;
Được biết, đây là khóa tu khu vực đầu tiên của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc trong năm Ất Tỵ.
Quang lâm chứng minh lễ khai mạc Khóa tu là Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Bậc Ân sư của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc; Hòa thượng Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; Ni trưởng Thích Đàm Bích – Trụ trì tổ đình Linh Ứng cùng Chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc tại khóa tu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ sự vui mừng khi khóa tu năm nay có sự tham dự của đông đảo Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc cùng nhân dân Phật tử địa phương. Nhân đây, Hòa thượng cũng bày tỏ lòng tri ân đối với Hòa thượng Thích Quảng Hà dù Phật sự đa đoan nhưng vẫn luôn thương tưởng đến các Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa. Hòa thượng cũng tri ân đến Ni trưởng Thích Đàm Bích – vị Ni trưởng đáng kính vì tinh thần phụng sự Phật pháp, vì lòng thương tưởng chúng sinh mà tạo điều kiện cho các Phật tử được về đây tu tập.
Thay mặt Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định, Hòa thượng Thích Quảng Hà đã có lời đạo từ tới đại chúng, nhắc lại những bài học qua kí ức về chư Tổ xưa kia, để từ đó nhấn mạnh hàng Phật tử phải lấy chữ “Phúc” và chữ “Đức” làm đầu trong sự tu tập.
Hòa thượng nhắn nhủ tới đại chúng: “Cuộc sống vốn vô thường, tất cả đến và rời khỏi cuộc đời đều với hai bàn tay trắng. Vì vậy, quý vị ngoài việc tu tập thì hãy cố gắng dạy bảo con cháu sống có phúc, có đức để xây dựng một xã hội sống tỉnh thức, có tình yêu thương”.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Ni trưởng Thích Đàm Bích cùng Đại diện Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã đón nhận lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của Hòa thượng Thích Quảng Hà, khép lại chương trình khai mạc của khóa tu.
Để bắt đầu ngày tu an lạc miên mật, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm pháp tòa, truyền thụ Bát quan trai giới cho các Phật tử. Đồng thời, chia sẻ bài pháp thoại với chủ đề: Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN VESAK VÌ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI: TUỆ GIÁC PHẬT GIÁO VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.
Năm nay, Việt Nam hân hạnh lần thứ IV là đất nước được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak. Đây là Đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của bậc đạo sư vĩ đại. Hàng năm, vào ngày trăng tròn tháng tư, Phật tử khắp nơi trên thế giới hân hoan chào đón sự kiện long trọng này. Vì vậy, mở đầu bài pháp, Hòa thượng nhấn mạnh ý nghĩa sự kiện tu học ngày hôm nay là bó hoa tươi thắm dâng lên cúng dàng Đức Bản Sư, hướng về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Hòa thượng cũng trang trọng nhắc tới hai sự kiện đặc biệt trong năm nay của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam, đó là cung rước Xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam và cung nghinh Xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự. Nghi thức rước Xá lợi Phật được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, tuân thủ yêu cầu quy định nghiêm ngặt của hai đất nước từ nghi lễ cho tới việc bảo quản, trưng bày...
Năm nay, Đại lễ Vesak được tổ chức tại Học viện Phật giáo TP.HCM trong ba ngày 6,7,8/5/2025 với sự tham gia của 80 quốc gia, đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 50 năm thống nhất Tổ quốc. Hai sự kiện lịch sử này không chỉ là nét son chói lọi mang lại độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc mà còn là nền tảng thiết yếu để giới lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái Phật giáo của ba miền đi đến thống nhất, khai sinh GHPGVN năm 1981.
Thông điệp Đại lễ Vesak năm nay nêu cao ánh sáng tỉnh thức, con đường tịnh lạc chứa đựng giá trị sâu sắc và là lời kêu gọi hòa bình, tình yêu thương và trách nhiệm với sự phát triển bền vững của nhân loại; là thông điệp mạnh mẽ về sự kết hợp giữa các nguyên lý đạo đức và tinh thần của Phật giáo trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững trước những thách thức toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu…
Căn nguyên là do tham sân si tạo nên. Hòa thượng nhấn mạnh, chỉ có sống cuộc đời tịnh lạc mới là niềm an vui đích thực.
Hòa thượng cũng lược giải khái niệm về đoàn kết và khẳng định, Phật giáo Việt Nam nhờ tinh thần đoàn kết hòa hợp nên mới thống nhất được Phật giáo. Và Tăng Ni đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh là bản thể Tăng già.
Về bao dung, đây là phẩm hạnh quan trọng trong Phật giáo, thể hiện lòng từ bi và khoan dung đối với những khác biệt về văn hóa, tôn giáo hay chủng tộc; chấp nhận tôn trọng sự đa dạng của nhân loại, thấu hiểu sự khác biệt ấy và không lấy tư kiến áp đặt người khác. Vì thế, đoàn kết chưa đủ mà cần có sự bao dung.
Phật giáo luôn lấy nguyên tắc cơ bản là tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của con người, nhấn mạnh sự quý giá của sinh mạng, khuyến khích bảo vệ và nâng cao nhân phẩm của tất cả mọi người. Vì vậy, trong bài giảng, Hòa thượng cũng giảng giải kĩ cho hàng Phật tử hiểu về khái niệm “Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Theo Hòa thượng, “Tuệ giác Phật giáo” luôn hướng đến trí tuệ, sự sáng suốt và nhận thức đúng đắn về thế giới, giúp con người giải thoát khỏi đau khổ và phiền muộn. Tuệ giác này còn có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Hòa bình thế giới” không chỉ là ngừng xung đột mà còn là một trạng thái của sự hiểu biết, lòng từ bi và hợp tác giữa các dân tộc. Phật giáo cổ vũ cho việc hòa giải và giảm thiểu mâu thuẫn thông qua việc phát triển tâm hồn và trí tuệ.
Về “Phát triển bền vững” là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của thế hệ tương lai. Phật giáo luôn nhấn mạnh sự kết nối và tương tác giữa con người với thiên nhiên, với các sinh vật khác và với môi trường xunh quanh.
Từ những khái niệm trên đây, Hòa Thượng chỉ ra ba cách vận dụng giáo lý Phật giáo vào trong các chính sách toàn cầu về môi trường, giáo dục, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn giáo.
Thứ nhất: Chấp nhận nhiều góc nhìn về các nền tảng văn hóa khác nhau, nuôi dưỡng sự đồng cảm, hiểu biết và hợp tác; đẩy mạnh chính sách hòa bình, giải quyết xung đột.
Thứ hai: Trau dồi năng lực liên văn hóa, nuôi dưỡng ý thức về quyền công dân toàn cầu, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị trên toàn thế giới, nhấn mạnh phát triển bền vững trong các chính sách quốc tế.
Thứ ba: Nêu cao tầm nhìn chung cho một thế giới thống nhất, hòa hợp toàn cầu như một mục tiêu quan trọng để cải thiện nhân loại, giải quyết khủng hoảng môi trường, xung đột chiến tranh.
Từ trên đây có thể thấy, tuệ giác Phật giáo là kim chỉ nam giúp hướng đến một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững. Phật giáo không chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai tươi sáng, hòa bình và bền vững.
Cuối thời pháp, Hòa thượng nhắn nhủ tới toàn thể đại chúng: “Hướng về đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, tất cả chúng ta cần bày tỏ lòng kính ngưỡng Đức Thế Tôn, thừa hành hạnh nguyện của Chư lịch đại Tổ sư mà dấn thân phụng sự Giáo hội, bằng tuệ giác có được nhờ vào nỗ lực tu tập của tự thân.
Nhờ đây mà chúng ta có được đức tin vững chãi, an bình nội tâm và phát nguyện dấn thân phụng sự để xây dựng cảnh giới Tịnh độ giữa thế gian đầy nhiệt não này. Do đó, phẩm hạnh tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn là lễ phẩm cao quý dâng lên cúng dàng Đức Thế Tôn”.
Sau thời pháp, đại chúng cùng dâng lời phát nguyện đời đời kiếp kiếp là Hành giả Pháp Hoa và tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa dưới sự chủ sám của Ban Nghi lễ.
Vào buổi trưa, hơn 3000 Phật tử nhận các suất cơm chay trên tay, yên lặng tĩnh tâm hướng về Hòa thượng Ân sư Thích Bảo Nghiêm và chư Tôn đức Tăng trong thời khóa cúng Ngọ và dùng cơm chay ấm áp tình thầy trò trong chính niệm.
Ngay sau đó, đại chúng tiếp tục bước vào khóa lễ tụng Kinh Bổn Môn Pháp Hoa hồi hướng cầu nguyện thế giới hòa bình, Phật pháp hưng long, nhân dân an lạc hạnh phúc.
Kết thúc thời khóa, đại chúng cung đón Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và Chư tôn đức Tăng Ni quang lâm lễ đài để làm lễ bế mạc khóa tu.
Tại đây, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã một lần nữa tri ân Ni trưởng Thích Đàm Bích – trụ trì tổ đình Linh Ứng cũng như chính quyền nhân dân địa phương sở tại đã tạo điều kiện, ủng hộ cho khóa tu được viên mãn. Đồng thời, Hòa thượng khẳng định sự hòa hợp trong sinh hoạt và tu tập trong mỗi tập thể Đạo tràng là điều rất quan trọng.
Nhân đây, Hòa thượng cũng thông báo tới đại chúng về hai khóa tu khu vực vào cuối tháng 6 nhuận tại miền duyên hải – Hải Phòng và cuối tháng 8 tại vùng Tây Bắc. Sau khi Kết thúc ba khóa tu khu vực trong năm, sẽ hướng đến khóa Tổng tu của toàn Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc vào đầu tháng 10 sẽ diễn ra tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). Hòa Thượng cũng động viên đại chúng tinh tiến tu tập, củng cố trang nghiêm Đạo tràng để hướng đến kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo và 28 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Hướng đến mùa Phật đản, Hòa thượng cũng nhắc nhở các Phật tử ở địa phương nào thì tham gia Đại lễ Phật đản tại địa phương đó, cần tham gia chấp tác, cùng quý Thầy tôn trí, chuẩn bị cho đại lễ được trang nghiêm. Đồng thời, hàng Phật tử phải luôn nỗ lực tu tập hành trì, chuyển hóa tam độc, xứng đáng là người con của Đức Phật.
Khóa tu kết thúc trong niềm an vui, hỷ lạc của toàn thể đại chúng.
Diệu Tường - Minh Thùy - Quang Phước