;
Tối ngày 11-8-2014, nhằm ngày 08-07-Giáp Thìn, chùa Bằng - Linh Tiên tự (63 phố Bằng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) đã tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử thập phương.
Chứng minh Đại lễ có Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN cùng chư Tăng bản tự.
Về phía khách mời có Bà Phạm Bảo Khánh – Phó Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội; Trung tá Nguyễn Thị Thu Hương – Phó đội trưởng Đội tuyên truyền phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội; NSUT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương, Ông Nguyễn Đình Tuất – Nguyên Bí thư chi bộ Khu dân cư Bằng A, cùng sự tham dự của hơn 1000 Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa và nhân dân địa phương.
Mở đầu Đại lễ, các em Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng dâng lên những lẵng hoa tươi thắm cúng dường Tam Bảo, tri ân lên đức Từ phụ vì những chân lý mà Ngài đã để lại cho đời, cho chúng sinh.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì niệm hương phụng thỉnh Tam Bảo chứng minh, phụng thỉnh chư tôn hương linh trăm họ và anh hùng liệt sỹ tọa vị đàn tràng. Trong tinh thần tri ân và báo ân sâu sắc, Hòa thượng trụ trì đã trang nghiêm thực hiện nghi thức dâng trà cúng dàng chư Phật, cúng chư vị lịch đại Tổ sư để tỏ lòng tri ân trong nhiều đời nhiều kiếp.
Tiếp đến, các bạn thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng - cũng chính là những khóa sinh trưởng thành từ khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bằng những năm gần đây đã thành tâm dâng lục cúng lên cúng dàng Tam bảo.
Trong niềm hoài cảm sâu sắc hướng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe về NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm vu lan, trong tiếng đàn bầu du dương sâu lắng của Nghệ sĩ Văn Tuyển.
Từng lời của Nghệ sỹ cất lên đã làm cho những trái tim thổn thức nhớ lại hình ảnh của 2 đấng sinh thành, bậc ân nhân vô thượng, những hy sinh vĩ đại của những người làm cha, làm mẹ đã dành cả cuộc đời của chính mình để hy sinh cho cho chính mỗi chúng ta có được như ngày hôm nay và nhắc nhở mỗi người con hãy làm tròn chữ hiếu khi còn có thể.
Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được nâng niu, trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo. Toàn thể đại chúng đã nhất tâm lắng lòng khi đặt tay lên ngực và niệm ân đến Tam Bảo, nhờ nhân duyên ấy mà chúng con đã được chỉ con đường thoát sinh tử, được đức Thế Tôn chỉ rõ đạo hiếu, nhớ đến ân cha mẹ, ân của ông bà Tổ tiên trong dòng chảy huyết thống, niệm ân đến với các bậc thế gian, các bậc vua chúa, bậc lãnh đạo đất nước, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc… và trong giây phút tĩnh lặng ấy, toàn thể đại chúng đã nhất tâm cầu nguyện Tam bảo gia trì người sống được an lạc, kẻ mất được siêu sinh lạc quốc.
Tiếp đến, đại chúng lắng lòng theo sự hướng dẫn của Đại đức Thích Thanh Tâm, tiếp xúc sâu sắc với Cha mẹ trọng sự rung cảm của con tim, cảm đến bốn ân thiêng liêng và cao quý, thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành, dưỡng dục mình.
Trong thời khắc thiêng liêng, chư Tăng Pháp tử và đại diện Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã đối trước Tam Bảo, đối trước Hòa thượng thành kính dâng hoa, dâng chén trà thơm thảo cúng dàng lên Hòa thượng tôn sư thể hiện lòng hiếu kính với bậc Thầy mô phạm, đồng thời kính mừng Ngài thêm 1 tuổi đạo mới.
Đặc biệt tại chương trình này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đã dâng tặng lên Thân mẫu của mình bó hoa tươi thắm đượm nghĩa tình như tấm lòng hiếu thảo của Hòa thượng gửi tới đấng sinh thành.
Điều đó thể hiện ân tình sâu nặng của một người con tuy đã rời bỏ cuộc sống thế tục, cắt ái từ thân, nhưng không bao giờ quên ơn chín tháng cưu mang – ba năm bồng ẵm, những năm tháng được cha mẹ nuôi dạy để trở thành một vị Hòa thượng như ngày hôm nay.
Trong niềm tri ân và báo ân mùa vu lan báo hiếu, các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi - những chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính dâng lên các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ bằng những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất. Đây là một nghi thức mang đậm nét văn hóa của Phật giáo phía Bắc.
Tứ ân cao cả, là điều mà mỗi người luôn phải khắc khi trong mỗi cuộc đời đã được thể hiễn rõ nét trong giây phút dâng trà, tinh thần hiếu đạo biết tri ân và báo ân đối với tứ ân sẽ không chỉ được phát khởi vào ngày Vu lan Báo hiếu hay trong tháng 7 âm lịch mà cần được phát huy trong suốt cả cuộc đời của mỗi con người. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.
Sau đó, đại chúng lắng lòng nghe lời Đạo từ về tinh thần hiếu đạo của Hòa thượng trụ trì. Hòa thượng nhấn mạnh, “Từ khi Phật giáo gia nhập vào Việt Nam, ngày Lễ Vu lan (ngày rằm tháng Bảy hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng tôn thờ Tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Qua quá trình du nhập và phát triển hơn 2.000 năm tại Việt Nam, đến nay giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc; trong đó, nghi thức "Bông hồng cài áo" mang một ý nghĩa rất đặc biệt.”
Hòa thượng nhấn mạnh, “Ông cha ta luôn răn dạy không phúc nào lớn hơn phúc Hiếu kính, không tội nào nặng bằng tội bất kính với mẹ cha. Trong khi đó, Phật pháp cũng răn cha mẹ trong nhà chính là Phật ở đời.
Đạo thờ ông bà tổ tiên của người Việt đã gặp gỡ Phật giáo ở điểm này và người Việt đã lấy ngày Rằm Tháng 7 là dịp để mong cầu Đức Phật gia trì để tổ tiên được siêu thoát, cha mẹ, ông bà được bình an. Cho nên mới có câu cúng cả năm không bằng rằm tháng 7”.
Bên cạnh đó, theo Hòa thượng nhắc nhở đại chúng, trong lễ Vu Lan, mọi người cần nhớ tới 4 ơn cao cả. Đó là ơn Tam Bảo tế độ, ơn Quốc gia che chở mình, ơn thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi người trong xã hội.
Hòa thượng đã nhắc lại hình ảnh hiếu thảo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài đã thành bậc vô thượng Chính Đẳng Chính Giác qua hình ảnh chăm sóc vua Tịnh phạn khi đau ốm, khi lâm chung. Hình ảnh Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân như trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện và đạo hiếu của Ngài còn thể hiện trong việc đã chấp nhận cho di mẫu và 500 thể nữ trở thành các vị Tỳ kheo Ni, để từ đó Ni giới hình thành.
Hòa thượng cũng nhắc về tấm gương đạo hiếu của ngài Mục Kiền Liên, là một trong 10 thánh đại đệ tử của Đức Phật. Đặc biệt, hình ảnh đạo hiếu còn thể hiện qua các thế hệ của lịch đại Tổ sư Việt Nam, như Tổ sư Trúc lâm Huyền Quang trong lịch sử ghi chép lại.
Hòa thượng nhớ lại tấm gương hiếu hạnh của bậc Thầy giáo thọ là Cố Hòa thượng Thích Tâm An. Hai câu tiếng hán còn để lại mà Ngài viết “thân mẫu Tâm An bệnh, hoàn tục phụng dưỡng mẫu thân. Thân mẫu từ trần, tái xuất gia”.
Trong sử sách của Việt Nam cũng có ghi lại tấm lòng hiếu kính của vua Tự Đức, là một vị vua với tấm lòng hiếu kính đối với thân mẫu qua những hành động của Ngài đối với mẫu thân. Ngài có một quyển sách Từ Huấn ghi lại những lời dạy của mẹ.
Qua đó, Hòa thượng sách tấn đại chúng hãy soi rọi cuộc sống của chính mình, dù có ở địa vị nào, lớn tuổi ra sao vẫn là những đứa con nhỏ trong mắt cha mẹ. “Trong dịp Đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa.
Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người. Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này: Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.
Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng nghìn năm nay" - Hòa thượng chia sẻ.
Buổi lễ kết thúc trong tiếng nguyện cầu ngân nga sâu lắng, nguyện đất nước vinh quang, nhân dân an lạc, nhà nhà hạnh phúc. Niềm hân hoan hiện khởi trên gương mặt người tham dự, nụ cười hoan hỷ hiến tặng cho một mùa Vu lan báo hiếu ý nghĩa.
Diệu Tường