;
TikToker NB giả Phật tổ livestream bán hàng trên TikTok khiến dân mạng phản ứng. ẢNH: THẢO HIỀN
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hóa trang thành Đức Phật livestream bán nước hoa của nam TikToker NB. Người này sử dụng những lời lẽ khó nghe, thiếu chuẩn mực, thậm chí đòi tiền đặt lễ với thái độ cau có, gắt gỏng khiến nhiều người phản ứng.
Cụ thể, nam TikToker NB đã có những phát ngôn phản cảm như: “Tại sao đi cầu lộc buôn lộc bán mà không dâng sính lễ? Có money (tiền bạc) ở đấy không?”, “Mang 100.000 nghìn, mày bán rẻ tao quá đấy”...Người này còn đặt một biệt danh cho người phụ nữ bán hàng cùng với mình là “Thích Thì Nhích”.
"Đây là hành vi bôi nhọ Phật giáo"
Nhiều cư dân mạng đã bức xúc khi xem đoạn clip. Nhiều người cho rằng Đức Phật là hình ảnh tôn kính của các Phật tử Việt Nam và trên thế giới. Việc hóa trang thành Đức Phật bán hàng kèm với những lời lẽ, cử chỉ không hay là phần nào xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ tài khoản P viết: “Không thể chấp nhận được. Không thể mang Đức Phật ra để làm trò đùa như vậy”. Đồng quan điểm, một tài khoản có tên VPH bình luận: “ Đây là hành động coi thường Phật tổ, coi thường người xem. Cần lên án mạnh để răn đe những người đi sau”; …
Trao đổi với PLO, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube xuất hiện nhiều nội dung bôi nhọ Phật giáo, xúc phạm niềm tin tôn giáo của hàng chục triệu tín đồ Phật tử, điển hình như trường hợp hóa trang thành Đức Phật bán hàng trên livestream. Những việc làm sai trái này kéo theo những hệ lụy lâu dài.
Xúc phạm tôn giáo là hành vi nghiêm cấm
Nói về hành vi hóa trang Đức Phật livestream bán hàng, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại khoản 3 Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể về mức xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, là sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
“Do đó, người mà xúc phạm tôn giáo trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật xuất phát từ hành vi vi phạm gây ra” – Luật sư Đào Thị Bích Liên nói.
Trong trường hợp phát hiện hành vi xúc phạm tôn giáo thì cá nhân có thể trình báo cho Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND các cấp.
THẢO HIỀN - Báo Pháp Luật