;
Ngôi nhà rất đặc biệt này nằm ở quận 9, TP HCM và người chủ là ông Nguyễn Đức Hiền sinh năm 1940 và bà Nguyễn Thi Hoa sinh năm 1936, 2 cựu giáo chức, 2 Phật tử tu tập rất tinh tấn, những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo về cách sống theo lời Phật dạy. Tôi may mắn được mời đến nhà đúng đầu xuân Quý Tỵ 2013 đầy nắng và hoa. Thật là thú vị đối với 1 cư sỹ miền bắc khi được đến chúc tết nhà 1 gia đình Phật tử miền nam.
Khi bước vào nhà, tôi giật mình bởi xung quanh 4 bức tường có rất nhiều bức viết với các kích cỡ khác nhau, cứ như là nhà dán bùa chú. Tôi bắt đầu nhìn kỹ và dễ dàng nhận ra đó là những câu kệ, lời kinh, những lời răn rất ý nghĩa. Tôi ngay lập tức bị cuốn hút bởi sự chắt lọc rất trí tuệ của 2 Phật tử - cựu giáo chức này. Thú vị và đặc biệt hơn nữa khi tôi được biết rằng mỗi câu chữ được treo trên tường là do chính ông hay bà hoặc cô con gái tự tay viết ra.
Tôi mất khá nhiều thời gian để đi chụp hình và lấy bút ghi lại từng câu nói, bởi câu nào cũng hay. Trong não tôi chỉ có 1 suy nghĩ duy nhất: nếu không ghi lại thì uổng phí quá. Tôi trân trọng từng câu, từng chữ cứ như là nếu không chộp thật nhanh … sẽ có thể mất đi vĩnh viễn. Tôi mải mê tham quan ngôi nhà “bùa chú” đặc biệt này đến nỗi ấm trà pha sẵn cũng …nguội luôn, không kịp để khách uống nóng. Ông bà chủ nhà có vẻ áy náy, nhưng họ đâu có hiểu rằng tôi đi ngắm và đọc từng lời dạy quý giá này cũng như là đang ăn, đang uống rồi mà.
Bên bàn trà có đủ cả trái cây và bánh kẹo ngày tết. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh các kinh nghiệm tu hành. Chúng tôi tự biến mình thành 1 “đạo tràng” nhỏ để trao đổi, để sẻ chia. Quả thật càng ngày tôi càng hiểu rằng những buổi giao lưu hiếm hoi và chân tình thế này rất quý giá để chúng ta hiểu thêm Phật Pháp, để có cách tu tập đúng đắn nhất, và để nhận được “tha lực” từ bạn đồng tu.
Tôi tranh thủ bất cứ lúc nào có thể để đến ngắm những câu chữ xung quanh 4 bức tường. “Quán thân vô thường để ly tham, sân, sy, mạn, nghi”, “Hãy làm việc trong sự tỉnh thức”, “Hạnh nhẫn là hạnh tối thượng trong việc tu giải thoát”, “Người nói láo như nước rửa chân không rửa được mà phải đổ đi”, “Đôi khi tôi muốn em dừng lại. Để em cười, em nói có chiều sâu”. “Hiếu thuận mẹ cha, sinh con hiếu. Ngỗ nghịch song thân, ngỗ nghịch sanh”… Nhiều lắm. Ghi ra không xuể.
Qua câu chuyện với chủ nhân của ngôi nhà “bùa chú” quý giá này, tôi phát hiện ra 1 chi tiết cũng rất lạ: ông bà người Việt 100% và các con cũng 100% Việt nhưng lại có 1 cháu trai mang quốc tịch Mỹ. Chuyện kể rằng cháu Phạm Trung Quốc là học trò cờ vua của các thầy Từ Hoàng Thông và Từ Hoàng Thái có duyên lành đi Mỹ tham gia giải cờ vua. Thế là mẹ cháu được “tháp tùng”. Khi đó mẹ Quốc đã có bầu 7,5 tháng nhưng không biết duyên lành thế nào mà vẫn được cấp visa, vẫn vào được Mỹ và để cuối cùng sinh ra em gái Phạm Ngọc Linda tại đất Mỹ. Mà theo luật của Hoa Kỳ, tất cả những ai sinh ra trên đất Mỹ đều mang quốc tịch Mỹ. Thế là ông bà có cháu quốc tịch Mỹ! Nhiều lần gia đình muốn làm thủ tục để cháu có quốc tịch Việt Nam nhưng thấy thủ tục rắm rối quá nên cuối cùng cứ mặc kệ. Vậy là ông bà có cháu ngoại người… ngoại quốc. Tôi rất ấn tượng với tác phẩm của Phạm Ngọc Linda treo trên tường có tên “Happy Grandparent’s Day” – Chúc mừng ông bà nhân Ngày Ông Bà.
Bữa tối chúng tôi được thưởng thức món cháo gạo lứt kèm theo dưa muối, măng khô và rất nhiều đồ ăn chay. Xung quanh tôi tràn lan các câu kệ, lời kinh, những ý răn, dạy. Tôi như vừa ăn qua miệng lại cả qua mắt nữa. Chiếc máy thì luôn mở nhỏ bài pháp thoại của quý thầy. Vậy là tôi tự nhiên được ăn tối bằng cả 5 giác quan.
Trước khi về tôi còn được tặng quà. Đó là 1 cuốn sách rất hay của Hòa thượng Tuyên Hóa. Bà Hoa cho biết cuốn sách này rất quý và mang tận từ bên Mỹ về. Tôi mở ra và thấy được viết bằng 2 thứ tiếng: anh và trung. Bà lấy trong tủ ra, lau sạch và trân trọng tặng tôi. Bà cón nói “Chỉ những người như thầy Hùng mới có thể sử dụng hiệu quả cuốn sách quý này!”.
Thấy tôi cứ ngẩn ngơ bên những bức “bùa chú” rất ý nghĩa và sâu sắc, gia chủ như đọc được suy nghĩ của tôi và nói thích bức nào tặng ngay. Máu tham trong lòng nổi lên nên tôi xin ngay 1 bức khá đơn giản nhưng đẹp và rất cần cho tôi – người đang tu hạnh nhẫn nhục. Tôi xin ghi lại nguyên vẹn các chữ đã được sư cô Diệu Vân viết ngày 05/10/2006 như sau:
Quan sát cơn giận
(Đức không giận và nhắc mình)
Giận là đau,
Giận là khổ,
Giận là đổ,
Giận là vỡ,
Giận là dở,
Giận, xin chớ!
Không giận, nhớ!
Không giận, nhờ!
Không giận, thở!
Đẹp như thơ!”
Thấy tôi mê quá, say quá, thích các câu này quá, chủ là lại quyết tặng thêm bức thứ 2 – rất ý nghĩa và cần thiết. Cần thiết cho tất cả chúng sinh chúng ta. Cần thiết cho chương trình “lan tỏa nụ cười và tình yêu thương của tôi”
“Nụ cười
Nụ cười chẳng mất tiền mua
Sao không trao tặng cho vừa lòng nhau.
Người cho có mất gì đâu
Của cho sao lại nhiệm màu lạ thay.
Nụ cười như thoáng hương bay
Mà sao ghi nhỡ mãi hoài khó quên.
Quảng đại lên, quảng đại lên,
Cười ngay cả lúc bấp bênh, cơ hàn
Ai cho mình đủ giàu sang,
Để không cầu đến âm vang nụ cười?
Chẳng ai nghèo quá trên đời
Để không có được nụ cười để cho.
Nụ cười đem lại ấm no,
Vui tươi hạnh phúc, đến cho gia đình.
Qua bao cuộc chiến hãi kinh,
Mà sao thế giới chân tình vẫn tươi.
Đó là nhờ thuật biết cười,
Cười cho vui vẻ bằng mười của ban.”
Ngày xuân đầu năm tôi đã may mắn được “tác lý như ý” về nụ cười thì thật là tuyệt. Đầu năm đã được uống trà và ăn tối rong không gian của những lời răn, lời dạy bất hủ thì quý giá quá chừng. Tôi biết rằng những người đang đọc những dòng chữ này đang sẵn lòng giúp tôi lan tỏa nụ cười đi muôn phương. Thật là hạnh phúc biết bao.