nguoiphattu.com Ngày 23 tháng 09 năm 2018, nhằm ngày 14 tháng 8 năm Mậu Tuất, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.
Nhân dịp này, Hòa thượng cũng đã đã giảng giải cho đại chúng về ý nghĩa của chương II Hai Pháp IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng trong Kinh Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikàya.
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).
Phẩm Tâm Thăng Bằng là phẩm duy nhất nói về đất. Hòa thượng giảng giải “đúng như tinh thần của ngày tu bát quan trai, cũng như lắng nghe lời Đức Phật dạy qua phẩm Tâm Thăng Bằng này, đại chúng hãy hiểu rằng giữ tâm thăng bằng chính là giữ tâm thanh tịnh, an trú trong chính niệm. Tất cả mọi việc của thế gian các vị hãy buông xả, buông bỏ muôn duyên một lòng niệm Phật. Tu tập bát quan trai tức là tu tập hạnh xuất gia, nương theo 8 điều trai giới để giữ gìn, từ đó làm nhân tốt ngay hiện tại để được quả ngọt cho tới ngày giải thoát an lạc.
Vì vậy, chúng ta luôn phải chú tâm tỉnh giác, giữ thân tâm trong sạch, ba nghiệp sáu căn thanh tịnh. Tâm thăng bằng tức là luôn phải giữ tâm không nghiêng lệch, hãy lấy tinh thần trung đạo làm căn bản, không khổ hạnh cũng không được phóng dật. Tâm của chúng ta hãy biết nhẫn như đất. Bởi đất sản sinh ra muôn loài muôn vật, đất nuôi sống và cưu mang con người từ khi sinh ra cho tới lúc nằm xuống.
Do đó, đất tượng trưng cho tâm từ bi tế độ. Dù cho ai có thải chất nhơ bẩn ra mặt đất, đất vẫn nhẫn nhục và luôn vững chãi. Đất ở đây để ví cho tâm bình đẳng, tâm từ bi của Đức Phật. Đức Phật luôn thương xót và coi tất cả chúng sinh như con đỏ.Vì vậy, hôm nay tôi giảng cho quý vị nghe phẩm Tâm Thăng Bằng nói về đất này, để chúng ta được nghe những lời Phật dạy rồi suy ngẫm để thụ trì”.
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Thầy về địa vị bậc không phải chân nhân và địa vị bậc chân nhân. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải chân nhân? Người không phải chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị kẻ không chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc chân nhân, này các Tỷ-kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị bậc chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn.
Trong đoạn kinh này, chân nhân tức là chỉ người sống chân thực, nhân đức, sống đúng tinh thần biết tri ân và báo ân. Đức Phật dạy chúng ta ở cuộc đời này có 2 hạng người: hạng người biết nhớ ơn (bậc chân nhân) và hạng người không biết ơn (không phải bậc chân nhân). Từ đây, ta thấy tinh thần mà người Phật tử luôn phải niệm hàng ngày đó chính là tứ trọng ân cao cả. Cũng trong đoạn này, Đức Phật dạy nếu những ai biết ơn và báo ơn, biết làm lành tránh dữ, thì người đó là bậc chân nhân. Những ai chỉ sống ích kỷ, không biết rộng lòng bố thí cúng dàng, không mở tâm từ bi yêu thương mọi người thì người đó không phải bậc chân nhân.
2. Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.
Nếu như đoạn trước Đức Phật dạy về bậc chân nhân, thì đoạn kinh thứ 2 này Đức Phật đi sâu vào hai vấn đề có 2 hạng người ta không thể trả ơn được đó chính là cha mẹ. Bởi Đức Phật luôn đề cao vai trò của cha mẹ. Trong nhiều kinh điển, Đức Phật đã nói đến công ơn sâu dày của cha mẹ. Ở đây, Đức Phật dạy không phải chỉ phụng dưỡng, làm cho cha mẹ vui là chân thực báo ân, mà người con phải biết hướng dẫn và khuyên cha mẹ nếu như cha mẹ làm những điều xấu.
3. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm... ngồi xuống một bên. Bà-la-môn ấy nói với Thế Tôn:
– Tôn giả Gotama đã nói gì, đã thuyết gì?
– Này Bà-la-môn, Ta thuyết về hành động và Ta thuyết về không hành động.
– Như thế nào, Tôn giả Gotama thuyết về hành động và thuyết về không hành động?
– Ta thuyết không hành động, này Bà-la-môn, đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩa ác. Ta thuyết không hành động đối với nhiều loại pháp ác, bất thiện. Ta thuyết hành động, này Bà-la-môn, đối với thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Ta thuyết hành động đối với nhiều loại pháp thiện. Như vậy, này Bà-la-môn, Ta thuyết về hành động và thuyết về không hành động.
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama… Từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
Dưới thời Đức Phật còn tại thế, đất nước Ấn Độ chia làm 4 đẳng cấp khác nhau rõ ràng: Tăng lữ Bà La Môn, Sát Đế Lị, Phệ Xá, Thủ Đà La. Đẳng cấp Bà La Môn với đẳng cấp Sát Đế Lị quan niệm rằng họ là những người có phước được sinh ra trên vai Phạm Thiên. Còn đẳng cấp Phệ Xá và đẳng cấp Thủ Đà La là hạng người lao động, nô lệ bần hàn sinh ở bắp đùi và gót chân Phạm Thiên. Câu chuyện trên chính là đoạn đối thoại giữa Đức Phật với một người ở đẳng cấp thứ nhất là Bà La Môn.
Đức Phật nói đến 2 vấn đề là những việc phải làm và những việc không được làm. Ngài nói những mặt trái, tức là những việc không được làm trước. Đó chính là không được để thân – khẩu – ý có những điều độc ác, bất thiện. Còn những việc thiện lành, mang lại lợi ích cho muôn loài muôn vật chính là những việc phải làm. Qua đây, Đức Phật khuyên chúng ta phải luôn chú tâm tỉnh giác, biết chế ngự trong 3 nghiệp thân, 4 nghiệp miệng và 3 nghiệp ý, chuyển 10 điều bất thiện ác pháp trở thành 10 điều thiện pháp.
4. Rồi gia chủ Anàthapiṇḍika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Anàthapiṇḍika bạch Thế Tôn:
– Có bao nhiêu người, bạch Thế Tôn, đáng được cúng dường ở đời? Và chỗ nào cần phải bố thí cúng dường?
– Có hai hạng người, này Gia chủ, đáng được cúng dường ở đời: Hữu học và vô học. Đối với hai hạng người này đáng được cúng dường ở đời, này gia chủ, ở đây cần phải bố thí cúng dường.
Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm:
Hữu học và vô học,
Cả hai ở trong đời,
Đều đáng được cúng dường,
Đối với người dâng lễ,
Họ giữ thân chánh trực,
Cả lời nói, ý nghĩ,
Phước điền người dâng cúng,
Đây thí có quả lớn.
Có 2 danh từ “hữu học” và “vô học”, cũng tương đương với danh từ “hiền” và “thánh”. Ở ngôi vị hiền (hữu học) có 3 quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm. Còn A La Hán là quả vị Thánh. Quả A La Hán là quả vị tối thượng của Thanh Văn Thừa, quả vị này là bậc vô học.
5. Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi, Thắng Lâm, khu vườn ông Anàthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Đông Viên, ngôi lâu đài của mẹ Migàra. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
– Này chư Hiền Tỷ-kheo!
– Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Sàriputta nói như sau:
– Này chư Hiền, tôi sẽ giảng về con người bị nội kiết sử trói buộc và bị ngoại kiết sử trói buộc. Hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Sàriputta nói như sau:
– Này chư Hiền, thế nào là người bị nội kiết sử trói buộc? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo có giới hạnh, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học giới. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào một trong các Thiên giới. Sau khi từ chỗ ấy mạng chung, vị ấy làm người lại trở về, trở về ở thế giới này. Vị này, này chư Hiền, được gọi là người bị nội kiết sử trói buộc, người lại trở lại, trở lui trạng thái này.
Thế nào, này chư Hiền, là người bị ngoại kiết sử trói buộc? Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo có giới hạnh, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học giới. Vị ấy, chứng đạt và an trú tịch tịnh tâm giải thoát. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào một loại chư Thiên. Sau khi từ chỗ ấy mạng chung, vị ấy không còn trở lui, không còn trở lại trạng thái này nữa. Vị này, này chư Hiền, được gọi là người bị ngoại kiết sử trói buộc, không còn trở lui, không còn trở lại trạng thái này nữa.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới hạnh… và học tập trong các học giới. Vị ấy thực hiện sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt các dục vọng. Vị ấy thực hiện sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hữu. Vị ấy thực hiện sự đoạn diệt khát ái. Vị ấy thực hiện sự đoạn diệt tham. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào một trong các Thiên giới. Sau khi từ chỗ ấy mạng chung, vị ấy không còn trở lui, không còn trở lại trạng thái này nữa. Vị này, này chư Hiền, được gọi là người bị ngoại kiết sử trói buộc, không còn trở lui, không còn trở lại trạng thái này nữa.
Rồi một số đông chư Thiên với tâm thăng bằng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, chư Thiên ấy bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Sàriputta này, bạch Thế Tôn, tại Đông viên, ở lâu đài mẹ Migàra, thuyết pháp về người bị nội kiết sử trói buộc và bị ngoại kiết sử trói buộc. Hội chúng rất là hoan hỷ, bạch Thế Tôn. Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn đi đến Tôn giả Sàriputta.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy, biến mất ở Thắng Lâm, hiện ra ở Đông viên, tại lâu đài của mẹ Migàra, trước mặt Tôn giả Sàriputta. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi Tôn giả Sàriputta đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
– Ở đây, này Sàriputta, một số đông chư Thiên, với tâm thăng bằng, đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, chư Thiên ấy thưa với Ta: “Tôn giả Sàriputta này, bạch Thế Tôn, tại Đông viên, ở lâu đài của mẹ Migàra, thuyết về người bị nội kiết sử trói buộc và người bị ngoại kiết sử trói buộc cho các Tỷ-kheo. Hội chúng rất là hoan hỷ, bạch Thế Tôn. Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vì lòng từ mẫn đi đến Tôn giả Sàriputta”.
Này Sàriputta, chư Thiên ấy tuy con số đến 10, 20, 30, 40, 50, 60, nhưng cùng đứng chỉ trong khoảng trống đầu một cây kim không chen lấn nhau. Này Sàriputta, Thầy có thể nghĩ như sau: “Chắc chắn, tại chỗ kia (trên Thiên giới) đã tu tập, nhờ vậy, chư Thiên ấy, tuy con số đến 10, 20, 30, 40, 50, 60, nhưng cùng đứng chỉ trong một khoảng trống đầu một cây kim, không có chen lấn nhau”. Này Sàriputta, Thầy chớ có thấy như vậy.
Chính tại đây, này Sàriputta, chư Thiên ấy đã tu tập tâm, nhờ vậy chư Thiên ấy tuy con số đến… không chen lấn nhau”. Do vậy, này Sàriputta, cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ có các căn an tịnh, các ý an tịnh”. Này Sàriputta, cần phải học tập như vậy. Với những ai có các căn an tịnh, này Sàriputta, với những ai có các ý an tịnh, thời thân nghiệp cũng sẽ được an tịnh, khẩu nghiệp được an tịnh, ý nghiệp được an tịnh.
“Chúng tôi sẽ đem tặng cho các vị đồng Phạm hạnh một quà tặng an tịnh”. Như vậy, này Sàriputta, các Thầy cần phải học tập. Các du sĩ ngoại đạo nào, này Sàriputta, không được nghe pháp môn này, họ sẽ bị thiệt hại.
Đối với kinh tạng, Kinh có thể là lời Đức Phật dạy, hoặc cũng có thể là những lời các đại đệ tử của Đức Phật nói nhưng phải được Đức Phật ấn chứng. Ngài Sàriputta ở đây tức là ngài Xá Lợi Phất– bậc trưởng tử của Đức Phật trong hàng Thanh Văn được Đức Phật công nhận là Trí Tuệ Đệ Nhất. Ngài Xá Lợi Phất được cả Đại Thừa và Tiểu Thừa tôn vinh. Trong đoạn này, Ngài giải thích về nội kiết sử trói buộc và ngoại kiết sử trói buộc là những thứ lôi kéo kìm hãm ta mà không giải thoát được. Nội kiết sử trói buộc là người chưa giải thoát hẳn mà còn phải trở lui lại làm người lần nữa. Ngoại kiết sử trói buộc là người này đã giải thoát hoàn toàn, không còn phải trở lui lại cõi đời sinh tử nữa.
Qua đó, Hòa thượng mong đại chúng hãy nghe, và nghiền ngẫm thật kỹ những lời dạy của Đức Phật qua đoạn kinh này để tinh tiến tu tập cho tốt, hành trì ứng dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống.
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Bổn Môn cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, hành giả tu tập bát quan trai giới đã trang nghiêm, thành kính đối trước Phật đài tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa quyển 5, khép lại ngày tu tràn đầy hỷ lạc.