nguoiphattu.com Từ lâu, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch đã là dịp để người dân tưởng nhớ công lao các vị vua Hùng, đồng thời nhắc nhở người trẻ những bài học về lòng yêu nước và tinh thần tự lập.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.
Từ đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc.
Với tinh thần “Tri ân và báo ân” của người con Phật, ngày 06 tháng 04 năm 2017, nhằm ngày 10 tháng 03 năm Đinh Dậu, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) trang nghiêm tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự và sự tham dự của ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A.
Buổi lễ này còn có sự hiện diện của đông đảo nhân dân đủ thế hệ già – trẻ - gái – trai, đó cũng chính là thể hiện sự thành kính, biết nhớ về nguồn cội của mỗi người con dân đất Việt với những người đã có công dựng nước và giữ nước.
Phát biểu khai mạc lễ Giỗ Quốc Tổ, Đại đức Thích Quảng Tín nhấn mạnh ý nghĩa ngày giỗ Tổ 10/3: “Từ bao đời nay, đồng bào luôn luôn tôn kính và ngưỡng mộ các Vua Hùng. Vì vậy giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tình cảm thiêng liêng sâu đậm trong tâm khảm của nhân dân ta. Giỗ Tổ cũng trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm tự hào, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần làm nên sức mạnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Những bài học quý báu của tổ tiên, của thời đại các Vua Hùng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, nghĩa đồng bào trong sáng, thiêng liêng, sống thủy chung thân ái, cần cù, thông minh sáng tạo và kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tự lực tự cường và tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Hơn nữa, buổi lễ cũng nhằm mục đích khẳng định thêm tinh thần "Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam, minh chứng cho việc Phật giáo luôn luôn đồng hành cùng dân tộc".
Sau lời phát biểu của đại đức, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã cùng chư tôn đức Tăng bản tự và toàn thể đại chúng thực hiện nghi thức phụng thỉnh Tổ tiên đầy thiêng liêng, lắng đọng.
Tiếp theo là nghi thức tế Tổ, dâng lục cúng đầy trang nghiêm, thành kính do đội văn tế làng Bằng A thực hiện.
Sau nghi thức tế Tổ, ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A đã đọc văn tế Tổ trong sự thành kính nhất tâm hướng về Quốc Tổ Hùng Vương của toàn thể đại chúng.
Bữa cơm ấm áp, đoàn viên ngày giỗ Tổ của thầy và trò