;
Đại hội VI |
Kienthuc.net.vn xin giới thiệu tóm tắt về các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN:
Hội nghị đại biểu Phật giáo Việt Nam thành lập GHPGVN, nhiệm kỳ I (1981 - 1987)
Diễn ra từ ngày 4 đến 7/11/1981 tại Hội trường chùa Quán Sứ (Hà Nội), hội tủ 165 đại biểu của 9 hệ tổ chức, hệ phái. Hội nghị đã thống nhất thành lập GHPGVN và suy tôn Pháp chủ Hội đồng Chứng minh (HĐCM): HT Thích Đức Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS): HT Thích Trí Thủ.
Tại Hội nghị đã thông qua đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, thông qua Hiến chương GHPGVN gồm Lời nói đầu, 11 chương và 46 điều.
Nhiệm kỳ I, Giáo hội có 6 ban, ngành thuộc Hội đồng Trị sự. Số lượng thành viên mỗi ban, ngành là 9 vị. Cũng tại Hội nghị này, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở 1 (sau là HVPGVN tại Hà Nội - PV) được thành lập, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 (sau là HVPGVN tại TPHCM) được thành lập năm 1984.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 1987 - 1992
Diễn ra từ ngày 28 - 29/10/1987 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) với sự tham gia của 200 đại biểu. Pháp chủ HĐCM: HT Thích Đức Nhuận, Chủ tịch HĐTS: HT Thích Trí Tịnh.
Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ I và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác nhiệm kỳ II. Đại hội cũng đã tiến hành tu chỉnh Hiến chương, bổ sung số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh và ủy viên Hội đồng Trị sự (từ 50 vị lên 60 vị).
Nhiệm kỳ II, Giáo hội có 8 ban, ngành, viện thuộc Hội đồng Trị sự, ngoài 6 ban, ngành cũ thêm 2 đơn vị mới là Ban Kinh tế tự túc nhà chùa - Từ thiện xã hội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Số lượng thành viên mỗi ban, ngành tăng lên 15 vị. Về tổ chức Phật giáo địa phương, GHPGVN có 29 tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 1992 - 1997
Diễn ra từ ngày 3 - 4/11/1992 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) với sự tham gia của 250 đại biểu. Tại Đại hội đã suy tôn Pháp chủ HĐCM: HT Thích Tâm Tịch; Chủ tịch HĐTS: HT Thích Trí Tịnh.
Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ II và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác nhiệm kỳ III. Đại hội cũng đã tiến hành tu chỉnh Hiến chương, bổ sung số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh và ủy viên Hội đồng Trị sự.
Nhiệm kỳ III, Giáo hội có 10 ban, ngành, ngoài 8 ban, ngành cũ, tách Ban Kinh tế tự túc nhà chùa - Từ thiện xã hội thành Ban Kinh tế tài chính và Ban Từ thiện xã hội, thành lập 01 ban mới là Ban Phật giáo Quốc tế.
Ngoài ra, Giáo hội cũng thành lập Phân viện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội. Số lượng thành viên mỗi ban, ngành là 25 vị. Về tổ chức Phật giáo địa phương, GHPGVN có 40 tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.
Trường cao cấp Phật học, cơ sở 3 (sau được đổi tên là HVPGVN tại Huế) được thành lập, Giáo hội tiến hành đổi tên hệ thống Trường Cao cấp Phật học thành HVPGVN; hệ thống Trường Cơ bản Phật học thành Trường Trung cấp Phật học. Giáo hội cũng thành lập Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 1997 - 2002
Diễn ra từ ngày 22 - 23/11/1997 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, với sự tham gia của 300 đại biểu. Pháp chủ HĐCM: HT Thích Tâm Tịch; Chủ tịch HĐTS: HT Thích Trí Tịnh.
Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ III và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác nhiệm kỳ IV. Nhân sự HĐCM, HĐTS được tăng lên, số lượng thành viên mỗi ban, ngành cũng tăng lên là 30 vị.
Về tổ chức Phật giáo địa phương, GHPGVN có 49 tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước. Hệ thống Trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh, thành hội Phật giáo tăng lên 25 trường. Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của tăng ni sinh, Giáo hội đã đề nghị mở thêm các lớp Cao đẳng Phật học.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2002 - 2007:
Diễn ra từ ngày 4 - 5/12/2002 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 500 đại biểu. Pháp chủ HĐCM: HT Thích Tâm Tịch; Chủ tịch HĐTS: HT Thích Trí Tịnh.
Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác nhiệm kỳ V; suy tôn, suy cử thành viên HĐCM và ủy viên HĐTS. Đại hội đã khẳng định nhiều lĩnh vực hoạt động của Giáo hội đạt được những thành tích đáng ghi nhận, bộ máy tổ chức được kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực cho xã hội, khẳng định vị trí và vai trò của GHPGVN trong lòng dân tộc.
Nhiệm kỳ V của Giáo hội, HVPG Nam tông Khmer được thành lập. Đây là cơ sở chuyên đào tạo cho Phật giáo Nam tông, Trường đặt tại Chùa Pothisomrom, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Về tổ chức Phật giáo địa phương, GHPGVN có 52 tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 - 2012
Diễn ra từ ngày 11 - 14/12/2007 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 800 đại biểu. Đại hội suy tôn Pháp chủ HĐCM: Hòa thượng Thích Phổ Tuệ; Chủ tịch HĐTS: Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
Đây là đại hội lớn nhất của GHPGVN Việt Nam từ trước đến nay. Hơn 800 đại biểu chính thức đại diện cho gần 45.000 Tăng Ni đã về dự đại hội. Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 4 và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác nhiệm kỳ 5; suy tôn, suy cử thành viên Hội đồng Chứng minh và ủy viên Hội đồng Trị sự.
Tại Đại hội này, Hiến chương GHPGVN cũng được tu chỉnh với nhiều nội dung quan trọng như: bổ sung về đạo kỳ, đạo ca; thêm quy định về Ban Đại diện Phật giáo cấp quận, huyện; tăng số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh và ủy viên Hội đồng Trị sự. Về tổ chức Phật giáo địa phương, GHPGVN có 57 tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.
Nhiệm kỳ VI GHPGVN cũng là nhiệm kỳ đánh dấu nhiều bước tiến quan trọng, Giáo hội đã thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự TW để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Tăng Ni.
Bùi Hiền (tổng hợp) - KTO