;
Chư tôn Tăng ni Phật giáo Thái Nguyên cung đón Đức Pháp Chủ
Tháp tùng Đức Pháp chủ có Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội; Hoà thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, cùng chư vị giáo phẩm Ban Hoằng pháp, Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, Ban Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Hoà thượng Thích Lệ Trang
Thượng tọa Thích Thanh Phong, Thượng tọa Thích Nguyên Thành |
Tại chùa Phù Liễn - TP.Thái Nguyên, trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự tỉnh cùng chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh tỉnh thành phía Bắc; chư Tăng Ni, và đông đảo Phật tử thành kính cung đón Đức Pháp chủ quang lâm.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại hiểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo Ban Dân vận, UBND, UBMTTQVN, các sở, ban ngành tỉnh, thành phố Thái Nguyên đến chùa Phù Liễn tham dự lễ đón Đức Pháp chủ GHPGVN.
Thượng tọa Thích Nguyên Thành tác bạch cung nghinh Đức Pháp chủ |
Sau khi Thượng tọa Thích Nguyên Thành tác bạch cung nghinh Đức Pháp chủ và quý vị giáo phẩm lãnh đạo Ban Hoằng pháp, Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyễn Thanh Hải đã có lời phát biểu chào mừng.
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ niềm vinh hạnh được cung đón Đức Pháp chủ đến thăm. Dịp này, bà cũng thông tin về tình hình phát triển của tỉnh nhà với các dấu hiệu khả quan.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu chào mừng Đức Pháp chủ, chư vị lãnh đạo Giáo hội và Phật tử |
"Văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo có một sự ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm của một số đông người dân trong tỉnh, với 196 ngôi chùa, gần 100 chức sắc - nhà tu hành đang hoạt động tôn giáo và trên 100.000 Phật tử. Với sự chỉ đạo của Đức Pháp chủ và GHPGVN, Ban Trị sự và các nhà tu hành, chức sắc, chức việc và tín đồ Phật giáo cho phong trào từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội. Đó là một phần đóng góp không thể thiếu, có thể nói là rất lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng ổn định, văn minh và phát triển", Bí thứ Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nói.
Ban đạo từ, Đức Pháp chủ chúc mừng tỉnh Thái Nguyên với các thành quả tốt đẹp đã đạt được, về phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Ngài cũng tán thán Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, dù được thành lập muộn, vào năm 2005, nhưng đã có một sự phát triển rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong giai đoạn Thượng tọa Thích Nguyên Thành làm Trưởng ban, lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà.
Đức Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ |
Ngài cho rằng, sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên cũng như Phật giáo tỉnh nhà là nhờ kế thừa được truyền thống và sự hộ niệm của anh linh chư vị tiền nhân, nhờ sự đoàn kết và nhất trí của Đảng bộ với nhân dân, mới có được những thành tựu đó", Đức Pháp chủ GHPGVN nhận định.
Đức Pháp chủ thay mặt GHPGVN biểu dương Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Tăng Ni Ban Trị sự và Phật tử tỉnh Thái Nguyên đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà và Giáo hội.
Ngài chia sẻ về những chỉ đạo của cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Trị sự và những huấn thị của Đức Đệ nhất Pháp chủ - Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận về đường hướng hoằng pháp sau khi Giáo hội ra đời (1981) khi ngài đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, và tán thán Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm đã kế thừa xuất sắc, với sự cộng tác của Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư đứng đầu là Thượng tọa Thích Thanh Phong đã có chương trình thăm, thuyết giảng và cúng dường các đạo tràng An cư kiết hạ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Quang cảnh buổi lễ |
Nói về giới luật, kinh nghiệm tu hành và hoằng pháp, ngài cho rằng Đức Phật có cho Tăng Ni được điều chỉnh theo từng địa phương, bối cảnh xã hội, với mục đích "làm sao để có sự phát triển tốt đẹp cho Phật giáo cũng như Giáo hội. Truyền thống của Phật giáo Việt Nam chúng ta khi đất nước lâm nguy thì sẵn sàng xả thân để cứu nước; những gì có lợi cho đất nước, có lợi cho dân tộc thì chúng ta sẵn sàng làm", Đức Pháp chủ GHPGVN chia sẻ.
Ngài cũng huấn thị cho Tăng Ni, Phật tử không nên cứng nhắc bảo thủ truyền thống mà cần quán sát kỹ để có ứng xử phù hợp cho từng hoàn cảnh, tình huống, phong tục và tập quán của từng địa phương; đến đâu cũng có tinh thần học hỏi và đem lại lợi lạc cho nơi đó.
Dịp này, Ban Hoằng pháp T.Ư và Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư cũng đã cúng dường tứ sự đến chư Tăng Ni tỉnh Thái Nguyên, trong chương trình kết hợp thăm viếng và cúng dường An cư kiết hạ Phật lịch 2567 của hai ban ở 63 tỉnh thành trên cả nước.
Một số hình ảnh ghi nhận được: