8 của gia đình, Ngài vốn hiền hòa tư chất thuần hậu, hiếu thảo với song thân, đạo tâm hướng Phật từ nhỏ, nhưng mãi đến năm 22 tuổi (năm 1945) mới xuất gia cầu đạo.
Thế phát quy y với cố hòa thượng thượng Phúc Hạ Hộ viện chủ Từ Quang đá trắng thuộc huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Ngài Phúc Hộ là một vị danh Tăng của thập niên 60 làm bổn sư.
Sau thời gian thọ đại giới Ngài được Hòa thượng bổn sư cho phép đến tấn tu cùng huynh đệ tại chùa Long Nghiêm, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên. Hơn 2 năm tu học chuyên cần tại đây, kết nối thêm duyên sự, vào đầu năm 1963 Ngài theo huynh đệ lên Buôn Mê Thuột mang ước nguyện du phương hành đạo để hoằng dương chánh pháp.
Duyên sự thuận thời, qua sự giới thiệu của cố TT. Thích Viên Đức-Chánh Đại diện tỉnh hội Phật giáo Quảng Đức (tỉnh Đăk Nông bây giờ) và cố TT. Thích Trí Huy trụ trì chùa Pháp Hoa, TX. Gia Nghĩa thời bấy giờ. Để đáp ứng lời thỉnh cầu của Phật tử xã Đạo Nghĩa ngài hoan hỷ nhận lời và chính thức trụ trì chùa Hoa Khai đầu tiên. Từ đó, Ngài phát nguyện dấn thân trên con đường hoằng hóa độ sanh, với tinh thần nhập thế tích cực không quản gian lao, không từ nan bất kỳ Phật sự nào nơi chốn núi rừng Tây nguyên.
Với một mái chùa tranh vách nứa, nơi vùng đất hoang sơ Đạo Nghĩa, rừng núi điệp trùng Ngài chuyên cần trì kinh niệm Phật và phát nguyện cùng Phật tử địa phương xây dựng lại ngôi chùa tạm này để có chỗ tôn nghiêm phụng thờ Tam-bảo, nhưng ước nguyện chưa tròn, mộng lòng chưa thỏa, bởi luật vô thường đời người vẫn cứ đeo mang.
Đầu năm Giáp Thìn (1964) bệnh gan tái phát, Ngài phải đi chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) nay là TP.HCM. Do bệnh hiểm nghèo ngài đã xã bỏ báo thân tại chùa Giác Hải (Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, Tp. HCM) vào ngày 07 tháng 03 năm Giáp Thìn, nhục thân của Ngài được huynh đệ đồng môn và cố HT. Giác Hải nhập tháp trong khuôn viên chùa Giác Hải. Ngài trụ thế 42 năm, 20 hạ lạp.
“ Dép cỏ lối mòn còn hiển hiện
Hoa dàm tuy rụng vẫn còn hương”
Tuy Ngài trụ xứ nơi đây thời gian ngắn ngủi, nhưng Ngài đã truyền trao cho hàng Phật tử bao ân đức phép Phật nhiệm mầu, nguyện lực của Ngài mang tinh thần vô ngã vị tha, hết lòng phụng sự đạo pháp. Ước nguyện của Ngài vẫn là lý tưởng hoằng hóa độ sanh mưu cầu an lạc đến với muôn người.
Lời truyền dạy sau cùng của Ngài là: “Nếu như bệnh tình thầy không qua khỏi, quý bác cố gắng đưa thầy về chùa mình an táng ở đó”. Lời nguyện xưa đã trọn, hạnh nguyện xưa đã thành, nỗi niềm thương nhớ thầy đến se thắt khiến bao trái tim của chúng con….thầy ơi!
“ Bốm bảy năm thầy đi xa
Tiếng chuông ngày cũ ngân nga đêm trường
Trở mình nghe vạc kêu sương
Trăng xiêu thấp thoáng nhớ thương bóng Ngài
Hương rừng tỏa ngát Hoa Khai
Có thầy trong giáng trang đài trước sân
Nước non một thuở xoay vần
Thầy đi hiếu trọn tấm thân vô thường
Mộ phần nằm chốn viễn phương
Tan vào ánh đạo xiển dương cho đời.
Làn mây trắng xóa thầy tôi
Tháng năm bàng bạc giữa trời yêu thương
Nhớ thầy… con thắp nén hương
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế Hoa Khai Đường Thượng Húy Thượng Đồng Hạ Quang Hiệu Thông Tịnh Thượng Tọa Giác Linh.