;
Chứng minh buổi lễ có: Sư cô Thích Đồng Hoà – UV Thường trực Ban Hoằng Pháp, Ban Văn Hoá TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Tăng Phúc, Trưởng ban tổ chức.
Về phía chính quyền có: Ông Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Uỷ Ban văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Văn – Trưởng phòng Phật giáo cục An ninh xã hội, công an Tp Hà Nội cùng phái đoàn; ông Hoàng Văn Lực – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Thượng Thanh cùng các vị đại diện các cơ quan chức năng ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử địa phương đã về tham dự buổi lễ.
Trước khi buổi lễ bắt đầu, là các tiết mục văn nghệ chào mừng do Câu lạc bộ đến từ nhà Văn hoá phường Thượng Thanh thể hiện.
Mở đầu buổi lễ là lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Tẩm - Trưởng tiểu ban quản lý Di tích, đại diện cho nhân dân cụm dân cư Thượng Cát, phó ban tổ chức đả có lời phát biểu khai mạc Đại lễ Thượng Nguyên, khai xuân, đón hạ.
Tiếp theo là sư cô Thích Đồng Hoà – Trụ trì chùa Tăng Phúc phát biểu chúc mừng buổi lễ. Sư cô nhấn mạnh “Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, những huyền thoại trong lịch sử. Hằng năm vào ngày 15 tháng Giêng nhân dân làng Thượng Cát tụ hội về Chùa để cùng nhau tổ chức lễ hội đón Chạ anh giữa hai làng Thượng Cát và Thái Bình. cư dân hai làng mở lễ hội kết Chạ rất tưng bừng, nhộn nhịp khắp hai bờ sông Đuống. Bên Anh và bên Em cùng tổ chức đám rước Chạ qua sông, cúng lễ Thượng nguyên ở đình- đền- chùa và ca hát giao lưu bằng những làn điệu quan họ du dương, tha thiết…”
Ngoài ra, sư cô còn chia sẻ 1 thời pháp thoại ngắn về ý nghĩa của việc chiêm bái Xá Lợi Phật, “Xá Lợi có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Xá Lợi.
Đức Phật đã từng dạy rằng có bốn nơi chốn đặc biệt: “nơi ta được sanh ra, nơi ta giác ngộ, nơi ta thuyết pháp và nơi ta nhập diệt. Sự thăm viếng một trong bốn nơi chốn này giống như sự gặp gỡ với chính bản thân ta.” Vậy khi chiêm bái, đỉnh lễ Xá Lợi Phật cũng tương tự như thế. Những viên Xá lợi là tinh cốt còn lưu lại có công năng thù thắng, giúp tăng trưởng các điều lành thiện và tiêu trừ những điều xấu ác. Chỉ cần thành tâm, chúng ta có thể cảm nhận được năng lực mầu nhiệm của Xá Lợi Phật.”
Sư cô nhấn mạnh “Một lòng kính lễ” chúng ta sẽ nhận lực gia trì của chư Phật, điều này thật quan trọng và ý nghĩa. Vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật phát tâm bồ đề; vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật bước trên con đường tu; và cũng vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật thị hiện giác ngộ viên mãn.”
Được biết, năm 2014 Đoàn Phật giáo Việt Nam đi chuyên cơ sang Ấn Độ và Nepal đỉnh lễ, chiêm bái các Thánh tích Phật giáo, gồm có 32 chư tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong cả nước do Hoà thượng Thích Minh Nghĩa làm trưởng đoàn, khi đến thăm và đỉnh lễ Tháp Đại Giác (Bodhgaya) Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật đã thành đạo dưới cây Bồ Đề. Chùa Tăng Phúc là một trong những ngôi chùa may mắn được Thượng toạ Manor trụ trì Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng dâng tặng một viên xá lợi máu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,
Trước khi kết thúc buổi lễ, Sư cô Thích Đồng Hoà cùng các Phật tử cử hành nghi lễ niệm hương, bạch Phật. Toàn thể nhân dân Phật tử dưới sự chỉ dẫn của sư cô ai cũng được chiêm bái xá lợi của Đức Phật. Buổi lễ kết thúc trong niềm hoan hỷ của toàn thể nhân dân phật tử gần xa.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ.