;
Hôm nay có sự thay đổi trong sinh hoạt của khóa tu tại đây. Trước kia, tại nơi này, tôi giảng cho Phật tử đạo tràng Pháp Hoa tu một ngày an lạc là chính. Nhưng nay, theo quyết định của Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo TP. HCM, khóa tu của Phật tử được chuyển đổi thành sinh hoạt ngoại khóa của Học viện Phật giáo TP.HCM. Vì vậy, việc tu học của chúng ta có sự thay đổi cho thích hợp với sinh hoạt mới gồm có Tăng Ni và Phật tử bốn phương tập trung về đây nghe pháp, không phải chỉ thuần có đạo tràng Pháp Hoa như trước.
Khóa học này đối với Tăng Ni học viện coi như đi dã ngoại, hay học chương trình ngoại khóa, nên sau này vẫn tính điểm ra trường. Vì vậy, Tăng Ni sinh cố gắng tham dự cho đủ. Các vị Trưởng, Phó khoa lần lượt có hướng dẫn chuyên môn và Tăng Ni sinh cũng có thể hỏi những gì thắc mắc để quý vị nắm vững chương trình đào tạo cũng như định hướng để sau này phục vụ Giáo hội.
Tôi phụ trách về hoằng pháp, đó cũng là kinh nghiệm của tôi, nói gần là ba mươi năm và xa hơn là tôi đã làm công tác chuyên môn này rất sớm, từ thời Giáo hội Tăng-già Nam Việt, tôi đã đi giảng dạy. Vì vậy, tôi có một số kinh nghiệm, xin chia sẻ với Tăng Ni sinh.
Nói rằng hoằng pháp thuộc phạm vi chuyên môn, nhưng nếu nói rộng thì hoằng pháp thuộc về trách nhiệm của Tăng Ni và Phật tử, không phải của riêng Tăng Ni trong ban Hoằng pháp. Thật vậy, hoằng pháp là hoằng truyền Chánh pháp Như Lai, tức những gì chúng ta học, hiểu và áp dụng có kết quả mới đem giảng dạy cho người có duyên để họ hướng đến Phật pháp, trở thành người tốt và xa hơn, chúng ta xây dựng thế giới an lành ở thế gian; đó là nhiệm vụ chung của những người xuất gia và tại gia..nguoiphattu.com
Trách nhiệm hoằng pháp không phải của riêng một ai, nhưng của tất cả mọi người đệ tử Phật. Tuy nhiên, tùy theo từng hoàn cảnh và tùy từng nơi, từng lúc mà sự ứng dụng Phật pháp có khác nhau. Điều này quan trọng mà Tăng Ni và Phật tử phải lưu ý.
Trước nhất, chúng ta căn cứ vào việc hoằng pháp của Đức Phật, theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Đức Phật thành đạo ở cội Bồ-đề, Ngài có khoảng thời gian ba tuần, hay bảy tuần tư duy pháp lạc đã chứng được. Đối với chúng ta, học Phật pháp, hiểu được yếu nghĩa Phật dạy và áp dụng tốt đẹp trong cuộc sống của mình, như vậy là tư duy kỹ pháp Phật.
Trên tinh thần đó, tôi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước kia gởi sang Nhật nghiên cứu. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Thiện Hoa là Viện trưởng Viện Hóa đạo đã nhắc nhở tôi rằng sang Nhật, thầy phải nghiên cứu sinh hoạt của Phật giáo Nhật và của Tăng Ni, tín đồ Nhật để rút kinh nghiệm áp dụng cho Phật giáo chúng ta.
Căn cứ vào lời dạy quý báu của ngài, tôi luôn cân nhắc việc tu học của mình nơi xứ người. Vì vậy, sang Nhật, ở trường lớp, khi tôi làm nghiên cứu sinh, tôi đã làm hết trách nhiệm của mình, nghĩa là học hiểu, nắm vững tất cả những gì tâm đắc của thân giáo sư truyền trao và dành nhiều thì giờ đọc sách để mở rộng sự hiểu biết về Phật pháp cũng như thuyết trình những gì mình sở đắc để giáo sư ấn chứng. Và thời gian còn lại, tôi tham gia các sinh hoạt của hội đoàn Phật giáo Nhật.
Có thể nói tôi đã dồn tất cả tâm trí cho việc suy nghĩ về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Nhật Bản, nghiên cứu sâu về những vấn đề khiến cho Phật giáo chúng ta suy đồi, hay phát triển. Đó là phương cách học, nghiên cứu, tìm hiểu và suy nghĩ của tôi về pháp Phật và sự vận hành của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Nhật Bản trải qua những thời kỳ hưng thạnh hay suy vi khác nhau. Thiết nghĩ đó là cách học đúng đắn. Nếu chỉ học lý thuyết ở trường rồi giảng dạy cho người mà cho đó là hoằng pháp thì e rằng chưa đủ. Tăng Ni sinh cần suy nghĩ những gì thích hợp với xứ mình, với vùng miền mà mình chịu trách nhiệm để áp dụng giáo pháp tương ưng, mang lại kết quả tốt đẹp cho mình và người.
Tôi tìm hiểu sinh hoạt Phật giáo Nhật Bản, nhận thấy họ tồn tại nhờ có tổ chức, có giáo quyền, mặc dù Tổng hội Phật giáo Nhật lỏng lẻo, nhưng sự quản lý của tông phái Phật giáo Nhật chặt chẽ. Thật vậy, Tổng hội Phật giáo Nhật mang tính cách hội đoàn, trong khi tông phái Phật giáo Nhật mang tính tôn giáo.
Chúng ta cần phân ra thế nào là tôn giáo, thế nào là hội đoàn. Luật pháp cho phép tôn giáo sinh hoạt như thế nào, còn hội đoàn thì được cho phép như thế nào. Tổng hội Phật giáo Nhật không mang tính lãnh đạo, nhưng lãnh đạo là các tông phái Phật giáo Nhật và trực tiếp là vị trụ trì các tự viện sống gần Phật tử, đó là điều quan trọng mà chúng ta phải thấy, vì thượng tầng kiến trúc cần để lãnh đạo chung, nhưng hạ tầng cơ sở quan trọng vô cùng. Họ quy định muốn trở thành Tăng Ni của tông phái thì ít nhất phải quy tụ được một trăm nóc gia (tức một trăm hộ dân) theo đạo Phật. Từ điều luật căn bản này, chúng ta nhận thấy một trăm nhà lo cho một thầy tu rất dễ. Điều này khác với tổ chức Phật giáo ở Việt Nam tuy có chùa nhiều và Phật tử đông, nhưng chúng ta thực sự không có tổ chức. Nếu nói chúng ta có 80% theo Phật giáo, khi cần có việc thì họ là Phật tử, nhưng xong việc thì ai về nhà nấy, không ai biết ai. Thực tế đã chứng minh điều này. Năm 1963, Phật giáo lâm nạn. Ủy ban Liên phái Phật giáo ra đời tập hợp được hàng vạn Tăng Ni và Phật tử ủng hộ Phật giáo, nhưng sau đó, chúng ta không đi vào tổ chức được là việc đáng tiếc.
Điều này được Thiên Thai đại sư dạy rằng bước ban đầu chúng ta phải học cách tập hợp quần chúng. Ngày nay, không ai dạy chúng ta điều này, nên nói tập hợp mà chúng ta không biết làm sao. Ngài Thiên Thai dạy muốn tập hợp quần chúng, chúng ta phải đưa ra điều thích hợp với tâm tư, nguyện vọng quần chúng, thì họ mới nghe theo; không phải nói suông, vì đạo Phật rất thực tế.
Muốn tập hợp quần chúng, nhưng quần chúng là gì? Nói 80% dân chúng theo đạo Phật thì đó là dân nghèo bị áp bức, bị nô lệ. Vì vậy, năm 1963, số lượng Phật tử đông, nhưng nghèo, vì người giàu theo đạo Thiên Chúa, vì theo đạo này, họ được làm quan, được học hành, được kinh doanh, v.v… Còn Phật tử đi chùa tụng kinh không có gì hết. Trong anh em bà con của tôi có nhiều người theo đạo Thiên Chúa vì được học hành, được du học dễ dàng. Chính vì vậy, người khá giả, giàu có, hay có mộng lớn thường qua cánh cửa này. Từ đó, Phật giáo chúng ta suy yếu lần cho đến thấp nhất là từ số đông 80% dân chúng theo đạo Phật, chúng ta phải chấp nhận sự lãnh đạo của 5% người theo đạo Thiên Chúa. Họ không nhiều nhưng lãnh đạo Phật tử là sự kiện thực tế trước kia đã như vậy.
Trên bước đường giáo hóa độ sanh, chỉ trong một đêm, Phật độ được ba anh em Ca Diếp và một ngàn Tỳ-kheo xuất gia. Điều lạ này khiến chúng ta suy nghĩ thêm, tại sao một đêm mà Phật độ đến một ngàn người, nhưng trong một đời, Ngài độ được bao nhiêu người. Phải nói đó là cái lý của Phật hóa độ người có duyên; theo đó, Tăng Ni sau này đi hoằng pháp, nên quán sát xem chỗnào có duyên, người nào có duyên thì mình đến độ. Không có duyên mà chúng ta nói, họ nghe cho vui rồi bỏ.
Riêng tôi chỉ độ người phát tâm Đại thừa, hành Bồ-tát đạo, vì tâm mình và tâm họ như vậy, nghĩa là đồng hạnh đồng nguyện, nên hợp tác được. Người có duyên với ta thì họ theo được, học được và tu được; không có duyên, chắc chắn họ không chấp nhận.
Thực tế việc độ sanh của Đức Phật cho thấy Ngài đến thôn Ưu Lầu Tần Loa, độ được ba anh em Ca Diếp, vì Ngài đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, định hướng của các ông và xa hơn là thấy mối quan hệ giữa Phật và hàng ngoại đạo từ nhiều đời, đó là quán nhân duyên. Đôi khi, có người nghĩ quán nhân duyên là quán mười hai pháp nhân duyên; nhưng không phải chỉ quán lý thuyết suông như vậy. Đức Phật quán nhân duyên là xem mối liên hệ giữa Ngài và người cho đến nhiều đời như thế nào. Và Ngài thấy rõ trong đời này, ba anh em Ca Diếp đang bế tắc việc tu hành. Điều này chúng ta dễ hiểu. Thật vậy, nhiều khi Tăng Ni mới xuất gia ham tu, thích tụng niệm, lễ bái, ngồi thiền, đọc sách, nhưng một thời gian sau không thích nữa, nên một số Tăng Ni không muốn lễ bái. Tình trạng tệ hại này được Tổ diễn tả là tu hành năm đầu còn thấy Phật, tu đến năm thứ ba thì không thấy Phật.
Thuở nhỏ tu hành, tôi nghe điều này cảm thấy sợ, nên tôi luôn giữ Phật trước mặt và trong lòng mình, không cho mất. Ngày nào tôi cũng lạy Phật từ ba giờ sáng và tụng kinh để đem Phật, đem kinh vào lòng, sống với pháp Phật như vậy được an lạc. Sống với pháp Phật là ta nghĩ về Phật, nghĩ về lời dạy của Phật và áp dụng lời Ngài dạy trong cuộc sống của mình. Tôi rất sợ Phật biến mất trong lòng, vì Phật không còn trong lòng mình thì coi như bị đọa, nguy hiểm vô cùng. Mong Tăng Ni giữ Phật trong lòng, đừng cho mất. Dù hoàn cảnh thay đổi thếnào, nhưng Phật còn trong lòng ta là còn tất cả; đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với anh em.
Do quán nhân duyên, Phật biết ba anh em Ca Diếp đang suy nghĩ gì, đang muốn gì và họ làm được gì. Phật tới dạy những gì họ suy nghĩ, họ muốn mà không tìm được, vì họ tu lâu, sức khỏe trở nên kém dần, tâm sanh chán nản, đi tới không được mà thụt lui cũng không được. Phật mới đến khai thông tư tưởng cho họ, kinh Pháp hoa gọi là khai tri kiến. Và Phật khai thông được thì họ theo Phật với tất cả tấm lòng. Thật vậy, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp nói với đồ đệ rằng các vị tưởng tôi là Thánh, nhưng thực sự chỉ có Sa-môn Cù Đàm mới là Thánh, mới biết tôi nghĩ gì và bế tắc thế nào. Nhờ Phật khai thông mà các ông này chứng được ít nhứt là quả Dự lưu, vào dòng Thánh, không còn bế tắc.
Chúng ta hành đạo, nhận thấy thêm rằng nếu làm đúng thì ngoại đạo chuyển thành Phật đạo; nhưng cố chấp sẽ biến Phật đạo thành ngoại đạo. Đó là thời kỳ suy đồi như vậy, vì Thượng tọa bộ quá cố chấp, nghĩ mình đúng, còn người cấp tiến phạm sai lầm, cho rằng họ bị ảnh hưởng ngoại đạo. Như vậy là đẩy họ ra khỏi vòng tay mình, ra khỏi Phật giáo, một sai lầm nghiêm trọng.
Ba anh em Ca Diếp thuộc hàng lãnh đạo của ngoại đạo, nhưng Phật đã chuyển đổi họ sang Phật đạo. Bài học này chúng ta phải suy nghĩ kỹ và áp dụng cho được. Phật giáo Nhật Bản cũng học pháp Phật giống như mình và họ áp dụng tinh ba này một cách sâu sắc, nên đã thành công. Họ thành lập Tổng hội Phật giáo, nhưng không thành lập Giáo hội. Vì trước đó trong thời Mạt phủ, thời Chiến quốc, các bộ phái Phật giáo đã tranh chấp, phỉ báng nhau, thậm chí có lúc chém giết nhau. Nặng nhất là quân của Tỷ Duệ sơn đã tấn công Đông Đại tự và đốt phá ngôi chùa này. Chỉ hai tông phái là tông Hoa Nghiêm và tông Thiên Thai mà ban đầu chửi nhau, rồi chư Tăng kéo đến đánh nhau và đốt chùa, đẩy anh em cũng là đệ tử Phật mà sát hại nhau, thật là cuồng si. Sự việc không tốt đẹp này nhắc nhở chúng ta cần có tấm lòng bao dung mở rộng, cố chấp là si mê làm Phật giáo suy đồi.
Kinh nghiệm xương máu của thời Edo khiến Phật giáo Nhật Bản quyết định thống nhất Phật giáo bằng cách thành lập Tổng hội Phật giáo mang tính cách điều hành về hành chánh, còn sinh hoạt của tông phái thì tự do.
Năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, tôi đã đề nghị giữ nguyên sinh hoạt của các hệ phái. Không thể bắt tu sĩ Bắc tông tu theo Nam tông, hoặc bắt Khất sĩ tu theo Bắc tông. Nam tông, Khất sĩ, Bắc tông, Phật giáo cổ truyền đều có cách tu khác nhau. Mỗi người, mỗi hệ tư tưởng, mỗi giáo phái có pháp tu riêng. Chúng ta phải trân trọng, không được phá bỏ.
Năm 1965, trước khi tôi đi Nhật, vào thời đó, Phật giáo chúng ta đang lên cao nhất. Hòa thượng Trí Thủlúc đó là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, ngài đã cử giảng sư trẻ đến giảng ở chùa gốc cổ truyền, nên việc cúng bái ở đó là chính. Nhưng thầy này xuống giảng, đứng ở lập trường Phật giáo Nguyên thủy, lấy kinh Nguyên thủy để nói thì càng giảng, thầy trụ trì càng khó chịu và tức quá, vịnày đã tìm tôi nói rằng thầy đó tới không giảng kinh, mà nói xấu tôi thì làm sao tôi chịu được..nguoiphattu.com
Các thầy nên suy nghĩ, đến chùa quan sát xem thầy trụ trì tu pháp môn gì, nếu họ tu theo cổ truyền, thì ta nói những gì của cổ truyền liên quan đến Phật pháp, hoặc họ tu theo Nguyên thủy, ta nói pháp tương ưng với Nguyên thủy,v.v… Tôi đi hoằng pháp được nhờ đã nghiên cứu giáo pháp của Bắc tông, Nguyên thủy và Khất sĩ và cũng từng áp dụng một số pháp môn này trong cuộc sống của mình, nên tôi vẫn hòa hợp được. Phật giáo Khất sĩ đối với tôi dễ hòa hợp, vì họ cũng ăn chay như mình. Phật giáo Nam tông không ăn chiều, thì tôi cũng nhịn ăn chiều được. Tới đâu hòa hợp được mới chia sẻđược kinh nghiệm tu hành đểcùng thăng hoa thì người chấp nhận được.
Nếu chúng ta chỉ căn cứ theo Phật giáo Nam tông, bảo rằng Phật chỉ thuyết Tứ Thánh đế mà chúng ta không triển khai mặt khác, đôi khi không được. Vì vậy, đối với vấn đề này, tôi nói theo Pháp hoa là Phật vì người nhàm chán sanh già bệnh chết, Ngài mới đưa ra Đạo đế dẫn đến Niết-bàn. Vì họ chán nản, mệt mỏi, khổ sở với thế giới này, thì chỉ họcon đường an lạc là họ rất vui. Tịnh độ ra đời cũng vậy. Người sống ở Ta-bà khổ quá mà nói tu Pháp hoa để tích lũy công đức thành Phật thì họ không cần thành Phật; cho nên tôi chỉ dạy họ pháp tu mau nhất là chỉ mười tiếng niệm Phật Di Đà, họ chịu liền. Còn nói hành Bồ-tát đạo, chịu cực khổ để rèn luyện bản thân thành Bồ-tát cứu đời, họ không chịu.
Đầu tiên, thời Phật tại thế, hàng ngoại đạo, hay nói chung là tu sĩ Bà-la-môn đều tu pháp ra khỏi sanh tử; nhưng họ bế tắc như năm anh em Kiều Trần Như, ba anh em Ca Diếp và một ngàn hai trăm đồ đệ, cũng như Mục Kiền Liên, tất cả đều rơi vào ngõ cụt không lối thoát. Phật đã khai thông tri kiến, mở đường cho họ đi tới Niết-bàn.
Cũng theo tinh thần này, nếu nhàm chán sanh tử, chúng ta áp dụng Ba mươi bảy trợ đạo phẩm và đạt được Niết-bàn trần gian là quả Dự lưu, tuy ta ở trần gian, nhưng không hệ lụy trần gian, được giải thoát. Đó là bước đầu tu, chúng ta phải cố nhận ra con đường ra khỏi sanh tử. Vì những người muốn ra khỏi sanh tử, Phật dạy con đường ra khỏi sanh tử. Có thể nói pháp Phật dạy ban đầu không khác ngoại đạo bao nhiêu và từ ngoại đạo chuyển đổi thành Phật đạo. Pháp Phật học của ông Kamala là tu Tứ thiền và Phật dùng trí tuệ vô lậu để biến chế Tứ thiền của Kamala thành Tứ thiền của Phật giáo.
Thử nghĩ việc trước nhất là ra khỏi sanh tử bằng cách nào. Làm sao chứng được Ly sanh, tức tách rời cuộc sống. Các thầy phải ẩn cư vào rừng sống là tách rời mình ra khỏi xã hội và tách rời mình ra khỏi sự chi phối của thiên nhiên, đó là căn bản của triết học Ấn Độ. Đức Phật vẫn sử dụng điều này. Con người muốn siêu việt phải chinh phục được thiên nhiên và xã hội, thì Phật thu gọn việc này là chinh phục được hàn, nhiệt, cơ, khát. Vì vậy, Sa-môn tu là không lệ thuộc ăn uống, nóng lạnh của trời đất. Tập pháp này, chúng ta vào thiền quán để cuối cùng tâm tách rời khỏi sự chi phối của cuộc sống vật chất. Ban đầu, tách thân ra khỏi xã hội, ra khỏi thiên nhiên và kế đến, tách tâm ra khỏi thân. Đạt được như vậy gọi là Ly sanh, tức chúng ta còn sống nhưng sống như người đã chết. Người nhập Diệt tận định là Giáo chủ Kỳ Na giáo chứng được Ly sanh, cho nên năm trăm xe chạy ngang qua mà ông không biết. Nói cách khác, nhập Diệt tận định, chứng Ly sanh thì còn sống, nhưng không hệ lụy cuộc sống. Đó là pháp của ngoại đạo mà Phật đã phê phán rằng pháp thiền này của ngoại đạo chỉ ngồi sững không biết gì cuộc đời là sai lầm, vì anh là người nhưng giết chết suy nghĩ trở thành gỗ đá mà gọi là chứng thì chứng cái gì. Luyện tập như vậy theo ông Kamala làm chi cho khổ cực, ngày nay muốn được pháp này, chỉ cần tiêm một mũi thuốc mê.
Rời cuộc sống để chúng ta còn sinh hoạt nội tâm mới thấy từng phần nghiệp chướng, phiền não, trần lao tồn đọng trong lòng chúng ta mới là điều quan trọng. Ông Kamala ngồi thiền mà năm trăm xe chạy qua không biết. Nhưng Phật thiền thì năm trăm xe chạy qua, Ngài biết nó chở gì, đi về đâu và phát xuất từ đâu; đó mới là thiền của Phật giáo mà nhiều người lầm tưởng thiền của Phật là của ngoại đạo.