;
Nhận lời mời của Đại đức Thích Tâm Hòa – trụ trì Chùa Hòa Phúc, Trưởng Ban tổ chức, Đại đức Thích Quảng Phước – trụ trì Chùa Mỹ Thạch, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã quang lâm đạo tràng chia sẻ tới đại chúng thời pháp thoại mang chủ đề “Hạnh nguyên của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát”. Cùng với sự tận tình trong suốt thời pháp thoại, Đại đức đã khai ngộ và thức tỉnh được hàng nghìn trái tim người Phật tử tại gia.
Như chúng ta đã biết, hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát không chỉ hiện diện trong các chùa trong nước và ngoài thế giới, mà nó còn hiện diện ngay cõi Ta Bà này. Trên những chuyến xe chạy đường dài, hay con thuyền ngày đêm lênh đênh trên biển cả thì hình tượng mẹ hiền Quán Thế Âm Bồ Tát luôn hiện hữu ở một nơi nào đó thật trang nghiêm, thật trân trọng. Đó như một lời cầu nguyện “Mẹ Từ Bi” sẽ dang rộng vòng tay, che chở cho chúng con luôn được bình an. Bồ Tát Quán Thế Âm thương xót chúng sanh ví như tình thương bao la của một người mẹ dịu dàng, hiền hòa, ấm áp, luôn hy sinh cho đàn con. Bồ Tát Quán Thế Âm có oai lực cứu giúp các chúng sanh khỏi nạn lửa, nạn nước, nạn giết hại, đánh chém, xiềng xích, thù oán, vô minh. Trong kinh nói ai lâm nạn mà chí thành xưng danh hiệu cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì lửa không cháy, nước không trôi, quỷ không hại, xiềng xích không trói, tối tăm thành sáng suốt, thù oán thành thân cận.
Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ thuyết giảng, Đại đức Thích Quảng Phước đã giúp quý Phật tử có thêm nhiều hiểu biết về hạnh nguyện lớn lao của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cũng trong ngày diễn ra khóa tu, được sự đồng ý của Đại đức Thích Tâm Hòa, trụ trì chùa Hòa Phúc. Đại diện Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) và tổ chức WildAid tại Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu “Phật tử Việt Nam chung tay bảo vệ Tê giác”, trong khuôn khổ dự án "Chấm dứt sử dụng sừng tê giác" ngay tại khuôn viên nhà chùa.
Được biết, đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình truyền thông nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng Phật tử Việt Nam về vấn nạn mua bán và sử dụng sừng Tê giác nói riêng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung. Dự án này đã được thực hiện tại một số ngôi chùa lớn tại TP.HCM.
Với mong muốn lan rộng những thông điệp về lòng Từ Bi – Trí Tuệ của người con Phật trên mọi miền đất nước trong việc bảo vệ loài tê giác. Chương trình đầu tiên trong chuỗi dự án mở rộng ra miền Bắc đã được tổ chức tại chùa Hòa Phúc và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quý chư tăng bổn tự cùng hơn 1000 Phật tử.
Trong thời gian diễn ra chương trình, Đại đức Thích Tâm Hòa đã có buổi chia sẻ ngắn với Phật tử về tác hại của việc sử dụng sừng tê giác.
Thầy cho biết, tê giác là loài động vật quý hiếm đang nằm trên bờ vực tuyệt chủng vì bị giết hại để lấy sừng và Việt Nam là 1 trong những quốc gia đứng đầu trong việc tiêu thụ và sử dụng sừng lớn nhất thế giới. Người Việt Nam sử dụng sừng tê giác vì tin rằng sừng tê có khả năng chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư cùng với đó là lối suy nghĩ lệch lạc xem sừng tê như một biểu tượng đẳng cấp của giới thượng lưu.
Sừng tê giác có cấu tạo chủ yếu từ chất Keratin không khác gì móng tay, móng chân của con người và cũng chưa có một nghiên cứu khoa học hay một bằng chứng nào, chứng minh sừng tê giác có khả năng chữa khỏi bệnh ung thu.
Việc chúng ta sử dụng sừng tê giác sẽ làm cho hệ sinh thái bị mất cân bằng, môi trường sống của chúng ta bị đảo lộn và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng của con người. Có rất nhiều người vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả để tàn sát những loài động vật đang trên bờ bị tuyệt chủng.
Tất cả đều xuất phát từ tâm lý, sợ chết, tham sống và cũng là xuất phát từ lòng tham, thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ dẫn đến những cuộc thảm sát tàn nhẫn đối với loài tê giác.
Phật tử chúng ta nên nhớ rằng trong 5 giới căn bản của đạo Phật thì giới đầu tiên, giới quan trọng nhất chính là giới không được sát sinh. Bất kể những cái gì có sinh mạng, có sự sống đều không được cố ý giết hại, bảo người khác giết hại, hoặc tiêu thụ các sản phẩm mà người khác giết hại mà có. Như vậy, nếu Phật tử chúng ta sử dụng sừng tê Giác nghĩa là mình đã gián tiếp phạm vào giới cấm sát sinh mà Đức Phật đã cấm các đệ tử của Ngài.
Đặc biệt, đối với các Phật tử trong đạo tràng chùa Hòa Phúc, hầu hết quý vị đã thụ nhận Bồ Tát Giới. Bồ Tát Giới lấy bồ đề tâm làm căn bản, mà bồ đề tâm lại xuất phát từ lòng từ bi, hỷ xả, từ tình thường mà có. Nay chúng ta vì tham cầu, vì lợi dưỡng vì chạy theo sự ngu muội của mình để tiếp tay cho những kẻ xấu giết hại những loài vật như vậy là chúng ta đang phá giới, đi ngược lại lý tưởng của Bồ Tát giới. Do vậy Thầy mong các Phật tử hãy nỗ lực, chung tay nói tay nói lên tiếng nói bảo vệ động vật hoang dã trong đó có sừng tê giác. Cũng như tuyệt đối nói không với việc sử dụng các loại chế phẩm từ sừng tê giác. Đồng thời truyền thông, kêu gọi người thân, bạn bè của mình phải dừng lại việc sử dụng sừng tê giác nếu có. Không nên tiêu thụ hoặc tiếp tay tiêu thụ các sản phẩm từ sừng Tê giác hoặc các sản phẩm được chế tạo từ các loài động vật hoang dã, quý hiếm.
Cuối cùng, thầy gửi lời cầu chúc đến quý Phật tử ngày một tinh tấn tu học, biết mang tinh thần Từ Bi – Trí Tuệ của đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, để muôn nẻo chúng sinh trong cõi Ta bà đều được hưởng an lành, hạnh phúc.