;
Ba 'cổ vật quý' này là 3 chiếc ghế dựa bằng gỗ, đã cũ kĩ, bị hư hỏng khá nặng do một cụ bà khoảng trên 70 tuổi thuê một người lái xe ôm chở đến trả lại cho chủ nhân của nó - là chùa Phúc Lâm.
Ngạc nhiên trước sự việc xảy ra bất ngờ trên, thầy trụ trì ôn tồn hỏi thăm bà cụ về nguồn gốc của 3 'cổ vật' đó. Bà cụ, không cho biết tên họ là gì, chỉ đáp: "Con xin thầy, thầy đừng hỏi kỹ nguồn gốc của 3 chiếc ghế này. Thầy chỉ cần biết 3 chiếc ghế đó là của chùa là đủ rồi. Nay con xin mang trả lại cho chùa. Xin thầy nhận lại cho".
Sau đó bà xin tiến cúng chùa 100.000đ để góp lễ vía Đức Bồ-tát Quan Âm hôm nay và nhanh chóng ra về với tâm trạng dường như đã trút bỏ phần nào những trăn trở dày vò bà bấy lâu nay.
Chùa Phúc Lâm do cố Hòa thượng Thích Phúc Thành, thế danh Nguyễn Văn Ẩm, sinh năm Canh Thân (1920) tại thôn Quần Phương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam, sáng lập năm 1956.
Năm 1980, cố Hòa thượng khai sơn bị đưa đi học tập cải tạo tại B5 Biên Hòa. Cũng trong năm này, chùa Phúc Lâm bị trưng dụng làm nơi bồi dưỡng chính trị cho các cán bộ của thành phố Biên Hòa. Các tượng Phật, Bồ-tát, pháp khí, đồ dùng, tài sản của chùa đều bị đưa ra khỏi chùa.
Đến năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số: 762/QĐ/UBT giao trả lại chùa Phúc Lâm cho Ban đại diện Phật tử ở phường Tân Tiến quản lý, sử dụng vào mục đích tôn giáo thuần túy.
"Có thể 3 chiếc ghế này được mang ra khỏi chùa vào những năm 1980. Vì vào thời gian đó, có một số hộ từ ngoài Bắc vào được bố trí ở trong chùa," - thầy Minh Trí, trụ trì chùa từ năm 1996 đến nay, bồi hồi nhớ lại những tháng năm suy thoái của chùa do hoàn cảnh đất nước, rồi suy đoán về nguồn gốc của những 'cổ vật' ấy.
Về nguyên nhân bà lão mang trả lại ghế cho chùa, thầy trụ trì giải thích: "Dân gian vẫn thường nói 'Của chùa ăn một đền mười'. 3 chiếc ghế gỗ của chùa chẳng đáng là bao. Bà có thể bỏ nó đi thì cũng chẳng có ai biết đó là của chùa. Tuy nhiên, do đã ở vào tuổi xế chiều, bà cảm thấy trong lòng day dứt, bất an trước khi về nơi suối vàng, nên bà đã mang trả lại cho chùa, như để chuộc lại một phần lỗi lầm trước đây."
"Phàm làm điều gì cũng phải nghĩ đến hậu quả" - chí lý thay lời Phật dạy! Quả là chuyện nhỏ bài học lớn cho những ai có ý xâm phạm đến tài sản tôn giáo.
Được biết hiện nay, chùa Phúc Lâm còn có một chiếc đại hồng chung, trọng lượng khoảng 300 kg đồng, đang để ở Bảo tàng Đồng Nai và hai cặp câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng, nội dung nói về gốc tích chùa, đang được treo tại Tổ đường của Bửu Phong Cổ Tự (P.Bửu Long, TP. Biên Hòa).