nguoiphattu.com Ngày 28 tháng 07 năm Bính Thân, nhằm ngày 30 tháng 08 năm 2016, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về chùa Cát Linh – Hà Nội thuyết giảng cho đạo tràng Pháp Hoa chùa Cát Linh trong ngày tu tập hàng tuần với chủ đề “Tầm quan trọng của chư Tăng với Phật tử”
Người đệ tử của Tam Bảo không kể là chúng xuất gia hay chúng tại gia, luôn luôn hằng niệm về ba ngôi Phật – Pháp – Tăng để nương tựa vào ba ngôi trên lộ trình giải thoát và giác ngộ.
Con về nương tựa Phật
Người đưa đường chỉ lối cho con
Tự quy y Phật
Con về nương tựa Pháp
Con đường của hiểu biết và tình thương
Tự quy y Pháp
Con về nương tựa Tăng
Tập thể hòa hợp giải thoát thanh tịnh
Tự quy y Tăng
Ba ngôi Phật – Pháp – Tăng gắn liền mật thiết với nhau, như một vòng tròn khép kín, được ví như viên ngọc quý của mỗi người Phật tử chúng ta. Khi bước đầu vào Đạo, người đệ tử Phật bao giờ cũng phải thực hiện lễ Tam quy để thọ trì ba phép quy, quy y Phật để không bị đọa địa ngục, quy y Pháp để không bị đọa ngạ quỷ, quy y Tăng để không bị đọa súc sinh.
Trong ba ngôi Tam Bảo, Hòa thượng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngôi Tăng Bảo:“Phật phi pháp bất hoằng” – nếu có Phật, có Tăng mà không có Pháp thì chúng ta không có con đường để đi trên giác ngộ và giải thoát. Nhưng có Phật, có Pháp mà không có Tăng thì sao? “Pháp phi tăng bất hiển” – có giáo pháp Phật mà không có Tăng hoằng truyền thì Phật pháp cũng không được tồn tại, Phật pháp được trường tồn trên thế gian là do Tăng. Công đức của Tăng rất lớn, bởi “Đức Tăng như Hải, Phật do xưng tán”.
Trong mùa Vu Lan báo hiếu, chúng ta thường hay niệm nhớ về ơn thứ ba trong tứ trọng ân cao cả của mỗi người con Phật luôn khắc ghi, đó là ơn cha mẹ sinh thành thầy cô dạy bảo. Đối với người tại gia, thầy cô nơi học đường dạy cho ta kiến thức hành trang để bước vào đời. Còn đối với người Phật tử, khi đã nương tựa vào Tam Bảo, thì ơn thứ ba không chỉ có vậy, mà còn phải niệm ơn tới vị Thầy đã chỉ dạy cho ta, hướng dẫn ta trong ngôi nhà Phật pháp “Sư trưởng giáo huấn tri ân – Phụ mẫu sinh thành tri đức”.
Hòa thượng đã nhắc lại tấm gương Tôn giả Mục Kiền Liên, tuy được mệnh danh là thần thông đệ nhất nhưng muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục cũng phải nhờ tới oai lực của chư Tăng trong ngày Tự tứ. Bởi sau ngày an cư nhiều vị chứng thánh đắc quả, công đức rất lớn, năng lượng tế độ rất cao. Điều đó cho thấy vai trò của chư Tăng vô cùng quan trọng.
Công đức của vị Tăng cũng rất quan trọng trong công việc Phật sự hàng ngày. Một ngôi chùa bao giờ cũng phải có đủ ba ngôi Phật – Pháp – Tăng. Trong đó, vị Tăng sẽ là người “thay Thế Tôn truyền hóa đạo màu – Tùy duyên hóa độ vô cầu – Làm thầy mô phạm dẫn đầu chúng sinh”. Nếu không có chư Tăng, Phật tử sẽ không bao giờ hiểu được giáo lý, kinh điển của Như Lai.
Vị Tăng cần nhất phải mang ba hạnh đó là “Hạnh giải thoát – Hạnh nhẫn nhục – Hạnh tinh tiến”, Hòa thượng nhấn mạnh vị Tăng cần có đức tu để tỏa năng lượng, có trí tuệ để tỏa kiến thức, và phải có hạnh để tỏa đạo đức, như vậy nên dân gian mới ví vị tăng như “Sư chùa bùa làng”.
Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng về những điều Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sinh về vai trò của vị tu sĩ đối với người Phật tử và cả bổn phận và nghĩa vụ của người Phật tử tại gia đối với những tu sĩ. Để từ đó, hòa thượng mong rằng mỗi người Phật tử dù tại gia hay xuất gia cũng đều phải luôn nhớ nghĩ về người Thầy tế độ và nhớ về ngôi Tam bảo trong tâm ta như cha mẹ ở nhà để luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, không chỉ trong mùa vu lan mà phải trong suốt cuộc đời này.