;
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa chư tôn thiền đức Tăng,
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa quý đại biểu, các nhà giáo dục, nghiên cứu, học giả kinh nghiệm về giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh, Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung Cấp Nam Bộ, Ban Giám hiệu, Ban Giáo sư các Phân hiệu Trường Trung cấp Phật học Nam tông đồng bằng Sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh.
Kính thưa Qúy liệt vị,
Trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ thắp sáng niềm tin giáo dục Phật giáo, vì lợi ích trăm năm trồng người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) từ năm 1981, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Hệ phái Phật giáo Nam tông khmer trong lòng Giáo hội, Phân ban Ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Chất lượng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Thực trạng và giải pháp”. Thay mặt, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, kính chúc chư Tôn đức lãnh đạo Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Giáo dục Phật giáo Nam tông, quý vị khách quý, đại biểu, các nhà nghiên cứu giáo dục, các vị học giả thân tâm an lạc, cát tường như ý. Kính chúc Hội thảo khoa học “Chất lượng giáo dục Phật giáo Nam Tông Khmer: Thực trạng và giải pháp” thành công tốt đẹp.
Kính thưa Quý liệt vị,
Nhằm tôn trọng tính biệt truyền về văn hóa, giáo dục của Phật giáo Nam tông khmer, thành viên sáng lập GHPGVN, qua đó, từ những nhiệm kỳ đầu, Giáo hội đã cơ cấu Hòa thượng Danh Nhưỡng, Thượng tọa Đào Như vào Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, phụ trách Phật giáo Nam tông để quản lý, dạy dỗ, hoạch định chương trình giáo dục phổ cập và chuyên biệt về Phật học cho hơn 7000 sư sãi, con em đồng bào dân tộc tại 457 cơ sở tự viện Phật giáo Nam tông Khmer đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh lẻ. Vì chùa là Trường học của con em đồng bào dân tộc theo truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc khmer.
Cho đến khi được Chính phủ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng thành lập Trường Bổ túc Văn Hóa Pali Nam bộ năm 1994, tại TP. Sóc Trăng, đây được xem là dấu ấn đầu tiên tạo đầu vào đầu ra một cách hợp lý, dưới sự quản lý lãnh đạo của Bộ Giáo dục Đào tạo, về sau chuyển lại cho Sở Giáo dục Đào tạo, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tỉnh chịu trách nhiệm.
Đến ngày 27/09/2004, một phiên họp liên tịch được tổ chức tại văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, nhằm giúp đỡ Phật giáo Nam tông Khmer có một chương trình đào tạo hợp lý, đồng bộ với chương trình Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương biên soạn đề ra, trong Hội nghị đã thống nhất 3 cấp Giáo dục: Sơ cấp Pali-Vi ni, Ek; Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Sau đó năm 2006, Văn phòng Trung ương Giáo hội cùng Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức một đoàn công tác khảo sát thực địa qua 9 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để tham khảo, chia sẻ và tìm cho được sự thống nhất về chương trình giảng dạy các cấp học. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được sự thống nhất. Vì một phần Phật giáo Nam tông Khmer bên này sông Hậu chủ trương Sơ cấp 4 năm, bên kia sông Hậu gồm các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang chủ trương 3 năm, do đó cho đến ngày nay vẫn còn dị biệt chưa thống nhất. Như thế, làm chênh lệch đi chương trình Trung cấp 4 năm của Giáo hội, sau này rút lại còn 3 năm (3+4=7, 4+4=8 năm). Tình trạng này kéo dài cho đến ngày nay.
Trong nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) vừa qua, Trung ương Giáo hội hứa giúp cho Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức một cuộc tọa đàm về Giáo dục, để tìm tiếng nói chung trong chương trình Giáo dục Phật giáo Nam tông. Đến nay là gần mãn nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phật giáo Nam tông Khmer mới tổ chức được cuộc Hội thảo Khoa học mang chủ đề: “Chất lượng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer: Thực trạng và giải pháp”, là một nỗ lực không ngừng, sự cố gắng vượt bậc của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer. Trung ương Giáo hội xin tán thán công đức và việc làm có trách nhiệm cao của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, cụ thể là Hòa thượng Danh Lung, Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Trưởng Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer. Đây cũng là một thành quả chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (1981 – 2016), tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 8 vào tháng 11/2017 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhìn vào hệ thống tổ chức Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, Trung ương Giáo hội nhận thấy rằng: Các Lớp Sơ Cấp Pali, Vi ni, Ek có 264 lớp tại các tỉnh, qui tụ hơn 1.500 Sư sãi và hơn 327.000 con em đồng bào dân tộc tham gia các lớp ngữ văn Khmer.
Trung cấp có 04 Phân hiệu: Phân hiệu Trường Trung cấp Phật học Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Trường Trung cấp Phật học Nam tông Khmer tỉnh Trà Vinh, có 895 Sư sãi theo học; Trường Bổ Túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng có 165 Sư sãi theo học. Tổng cộng trên 1.000 Sư sãi đang theo học.
Về Đại học có Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, có 65 Sư sãi đang theo học. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài về hình thức thì có hệ thống, nhưng chương trình chưa được thống nhất như đã trình bày, lực lượng giáo sư nhất là giáo sư nội điển phụ trách về Kinh Luật Luận, Sử chưa được theo dự khóa, bồi dưỡng giáo dục hay sư phạm giáo dục nào từ khi thành lập GHPGVN tới nay, nhất là khi các trường, lớp Phật học được thành lập ít ra cũng đã hơn 15 năm nay, đây là một việc làm ngoài ý muốn của Giáo hội cũng như của Ban Giáo dục.
Do đó cần khắc phục và có hướng giải quyết cụ thế. Có thể, sau Hội thảo này, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cố gắng tổ chức một khóa bồi dưỡng Sư phạm cho các vị giáo sư, giảng sư các Trường, Lớp giáo dục Phật Giáo Nam tông, thời gian ít nhất là 7 ngày tại Cần Thơ hay Thành phố Hồ Chí Minh đều thuận lợi.
Qua đó, Hội thảo khoa học về giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer lần đầu tiên được tổ chức qui mô, nội dung phong phú, tinh thần giáo dục cao, ý thức trách nhiệm đối với công tác giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian tới để kiện toàn chương trình giáo dục, nội dung giảng dạy, lực lượng giảng dạy, tài liệu giảng dạy cho các Trường, Lớp cho phù hợp.
Qua những những bài tham luận, những ý kiến phát biểu đóng góp của quý đại biểu, Trung ương Giáo hội trân trọng ghi nhận, và xem đây là kim chỉ nam quý báu để ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương nói chung, Phân ban Giáo dục Nam tông khmer làm cơ sở biên soạn tài liệu và sắp xếp chương trình các cấp Phật học cho phù hợp với hệ thống giáo dục chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng thêm tính bền vững vốn có cơ sở, liên kết với nhau qua các lớp, các Trường Phật học, trong khu vực cũng như tính văn hóa, giáo dục biệt truyền của Phật giáo Nam tông Khmer trong lòng GHPGVN hiện tại và mai sau, nhất là liên kết với Trường Đại học Cần Thơ – Tây Đô, Cửu Long, Đại Học Trà Vinh và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), làm thế nào để Tăng sinh sau khi tốt nghiệp Trung học, Cử nhân đều có bằng cấp phổ thông của Trường Nhà nước để thuận tiện trong công tác giáo dục và sử dụng khi hữu sự. Phần tài liệu ngoại điển nhờ Sở, Phòng Giáo dục Đào tạo địa phương cung cấp. Tài liệu Phật học nên photo cung cấp đầy đủ cho các Trường, Lớp, nếu không có thì sang campuchia thỉnh về phân phối lại cho các Trường, Lớp cơ sở và nhờ Ban Tôn giáo Chính phủ hỗ trợ phần này nếu cần, Giáo hội sẽ hỗ trợ phần thủ tục thực hiện.
Một lần nữa, trước khi dứt lời, xin thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xin tán thán công đức và việc làm có ý nghĩa tích cực và trách nhiệm cao của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, nhất là Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam Tông Khmer. Đồng thời, cũng chân thành tri ân và chúc Quý nhà Nghiên cứu, giáo dục, học giả nhiệt tâm chung lo công tác giáo dục đối với Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông trong sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình và xã hội, chấp cánh bay cao cho tương lai nền giáo dục tốt đẹp, mang tính khoa học và nhân bản, hướng nội của Phật giáo đặt trên nền tảng Giới – Định – Tuệ và phục vụ con người và xã hội bằng tinh thần đạo lý giải thoát, an lạc thân tâm, viên thành Phật sự, tốt đời đẹp đạo trong hiện tại và tương lai.
Kính chúc Quý Tôn đức Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, quí đại biểu thân tâm an lạc, vạn sự cát tường, thành tựu mọi Phật sự cũng như thế sự trên các lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực giáo dục Việt Nam, Phật giáo Việt Nam trong đó có Phật giáo Nam tông Khmer.
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn Quý liệt vị.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.