;
Tối ngày mùng 06/01/2025 (nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Giáp Thìn), tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chư Tôn đức Tăng chùa Bằng và chùa Hoằng pháp (Thành phố Hồ Chí Minh) đã long trọng tổ chức Đêm hội Hoa đăng kính mừng ngày Thái tử Tất Đạt Đa thành Đạo Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác với sự tham dự của đông đảo Phật tử cùng nhân dân thập phương.
Chứng minh đêm hội Hoa đăng có Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận - thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Thừa Thiên Huế; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trụ trì chùa Bằng, Bậc Ân sư của ĐTPHMB; Thượng Tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW; Thượng Tọa Thích Minh Quang – Ủy viên thư ký HĐTS, Phó chánh văn phòng I TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình; Ni sư Thích Diệu Hương – Trụ trì chùa Phong Hanh cùng chư Tôn đức Tăng chùa Bằng, chùa Hoằng pháp.
Về phía khách mời có bà Phạm Bảo Khánh – Phó Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; ông Dương Ngọc Kiên – Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội; Trung tá Nguyễn Thị Thu Hương – Đội phó Đội tuyên truyền Phòng cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội; NSND Lan Hương; ông Nguyễn Xuân Thảo – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A; ông Nguyễn Đình Tuất – Nguyên Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền địa phương.
Phát biểu khai mạc Đại lễ, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ nhấn mạnh “Thông điệp thành đạo của đức Phật là mong muốn những vị sứ giả Như Lai, những hành giả trên hành trình tu tập và hoằng hóa cần khởi phát Bồ Đề tâm hành Bồ Tát đạo, đó là tâm nguyện và pháp hành tương ưng.
Phật Giáo mang trong mình tinh thần cởi mở và thoáng đạt, đồng thời với tâm nguyện đặt nặng tinh thần phụng sự chúng sinh lên trên hết đã đưa Phật giáo ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng nhân loại khắp năm châu”.
Sau đó, đại chúng đã lắng đọng tâm tư lắng nghe tiếng xướng kệ thỉnh chuông cúng dàng Tam Bảo đầy thiêng liêng của Đại đức Thích Tâm Hiếu.
Sau nghi thức dâng hương là giây phút trong đêm lễ được hàng Phật tử tứ chúng đón chờ nhất, khi Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận đón nhận ánh sáng trí tuệ từ bàn Phật, và truyền sang cho chư tôn thiền đức chứng minh như sự sẻ chia chính pháp rạng ngời, truyền trao tinh thần trí tuệ, từ bi, thể hiện mạnh mẽ sự lưu truyền, hoằng dương chính pháp nơi những người con của Đức Như Lai.
Tiếp nối sau đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thảnh thơi bước từng bước chân giải thoát xuống lễ đài để truyền ánh sáng cho đại chúng. Những ánh sáng được lần lượt trao đến cho hàng Phật tử, đó chính là ánh sáng của tuệ giác, ánh sáng của sự tỉnh thức yêu thương và lòng vị tha vô hạn.
Ánh sáng ấy chiếu sáng vào mỗi trái tim, mỗi tâm thức của chúng sinh đang u mê trong nhà lửa vô minh giả tạm, đưa chúng sinh trở về với bản tính chân như đã sẵn có trong mỗi con người.
Cầm ngọn nến trên tay, mỗi người Phật tử nhớ rằng sau đêm thành đạo của Ngài, muôn loài đều được thừa hưởng năng lượng giác ngộ của Ngài một cách bình đẳng. Ánh sáng giác ngộ, từ bi của Ngài đã soi chiếu khắp nhân gian, một bình minh mới xuất hiện trên ý thức tồn sinh của nhân loại, như vầng nhật treo cao sau những đêm dài u buồn và lạnh lẽo. Ánh sáng ấy bắt nguồn từ căn bản của tuệ giác và từ bi.
Hồi tưởng lại chặng hành trình tìm đạo và thành đạo của Ngài, hàng đệ tử của Ngài dần thấm thía giá trị của sự nỗ lực, tự vươn lên với một chí nguyện kiên cường, bền bỉ. Mỗi người hiểu rằng, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng chứng đạt và thành tựu như Ngài nếu biết tự thân tinh tiến tu tập.
Hướng về ngày Đức Bản Sư thành đạo, mong sao muôn vạn sinh linh cùng gieo duyên Phật pháp. Mọi loài đều thấm nhuần giáo lý Phật đà.
Tiếp đó là nghi thức xưng tán Phật và phần ý nghĩa ngày Đức Phật thành Đạo do Đại đức Thích Tâm Quán tuyên đọc "Ngài thành đạo ngay cõi ngũ trược ác thế này, chính là đang đánh lên tiếng chuông thức tỉnh cho thế gian về ý nghĩa: Các người là Phật sẽ thành - Ta đây là Phật đã thành.
Ý nghĩa trọng đại này sẽ được lưu dấu trong tâm khảm của mỗi người con Phật khi chúng ta biết nhìn lại chính mình, thường trực quán chiếu tu tập. Những tham lam, giận hờn, si mê, tà kiến sẽ được buông bỏ khi ánh sáng của chính niệm – tỉnh giác soi chiếu.
Trong thâm ân cao cả đó, sự thực tập nghiêm chỉnh của mỗi người chúng ta sẽ là cách đền ơn cao cả nhất dâng lên đấng Từ Phụ của ba cõi, bốn loài. Chúng ta hãy như Tôn giả A Nan, cùng nhau khởi dậy ý chí Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi để nâng cao giá trị tu tập và chuyển hóa của đạo Phật nhân ngày lễ kỉ niệm đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo".
Hồi tưởng lại đêm thiêng thành đạo của Đức Bản Sư, đại chúng ngồi yên, lắng lòng thanh tịnh, cảm niệm những phút giây quý báu nhiệm mầu, như thể Thế Tôn vẫn còn đây, ngồi bất động bên dòng Ni-liên-thiền nước Ma-kiệt-đà thuở ấy.
Dưới ánh sáng huyền diệu, hàng vạn trái tim đang dâng trào niềm cảm xúc, hòa trong những ngọn nến lung linh ấy, Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận đã có lời đạo từ, nhắc lại với đại chúng về ý nghĩa sự kiện thành đạo của Đức Thế Tôn.
Trưởng lão Hòa thượng chia sẻ “Trong suốt hơn 2000 năm qua, các bậc Tổ sư đã đem ngọn đèn của Đức Như Lai truyền bá khắp mọi miền thế giới, của cõi Diêm Phù Đề này.
Ở Việt Nam, trải qua hàng nghìn năm, qua bao nhiêu thời kỳ, sự biến động của lịch sử; Chư Tôn đức Tăng Ni và các bậc Tổ sư đã tự vượt qua mọi chướng ngại của nội chướng, ma chướng để quyết đem ánh sáng của Đức Như Lai truyền bá khắp mọi miền đất nước.
Từ năm 1980 đến nay, Chư tôn đức Tăng Ni cũng tiếp nối ngọn đèn của Chư Tổ, cũng quyết vượt mọi khó khăn để truyền bá Chính pháp. Chính pháp của Đức Như Lai đã truyền bá là ngọn đèn để soi rọi vào trong tâm khảm, tâm tưởng bị màn vô minh hắc ám che khuất…
Hôm nay đây, tại chùa Bằng - Trung tâm hoằng pháp của miền Bắc, chúng ta cùng vân tập về đây để kỷ niệm, nhớ lại giờ phút huy hoàng, giờ phút đem lại lợi ích cho nhân loại. Chúng ta thể hiện bằng cách trao truyền những ngọn đèn từ ánh sáng của Đức Bản Sư Thích Ca, trao truyền lại cho Chư Tôn đức, Chư Tôn đức trao truyền cho các Phật tử với tâm niệm, nguyện làm thế nào cho ánh sáng này được tiếp tục lan tỏa mãi.
Ánh sáng này biểu trưng cho trí tuệ, thắp ngọn nến cũng là làm thế nào để tất cả Tăng Ni cho đến Phật tử dù trong mọi hoàn cảnh, giờ phút, lời nói, hành động, cử chỉ nào cũng đừng quên, trí tuệ là then chốt, là chủ đạo để thành tựu của đời hay của đại”.
Cuối cùng, Trưởng lão Hòa Thượng sách tấn tới Chư tôn Đức Tăng Ni: “Trên con đường hoằng dương chính pháp, Chư tôn Đức luôn luôn đừng bao giờ quên nhất cử nhất động của chúng ta dù ở môi trường nào, chức năng nào, công việc nào, hoàn cảnh nào, vị trí nào cũng luôn luôn biết vận dụng trí tuệ mà Đức Bản Sư đã hằng trải qua vô lượng vô biên kiếp để tu tập và tìm ra chân lý để trao truyền cho chúng ta, với mong muốn đem lại lợi ích cho vạn loài chúng sinh nói chung và loài người nói riêng”.
Với hàng Phật tử, Thầy nhắn nhủ: “Trong tất cả môi trường sống, các Phật tử đừng bao giờ quên trí tuệ làm chủ; lời ăn tiếng nói, suy nghĩ, hành vi cử chỉ đừng bao giờ quên trí tuệ.
Đó là ý nghĩa và mục đích của đêm hội Hoa đăng, thắp ngọn nến tri ân Đức Thế Tôn và cũng đồng thới nhớ rằng, luôn biết vận dụng trí tuệ làm kim chỉ nam, làm sự sống cho mình, cho hướng đi của mình; đồng thời làm sự sống cho tất cả mọi người, cho hiện tại và cho tương lai”.
Những lời pháp nhũ vô cùng quý báu và ý nghĩa của trưởng lão Hòa Thượng đã khép lại chương trình đêm hội Hoa đăng.
Kết thúc buổi lễ, Chư Tôn Đức Tăng Ni cùng các Phật tử đã theo dõi màn pháo hoa rực rỡ vô cùng kỳ công và đẹp mắt tại tháp Báo Ân cúng dàng mừng ngày Phật thành Đạo.
Sau khi khép lại đêm hội hoa đăng, Đại chúng đã vân tập về lễ đường trang nghiêm trì tụng kinh Pháp Hoa thông tiêu truyền thống, cầu nguyện thế giới hòa bình, Phật pháp hưng long, nhân dân an lạc.
Ban TTTT Chùa Bằng