;
1. MÂM CÚNG TRI ÂN:
Là mâm cơm cúng đến hương linh tổ tiên, ông bà thì chỉ có một ý nghĩa là để nhắc nhở cho người sống tri ân, tưởng nhớ người đã mất và đoàn kết gia đình, xum vầy đầm ấm.
Cho nên mâm cúng này là để nhớ ân và noi gương, mâm cơm cúng gồm món gì, để cao mấy thước, có mâm chính mâm phụ, thắp 3 nén hay 5 nén hương…vv đều không quan trọng, tùy điều kiện mỗi gia đình mà làm hoặc bỏ qua, dùng hình thức phù hợp nhất ở mỗi gia đình để tưởng nhớ tri ân, không cần cứng nhắc ngày cúng cơm 3 bữa hoặc đủ món đủ bát…vv.
Mâm cơm cúng thần linh cũng vậy, các vị ấy không dùng cơm mình nấu đâu, nhất là sát sinh, xúi giục sát sinh và hoan hỷ sát sinh để có gà, cá, lợn ...vv làm cơm cúng thì chỉ thêm tội chứ không thêm lộc, thêm phước.
Quan điểm những thứ hình thức như vậy để tạo thuận duyên, đẩy lùi nghịch vận giảm những chướng ngại, tai ương đều là mê tín vì những thứ đó không thể thay đổi được việc phải nhận kết quả của những việc ác đã làm hay việc thiện đã gieo.
Quan điểm cho rằng cúng cơm là cách báo hiếu cũng là sai lầm vì báo hiếu cần làm khi tổ tiên còn sống, và khi chết rồi thì cần làm phước (làm điều thiện) rồi hồi hướng tới tổ tiên, chứ không thể cúng hương hoa trà quả, thịt cá, cơm, canh…vv để báo hiếu vì người mất không thể dùng những thứ này.
Mâm cúng không nên có tiền bạc vàng mã vì lãng phí tài nguyên và khuyến khích cho mê tín dị đoan, nếu nói đốt vàng mã các cụ nhận được thì sao các nước khác tổ tiên họ chết không thấy ai bị đói, hay là đói không biết hiện về đòi con cháu phải cúng như người Việt sao? Nếu nói người Việt chết đi mà hiển linh hơn người nước khác thì tổ tiên linh thiêng đến thế ắt đã phù hộ để toàn cõi Việt Nam không có bệnh tật, thiên tai, tai nạn nữa. Nhưng nghịch lý là dịp lễ Tết dân Việt mình cúng càng to, càng nhiều rượu bia thì bệnh viện càng nhận nhiều bệnh nhân do tai nạn, đánh cãi chửi nhau.
2. MÂM CƠM THÍ THỰC NGƯỜI SỐNG:
Tuy nhiên các gia đình nên làm cơm thí thực, không phải để cúng thí cho cô hồn nào ăn cả, mà là làm mâm cơm biếu tặng người nghèo, người bệnh, ví dụ cuối năm cả gia đình nấu cơm cháo đem đi làm từ thiện, quần áo vàng mã không đốt mà mang quần áo thật đi làm từ thiện thì đó là việc làm ý nghĩa, việc làm tạo phước nên năm mới toàn gia được nhiều điều xung túc, an vui.
3. MÂM CƠM TẠO PHƯỚC:
Mâm cơm ý nghĩa hơn cả, phước báu hơn cả là mâm cơm cúng dường người đã hết tham, sân, si hoặc đang tu để giảm tham, sân, si (mâm cơm cúng dường trai tăng đến các nhà sư tu theo Chánh Pháp). Người tu theo Chánh Pháp sẽ giảm hay đã đoạn tận tham, sân, si như thửa ruộng tốt để mọi người gieo trồng rồi gặt hái phước.
Tôi nói người tu đang giảm trừ và diệt tận tham, sân, si là ruộng phước, tôi không nói cứ thầy chùa nào ở chùa to, Phật lớn, hay vị có danh tiếng đã là ruộng phước thế gian nhé, cái này tự quý vị sẽ xét đoán được nếu không bị ảnh hưởng đám đông hay định kiến thế gian. Sau khi lên chùa xin cúng dường trai tăng (bữa ăn tới quý sư), có thể hồi hướng phước báu của việc làm đó tới tổ tiên, vậy là mình tạo phước cho mình, và chia phước được đến tổ tiên, là việc làm báo hiếu có ý nghĩa và thiết thực.
Nếu cần quý vị nên đọc kinh Hồi hướng vong linh để hiểu Phật dạy báo hiếu tới người đã khuất thế nào cho đúng.
Năm mới muốn thu hoạch an lạc, hạnh phúc, sức khỏe, trí tuệ…thì cần phải gieo đúng Hạt giống trên thửa ruộng tốt tươi thì mới có Trái chín như ý. Nếu “gieo hạt” là sự cầu xin, mê tín thì gặt “ quả” chỉ có thể là sợ hãi, tham đắm, ngu dốt. Còn nếu “ gieo hạt” là sự yêu thương, nghị lực, đạo đức, hiểu biết…vv thì mới mong “ quả” thu được là an vui, tấn hóa…vv.
Chúc mọi người Tết đến không trật vật vì nấu cỗ, rửa bát suốt ngày mà còn vô tình tiếp tay cho những vụ sát sinh hàng loạt, hay sự say sưa rượu chè, cờ bạc, cãi cọ. Thay vào đó chúc quý vị có cả 1 năm mới hăng hái, thuận duyên làm nhiều việc thiện, có thật nhiều mâm cúng thứ 2, thứ 3, còn mâm cúng thứ 1 chỉ nên giản tiện, giàu ý nghĩa xum vầy đầm ấm, tri ân là đủ
(Trần Việt Quân lược trích lời Sư cô Hương Thiền)