;
Tối ngày 16 tháng 02 năm 2017, nhằm ngày 20 tháng Giêng năm Đinh Dậu, nhận sự chỉ giáo của Trưởng lão Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng, trong chương trình đi thăm và thuyết giảng cho các Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc nhân dịp xuân Đinh Dậu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về chùa Xã Tắc – thành phố Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh để thuyết pháp cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa nơi đây với bài giảng “bốn điều cần có của người Phật tử”.
Mở đầu bài giảng, Hòa thượng đã cùng đại chúng nhìn nhận lại quãng thời gian hình thành và phát triển của Đạo tràng Pháp Hoa thành phố Móng Cái, “do công đức rất lớn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trong việc xây dựng Đạo tràng Pháp Hoa tại chùa Xuân Lan và nhờ Đại đức trụ trì tạo điều kiện cho đạo tràng tu tập”. Ở thành phố Móng Cái tuy có nhiều đạo tràng và mỗi đạo tràng đều tu tập theo một pháp môn khác nhau, nhưng Hòa thượng khẳng định “Giáo pháp của Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn tu tập, dù trên thế gian này, ở bất cứ quốc độ nào mà truyền bá tư tưởng giáo lý của Đức Phật, mọi người nghe – nghĩ rồi tu tập đều chuyển hóa được con người, đều trở về với bản tính thanh tịnh vốn có. Con người khi sinh ra vốn là chân thiện, nhưng vì môi trường – hoàn cảnh mà tạo nên chất tố không lành mạnh, không trung thực”.
Hòa thượng nhấn mạnh, mỗi người chúng ta đều phải có một niềm tin tôn giáo, đó là điều quan trọng đầu tiên. “Mỗi một quốc gia đề có một tôn giáo chủ thể. Tôn giáo nào đều cũng có một mục đích chung, đó chính là hướng con người tới những điều tốt đẹp, hướng con người tìm về nẻo thiện chân chính”. Qua đó, Hòa thượng cũng chia sẻ lý do để mỗi người Phật tử phải có một niềm tin chân chính và vững chãi vào chính Đạo Phật, bởi lẽ “Trước đây ở đất nước Việt Nam, chỉ có Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Ba tôn giáo đó được người Việt dung hợp lại với tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”. Ngày nay ở đất nước chúng ta có rất nhiều tôn giáo được người dân đón nhận, từ tôn giáo nội sinh tới tôn giáo ngoại lai. Nhưng trong đó, Đạo Phật vẫn là một tôn giáo hiện hữu trên thế gian lâu nhất. Ở Việt Nam, Phật giáo là một tôn giáo được du nhập vào Việt Nam lâu nhất, có số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự nhiều nhất cho tới ngày hôm nay. Ông cha chúng ta đã khẳng định mỗi một lời Phật dạy là một điều thánh thiện trong đối nhân xử thế. Tổ tiên cũng đã dạy một ngôi chùa được dựng thành là một nhà tù được khép lại”.
Hòa thượng khuyến tấn mỗi người Phật tử phải hiểu sâu hiểu rõ luật Nhân Quả và lấy đó làm kim chỉ nam sống. Bởi lẽ Đạo Phật chú trọng đặc biệt tới luật Nhân Quả. Muốn được quả ngọt phải biết gieo nhân lành, muốn có trọn vẹn đầy đủ ước nguyện, sở cầu như ý sở nguyện tòng tâm không phải chỉ cầu không là được, các vị Thánh thần mà người Việt tôn thờ cũng ảnh hưởng tư tưởng giáo lý mà Đức Phật dạy đó là luật Nhân Quả. Phải làm tốt, phải sống hiền lành đạo đức, ăn ngay ở thẳng, sống chân thật thì mới có được sự an lành cát tường.
Do đó, bốn đức tính của người Phật tử cần phải học đó là “Thấy – nghe – suy nghĩ và thực hiện”.
Bằng những ví dụ cụ thể, Hòa thượng đã dẫn giải cho đại chúng hiểu thế nào là thấy những điều chân chính, nghe những điều thiện lành, suy nghĩ gốc rễ cặn kẽ vấn đề và thực hiện tu tập theo những tinh hoa giáo lý Phật Đà.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến tấn mỗi vị tu tập phải lượng theo sức của mình, phải chú tâm vào việc tu tập hơn nữa, phải chuyển hóa thân tâm, vào chùa phải giữ được sự tu tập trang nghiêm, lễ Phật lạy Phật phải thành kính, giữ thanh tịnh ba nghiệp thân – khẩu – ý. Đặc biệt, hàng Phật tử phải sống cuộc sống thiện lành, học hạnh phóng sinh bố thí tạo phúc, không làm hại bất cứ ai, nguyện sống cuộc sống an trú thánh thiện, phải luôn yêu thương, tôn trọng và đoàn kết với nhau như nước với sữa bởi cùng là đệ tử Phật, cùng học và thực hành theo giáo lý Phật đà.