;
Lễ khai mạc triển lãm tranh ảnh và cổ vật với chủ đề “Phật giáo tỉnh Quảng Bình xưa và nay”ngày 17/12/2019
Chiếc Bamboo Airway từ từ hạ cánh, những ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy dưới đường băng như mỉm cười chào đón chúng tôi. Khi đoàn đến nơi, thành phố Đồng Hới đã về đêm, mưa bay lất phất và một chút se se lạnh làm chúng tôi cảm nhận Quảng Bình thân thương và nhiều huyền thoại đây rồi. Lòng tôi chợt ấm lại khi trông thấy chư Tăng và Hoà thượng Trưởng ban đã ra tận sân bay đón đoàn chư tôn giáo phẩm và các thiện hữu tri thức đến từ phương xa. Tôi nhìn qua chợt phát hiện giáo sư Lê Mạnh Thát cũng đã có mặt trong đoàn. Trên đường về chùa Đại Giác xe đi giữa những con đường tráng lệ lung linh ánh đèn. Tôi thầm nghĩ: Thành phố Đồng Hới giờ không thua một nơi nào, đúng là cô bé lọ lem năm xưa đã thoát xác biến thành nàng công chúa rực rỡ diễm kiều.
Sau khi ăn tối muộn tại chùa Đại Giác chúng tôi được đưa đến khách sạn Sài Gòn-Quảng Bình. Lại một ngạc nhiên nữa khi thấy nơi đây quá hoành tráng của một khách sạn bốn sao nằm bên bờ sông Nhật Lệ tuyệt vời. Điều đáng nói là trước mặt khách sạn trang trí đầy cờ Phật giáo tung bay phất phới dù đang mùa Noel sắp tới. Một tấm biển chào mừng chư Tăng Ni và quan khách trang trọng treo phía trước báo cho chúng tôi biết đây sẽ là nơi khai mạc hội thảo và là nơi nghỉ ngơi của mấy trăm đại biểu từ khắp nơi trở về.
Sáng 17/12/19 lễ khai mạc triển lãm diễn ra lúc 8 giờ, ngắn gọn nhưng trang nghiêm và trọng thể. Khu vực triển lãm được bố trí chung quanh tượng Phật A Di Đà, chùa Đại Giác, chư tôn đức và quí đại biểu đã được hướng dẫn tham quan các cổ vật tượng, chuông, pháp khí…được lưu giữ từ bảy tám trăm năm trước. Những hình ảnh ghi lại các hoạt động Phật sự khắp nơi trong mười năm xây dựng và phát triển của Phật giáo Quảng Bình…
Sau đó là lễ khai mạc hội thảo long trọng và hoành tráng tại hội trường khách sạn Sài Gòn-Quảng Bình. Chư tôn giáo phẩm và Ban văn hoá GHPGVN đã chủ trì hội thảo với chủ đề “PHẬT GIÁO QUẢNG BÌNH XƯA VÀ NAY”.Trong suốt một ngày hội thảo nghiêm túc và cẩn trọng, các vị giáo sư tiến sỹ, các nhà khảo cổ chuyên môn đã trình bày gợi mở và soi sáng nhiều vấn đề trong quá khứ để tái hiện Phật giáo Quảng Bình thuở xưa. Những hoạt động trong mười năm qua cũng được đánh giá các ưu khuyết điểm để Ban Trị sự Phật giáo Quảng Bình rút kinh nghiệm và dự phóng cho tương lai. Nhìn chung buổi hội thảo đã thu hoạch được những kêt quả tốt đẹp ngoài dự kiến.
Cơ sở thờ tự đơn sơ khi GHPGVN tỉnh Quảng Bình mới thành lập.
Đại hùng Bảo điện – chùa Đại Giác hôm nay .
Sáng ngày 18/12/19 Lễ tưởng niệm cố Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quang. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, các đạo tràng Phật tử đã cung đón chư tôn giáo phẩm cùng chư Tăng Ni và đại diện các cấp chính quyền quang lâm Bảo tháp Di Đà, nơi tôn trí xá lợi của Ngài để dự lễ.
Thượng toạ Thích Đạt Đức- Phó ban tổ chức đã thay mặt Ban Trị sự PG Quảng Bình cung tuyên tiểu sử bậc thượng nhân thượng trí. Suốt một đời Ngài đã hi sinh tất cả để bảo vệ, phụng sự Đạo pháp và phục vụ quê hương. Vị lãnh đạo tài ba của Phật giáo trong lúc con thuyền Đạo phápđang ngửa nghiêng giữa phong ba bão tố của thời cuộc pháp nạn 1963. Nhà thơ Lăng già Nguyệt đã có mấy lời cung tán:
KHÔNG LẠI HOÀN KHÔNG
Sử động sung sung Mỹ quốc nhân
Nhất hiệu uy năng đảo bạo quân
Đạo nạn cam tâm kham khổ nhục
Dân ưu bất quản nại hàm oan
Xuất đầu chính giới hô phong vũ
Quy thoái thiền môn tác điển văn
Minh triêu kim quan nhập lô táng
“Không cựu hoàn không” thị tự trân
Tạm dịch:
Mỹ quốc đảo điên bởi một người
Ngô triều bạo chúa đổ như chơi
Pháp nạn hiến thân khổ vì Đạo
Quốc biến lao tâm nghĩ cho Đời
Chính trường quốc kế hô mưa gió
Bảo tự dịch Kinh chép vạn lời
Mai này huyễn thân về với lửa
“Không lại hoàn không” trí rạng ngời
Tiếp đến là Lễ “Kỷ niệm mười năm thành lập và hoạt động của Phật giáo Quảng Bình”. Dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm GHPGVN với sự tham dự của chư Tăng Ni, quí vị quan khách và hàng ngàn Phật tử buổi lễ đã diễn ra trong không khí hân hoan và tràn ngập đạo tình. Hàng chục lẳng hoa tươi thắm của cácđơn vị gửi đến chúc mừng đã nói lên điều đó.
Trong lời mở đầu MC Tánh Thuần đã nói: “Lịch sử là một dòng chảy không ngừng từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai. Phật Giáo tỉnh Quảng Bình luôn chảy xuôi trong lòng dân tộc và trong dòng sinh mệnh của PGVN qua hàng thế kỷ. Tuy vậy, trong thời gian đất nước chiến tranh, Phật giáo Quảng bình tạm ngưng sinh hoạt để cùng dân tộc dồn hết tâm vật lực cho công cuộc dành độc lập tự do…nên đã bị lãng quên hơn nửa thế kỉ”
Hoà thượng Trưởng ban Trị sự Thích Tánh Nhiếp trong diễn văn khai mạc cũng đã trình bày những khó khăn thuận lợi và nêu bật những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua. Hoà thượng cũng đã đề đạt ý kiến nhờ TWGH tiếp tục chỉ đạo và các cấp chính quyền hỗ trợ giúp đỡ để Phật giáo Quảng Bình hoạt động hiệu quả trong thời gian tới và kêu gọi chư Tăng Ni và Phật tử khắp nơi tiếp tục hợp tác cống hiến để Đạo pháp tại Quảng Bình ngày càng vững mạnh phát triển.
HT. Thích Thanh Nhiễu trao bằng tán dương công đức của Trung ương Giáo hội PGVN.
Phát biểu chỉ đạo, HT Thích Thanh Nhiễu-Phó chủ tịch thường trực HĐTS thay mặt TWGH đã tán dương những thành tựu của PG Quảng Bình trong thời gian qua. Ngài cũng nhắc nhở HT Trưởng Ban nên mở rộng vòng tay chiêu mộ chư Tăng Ni trẻ các trường Trung Cao cấp Phật Học, Học viện Phật giáo Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiếp tục về cộng tác. Đại diện các cấp Chính quyền Mặt trận cũng đã gửi lẳng hoa chúc mừng và tặng bằng khen (đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ) đến Ban trị sự cũng như những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho Phật giáo và địa phương Quảng Bình.
Cuối cùng là lễ cắt băng khánh thành cổng tam quan, đây là một công trình được xây dựng và hoàn thành trong thời gian kỷ lục chỉ một tháng. Hoà thượng trú trì chùa Đại Giác đã tham khảo các cảnh chùa và các bậc thức giả để thiết kế một kiểu Tam quan hai mái,hình thức hài hoà giữa cổ và tân phù hợp với không gian cảnh trí nơi đây. Tam quan có cửa hình cánh cung, mái đao lợp ngó iống. Chính giữa mái tầng trên là ba chữ Hán ĐẠI GIÁC TỰ, bên trong chính giữa thờ Phật tượng, hai bên là chư vị Hộ pháp Ủng hộ Già lam. Tầng dưới hai cột ở chính giữa có đôi câu đối: Đại hoằng từ bi linh tri thị tâm thị Phật/ Giác liễu hỷ xả đốn thức tức Phật tức tâm. Hai cột tả hữu cũng có đôi câu đối: Bảo địa trang nghiêm sắc hương bất dị/ Phật môn quảng đại xuất nhập tuỳ duyên.
Buổi chiều cùng ngày là lễ lược khoa chẩn tế âm linh cô hồn, tạ ơn chư vị Thổ địa, Long thần, chư vị tiền hiền công đức đã khai sáng mảnh đất này. Khánh tạ chư vị Hộ pháp,Thiện thần đã mật thuỳ gia hộ cho đại lễ thành tựu hoàn mãn. Nhất là tưởng nhớ các công thần, chư vị anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng nơi đây. Đó là truyền thống nhớ ơn và đền ơn theo tinh thần Phật Giáo và dân tộc từ ngàn xưa.
Trong hai ngày liên tục diễn ra nhiều buổi lễ mà lễ nào cũng trang nghiêm và hoành tráng.Điều này đã nói lên tâm huyết và sự nhiệt tình của các thành viên trong Ban tổ chứcđại lễ. Sự phân công hợp lý và tranh thủ chỉ đạo của chư tôn giáo phẩm cùng kinh nghiệm quyết đoán của người lãnh đạo đã góp phần cho sự thành công rực rỡ. Chúng tôi trở về vẫn bảo nhau là ban tổ chức đã khéo chọn ngày bởi trong thiên thời, địa lợi, nhân hoà thì yếu tố thiên thời là hàng đầu. Vì sáng hôm sau khi chúng tôi vừa đến phi trường thì trời đã đổ mưa trong lúc mấy ngày trước thì nắng ráo.
Tất cả rồi cũng qua đi, điều còn đọng lại trong tâm tưởng chúng tôi là sự điều hành tuyệt vời của người lãnh đạo. Trong Đạo Phật có câu tuỳ duyên bất biến, bất biến nhưng phải tuỳ duyên, có lẽ Hoà thượng Trưởng Ban và Ban Trị sự đã ứng dụng uyển chuyển phương châm này nên trong một thời gian ngắn đã làm được nhiều chuyện. Uy tín và năng lực của Hoà thượng và Chư tôn đức trong Ban Trị sự đã được khẳng định khi quan khách tận mắt chứng kiến những công trình tại đây. Bên cạnh đó, cách sống và hành xử cùng tấm lòng vị tha bao dung đã qui tụ chung quanh Hoà thượng bao nhân tài cả Tăng lẫn tục. Những thiện hữu tri thức cũng tìm đến chia sẻ hiến kế để có những quyết định chính xác và hợp thời góp phần cho sự thành công.
Chúng tôi tin tưởng với những thành tựu đạt được Phật giáo Quảng Bình sẽ còn tiến mạnh, tiến xa hơn nữa. Trong hiện tại Quảng Bình đã tạo được dấu ấn quan trọng khiến cả nước đang chú ý thì trong tương lai sẽ là đơn vị tiêu biểu để Phật Giáo cả nước noi theo. Trong dòng chảy sinh mệnh của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Quảng Bình sẽ góp phần hữu hiệu với sứ mệnh hồi sinh và phát triển rực rỡ chánh pháp nhãn tạng của Đức Như Lai trên quê hương thân yêu này.
TÁNH CẦN – TÁNH THUẦN