;
Hội thảo khoa học “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị Thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc”.
Tham dự Hội thảo về phía GHPGVN có Hòa thượng Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thọ Lạc - Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thường - Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực - Trưởng Ban Pháp chế GHPGVN thành phố Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN huyện Thường Tín; Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar cùng chư Tôn đức Tăng trụ trì các chùa, tự viện trong và ngoài thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có ông Nguyễn Phúc Nguyên - Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Tiến sĩ Nguyễn Minh Khang - Phó trưởng phòng Quản lý di sản vật thể, Cục Di sản văn hóa, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Bùi Công Thản - Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền địa phương sở tại.
Buổi hội thảo được chia làm 3 phiên làm việc.
Trong đó, Chủ trì phiên khai mạc Hội thảo là Hòa thượng Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thọ Lạc - Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TW GHPGVN; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ, Võ Việt Nam; Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật giáo VN tại thành phố HCM.
Chủ trì phiên làm việc thứ hai của Hội thảo với chủ đề "Chùa Đậu và các nguồn tư liệu trong và ngoài nước" là Hòa thượng Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm; Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang; Giáo sư Tiến sĩ Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN; Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Quân - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn - Trưởng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.
Trong phiên làm việc thứ ba với chủ đề "Hai vị Thiền sư họ Vũ và vấn đề phát huy di sản văn hóa chùa Đậu trong bối cảnh hiện nay", Đoàn chủ trì là Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát; Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thọ Lạc; Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia VN; Đại đức Tiến sĩ Thích Quang Minh - Trụ trì chùa Đậu; Tiến sĩ Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN.
Thư ký Hội thảo là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN; Tiến sĩ Đoàn Văn Luân - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN; Thạc sĩ Nguyễn Thanh Huyền - Chùa Đậu (Thành Đạo tự).
Phát biểu tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ niềm hoan hỷ khi Hội thảo được tổ chức trước thềm Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức, trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCNVN. Đặc biệt, Hội thảo lần này nói về dấu ấn của hai vị Thiền sư họ Vũ đắc đạo đã để lại nhục thân xá lợi.
Cũng vô cùng ý nghĩa khi sắp tới toàn thể nhân dân sẽ được chiêm bái Xá lợi Đức Phật và Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức. Từ đó có thể thấy được sự truyền thừa của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này đánh dấu sự hiện hữu của ngôi chùa trong lòng dân tộc, đồng thời minh chứng Việt Nam cũng có các bậc Thánh Tăng tiếp nối được sự tu tập đạo hạnh của chư vị Tiền bối nhà Đinh - Lê - Lý - Trần cũng như trong quá khứ, tô điểm nét vàng son cho lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Hà Nội nói riêng.
Đây cũng là dịp để cộng đồng học thuật, Phật tử và nhân dân cùng nhìn lại những giá trị to lớn của di sản Chùa Đậu, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa-du lịch bền vững.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Chùa Đậu (Thành Đạo tự) thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là một ngôi “danh lam, cổ tự” có bề dày lịch sử và nổi tiếng ở trấn Sơn Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử từ Trần, Lê, Mạc và đặc biệt là Lê Trung Hưng, chùa Đậu đã trở thành ngôi chùa gắn liền với hoàng tộc nhà Lê, với phủ chúa Trịnh ở kinh sư Thăng Long.
Chính vì vậy, nhà chùa không chỉ sở hữu kiến trúc, nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, mà còn là nơi tu tập của hai thiền sư họ Vũ là Khắc Minh (Đạo Chân), Khắc Trường (Đạo Tâm). Sau khi hai thiền sư họ Vũ viên tịch, các ngài đã để lại “nhục thân” hay còn gọi là “toàn thân xá lợi” – một dấu ấn đặc biệt quan trọng trong quá trình tu hành, chứng đạo.
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về chùa Đậu và nhị vị thiền sư họ Vũ. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xác định cấu trúc và kỹ thuật bảo quản nhục thân, mà chưa có nhiều những chuyên khảo đề cập đến hành trạng, phương pháp – pháp môn tu tập của hai thiền sư họ Vũ.
Để có những sáng tỏ về mặt khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Chùa Đậu (Thành Đạo tự) tổ chức Hội Thảo khoa học: Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 37 tham luận đến từ chư Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Lịch sử, Phật học, Khảo cổ học, Mỹ thuật, Văn hóa học và Bảo tồn di sản…
Nội dung các tham luận tập trung vào bốn chủ đề sau: Tổng quan về di tích chùa Đậu; Các nguồn tài liệu trong và ngoài nước về hiện tượng để lại nhục thân của các cao tăng Phật giáo; Thời đại, quê hương và hành trạng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường; Di sản văn hóa chùa Đậu trong bối cảnh đương đại.
Đặc biệt, tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học.... đã cùng nhau bàn luận về công tác quản lý và phát huy di sản chùa Đậu qua việc áp dụng những hình thức công nghệ mới, đồng thời tìm hướng bảo quản lâu dài cho "toàn thân xá lợi" của nhị vị Thiền sư. Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thọ Lạc cũng phát biểu khẳng định tượng nhục thân của hai thiền sư chùa Đậu cũng như một số vị hòa thượng khác cần được xác định là di sản quý của văn hóa Phật giáo Việt Nam, cần có phương án lưu giữ, bảo tồn. "Về phía nhà chùa, cũng như các cấp quản lý, việc xây dựng một quy chuẩn cho công tác bảo quản và phát huy các giá trị di sản Phật giáo là việc làm cấp thiết" - Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói.
Qua một buổi sáng làm việc, Hội thảo đã khép lại viên mãn, làm rõ phần nào những giá trị lịch sử văn hóa của chùa Đậu trong dòng chảy lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung; cũng như đã có bàn luận nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời, hành trạng và những "bí mật" về hiện tượng "Toàn thân xá lợi" của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2016.
Diệu Tường - Quang Phước