;
Tâm và Tầm: Tiêu chuẩn người lãnh đạo Giáo hội
I. MỞ BÀI
Trong thời hội nhập hiện nay, con người bị chi phối bởi vật chất, đòi hỏi họ chạy theo thời gian, bôn ba với cuộc sống để tìm tài lợi cho cá nhân. Có người đánh đổi cả thân mạng để giành quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng… có người bất chấp thủ đoạn đạp lên cán cân công lí để tìm nguồn lợi về mình, hay có người vì coi thường đạo lí xem nhẹ tình nghĩa, đã bất hiếu với mẹ cha và ngay cả người thân của mình… đây là những vấn nạn trong cuộc sống đã và đang có xu hướng phát triển khá phổ biến. Một xã hội đầy sự rối ren về đạo đức như thế đòi hỏi con người phải có sự khôn ngoan và tỉnh táo khi giải quyết mọi việc, nhưng đã mấy ai có thể giải quyết được. Đứng trước viễn cảnh này, vai trò Hoằng pháp viên phải cực kì khéo léo đưa đạo vào đời, hóa giải những xung đột và truyền đạt đạo đức đến mọi người. Để thực hiện được điều này, thiết nghĩ Hoằng pháp viên thời hội nhập cần trang bị cho mình những yếu tố như: Dụng tâm; Kiến thức; Tư cách và Dấn thân.
II. NỘI DUNG
1. Dụng tâm: Hoằng pháp viên là người đại diện và thay thế đức Thế Tôn chuyển tải đạo vào đời. Việc “Tác Như lai sứ, hành Như lai sự” là việc cực kì khó khăn, chính điều này đòi hỏi Hoằng pháp viên cần phải có “tâm”. Mọi việc làm xuất phát từ tâm thành thật, dù một việc hết sức nhỏ nhưng tác dụng và kết quả rất lớn. Vì vậy, khi nói đến đạo Phật là nói đến việc dụng tâm. Trong các Phật sự và công phu tu tập hằng ngày, Hoằng pháp viên phải dụng tâm thì mới đạt hiệu quả. Muốn dụng tâm nhuần nhuyễn trong cuộc sống, cần thực tập và tự hoàn thiện chính mình. Nói đơn cử khi chia sẻ Phật pháp đến thính chúng, Hoằng pháp viên hướng dẫn theo từng bước cụ thể, rõ ràng, không vội, dùng tâm nhẫn nại, làm sao để người tiếp nhận hiểu rõ và ứng dụng. Nếu trong khi chia sẻ, người tiếp nhận quá kém, không vì thế mà nản chí thối lui, ngược lại cần kiên nhẫn hơn để mọi việc hoàn thành. Người có tâm phụng sự, khi tu tập và dấn thân vào cuộc đời, truyền bá giáo pháp sẽ đạt hiệu quả to lớn. Chính điều này “dụng tâm” là điều quan trọng của Hoằng pháp viên trong thời hội nhập.
2. Kiến thức: Con người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ. Chính việc trao đổi chia sẻ là phương tiện chính để truyền bá đạo pháp. Bên cạnh dụng tâm, Hoằng pháp viên cần trang bị cho mình kiến thức vững chắc làm nền tảng khi trình bày giáo nghĩa hoàn thành mục đích độ sanh. Không thể hoằng pháp mà không có kiến thức. Đức Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Kiến thức ở đây bao gồm kiến thức nội điển và ngoại điển.
3. Nội điển: Hoằng pháp viên cần nắm vững kinh, luật, luận, lịch sử truyền thừa Phật giáo, các Bộ phái Tông phái, lịch sử và tư tưởng của Phật giáo từ khởi nguyên đến hiện đại…để có thể thấu hiểu được sự đa dạng của các Tông phái hình thành và vận động theo thời gian, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiếp nhận. Kiến thức nội điển được xem là kiến thức nền tảng quan trọng.
Khai mạc Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 tại Bà Rịa Vũng Tàu - ảnh Viện Chuyên Tu.
4. Ngoại điển: Hoằng pháp viên cần tham khảo kiến thức phổ thông từ các tôn giáo như: Công giáo, Hồi giáo, Cao Đài... và các kỹ năng: vi tính, ngoại ngữ, phương thức lập luận; kiến thức về y khoa, văn học, ngôn ngữ học, nghệ thuật hùng biện… đây là nhân tố giúp Hoằng pháp viên nắm bắt những vấn đề thời sự trong thực tế để có thể thành công hơn khi đưa đạo vào đời.
Trong sứ mạng Hoằng pháp, ngoài việc học hỏi và trao dồi kiến thức cũ, Hoằng pháp viên cần cập nhật kiến thức mới, ngoài những kiến thức thu hoạch được tại nhà trường và xã hội cũng như bầu nhiệt huyết, thì kinh nghiệm tu tập mới là yếu tố cần thiết đối với người hành đạo.
5. Tư cách: Để hoằng pháp thành công, ngoài việc dụng tâm và kiến thức, Hoằng pháp viên cần trang bị “tư cách” cho chính mình. Tư cách được xem là yếu tố quan trọng, nó không phải do nghiên cứu hay học tập mà hình thành, tư cách của Hoằng pháp viên phải được kết tinh từ thành quả vận dụng giáo lý của đức Phật vào cuộc sống thông qua sự tu tập. Đây là chất liệu của Từ bi - Trí tuệ, được thể nhập vào thân tâm, tạo nên nền tảng và tư cách của một vị tu sĩ.
Tư cách giao tiếp, ứng xử là một nghệ thuật đầy nhân văn mà Hoằng pháp viên cần có. Thông qua những oai nghi đi đứng nằm ngồi, cho thấy sự thể nghiệm sâu cạn về nội tâm của chính mình. Hoằng pháp viên phải là người gương mẫu về thân giáo, khẩu giáo, làm mô phạm cho mọi người, đây là yếu tố thành công để mọi giới trong xã hội có thể cảm nhận và thực tập được đạo giác ngộ của đức Phật trong cuộc đời. Trong Kinh Tăng chi, đức Phật dạy vị pháp sư phải an trú vào năm pháp: “Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn, ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật, ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình và người”(1).
Đem ánh sáng Phật pháp đến cho mọi người là điều quan trọng nhưng tư cách của người chuyển tải lại càng quan trọng hơn. Không thể chuyển tải đạo cho người khác mà thân khẩu ý người truyền đạt không “tri hành hợp nhất”. Không thể thuyết giảng cho người khi Hoằng pháp viên bê tha, cờ bạc và sử dụng các chất gây say nghiện được.
Người xưa dạy: “Muốn dạy người, trước phải tự dạy mình; muốn hướng dẫn người, trước mình phải tự làm được”. Việc này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phật giáo. Không thể thao thao bất tuyệt trên pháp tòa, nhưng trong cuộc sống tu tập lại rỗng tuếch được. Tư cách vị giảng sư khiếm khuyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thính chúng và Tăng đoàn. Hình ảnh phản cảm dễ làm nguyên nhân thối tâm của thính chúng. Một vị Hoằng pháp viên phải điều phục tâm mình, cho dù mọi người tôn kính hay chê bai đều có cách cư xử khôn ngoan và trí tuệ, nếu không hậu quả khó lường được.
6. Dấn thân:
Chuyển tải hạt giống từ tâm và tuệ giác đến mọi người là điều thiêng liêng cao cả, là trách nhiệm của người đệ tử Phật. Khi dấn thân thực thi sứ mạng ấy có khi phải xả bỏ tánh mạng chính mình. Ngoài việc học rộng, biện tài, Hoằng pháp viên cần rèn luyện ý chí và tư cách để hoàn thiện tự thân, tâm nguyện sắt son với sứ mạng, phát hạnh nguyện độ sanh không tiếc thân mạng. Có như thế người Hoằng pháp mới thành tựu đại nguyện và đại hạnh của mình.
Hoằng pháp viên thời hội nhập cần dấn thân khắp nơi từ thành thị đến các vùng xâu vùng xa, nơi nào chưa có Phật pháp thì dấu chân của Hoằng pháp viên hiện diện. Không ngại khó khăn, không nề gian khổ là phương châm chính của họ. Ta có thể bắt gặp tinh thần vì đạo pháp quên mình của ngài Phú-lâu-na trong kinh Tương ưng bộ IV, Phẩm Chana, mục Punna. Ngài Phú-lâu-na trả lời khi ngài xin đức Phật đến xứ Sunàparanta để truyền đạo: “Nếu người xứ Sunàparanta chửi bới, nhiếc mắng, Ngài vẫn xem họ còn hiền thiện vì họ không lấy tay đánh đập Ngài. Nếu họ lấy tay đánh đập ngài thì Ngài vẫn cho rằng họ còn hiền thiện vì họ không dùng đất để đánh đập Ngài. Nếu họ dùng đất đánh đập Ngài thì Ngài cho rằng họ còn hiền thiện vì họ không dùng gậy đánh đập Ngài. Nếu họ đánh đập Ngài bằng gậy Ngài cho rằng họ vẫn hiền thiện vì họ không dùng kiếm đánh đập Ngài. Nếu họ dùng kiếm đánh đập Ngài thì họ vẫn còn hiền thiện vì họ không đoạn mạng sống của Ngài bằng kiếm. Nếu họ đoạn thân mạng của Ngài với lưỡi kiếm sắc bén, Ngài suy nghĩ: họ đã giúp Ngài bỏ thân ô trược này". Đức Phật đã khen ngợi Ngài và cho phép Ngài đến Sunàparanta để giáo hóa, kết quả mùa mưa năm ấy Ngài độ được 500 vị cư sĩ.
Hoằng pháp viên nhiếp phục hội chúng nơi ồn náo, đông đảo là điều khó, nhưng chuyển hóa được hội chúng bỏ tà quy chánh lại càng khó hơn. Chính điều này, việc phát huy năng lượng giác ngộ giải thoát, hay tinh thần dấn thân và thực tu thực chứng là việc quan trọng vô cùng, là nền tảng của thành công trong sự nghiệp của một Hoằng pháp viên thời hội nhập.
III. KẾT LUẬN
Trong một xã hội đầy biến động như hiện nay, cần lắm những Hoằng pháp viên năng động dấn thân vào đời, mang tinh thần từ bi, hỷ xả, mang niềm tin vào cuộc sống cho mọi người, thiết nghĩ rất cần. Để làm được điều này là cả một chuỗi thời gian dài học và hành, cộng với lòng nhiệt huyết mong tìm sự bình an cho nhân loại.
(1) ĐTKVN, Tăng chi bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Tôn giả Udàyi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 611.
Tham luận của Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh BR-VT