;
Một góc quần thể tâm linh Kỳ Lân sơn tự ở Ninh Bình đang hút khách du lịch về đêm - Ảnh báo Nhân Dân
Dự lễ khánh thành có đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành phố; đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo một số tỉnh và đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương.
Tại buổi lễ, thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã có bài phát biểu, nêu rõ: Ninh Bình là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, nơi sinh Vương sinh Thánh và cũng là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Nhắc đến dấu mốc lịch sử vàng son của dân tộc, không thể không kể về Cố đô Hoa Lư, nơi phát tích và trị vì của ba triều đại (Đinh, tiền Lê và Lý). Nói đến thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam, không thể không nói tới Phật giáo thời Đinh, tiền Lê và Lý, với những vị Thiền sư, Quốc sư lỗi lạc, như: Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh và Nguyễn Minh Không…
Ninh Bình hiện có 357 ngôi chùa, trong đó có 40 chùa được xếp hạng Di tích cấp tỉnh và 26 chùa được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Nét độc đáo riêng có của Phật giáo Ninh Bình là có tới gần 20 ngôi chùa (cổ tự) gắn liền với núi đá và hang động, trong đó có ngôi Kỳ Lân sơn tự.
Kỳ Lân là ngọn núi thiêng nằm độc lập giữa trung tâm thành phố Ninh Bình, có chiều cao hơn 50m so với mực nước biển. Các tảng đá trên đỉnh núi được xếp chồng nhau tạo thành hình linh thú (hình đầu con lân nhìn về phía Bắc) nên gọi là núi Kỳ Lân. Kỳ Lân sơn tự được xây dựng từ lâu đời, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng nề.
Được sự chấp thuận của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các cấp Giáo hội, từ năm 1999, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và nhân dân, tín đồ Phật tử gần xa đã đóng bè tập phúc tu bổ Kỳ Lân sơn tự. Đến năm 2017 tiếp tục mở mang, tu bổ và xây dựng các hạng mục công trình như: Đền Mẫu, Bảo tháp Tây Phương, Tháp Tứ Ân, Đình Kỳ Lân…, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh do tiền nhân để lại, tạo đà cho sự phát triển du lịch tâm linh nơi vùng đất Cố đô.
Các đại biểu và hàng nghìn nhân dân, du khách thập phương cùng dự lễ cắt băng khánh thành, dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và thả hoa đăng trong sự kiện trọng đại này.
Nguyễn Minh- Trường Giang - Báo Ninh Bình