;
Nhân Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) sẽ chính thức diễn ra trong 02 ngày (từ ngày 21-22/11/2017) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1250 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên HĐCM; Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ thành viên HĐTS GHPGVN; Đại biểu các Ban, Viện trực thuộc T.Ư Giáo hội; BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố trong nước; Đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam ở Hải ngoại.
Cuộc họp có sự chứng minh của HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban tổ chức Đại hội VIII; HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Báo chí Đại hội VIII; TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Nội dung Đại hội VIII; cùng Chư tôn đức Tăng và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí về tham dự.
Đại hội Với Chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: Tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nhiệm kỳ VII (2012-2017); Thảo luận chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022); Thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI; Suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, Suy cử Hội đồng Trị sự Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và một số phật sự quan trọng khác.
HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Báo chí Đại hội VIII cho biết, Ban tổ chức sẽ có Trung tâm Báo chí đón tiếp và cung cấp tài liệu đến phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại phòng báo chí tầng 2,Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô để thuận tiện cho việc khai thác thông tin Đại hội VIII.
Tại buổi Họp báo HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban tổ chức Đại hội VIII cho biết, Đại hội sẽ tập trung thảo luận những công tác phật sự trọng yếu trong nhiệm kỳ VII (2012-2017) như: Công tác kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác Tăng sự; công tác giáo dục đào tạo Tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác thông tin truyền thông; công tác kinh tế tài chính; và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Các tham luận thảo luận tại Đại hội sẽ đánh giá, phát huy những kết quả thành tựu phật sự, chỉ ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác điều hành các hoạt động phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ đề ra phương hướng hoạt động phật sự cho Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) nhằm đáp ứng sự phát triển và tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.
TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Nội dung Đại hội VIII đã trình bày các thông tin quan trọng, trong Nhiệm kỳ 2012-2017 Giáo hội đã thành lập BTS GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học, nổi bật là đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ diễn ra từ ngày 7 - 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình;
Khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Tiếp tục cử chư tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; Cử nhiều đoàn gồm Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và tăng ni, phật tử ra thăm quân và dân ta ở quần đảo Trường Sa; Khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc 2014, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015, tỉnh Cao Bằng, chùa Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, đền chùa sông Bắc Luân, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh…
Ngoài ra, Đại hội sẽ tập trung thảo luận nội dung sửa đổi một vài điểm trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp với thực tiễn điều hành hoạt động phật sự trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với luật pháp Nhà nước trong bối cảnh Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 01/2018 nhằm đạt được hiệu quả phật sự cao nhất với mục đích làm ích đạo, lợi đời, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.