nguoiphattu.com Sáng ngày 07 tháng 07 năm 2019, nhằm ngày 05 tháng 06 năm Kỷ Hợi, tại chùa Thọ Khuê – xã Yển Khê – huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ đã trang nghiêm tổ chức lễ động thổ xây dựng ngôi giảng đường với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử thập phương.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Chính - Ủy viên thường trực HĐTS TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Đạt - Ủy viên thư ký HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban giáo dục Phật giáo GHPGVN; Thượng tọa Thích Minh Nghiêm - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban từ thiện TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ; Thượng tọa Thích Minh Thuận - Ủy viên HĐTS TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ; Thượng tọa Thích Tâm Thuần - Ủy viên Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Phó BTS GHPGVN tỉnh Lào Cai cùng chư tôn đức Tăng Ni hạ trường chùa Bảo Ngạn – tỉnh Phú Thọ, thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, chư tôn đức trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh, chư tôn đức cựu Tăng Ni sinh lớp Cao đẳng Phật học khóa III tại thành phố Hà Nội và cựu Tăng Ni sinh lớp Trung cấp Phật học Hà Tây khóa V.
Về phía chính quyền có: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thành – Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc Phòng; ông Nguyễn Xuân Các – Phó giám đốc Sở nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Phú Thọ; ông Vi Mạnh Hùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Ba; ông Nguyễn Văn Đức – Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba; ông Lê Hồng Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yển Khê; ông Nguyễn Xuân Tình – Chủ tịch UBND xã Yển Khê cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử thập phương đã về tham dự buổi lễ.
Mở đầu buổi lễ, Đại đức Thích Đạo Tuyên - Ủy viên Ban văn hóa TƯ GHPGVN, Phó thư ký BTS kiêm Trưởng Ban văn hóa GHPGVN tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thanh Ba, trụ trì chùa Thọ Khuê đã phát biểu khai mạc nhấn mạnh tới vai trò của việc xây dựng giảng đường làm nơi thuyết pháp tu tập cho nhân dân Phật tử “mục đích là dương cao ngọn cờ chính Pháp, ngõ hầu mang lời dạy của Đức Thế Tôn lan tỏa khắp nơi, cảnh tỉnh thế nhân hướng về nẻo giác, lánh dữ, hành từ. Hơn thế nữa, xây dựng giảng đường chùa Thọ Khuê chính là xây dựng Bảo đường trong lòng dân tộc, ươm mầm thiện pháp đến với mọi tầng lớp trong xã hội; để mỗi khi đi xa về gần ai cũng hướng đến ngôi Tam Bảo trân quý, nhớ đến một nền giáo dục lấy nhân quả làm căn bản, nhằm có một cuộc sống hướng thượng và hướng thiện”.
Thọ Khuê tự được xây dựng ngay từ những năm đầu thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 18. Tọa lạc trên đỉnh: Sứ gò chùa cao chừng 8m50 so với mực nước biển. Thọ Khuê tự được xây dựng theo kiểu chữ đinh với diện tích hơn 70m2, gồm 2 tòa tiền đường và thượng điện. Nhưng do sự hà khắc của thiên nhiên và do sự tàn phá của chiến tranh, nên kiến trúc cổ xưa không còn được nguyên vẹn. Đến năm 2006 chùa Thọ Khuê được trùng tu ngay trên nền đất cũ với diện tích khoảng 200m2, chùa ngoảnh mặt về phía Tây Nam. Hai bên tả hữu là hai gò đồi có hình rồng, đầu hổ chầu về, đúng với quan niệm: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ của thế đất chùa.
Trong chùa có nhiều bức tượng cổ có kiểu dáng đẹp, nghệ thuật độc đáo từ thế kỷ 18 như tượng: Thích Ca sơ sinh, tòa tam thế, tượng Mẫu Hậu .v.v…
Chùa Thọ Khuê không những là nơi thỏa mãn về vấn đề tâm linh của những người con ở mảnh đất Bà triệu thời xưa và Yển Khê thời nay. Mà chùa Thọ Khuê còn là di tích lịch sử được tính công nhận từ năm 1995.
Nghi thức dâng lục cúng cúng dàng của các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Thọ Khuê
Ngoài ý nghĩa là một công trình tôn giáo, ngôi chùa Thọ Khuê còn là một di tích lịch sử gắn liến với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào ngày 14/3/1945 tại chùa Thọ Khuê đã diễn ra lễ ra mắt của mặt trận Việt Minh trước đông đảo quần chúng nhân dân địa phương, cán bộ của Đảng đã diễn thuyết kêu gọi nhân dân Hạ Hòa và Thanh Ba đứng lên kháng Nhật cứu quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân xã Yên Khê cùng với nhân dân trong cả nước đã nhất tề đứng lên phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo. Như vậy, chùa Thọ Khuê không chỉ là một công trình tôn giáo, không chỉ là nơi giải tỏa tâm linh , cầu ban phúc lộc của chúng sinh mà còn là một cơ sở cách mạng của huyện Thanh Ba và xã Yển Khê trong những năm tháng đầy hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân Phật tử trong và ngoài xã muốn có một ngôi giảng đường đáp ứng nhu cầu tu học và sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, ngày 02/07/2019, Sở xây dựng tỉnh Phú Thọ đã có giấy phép xây dựng số 109 cấp cho Ban đại diện GHPGVN xã Yển Khê được xây dựng công trình Nhà giảng pháp chùa Thọ Khuê - xã Yển Khê và công văn số 58 ngày 03/07/2019 của Ban tôn giáo về việc chấp thuận tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà giảng pháp chùa Thọ Khuê. Công trình dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 04/2020 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Nghĩa - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND xã Yển Khê lên tuyên đọc giấy phép xây dựng Giảng đường của Sở xây dựng tỉnh Phú Thọ
Ông Dương Văn Thuấn - Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Hoàng Dương lên báo cáo kế hoạch tiến độ thi công xây dựng công trình giảng đường
Ông Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã Yển Khê phát biểu chúc mừng
Đại diện lãnh đạo chính quyền tặng hoa chúc mừng Đại đức trụ trì
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, bày tỏ niềm vui mừng khi lần này có duyên trở về chùa Thọ Khuê để tham dự lễ động thổ xây dựng giảng đường. Hòa thượng chia sẻ “đây là một việc làm rất ý nghĩa, rất quan trọng với đời sống tu tập, đời sống tâm linh của nhân dân và Phật tử địa phương cũng như với Phật giáo tỉnh nhà”.
Một ngôi chùa bao gồm các hạng mục kiến trúc quan trọng như: Đại Hùng Bảo Điện là nơi tôn thờ ba ngôi Phật – Pháp – Tăng, Tổ đường là nơi phụng sự lịch đại các vị Tổ truyền pháp cũng như các vị sư quá cố nơi bản tự. Bên cạnh đó cần thiết nhất phải có ngôi giảng đường, bởi theo Hòa thượng “Phật tử phải tu Phúc và tu Tuệ theo Đức Phật – bậc lưỡng túc tôn Phúc – Tuệ song toàn. Ngôi chùa là nơi để hành trì, lễ bái, tọa thiền, tụng kinh niệm Phật, trì chú.
Nhưng ngôi giảng đường là để nghe pháp. Do đó, Đại sư Tố Liên – bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX đã viết lên đôi câu đối tại giảng đường chùa Quán Sứ - Hà Nội “Lễ Phật sám hối tà tâm trừ ác nghiệp cơ cầu bồi cõi phúc – Nghe pháp hiểu minh chính nghĩa làm nhân duyên công đức đóng bè từ”. Lễ Phật mà không nghe pháp thì niềm tin đó sẽ mù quáng, chỉ tin Đức Phật như một vị Thánh ban phúc trừ họa.
Nhưng nếu lễ Phật và nghe pháp sẽ hiểu rõ lời Phật dạy để tránh tất cả mọi điều xấu ác, làm tất cả mọi điều lành, giữ thân tâm trong sạch, coi việc phụng sự thế nhân là phục vụ cho mình. Cho nên việc giảng pháp giúp nhân dân Phật tử hiểu chính pháp, tu theo con đường chính đạo, không vi phạm pháp luật. Trong kinh điển Nam truyền có nhắc tới giảng đường nơi Đức Phật thuyết pháp, đó là Trùng Các Giảng Đường là một ngôi giảng đường lớn. Vì vậy việc xây dựng giảng đường là việc cần thiết ở các tự viện”.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng “Thượng tọa Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ hãy phát động các ngôi chùa, đặc biệt là các ngôi chùa trụ sở của các BTS huyện, thị xã đều phải có ngôi giảng đường để Phật tử tu tập chính pháp, lễ Phật sám hối tà tâm, nghe pháp hiểu minh chính nghĩa.
Có như vậy, Phật tử mới có được tín tâm, giữ tâm bồ đề kiên cố để đời đời được kết duyên với Tam Bảo”. Khi xây xong ngôi giảng đường chùa Thọ Khuê, Hòa thượng cũng mong rằng “Đại đức trụ trì hãy hướng dẫn để các Phật tử tu tập không chỉ cho những người lớn tuổi mà còn hướng tới hoằng pháp cho các đối tượng là các bạn trẻ, cán bộ công nhân viên chức, giáo viên…đủ mọi tầng lớp trong xã hội”.
Buổi lễ khởi công động thổ xây dựng giảng đường chùa Thọ Khuê đã thành tựu viên mãn trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật, hi vọng trong tương lai xa, ngôi chùa Thọ Khuê sẽ là điểm đến tu tập, là nơi sinh hoạt tâm linh của không chỉ người dân địa phương nói riêng mà còn là của nhân dân thập phương nói chung.