nguoiphattu.com Chiều 10/11/2018, tại Phòng 302 nhà E Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng khoa học của trường đã tổ chức buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Tất Lân (Đại đức Thích Thanh Tâm) – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng, chuyên ngành Quan Hệ Quốc Tế, Mã số 62.31.02.06, với đề tài: MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN BHUTAN VÀ TÁC ĐỘNG QUỐC TẾ.
Tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Quốc gia có: Đại đức Thích Đạo Thông - Ủy viên BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN quận Hai Bà Trưng; Đại đức Thích Quảng Nghĩa – Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng BTS GHPGVN quận Dương Kinh; Ni sư Thích Tịnh Quán - Ủy viên Ban hoằng pháp TW cùng chư tôn đức Tăng đến từ các chùa trong địa bàn thành phố Hà Nội và đại diện Phật tử đã về tham dự buổi bảo vệ luận án này.
Hội đồng khoa học gồm: Giáo sư Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thanh Bình (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) – Phản biện; Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) – Phản biện; Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung (Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) – Phản biện; Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hồng Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Thư ký; Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Dũng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) - Ủy viên; Phó giáo sư Tiến sĩ Đào Tuấn Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Ủy viên.
Qua thời gian hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng khoa học đưa ra những kết quả đánh giá khá cao về đề tài mà nghiên cứu sinh Nguyễn Tất Lân (Đại đức Thích Thanh Tâm) đã nghiên cứu và trình bày.
Hội đồng đều cùng chung một nhận định cho rằng nghiên cứu sinh đã biết kết hợp nhuần nhuyễn và sâu sắc giữa lý luận và thực tiễn. Bản tóm tắt của luận án phản ánh trung thực chính văn của luận án. Nghiên cứu sinh đã nắm chắc và làm chủ được vấn đề nghiên cứu. Đề tài luận án là một đề tài mới, góp phần bổ sung vào những khoảng trống trong nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Việt Nam.
Theo ý kiến của Hội đồng, luận án thể hiện tính trung thực, rõ ràng trong trích dẫn. Tên đề tài phù hợp với nội dung luận án và phù hợp với chuyên ngành Quan hệ Quốc tế. Bố cục luận án logic, chặt chẽ.
Luận án đã làm sáng tỏ mô hình phát triển của Bhutan với các trụ cột là tổng hạnh phúc quốc gia và ảnh hưởng của mô hình này đến các cá nhân, tổ chức quốc tế. Vì vậy luận án có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Luận án đã phân tích khái niệm về tổng hạnh phúc quốc gia, làm rõ sự khác biệt với khái niệm tổng sản phẩm quốc nội. Luận án đã phân tích và làm nổi bật 4 trụ cột của mô hình Bhutan gồm sự phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và thúc đẩy quản trị tốt. Luận án đã có sự đánh giá xác đáng về ảnh hưởng quốc tế của mô hình GNH thông qua các nhà hoạt động chính trị, các học giả quốc tế, liên hợp quốc và quốc gia láng giềng Ấn Độ.
Kết quả của luận án là sự đóng góp có ý nghĩa vào việc nghiên cứu sự phát triển xã hội nhằm đem lại cuộc sống hạnh phúc thật sự cho người dân. Đây cũng là tài liệu bổ sung cho việc nghiên cứu quan hệ quốc tế nói chung và nghiên cứu về Bhutan nói riêng. Luận án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một luận án tiến sĩ.
Hội đồng đã nhất trí đánh giá bản luận án đạt kết quả xuất sắc với 6/7 phiếu.