;
>HT Thích Thiện Tâm: Giáo dục là sự lựa chọn của người tu sĩ Phật giáo (1)
>HT Thích Thiện Tâm: Giáo dục là sự lựa chọn của người tu sĩ Phật giáo (2)
Vấn đề có thể được tìm hiểu thêm. Vì vậy, chúng tôi nối tiếp cuộc phỏng vấn với hòa thượng. Và hòa thượng cũng hết sức hoan hỷ dành
thời giờ giải đáp cặn kẽ, cũng trong tư cách một chuyên gia giáo dục, không phải với tư cách một nhà lãnh đạo tôn giáo, điều mà hòa thượng ân cần lưu ý.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng, theo con thì có vẻ như yêu cầu phục hồi giáo dục tôn giáo tôn giáo hướng ra xã hội gắn với yêu cầu đòi lại các cơ sở nhà đất phục vụ giáo dục trước đây. Vấn đề đó hầu như không có đối với Phật giáo chúng ta. Vậy Phật giáo chúng ta có cần giáo dục hướng ra xã hội?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Đạo hữu có thể nhìn sâu hơn vào vấn đề như vậy. Nhưng đó là một lý do ngoài lý do giáo dục, đề tài mà chúng ta đang thảo luận. Vì vậy, thầy với vai trò một chuyên gia giáo dục, xin phép không trả lời.
Nhưng trong hướng mà đạo hữu đã đặt vấn đề, là tại sao có việc vô cùng kiên trì với việc phục hồi giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội, thì chúng ta có thể thảo luận trong phạm vi những quan điểm giáo dục.
CS MT: Kính bạch Hòa thượng. Vậy kính mong Hòa thượng cho ý kiến về những nguyên nhân khác dẫn tới sự kiên trì khôi phục hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, điều mà tăng ni Phật tử cũng cần được biết.
HT TTT: Ngày nay, hoạt động giáo dục tiếp xúc trực tiếp, tức là giáo dục có không gian trường lớp, trò đến trường, thầy lên lớp, thầy trò trực tiếp làm việc giáp mặt với nhau, cũng như giáo dục nội trú, không còn giữ vai trò như trước, vì bên cạnh đó đã có giáo dục từ xa, giáo dục điện tử, giáo dục số, giáo dục qua truyền thông, giáo dục gián tiếp. Ở các phương thức giáo dục từ xa, thầy trò không cần gặp mặt nhau, mà bên cạnh sách giáo khoa, có nhiều phương tiện hỗ trợ việc truyền đạt kiến thức, như internet, sóng truyền hình, sóng phát thanh, băng từ, dĩa quang, điện thoại… Nếu coi hoạt động giáo dục là nhu cầu cấp thiết, không thể tách rời, thì người tu sĩ trong tôn giáo có nhu cầu hoạt động giáo dục hướng ra xã hội vẫn có thể theo đuổi hoạt động giáo dục của mình bằng nhiều phương thức, không cần mở trường lớp thực. Khi đó, trường lớp ảo sẽ thay thế cho trường lớp thực, người tu sĩ giáo viên vẫn có thể lên lớp qua camera, qua internet, tiếp xúc với học sinh qua điện thoại, email, bài giảng và bài làm trên giấy…
Các tôn giáo phát triển mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ rất có ý thức về chuyện này, vì đây là thế mạnh của những nước tiên tiến Âu Mỹ. Giáo dục hiện đại bây giờ càng bớt phụ thuộc cơ sở trường lớp. Nằng nặc cứ đòi mở lớp, mở trường, có cơ sở vật chất, có học trò tới lớp…, coi chừng đã đi ngược lại với sự phát triển của giáo dục hiện đại, nền giáo dục phụ thuộc vào phát thanh, truyền hình, video tape, disc, internet. Không mở trường ở Việt Nam, thì giáo viên vẫn có thể giảng bài từ Roma, Paris, New York…, truyền hình ảnh âm thanh bài giảng, văn bản giáo khoa qua internet, qua truyền hình vệ tinh về Việt Nam. Những phương tiện như thế bây giờ rất phổ biến và rẻ tiền. Thế sao lại không làm?
Vì vậy, đạo hữu mới đặt vấn đề có việc GIÁO DỤC KHÔNG PHẢI VÌ MỤC TIÊU GIÁO DỤC. Nhà đất có thể là một mục tiêu. Những cơ sở lớn lao như vậy ở quận 1, quận 3 bây giờ có trị giá rất cao, và nói chuyện nhu cầu giáo dục trường lớp trực tiếp có thể là để tránh nói trực tiếp ra những chuyện liên hệ đến cơ sở vật chất trong khi vẫn là đề cập đến nó. Đó là một cách nói khéo.
YÊU CẦU PHẢI ĐIỀU HÀNH GIÁO DỤC HƯỚNG RA XÃ HỘI NHƯNG THỰC CHẤT KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC THỰC SỰ. NẾU XUẤT PHÁT TỪ TÔN GIÁO, THÌ ĐÓ CHÍNH LÀ VÌ LÝ DO TÔN GIÁO.
Như thầy đã nói, khi đó, giáo dục là một phần hoạt động tôn động tôn giáo.
CS MT: Kính bạch hòa thượng, nhưng hoạt động giáo dụng nhưng không phải vì mục tiêu giáo dục còn có đến loại giáo dục như một phương thức kinh doanh?
HT TTT: Vấn đề mà đạo hữu đặt ra thú vị đây. Có loại giáo dục như vậy. Trong đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động giáo dục (học phí, tiền bán giáo trình, phí lưu học xá…) phải được tối đa hóa, có nghĩa là phải lời và lời ở mức cao nhất có thể. Để “bán” được hoạt động giáo dục đó với lợi nhuận cao, thì cần có một hệ thống giáo dục có chất lượng cao.
Giáo dục kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận thường là giáo dục tư thục. Vì vậy, yêu cầu về giáo dục tư thục, nếu từ tôn giáo, thì phải thấy được vấn đề lợi nhuận. Khi đó, động cơ về nhu cầu giáo dục tư thục tôn giáo, có thể có cả 3: cơ sở nhà đất + truyền đạo (lý do tôn giáo) + lợi nhuận.
Các trường học do tôn giáo điều hành ngoài Phật giáo trước 1975 có một nhóm trường học phí rất cao (dĩ nhiên chất lượng rất tốt) và hoạt động dạy học gắn liền với truyền đạo, là thuộc mô hình này. Ở đó, giáo dục chỉ là phương tiện, là công cụ. Nhưng tuyệt đối không có chuyện coi thường chất lượng giáo dục, vì mất chất lượng giáo dục thì mất lợi nhuận.
Mô hình trường học như thế không thích hợp với hoạt động đào tạo từ xa hiện đại, hoạt động có thể tách rời hoàn toàn kiến thức ra khỏi hoạt động tôn giáo.
Mô hình trường học như thế vẫn là mô hình thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Nó vẫn thu hút được học sinh, sinh viên, phụ huynh. Ở đó, hoạt động truyền đạo sẽ vẫn là MỘT HOẠT ĐỘNG SINH LỢI, vì nương vào giáo dục. Phụ huynh, sinh viên, học sinh khi chấp nhận đóng học phí vào kiểu trường tôn giáo như thế, thì phải chấp nhận mình vừa tốn tiền, vừa có thể tiếp nhận việc truyền đạo, cải đạo để mà có một nền giáo dục chất lượng cao.
Vừa có thể truyền đạo, vừa có thể tối đa hóa lợi nhuận từ học phí, công việc lại phù hợp với người tu sĩ, vốn đã mang bản chất nhà giáo, thì không lý do gì để không kiên trì mục tiêu khôi phục một nền giáo dục như thế.
CS MT: Kính bạch Hòa thượng nếu kể luôn lý do con người đã nêu, thì có tới 4, lại có thể được về nhà đất.
HT TTT: Đó là suy nghĩ của đạo hữu, vẫn là lý do ngoài giáo dục. Đầu óc đạo hữu sao lúc nào cứ nghĩ trước hết tới nhà đất, bất động sản. Chuyện giáo dục mới quan trong chứ!
CS MT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng Hòa thượng vẫn nói đến lợi nhuận?
HT TTT: Lợi nhuận nhưng từ hoạt động giáo dục, vẫn là đối tượng nghiên cứu của khoa học giáo dục. Giáo dục tư thục là một bộ phận của hoạt động giáo dục. Trong giáo dục tư thục có nhiều quan điểm nhưng vừa có lợi nhuận cao, vừa có thương hiệu, vừa kèm hoạt động tôn giáo thì đó là điều không thể có gì bằng. Phật giáo chúng ta nên lưu ý điều này. Hoạt động tôn giáo sẽ có sự thay đổi lớn lao về chất nếu mô hình trường học như trên được tái lập.
Đến đây, đạo hữu đã hiểu vì sao mà có tôn giáo tuy rất gắn bó với giáo dục hướng ra xã hội, nhưng lại bỏ qua một bên các phương thức giáo dục hiện đại là giáo dục từ xa, giao dục điện tử. Trong giáo dục từ xa, không thể tối đa hóa lợi nhuận, không thể tiến hành hoạt động tôn giáo, vốn là mục tiêu chính. Như vậy, là sáng tỏ vấn đề yêu cầu giáo dục vì những mục tiêu ngoài giáo dục.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng những mục tiêu ngoài giáo dục đó có thể có từ thiện xã hội không ạ?
HT TTT: Có thể có bố thí. Hoạt động giáo dục cũng là bố thí. Nhưng, với sự dè dặt của một người nghiên cứu giáo dục học, thầy thấy hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo không thể có chất lượng cao, và như vậy không thể có thu nhập cao, nếu hướng về mục tiêu từ thiện xã hội. Một nền giáo dục từ thiện không phải là một nền giáo dục chất lượng cao dành cho giới ưu tú tinh hoa, dù có thể có những trường hợp đột khởi cá biệt.
Trường hợp hệ thống trường trung tiểu học Bồ Đề của Phật giáo ở miền Nam trước năm 1975 là trường hợp này. Mục tiêu trường Bồ Đề là học phí thấp dành cho học sinh nghèo, cho nên chất lượng giáo dục vì thế không cao.
Do đó, mô hình các trường tôn giáo điều hành chất lượng cao, học phí cao, kèm hoạt động tôn giáo mà thầy nói ở trên không có mục tiêu từ thiện. Mà trái lại, học phí cao là một cách giới hạn đầu vào. Giới hạn đầu vào bằng cách tăng học phí không thể có trong nó mục tiêu từ thiện được.
Nhưng chúng ta cùng ghi nhận điểm này trong cuộc trao đổi nhiều kỳ về hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo.
Trường học trong chùa của Phật giáo Nam tông Khmer là loại trường tư thục nhưng vẫn mang tính chất từ thiện xã hội. Cũng thế, chất lượng sẽ không cao.
CS MT: Kính bạch Hòa thượng, Hòa thượng với tư cách một nhà giáo dục học Phật giáo, có chấp nhận loại trường tư thục do tôn giáo điều hành có chất lượng cao, học phí cao và tổ chức hoạt động tôn giáo trong trường hay không?
HT TTT: Là một tu sĩ Phật giáo, thầy thiên về mục tiêu trường học vì mục tiêu giáo dục. Trường học, dù có mục tiêu từ thiện xã hội, vẫn phải coi mục tiêu giáo dục hàng đầu. Vì như thế thì mới có cái để bố thí cũng như muốn tài thí thì phải có trong tay tài vật.
Nhưng là một nhà hoạt động tôn giáo, thì thầy vẫn không loại trừ việc chấp nhận loại trường có mục tiêu tôn giáo. Nếu nhìn từ lợi ích Phật giáo thì vừa làm giáo dục vừa có thể hoằng pháp, thì tại sao không?
Trong giáo dục học, việc nêu cao thương hiệu giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời thu học phí cao vẫn là một hoạt động bình thường.
Do vậy, ngoài phân tích mục tiêu giáo dục như vậy là để chúng ta thông hiểu tường tận vấn đề đang xảy ra, không phải bác bỏ.
Có hiểu thấu đạo thì Phật giáo chúng ta mới tổ chức tốt được hệ thống giáo dục hướng ra xã hội của mình, dự báo được bức tranh hoạt động tôn giáo.
Đã coi hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo là một xu thế tất yếu, thì chúng ta không thể nói chuyện chấp nhận hay không chấp nhận, mà chỉ có thể nói chuyện chấp nhận như thế nào mà thôi.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng Phật giáo Việt Nam chúng ta không có loại trường có thương hiệu, chất lượng cao?
HT TTT: Đâu phải, thương hiệu Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn là một thương hiệu đại học tư thục rất có giá trị. Tuy không phải viện đại học của người có tiền nhưng đại học tư thục này cũng vẫn không phải là một đại học “từ thiện” đâu đạo hữu.
Còn đối với hệ thống trường Bồ Đề thì thầy nghĩ là chư tôn đức chưa kịp xây dựng hệ thống trường có chất lượng cao, có giá trị thương hiệu mạnh.
Thí dụ, trường Bồ Đề ở Sài Gòn chỉ mới xây dựng được ở địa bàn những quận đông đảo dân lao động, thì không có lựa chọn nào khác ngoài kiểu trường như đã có.
Bây giờ, nếu phụ trách giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo, được cấp đất ở khu quy hoạch đô thị biệt thự vườn, khu dân cư cao cấp chẳng hạn, thì thầy chẳng phải có nhiều lựa chọn hơn các vị tôn đức ngày trước hay sao? (cười).
CS MT: Xin cảm ơn hòa thượng đã dành thời giờ quý báu cho cuộc phỏng vấn. Kính chúc hòa thượng vạn an.
MT (thực hiện)
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.